MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Lễ an táng Cha Gioan Baotixita Lê Quý Đức – Mục Tử “Nặng Mùi Chiên” Tiên Phước


Từ nhiều nguồn tư liệu, Tôi được biết Cha Gioan Baotixita (GB) là tấm gương trọn vẹn tình Chúa và tình người….

Những ngày thơ ấu:

+ Cha GB sinh ngày 25/4/1922, tại Gò Thị, Xuân Phương, Phước Sơn, Tuy Phước, Bình Định.

Trong một gia đình Đạo đức, Cha của Ngài là Trưởng Giáo họ (Ông Trùm họ) của Giáo xứ Gò Thị, Giáo phận Qui Nhơn.

+ Năm lên 7 tuổi (1929), mẹ mất ; nhưng được Người cha hết lòng chăm sóc, nhất là hướng dẫn đời sống Đạo.

+ 12 tuổi (1934), vào học Tiểu Chủng viện Làng Sông – Quy Nhơn.

+ 15 tuổi (1937), mồ côi cha. Khi mồ côi cả song thân, Ngài càng quyết tâm gắn bó, phó thác đời mình vào Thiên Chúa là Cha, nép mình vào tình yêu thương từ ái của Đức Maria là Mẹ.

+ 1934 – 1942: Học tại Tiểu Chủng viện Làng Sông – Qui Nhơn.

+ 1942 – 1944: Tốt nghiệp Trung học. Ngài trở về quê, được sự đồng ý của người anh, Ngài bán phần ruộng vườn thừa kế, do cha mẹ để lại cho mình, lấy tiền chia cho người nghèo trong vùng, và dứt khoát tận hiến cuộc đời cho Chúa và Giáo Hội.

Tận hiến cho Chúa và Giáo Hội:

+ 1944-1946: đi thử tại La Nang (Quảng Nam)

+ 1946-1950: Học Thần học tại Chủng viện Làng Sông – Qui Nhơn

+ 1950-1955: Thầy xứ

+ 17/5/1955: Đức Cha Marcel Piquet Lợi – Giám mục Nha Trang – Qui Nhơn, phong chức Linh mục cho Cha GB Lê Quý Đức

+ 15 /7/1955 đến 23/ 12/1955: Cha sở Thuận Yên – Quảng Nam

+ 1955-1960: Cha sở Quế Phương, Tiên phước (một phần của Giáo xứ Tiên Phước ngày nay). Cha GB qui tụ và lập được 12 Giáo khóm, có số Giáo dân hơn 2000 người.

+ 1960-1961: Ngài bị sốt ác tính, phải nghĩ dưỡng bệnh tại Chủng viện Làng Sông – Qui Nhơn.

+ Năm 1961; Giáo xứ Tiên Phước – Giáo phận Qui Nhơn được thành lập, Cha GB được Đức Cha Giáo phận Qui Nhơn (lúc đó chưa thành lập Giáo phận Đà Nẵng) bổ nhiệm làm Linh mục Quản xứ tiên khởi Giáo xứ Tiên Phước. Một giáo xứ miền sơn cước, núi non hiểm trở, đi lại khó khăn, phương tiện đi mục vụ của Cha chủ yếu bằng xe đạp. Giáo dân sống rải rác trên diện rộng của Huyện Tiên Phước và Huyện Trà My, đời sống khó khăn. Cha luôn sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ mọi người, nhất là người nghèo. Cuộc sống của Cha đơn sơ đạm bạc, Cha con cùng đồng lao cộng khổ. Nhất là trong giai đoạn lịch sử rối ren, từ 1963 đến 1975, chiến tranh xảy ra, con đường giao thông huyết mạch từ Tiên Phước về Tam Kỳ bị cắt đứt, đồng nghĩa về Tòa Giám mục để được hiệp thông chia sẻ cũng không còn (vào thời đó vấn đề thông tin liên lạc còn lạc hậu, chưa có điện thoại như bây giờ). Với tình hình đó, Đức Cha Phê-rô Maria Phạm Ngọc Chi (Giám mục tiên khởi GP Đà Nẵng - đương nhiệm lúc đó) có ý thuyên chuyển Cha ra khỏi vùng chiến sự, nhưng Cha xin được ở lại với đoàn chiên của mình để yêu thương nâng đỡ về mọi vấn đề và nhu cầu cuộc sống, trao ban Lời Chúa và Của ăn thiêng liêng nuôi sống Dân Thiên Chúa.

+ 18/1/1963: Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ký Sắc chỉ “In Vitae Naturalis similitudinem” thành lập Giáo phận Đà Nẵng, gồm tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, tách ra khỏi Giáo phận Qui Nhơn. Từ đây, Cha GB trở thành Linh mục đoàn của Giáo phận Đà Nẵng.

+ Năm 1964: Trận lụt lịch sử Năm Thìn kinh hoàng, nước lụt nhấn chìm tất cả, mọi nơi trở thành mênh mông biển nước, Cha bám được trên ngọn một cây mít, suốt một ngày đêm, đến khi có ca-nô đến ứng cứu. Sau cơn lũ lụt, cuốn trôi tất cả, Cha con lại phải làm lại từ đầu… có lúc không còn gì để ăn, lại dùng rau rừng và củ mì (củ sắn) … để sống tạm qua ngày. Sự khó khăn còn lên đỉnh điểm, khi chiến tranh ngày càng khốc liệt, không thể gieo trồng sản xuất, lương thực chút ít lại còn bị sung vào quỹ nuôi quân cho các binh sĩ địa phương. Vì thế, có lúc từng nắm gạo nhỏ được gói cẩn thận, hoặc cho vào vỏ ống đạn, chôn xuống đất, để dành sống cầm hơi.

Đa số Giáo dân di tản ra khỏi vùng chiến sự, nhưng Cha quyết tâm ở lại với đoàn chiên của mình, không trốn chạy hoàn cảnh, yêu thương người nghèo, cứu chữa băng bó vết thương cho những nạn nhân chiến tranh trong làn lưới đạn, sống tinh thần của Thánh Phao lô “vui với người vui, khóc với người khóc” (những người còn ở lại). Vì thế, nhà thờ và Cha Quản xứ, là nơi nương tựa tinh thần cho người Giáo dân Tiên Phước, trong giai đoạn khó khăn nhất này. Và cũng nhờ đó, nhà thờ và khuôn viên Giáo xứ Tiên phước còn như ngày nay. Sau chiến tranh, Giáo xứ từng bước hồi sinh, Cha hướng dẫn trong sản xuất, giúp đỡ chăm sóc đời sống Đạo và nhu cầu thiết yếu cuộc sống cho giáo dân và bất cứ những ai cần đến sự giúp đỡ của Ngài.

+ Sau 1975: Giáo dân từ 700 người, ngày càng thêm đông… đến nay hơn 1500 người

+ 22/4/1990: Đức Cha cho Ngài về nghĩ hưu, nhưng Ngài xin Đức Cha cho nghĩ hưu tại Giáo xứ Tiên Phước cho đến 2005, nơi mảnh đất Cha gắn bó cả cuộc đời, sống trọn vẹn tình Chúa tình người, Cha GB là Mục tử “Nặng Mùi Chiên” (Đức Thánh Cha Phan-xi-cô)

+ 2005-2016: Cha về hưu dưỡng tại Tòa giám mục Đà Nẵng. Cha hiểu hoàn cảnh từng người Giáo dân Tiên Phước, như người mục tử hiểu rõ từng con chiên. Ngay cả khi già yếu hưu dưỡng tại Tòa giám mục, nhưng những Giáo dân Tiên Phước đến thăm, lại dành những đồng tiền từ những người thân quen tặng, trao tặng cho họ để có tiền xe trở về Tiên Phước, vì Cha cho biết “Họ nghèo lắm…”

+ Cha GB sống đời sống phó thác và vâng phục tuyệt đối vào Thiên Chúa và Bề trên, chu toàn trọn hảo tác vụ được lãnh nhận, suy niệm Lời Chúa và luôn kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể. Khi già yếu, hưu dưỡng, hằng tháng vẫn đọc tập “5 phút Lời Chúa mỗi ngày”…

+ Ngày 18/9/2016: Ngài trở về Nhà cha trên trời, kết thúc một chặng đường sống cho Chúa và chết cho anh em. Cha hưởng thọ 94 tuổi, 61 năm Linh mục, 51 năm Quản xứ và hưu dưỡng tại Tiên Phước. Công ơn của Cha cho Giáo xứ Tiên Phước, không gì so sánh được.

+ Thương nhớ Cha GB, Cha Philipphe Maria Lê Văn Vui (CSsR) (Chính xứ), Cha Giuse Đinh Hữu Thoại (Phó xứ) và đoàn con Tiên Phước hơn 150 người, ngày 20/9/2016, tìm đến hội trường giáo xứ Chính Tòa, nơi đang quàng xác Cha, để kính viếng Cha GB với lòng biết ơn vô hạn

Thánh lễ an táng:

Đức Giám mục giáo phận, chủ sự Thánh lễ an táng Cha GB lúc 7 giờ, ngày 21 /9/2016, tại nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng, Linh mục đoàn, quý cha bạn và thân quen với Cha GB, Bà con huyết tộc và Linh tộc và cộng đoàn Dân chúa đông đảo đã đến hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện: xin Chúa ôm Cha GB vào lòng Chúa, và ân thưởng cho Cha.

Với niềm tin vào Chúa Ki-tô tử nạn và Phục sinh, hiệp dâng Thánh lễ đề hy vọng Chúa cho mỗi người, cách riêng Cha GB, sau chặng đường đầy gian nan thử thách, như vàng tôi trong lửa được tinh luyện, và trở nên sáng đẹp tinh tuyền, Người Công chính cũng được phục sinh với Chúa, sau khi qua thử thách gian nan.

Cuối Thánh lễ, Cha An-tôn Trần Văn Trường, Đại diện Linh mục đoàn nói lời tiển biệt Cha GB. Cha An Tôn nhắc lại những kỷ niệm đẹp của Linh mục trẻ Gioan Bao-ti-xi-ta dấn thân hy sinh cho đoàn chiên Tiên Phước trong nhiều giai đoạn khác nhau của Lịch sử, những chứng từ thật cảm động, lay động lòng người… những cử chỉ lời nói, ánh mắt nụ cười trước lúc “đi xa”, làm cay cay khóe mắt người hiện diện.

Tiếp đó, tất cả giáo dân Tiên Phước và bà con thân quen của Cha GB, cùng quì gối trước vong linh, Vị Đại diện thân thưa với Cha GB những kỷ niệm vui buồn của Cha Con Tiên Phước, những khó khăn đã đến, rồi đi qua, những hoa trái thu gặt được, những tâm tình biết ơn vô hạn đối với Cha, và lời tiển biệt xé lòng… đẫm nước mắt.

Sau Thánh lễ, linh cửu Cha được đưa về an táng tại nghĩa trang các Linh mục giáo phận tại Đất thánh An Ngãi, thuộc giáo xứ An Ngãi- Giáo phận Đà Nẵng.

Cha Gioan Baotixita, trọn đời theo Chúa và phụng sự Chúa, xin Chúa ôm Cha vào lòng.

Xin Cha cầu cùng Chúa cho mỗi người chúng con, đặc biệt các Linh mục, biết sống và chết như Cha.

Tôma Trương Văn Ân & BMVTT/GP


liem-cha-duc_1
liem-cha-duc_2
liem-cha-duc_3
liem-cha-duc_4
liem-cha-duc_5
liem-cha-duc_6
liem-cha-duc_7
liem-cha-duc_8
liem-cha-duc_9
le-an-tang-cha-duc_1
le-an-tang-cha-duc_2
le-an-tang-cha-duc_3
le-an-tang-cha-duc_4
le-an-tang-cha-duc_5
le-an-tang-cha-duc_6
le-an-tang-cha-duc_7
le-an-tang-cha-duc_8
le-an-tang-cha-duc_9
le-an-tang-cha-duc_10
le-an-tang-cha-duc_11
le-an-tang-cha-duc_12
le-an-tang-cha-duc_13
le-an-tang-cha-duc_14
le-an-tang-cha-duc_15
le-an-tang-cha-duc_16
le-an-tang-cha-duc_17
le-an-tang-cha-duc_18
le-an-tang-cha-duc_19
le-an-tang-cha-duc_20
le-an-tang-cha-duc_21

(Nguồn: WGPĐN)