MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Bài phỏng vấn Đức Phanxicô trên chuyến bay từ Baku về Roma


Trên chuyến bay từ Baku về Roma, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trả lời nhiều câu hỏi về các vấn đề, đồng tính, li hôn, các chuyến công du năm 2017, hòa bình và cuộc sống chính trị.

Cha đã nói về việc chủ trương giới tính hủy hoại hôn nhân. Cha sẽ nói gì với những người đang chịu đau khổ và cảm thấy đặc tính tính dục của mình không tương đồng với đặc tính sinh học?

Suốt cuộc đời làm linh mục, giám mục và cả giáo hoàng, cha đã đồng hành với những người có chiều hướng đồng tính và cả những người sống đồng tính. Cha đã đồng hành với họ và đưa họ gần lại với Thiên Chúa, có một số người không thể làm vậy… Nhưng phải đồng hành với họ, như Chúa Giêsu đồng hành với họ. Khi có người trong tình trạng này chạy đến với Chúa Giêsu, chắc chắn Ngài sẽ không nói: “Cút đi, bởi ngươi là đồng tính luyến ái!”

Cha muốn nói về sự ác tâm thời nay, khi nhồi sọ người ta bằng thuyết giới tính. Một người Pháp từng bảo cha rằng, có lần ông nói chuyện với con cái trong bữa ăn, và đã hỏi đứa con trai 10 tuổi: “Con muốn làm gì khi lớn lên?” “Làm con gái!” đứa con trai đáp. Người cha nhận ra rằng các sách giáo khoa ở trường dạy về giới tính đang đi ngược lại tự nhiên. Với một người có chiều hướng hay lựa chọn đồng tính, hay những người chuyển giới, là một chuyện. Nhưng dạy như thế ở trường, để thay đổi tâm tính con người lại là chuyện khác. Đây là cái cha gọi là “thực dân hệ tư tưởng.”

Năm ngoái cha đã nhận được một lá thư từ một người đàn ông Tây Ban Nha, kể với cha về tuổi thơ và thiếu niên của ông. Lúc đó, ông là một bé gái chịu nhiều đau khổ. Cô bé cảm thấy mình như con trai, nhưng cơ thể lại là con gái. Cô đã kể với mẹ về chuyện này, nói rằng mình muốn chuyển giới. Bà mẹ xin cô đừng làm chuyện đó khi bà còn sống. Rồi bà qua đời. Cô gái đã chuyển giới và giờ đang làm việc mục vụ ở Tây Ban Nha. Ông tìm đến gặp giám mục, và giám mục đã hướng dẫn cho ông rất nhiều. Đúng là một giám mục tốt, đã “phí” thời gian đồng hành với người này. Về sau, ông này kết hôn, đổi thẻ căn cước, và ông viết thư nói rằng sẽ rất vui nếu được gặp cha. Cha đã tiếp họ. Ông nói với cha rằng ở vùng ông sống, có một linh mục hưu cao niên, một linh mục quản xứ lớn tuổi, và một linh mục trẻ. Khi linh mục trẻ thấy ông, thì liền hét từ phía bên kia đường: “Ông sẽ xuống hỏa ngục!” Nhưng khi ông gặp linh mục lớn tuổi, cha liền nói: “Bao lâu rồi ông chưa xưng tội? Đến đây, đến đây đi…”

Cuộc sống là cuộc sống, và phải đón nhận khi nó đến. Tội là tội. Chiều hướng hay sự mất cân bằng hóc-môn gây nên chiều vấn đề và chúng ta cần phải cẩn thận khi đánh đồng mọi trường hợp. Chúng ta cần phải nắm bắt và nghiên cứu từng trường hợp, đồng hành với họ, nhận thức và hòa nhập cho họ. Đây là điều mà Chúa Giêsu hẳn sẽ làm thời nay.

Nhưng xin đừng đi rêu rao: “Đức Giáo hoàng xem chuyển giới là thánh thiện!” Cha có thể lên trang nhất các báo, nhưng nó thật vô lý.

Đây là vấn đề của nhân loại, là vấn đề luân lý. Và chúng ta cần giải quyết hết sức mình, luôn luôn tiếp cận với lòng thương xót Chúa và với sự thật, luôn luôn với một tấm lòng rộng mở.”

Ngày hôm qua, cha đã nói về chiến tranh của thế giới chống lại hôn nhân, cha dùng những từ mạnh mẽ phản đối li hôn. Nhưng trong những tháng qua, Giáo hội đã bàn thảo về việc chào đón những người đã li hôn.

“Tông thư Amoris Laetitia nói về cách xử lý với những trường hợp này, nói về những gia đình bị tổn thương và lòng thương xót với những gia đình đó. Con người yếu đuối, và có tội, nhưng điều cuối cùng tồn tại không bao giờ là yếu đuối hay tội, nhưng là lòng thương xót. Hôn nhân có vấn đề, và làm sao để giải quyết? Có bốn cách: chào đón các gia đình bi tổn thương, đồng hành với họ, nhận định từng trường hợp, và hòa nhập họ. Điều này nghĩa là cộng tác vớii công cuộc tái tạo kỳ diệu của Thiên Chúa trong sự cứu chuộc. Phải đọc Amoris Laetitia một cách trọn vẹn, từ đầu đến cuối. Có tội và có chia rẽ, nhưng cũng có chữa trị, lòng thương xót, và ơn cứu chuộc.”

Cha dự định sẽ có các chuyến tông du quốc tế nào trong năm 2017?

“Cha sẽ thăm Bồ Đào Nha và chỉ đến Fatima mà thôi. Gần như chắc chắn cha sẽ thăm Ấn Độ và Bangladesh. Cha chưa chắc về chuyến đi châu Phi, nó còn tùy vào tình trạng chính trị và chiến tranh đang diễn ra. Còn về Colombia, cha đã nói là nếu tiến trình hòa bình tiến triển, khi mọi thứ ổn định, nếu như cuộc trưng cầu dân ý tốt đẹp, mọi thứ an toàn và rõ ràng, có lẽ cha sẽ đi…”

Có chướng ngại gì ngăn cản Đức Giáo hoàng đến thăm Trung Quốc?

Cần thiết lập mối giao hảo tốt giữa Vatican và Trung Quốc, và điều này cần có thời gian. Mọi thứ đang diễn biến chậm, nhưng ổn cả, dục tốc bất đạt. Cha quý trọng dân tộc Trung Hoa. Hôm kia, có một hội nghị ở Học viện khoa học Giáo hoàng, và có một phái đoàn Trung Quốc dự, tổng thống có gởi cho cha một món quà. Cha muốn đến thăm, nhưng cha nghĩ là chưa được…

Để đạt được hòa bình trường tồn giữa Armenia và Azerbaijan, cần có điều gì?

“Đối thoại trực diện và chân thành là cách duy nhất, không có những đổi chác bí mật. Cần có thương lượng chân thành. Nếu không thể làm thế, thì họ cần có can đảm để ra tòa án quốc tế như Hague và để cho quyền thẩm phán quốc tế ra phán quyết. Còn con đường khác là chiến tranh. Nhưng chiến tranh là mất hết tất cả!”

Có nhiều ứng viên cho Giải Nobel Hòa bình sắp đến. Cha hi vọng ai sẽ thắng giải?

“Có quá nhiều người đang sống để kích động chiến tranh, bán vũ khí, và giết người. Nhưng cũng có những người làm việc vì hòa bình. Cha không chắc mình muốn chọn ai, khó chọn lắm. Cha hi vọng sẽ có lời tuyên bố ở tầm mức quốc tế, nhắc cho chúng ta biết về các trẻ em, những người khuyết tật, thường dân đã chết vì ném bom trong chiến tranh. Chúng ta tin đấy là tội chống lại Chúa Giêsu Kitô, bởi máu thịt của những trẻ em, người bệnh, người già không tấc sắt đó, chính là máu thịt Chúa Giêsu Kitô. Nhân loại phải lên tiếng về các nạn nhân chiến tranh.”

Trong các ứng viên tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, người Công giáo nên chọn ai? Một người thì xa rời các giáo huấn của Giáo hội, người kia thì có những phát biểu gây tranh cãi về người nhập cư và thiểu số…

“Đây là câu hỏi khó, bởi theo ý con, cả hai người đều có vấn đề. Cha chưa từng gợi ý gì trong các chiến dịch tranh cử. Mỗi dân tộc đều có chủ quyền, và cha chỉ muốn nói rằng: hãy thực nắm bắt rõ chương trình tranh cử của họ, cầu nguyện và chọn theo lương tâm mình! Cha không nói về trường hợp cụ thể này, nhưng cha thấy khi một nước nào đó, có hai, ba, bốn ứng viên tranh cử, mà chẳng ai khiến mọi người thấy thỏa mãn, thì nghĩa là đời sống chính trị quốc gia đó đã quá chính trị hóa mà lại không có văn hóa chính trị. Có những quốc gia, cha nghĩ về những nước Mỹ La tinh, bị chính trị hóa quá mức nhưng lại không có văn hóa chính trị, họ thiếu suy nghĩ rõ ràng về những căn cứ, về những hứa hẹn.”

Andrea Tornielli (Vatican Insider) | J.B. Thái Hòa chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)