MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Bản việt ngữ quyển sách “Phanxicô, Người Argentina” trên tay Đức Giáo hoàng


Bản việt ngữ quyển sách “Phanxicô, Người Argentina” của tác giả Arnaud Bédat trên tay Đức Giáo hoàng trên chuyến đi Georgia và Azerbaidjan ngày 30 tháng 9-2016.

Con đường dẫn đến tấm hình này hôm nay thì không biết làm sao mà kể…

Một ngày đẹp trời tháng 5-2014, tôi đọc một bài báo của ký giả Robert Habel trên trang L’Illustré Thụy Sĩ viết về đồng nghiệp của mình là ông Arnaud Bédat nhân ông ra mắt quyển sách viết về Đức Phanxicô: “Ngày xưa có một giáo hoàng tên là Phanxicô… kể chuyện ký giả Bédat ngay ngày hôm sau Đức Phanxicô được bầu chọn, đã lên đường đi Buenos Aires gặp tất cả các người quen trước đây của ngài, đến tận nơi để xem, để thở không khí ngài đã thở, để hòa vào bầu khí ngài đã sống. Và nhất là để gặp những người đã ở gần ngài, làm việc với ngài trong suốt mấy mươi năm qua, để họ nói lên tiếng nói của họ, để lắng nghe lời chứng của họ…”



Quyển sách đáp ứng tính tò mò muốn biết về Đức Phanxicô của tôi. Và thế  lần đầu tiên tôi liên lạc với tác giả qua trang Facebook của ông. Tôi xin ông dịch để đăng trên trang Facebook Theo Bước Chân Phanxicô, nhưng ông nói “không được”…, thế là tôi vẫn dịch nhưng để yên đó.

Lâu lâu ông viết e-mail hỏi “Quyển sách tới đâu rồi?”, tôi biết trả lời làm sao vì các chuyên gia sách ở Việt Nam nói: “Thời buổi này không ai đọc sách nữa, lại càng không ai mua…, không dám đâu, lỗ chết! Thêm nữa sách về Đức Giáo hoàng ra quá nhiều. Người ta đọc trên mạng hết rồi!”

Nhưng thỉnh thoảng ông hỏi, nên tôi xin sr Quế trong Chương trình Chuyên đề làm giùm quyển sách, ít nhất là cũng để tặng bạn bè, vậy là nhân viên sửa mô-rát của sr Quế là Tuyết Đào ngồi đọc từng chữ để rà lỗi. Rồi thì quyển sách cũng được đọc xong nhưng lại ngâm…


Và tác giả lại hỏi “có tiền in không?”, đến mức này thì mất thể diện quá… “Dạ, dạ có chứ!” “Vậy thì chịu khó in xong gởi cho tôi để có dịp tôi tháp tùng Đức Giáo hoàng trên chuyến bay đi Georgia và Azerbaidjan ngày 30 tháng 9 tới đây, tôi sẽ tặng ngài. Tôi sẽ lo các vụ bản quyền với Nhà xuất bản Flammarion cho…”



Tới ngang đây đúng là “ngồi trên lưng cọp”. Vậy là xin nhân viên sr Quế giúp giùm, phải nói là khâu này của Chương trình Chuyên đề tích cực thật… Các em gởi hình máy in đang chạy. Gởi qua cho tác giả yên tâm, thế là ngay tức khắc tác giả đăng hình trên trang Facebook của ông, các bạn bè của ông xúm nhau lại phản hồi chung vui với tác giả, cứ như là ngày sinh nhật! Một trong các phản hồi viết: “Có ai đọc được tiếng Việt không?” (Có chứ, sẵn dịp cô Tim qua Montréal dự buổi gây quỹ xây Dự án mới Đăk Nông giúp người khuyết tật bèn tặng cô một quyển, để cô đọc trên máy bay trên đường về Việt Nam!)



Chương trình chuyên đề in ro ro và gởi ro ro qua Thụy Sĩ kịp hạn để quyển sách lên đường đi Georgia với tác giả, với Đức Phanxicô!

Ngày 1 tháng 10, từ Georgia tác giả viết e-mail: “Sứ mạng đã thành công. Vài ngày nữa Văn phòng hình ảnh của Osservatore Romano sẽ gởi ảnh.”

Sáng 4 tháng 10, tác giả gởi tấm hình Đức Phanxicô cầm trên tay quyển sách “Phanxicô, người Argentina”.



Ôi đến đây thì không biết nói sao, cảm nhận đầu tiên là, bây giờ mới thấu hiểu mấy chữ mà các tu sĩ hay nói mỗi khi họ được giúp đỡ: “Xin Chúa trả công bội hậu cho công việc của ông bà, của anh chị làm.” Tôi vẫn thắc mắc “vì sao phải xin Chúa trả công, những người không có khả năng làm gì hết thì sao đây?” Nhưng bây giờ thì tôi không dám thắc mắc nữa.

Cảm nhận thứ nhì là tôi nhớ đến câu điệp khúc của bài hát “Hãy tiếp nhận con” của cố nhạc sĩ Hùng Lân: “Hãy trông lại chỉ một giây thôi! Hãy ban lời chỉ một câu thôi! Chúa đã từng dựng nên đất trời, tình Ngài một chút đủ vui một đời.” Như thế để hiểu, vì sao giáo dân vượt hàng ngàn, hàng vạn cây số để chỉ được nhìn vị đại diện của Chúa ở trần gian này một giây, rồi… vui suốt đời!



Trong thư cám ơn tác giả Bédat, tôi lặp lại lời của ông trong bài báo của ký giả Robert Habel báo L’Illustré, khi ông này giới thiệu quyển sách “Phanxicô, Người Argentina”: “Người ta không trở nên giáo hoàng một cách tình cờ. Phải có một quá trình ngoại hạng, những cuộc gặp gỡ nổi bật tác động như những cái then bật lên những điều thiết yếu.”

“Tôi không có bức hình này một cách tình cờ, phải có một sức thổi vô hình nào mà tôi hoàn toàn không biết, đã thổi để tôi được thấy ‘điều vô hình’ ở thế giới hữu hình buồn thảm lúc này.”


Xin hết lòng cám ơn tất cả,


Marta An Nguyễn

(Nguồn: phanxico.vn)