TBILISI. Chiều ngày 30-9-2016, ĐTC cổ võ sống chung hòa bình giữa các dân tộc tại Cộng hòa Georgia đồng thời tôn trọng công pháp quốc tế về chủ quyền của mỗi người.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi gặp gỡ Tổng thống, các giới chức chính quyền, cũng như đại diện các tầng lớp xã hội và văn hóa của cộng hòa Georgia. Đây là hoạt động đầu tiên của ngài trong chuyến viếng thăm thăm Cộng Hòa Georgia và Azerbaigian trong 3 ngày cho đến chiều tối chúa nhật 2-10 tới đây.
Đây là chuyến viếng thăm thứ 16 của ĐTC tại nước ngoài và là phần thứ 2 trong cuộc viếng thăm miền Caucase. Phần đầu ngài đã thực hiện tại Cộng hòa Armeni từ ngày 24 đến 26-6 năm nay. Cả 3 quốc gia này đều có con số tín hữu Công Giáo ít ỏi, nhưng qua các cuộc viếng thăm này, ĐTC muốn cổ võ những quan hệ đại kết, hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc. Nói khác đi ngài muốn thi hành một sứ mạng hòa bình và hiệp nhất, như nhận xét của ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh.
ĐTC đã rời Roma lúc 9 giờ 25 và đến phi trường thủ đô Tbilisi của Georgia lúc 15 giờ chiều (13 giờ giờ Roma). Cùng đi với ngài có đoàn tùy tùng 30 người và 70 ký giả quốc tế.
Vài nét về Georgia
Cộng hòa Georgia chỉ rộng 70 ngàn cây số vuông với dân số 4 triệu rưỡi dân cư trong đó gần 84% là tín hữu Chính Thống giáo, khoảng 10% theo Hồi giáo, số tín hữu Công giáo là 112 ngàn người, tương đương với 2,5% dân số toàn quốc. Họ sống tại thủ đô Tbilisi và miền nam của Georgia, đa số thuộc nghi lễ la tinh và Armeni, nhưng cũng có một cộng đoàn nhỏ các tín hữu nghi lễ Canđê. Tổng cộng tại nước này, Công Giáo có 32 giáo xứ, 2 giám mục, 28 linh mục triều và dòng (14+14), hai tu huynh và 37 nữ tu. Ngoài ra có 12 đại chủng sinh và 2 tiểu chủng sinh. Giáo Hội Công Giáo ở Georgia chỉ có 2 trường mẫu giáo và một trường cao đẳng.
Giáo Hội Chính Thống Georgia có khoảng 4 triệu tín hữu. và là một đối tác khó khăn trong quan hệ với Công Giáo và cả đối với các Giáo Hội chính thống khác. Chính Thống Georgia đã từ chối tham dự Công đồng Liên chính thống giáo hồi cuối tháng 6 năm 2016 ở đảo Creta bên Hy Lạp, giống như Giáo Hội Chính Thống Nga.
Gặp gỡ chính quyền
Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC đã được tổng thống Giorgi Margvelashvili cùng với phu nhân chào đón cùng với Đức Thượng Phụ Ilia II và một số quan chức và chức sắc, đặc biệt là hai vị GM Công Giáo, một thuộc nghi lễ la tinh và một thuộc nghi lễ Armeni. 2 em bé trong y phục cổ truyền của Georgia dâng tặng ĐTC một rổ nho, một sản phẩm nổi bật của nước này. Sau nghi thức chào cờ, duyệt qua hàng quân danh dự và giới thiệu các thành phần hai phái đoàn, ĐTC đã vào phòng khánh tiết hội kiến với Tổng thống, trước khi về phủ tổng thống vào lúc 3 giờ rưỡi để chào thăm chính thức.
Tổng thống Margvelaschivili của Georgia năm nay 47 tuổi (1969), đậu tiến sĩ triết học, nguyên là viện trưởng Học viện công vụ, rồi làm bộ trưởng giáo dục, tiếp đến làm phó thủ tướng. Sau cùng ông đắc cử tổng thống cách đây 3 năm.
Sau khi gặp gỡ tổng thống và gia đình ông, ĐTC đã tiến ra khuôn viên danh dự tổng thống để gặp gỡ 400 người gồm các quan chức chính trị và tôn giáo, ngoại giao đoàn, cũng như đại diện các tầng lớp xã hội dân sự và văn hóa.
Trong lời chào mừng ĐTC, tổng thống cám ơn sự ủng hộ của Tòa Thánh dành cho đất nước Georgia, đặc biệt trong thời kỳ bị Nga tấn công hồi năm 2008. Ông cũng nhắc đến những quan hệ giữa Vatican, Giáo Hội Công Giáo và Georgia qua dòng lịch sử và đề cao vai trò của Georgia không những thuộc về nền văn minh Âu Châu, nhưng còn là một trong những nước kiến tạo nền văn minh này. Sau cùng ông cho biết 20% lãnh thổ của Georgia vẫn còn bị chiếm và 15% dân chúng là người tị nạn. Những vùng bị những người gốc Nga chiếm đóng. Dầu vậy, Georgia không tìm kiếm sự đụng độ, nhưng chị tìm con đường đưa rất nước được giải phóng khỏi sẹ chiếm đóng của ngoại bang và tiến đến hòa bình!
Diễn văn của ĐTC
Lên tiếng sau lời chào mừng của tổng thống Cộng hòa Georgia, ĐTC đã đề cao lịch sử ngàn đời và nền văn hóa cổ kính của đất nước này. Georgia như chiếc cầu thiên nhiên giữa Âu và Á châu, một bản lề giúp cho việc giao thông và tương quan giữa các dân tộc được dễ dàng, khiến cho việc thương mại và đối thoại giữa các dân tộc cũng như sự đối chiếu tư tưởng và kinh nghiệm giữa các thế giới khác nhau có thể thực hiện được.
ĐTC nhắc đến sự kiện Georgia đã tuyên bố độc lập từ 25 năm nay, hoàn toàn tìm lại tự do, nền độc lập này đã xây dựng và củng cố các cơ chế dân chủ và tìm kiếm những con đường để bảo đảm sự phát triển bao gồm mọi người và có đặc tính chân thực. Tất cả những điều đó đã diễn ra với nhiều hy sinh mà nhân dân Georgia đã can đảm đương đầu để đảm bảo cho mình tự do hằng ao ước.
ĐTC khẳng định rằng: “Sự tiến bộ chân thực và lâu bền như thế có một điều kiện tiên quyết không thể thiếu được, đó là sự sống chung hòa bình giữa các dân tộc và các quốc gia trong vùng. Điều này phải phải gia tăng tâm tình quí chuộng lẫn nhau, những tâm tình đó không từ bỏ sự tôn trọng chủ quyền của mỗi nước trong khuôn khổ quốc tế công pháp. Để mở ra những con đường đưa tới một nền hòa bình lâu bền và môt sự cộng tác thực sự, cần ý thức rằng những nguyên tắc quan trọng để có tương quan công bằng và vững bền giữa các quốc gia đều nhắm phục vụ cho sự sống chung cụ thể, có trật tự và hòa bình giữa các dân nước. Thực vậy, tại quá nhiều nơi trên thế giới, dường như người ta theo đuổi thứ tiêu chuẩn khiến có khó lòng duy trì những khác biệt hợp pháp và những tranh biện luôn có thể xảy ra trong một bối cảnh đối chiếu và đối thoại trong đó lý trí, sự ôn hòa và tinh thần trách nhiệm được trổi vượt. Đây là điều rất cần thiết trong bối cảnh lịch sử hiện nay, trong đó không thiếu những trào lưu cực đoan bạo lực lèo lái và bóp méo những nguyên tắc dân sự và tôn giáo để dùng chúng phục vụ cho những ý đồ đen tối muốn thống trị và gây chết chóc.”
ĐTC nhấn mạnh rằng “Tất cả cần quan tâm trước tiên tới số phận của con người cụ thể và kiên nhẫn hết sức cố gắng tránh để cho những khác biệt biến thành bạo lực, nhắm khơi lên những đổ vỡ lớn lao cho con người và xã hội. Bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, ngôn ngữ, chính trị hoặc tôn giáo, không để bị lạm dụng để biến thành cái cớ biến những khác biệt thành xung đột và biến những xung đột thành những thảm trạng khôn cùng, sự phân biệt ấy có thể và phải là nguồn mạch làm cho mọi người được thêm phong phú và có lợi cho ích chung. Điều này đòi mỗi người phải tận dụng tất cả những đặc điểm của mình, nhất là có thể sống an bình nơi quê hương của mình hoặc được hồi hương tự do, nếu vì lý do nào đó họ đã phải buộc lòng rời bỏ quê hương. Tôi cầu mong rằng các vị hữu trách chính trị tiếp tục quan tâm đến tình cảnh của những người ấy, dấn thân tìm kiếm những giải pháp cụ thể, kể cả ở bên ngoài những vấn đề chính trị chưa được giải quyết. Điều ấy cũng đòi phải có sự nhìn xa trông rộng và can đảm nhìn nhận thiện ích đích thực của các dân tộc và quyết tâm theo đuổi thiện ích ấy một cách khôn ngoan. Điều tối cần thiết là nghĩ đến những đau khổ của con người để quyết tâm theo đuổi hành trình xây dựng hòa bình, con đường kiên nhẫn và vất vả nhưng cũng là con đường có sức thu hút và mang lại tự do.”
Giã từ tổng thống và các giới chức chính quyền, ĐTC đã tới tòa Thượng Phụ Chính Thống Georgia để viếng thăm.
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)