MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Chúa Giê-su của thế kỷ 21 qua tranh vẽ của họa sỹ Mỹ, Stephen Sawyer


"Chúa bên sàn đấu quyền Anh"

Liệu Chúa Jesus có thể là người hùng của thế kỷ 21 không? Họa sĩ người Mỹ Stephen Sawyer, 58 tuổi, cho là như thế và sự sáng tạo của ông về hình ảnh của Chúa Jesus như một người đàn ông cơ bắp với thái độ lạc quan, thậm chí còn được lên trang nhất của New York Times. (Ảnh: Stephen Sawyer/Art4God). 


"Chúa và hình xăm ở tay"

Dự án Art4God (Nghệ thuật vì Chúa Trời), một sự kết hợp giữa nghệ thuật và tôn giáo, tìm cách thu hút giới trẻ đến với tôn giáo. “Chúng ta ít nhiều đều là những người truyền bá Phúc âm, và người đàn ông này sống cách đây 2,000 năm vẫn là người hùng của tôi,” ông nói. Bức tranh này thể hiện Chúa Jesus với một hình xăm, một tập quán rất phổ biến dưới thời La Mã để đánh dấu những người phạm tội và những người bị gạt ra lề xã hội.


"Chúa và người nghiện ma túy"

Với một hình mẫu rất nam tính, Art4God muốn thể hiện những thực tế khác nhau. Trong bức tranh này, Chúa Jesus đưa tay ra cho một người nghiện ma túy. “Đây là cách để giải thích rằng Chúa Jesus sống trong mỗi chúng ta, nhất là trong thời đại hiện nay khi ai cũng biết một vài người nào đó đang gặp vấn đề với ma túy,” Sawyer nói.


'Chúa Jesus "dễ thương"'

Nhưng Sawyer không đơn độc trong cuộc ‘thập tự chinh’ của anh. Có những quyển sách, tạp chí và blogs mô tả Chúa Jesus đầy nam tính – chẳng hạn như bức tranh ‘Không còn Đức Chúa Jesus dễ thương”. “Tôi vui vì có cả một phong trào về chủ đề này. Ý định của chúng tôi là bỏ qua một bên những thành kiến và chấp nhận niềm tin của mọi người,” họa sĩ lập luận.


'Bức "những búp bê vỡ"'

Trong bức tranh “Những búp bê vỡ”, Sawyer cố gắng thể hiện vấn đề lạm dụng trẻ em từ góc nhìn tôn giáo. “Tôi không biết Chúa Jesus nhìn nhận vấn đề này như thế nào 2.000 năm trước. Thực ra, tôi cũng không quan tâm. Tôi chỉ muốn tạo ra một biểu tượng thể hiện cuộc sống hiện tại. Stephen Sawyer hiện đang sống ở Kentucky, nhưng ông dành thời gian đi khắp nước Mỹ để truyền bá các hình ảnh và ý kiến của ông.


"Chúa khiêu vũ"

Trong bức tranh “Tình nhân của linh hồn tôi”, họa sĩ thể hiện một nhà lãnh đạo Công giáo thông minh và đẹp trai. “Nhiều người, đa số trong số đó là phụ nữ, đã kể với tôi rồi họ đã mơ thấy Chúa. Ngài đến và khiêu vũ với họ. Ý tưởng này xuất phát từ đó. Cô bé trong tranh là con gái út của tôi,” Sawyer nói.


"Chúa từng thuộc tầng lớp lao động"

Theo phong trào này thì Kinh thánh có chứa đựng chìa khóa cho phép họ thể hiện Chúa Jesus như một người đàn ông mạnh mẽ cơ bắp. “Một vài đoạn trong Kinh thánh, chẳng hạn như đoạn mô tả Chúa xua đuổi người đổi tiền khỏi đền sẽ khó có thể tin được nếu Chúa Jesus là một người ốm yếu. Chúa là một thợ mộc thuộc tầng lớp lao động và cơ thể Chúa chắc chắn là khoẻ mạnh và cường tráng vì đó là công cụ làm việc của Ngài,” họa sỹ nói. 


"Có thể đi theo Chúa bất cứ lúc nào"

Sawyer muốn những bức tranh của ông sẽ tạo cảm hứng cho một sự phục sinh tôn giáo. “Trong bức tranh này tôi muốn chứng tỏ rằng có thể đi theo Chúa trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chúng ta quá hòa lẫn vào các truyền thống tôn giáo đến mức chúng ta cứ lặp đi lặp lại những công thức như là dùng từ ngữ cổ và những định ngữ như thể là chúng ta đang sống trong một thế kỷ khác,” họa sĩ nói thêm.


"'Không có gì sai hay mới mẻ cả'"

Các tác phẩm của Sawyer đã gặp phản ứng của các nhóm bảo thủ. Họ cho rằng khía cạnh tâm linh của Chúa Jesus đã bị bỏ qua bằng cách mô tả cơ thể Chúa một cách trần tục như thế. Tuy nhiên Sawyer bảo vệ quan điểm của ông: “Chúng ta có loại hình tranh 'comic mentality' và tôi không nghĩ rằng có gì là sai khi chúng ta áp dụng nó vào tôn giáo. Tôi thậm chí không nghĩ là mình đang sáng tạo ra cái gì đó mới mẻ,” họa sĩ nói.

(Nguồn: BBC Tiếng Việt)