MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Công giáo và Anh giáo, một bước tiến đến hợp nhất


Chiều thứ tư 5 tháng 10, Đức Phanxicô và Tổng Giám mục Anh giáo Justin Welby, địa phận Canterbury nước Anh đã cùng cử hành kinh chiều ở nhà thờ Saint-Grégoire-au-Celio, Rôma. Trong phần chú giải bài đọc hôm nay, Đức Phanxicô đã triển khai chủ đề hợp nhất trong Giáo hội, ngài kêu gọi các giám chức Công giáo và Anh giáo cùng rao giảng Tin Mừng. Buổi kinh chiều hôm nay là buổi đầu tiên trong lịch sử, kể từ cuộc Cải cách năm 1534, một giáo hoàng và một lãnh đạo Anh giáo cùng đọc kinh chung với nhau trước công chúng.

Buổi kinh chiều được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày gặp gỡ trong riêng tư giữa Chân phước Phaolô VI (1963-1978) và Tổng Giám mục địa phận Canterbury, Michael Ramsey, và việc thành lập Trung tâm Anh giáo ở Rôma. Buổi phụng vụ kinh chiều có sự tham dự của 36 giám mục Anh giáo và Công giáo của 19 nước khác nhau, trước đó họ có buổi họp trao đổi từ ngày 30 tháng 9, đây là một buổi họp lịch sử.

Thiên Chúa muốn hợp nhất dân Ngài

Đức Phanxicô giảng bài giảng của mình dựa trên bài đọc trong ngày của tiên tri Ê-dê-ki-en (Ed 34: 12): “Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta, và Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt.” Ngài nhấn mạnh đến sứ điệp hợp nhất trong đoạn Cựu Ước: “Là Mục tử, Thiên Chúa muốn sự hiệp nhất của dân Ngài, Ngài muốn còn hơn là các linh mục của Ngài đã không tiếc sức làm trong đường hướng này.”

“Chúa đến để cho chúng ta thấy lý do đàn chiên mình bị chia rẽ: trong những ngày mây đen mù mịt, chúng ta không còn thấy người anh em ở bên cạnh chúng ta”, Đức Phanxicô nhấn mạnh và thấy đây là “mù mịt của sự không thông hiểu, của nghi ngờ, mây đen của những bất đồng và của tranh chấp.” Đối với Đức Phanxicô, những vấn đề này đã xảy ra do các lý do lịch sử và văn hóa hơn là lý do thần học.

“Một đà vươn lên của hiệp thông và sứ vụ”

Đức Phanxicô cũng khẳng định, Chúa xin chúng ta đi đến một đơn vị hiệp nhất lớn hơn và chỉ có thể thực hiện được nhờ ân sủng của Ngài. Ngài giải thích, chỉ trong sự phong phú mà chúng ta mới có thể đi từ bóng tối ra ánh sáng, từ phân tán đến hợp nhất.

Đặc biệt khi nói đến các giám chức Công giáo và Anh giáo hiện diện, Đức Phanxicô khẳng định, con đường hiệp thông là sứ vụ đặc biệt của họ. Ngài xin họ luôn đặt câu hỏi này: “Tại sao tôi không làm chuyện này chung với anh em Anh giáo của tôi; tại sao chúng ta không thể làm chứng cho Chúa Giêsu bằng cách cùng hành động chung với anh em công giáo?”

Kỷ niệm Edimbourg

Ngài nhấn mạnh: “Sứ vụ của các mục tử là giúp đàn chiên ø mình được giao phó để họ tuyên xưng niềm vui Tin Mừng, và không để mình bị sai lầm khi dẫn họ đến một “thế giới tôn giáo chật hẹp,” ngài nhấn mạnh, đó là đẩy họ đến vùng mây đen và mù mịt.

Sau đó Đức Phanxicô nhắc lại sự kiện đã xảy ra ở Edimbourg thủ đô nước Scotland khi có một cuộc hội thảo quốc tế truyền giáo được tổ chức tại đây năm 1910. Biến cố lịch sử này được xem như sự khai mở các sứ mạng phúc âm hóa và cũng là mở đầu một phong trào đại kết do sáng kiến của Tin Lành. “Ngọn lửa sứ mạng đã được thắp sáng để chúng ta vượt lên các trở ngại và phá vỡ các hàng rào cản làm cho chúng ta bị cô lập không mở ra được một con đường chung.”

“Chúng ta cùng cầu nguyện chung cho công việc này: Xin Chúa cho chúng ta nảy sinh ở đây một đà hiệp thông và sứ mạng mới”, Đức Phanxicô kết luận trước khi cùng Đức Tổng Giám mục Justin Welby ban phép lành các tín hữu có mặt. (cath.ch)

Marta An Nguyễn chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)