MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Diễn văn của Đức Thánh Cha trước Nghị Viện Bundestag, Đức

Dưới đây là bài phát biểu của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trước Nghị viện Bundestag, trong đó ngài đưa ra cái nhìn của ngài về chính trị và đồng thời nêu lên những nền tảng luân lý cho hoạt động chính trị.

Thưa ngài Tổng thống nước Cộng Hòa,
Thưa ngài Chủ tịch Nghị viện Bundestag,
Thưa Bà Thủ Tướng nước Cộng Hòa Liên Bang,
Thưa ngài Chủ tịch Hội đồng liên bang Bundesrat,
Quý Ông Bà Nghị Viên,

Thật vinh dự và niềm vui cho tôi được phát biểu trước Thượng Nghị Viện này – trước Nghị Viện của quê hương Đức của tôi, đang tập hợp tại đây như là đại diện của dân tộc, được chọn cách dân chủ, để làm việc vì lợi ích của nước Cộng Hòa Liên Bang Đức. Tôi xin cám ơn ngài Chủ tịch Nghị Viện Bundestag vì lời mời phát biểu diễn văn này, cũng như vì những lời chào đón và đánh giá khả ái mà ngài đã tiếp đón tôi. Vào giờ này, tôi xin nói với quý vị, thưa quý Ông Bà – chắc chắn cũng với tư cách là người đồng hương biết mình gắn liền suốt cả cuộc đời với nguồn gốc của mình và quan tâm theo dõi tương lai của Quê Hương Đức. Nhưng lời mời phát biểu diễn văn này được gởi cho tôi với tư cách là Giáo Hoàng, với tư cách là Giám Mục Rôma, có trách nhiệm tối cao đối với các kitô hữu Công giáo. Như thế, ngài thừa nhận vai trò của Tòa Thánh như là đối tác giữa lòng các Dân tộc và các Nhà Nước. Trên cơ sở trách nhiệm quốc tế của tôi, tôi xin đề nghị đến quý vị một vài suy nghĩ về những nền tảng của Nhà Nước pháp quyền tự do.

Quý vị cho phép tôi bắt đầu những suy tư của mình về những nền tảng pháp quyền bằng một trình thuật ngắn rút ra từ Thánh Kinh. Trong Sách Các Vua quyển thứ nhất, có kể rằng nhân dịp lên ngôi của vị vua trẻ Salômon, Thiên Chúa đã đồng ý cho ông đưa ra một yêu cầu. Vị vua trẻ sẽ yêu cầu gì đây vào giây phút quan trọng này? Thành công, giàu sang, sống lâu, loại bỏ kẻ thù? Ông đã không cầu xin gì về tất cả điều đó. Trái lại, ông đã xin : “Xin ban cho tôi tớ Chúa một tâm hồn biết lắng nghe để cai trị dân Chúa, để phân định tốt xấu” (1 V 3, 9). Qua câu chuyện này, Thánh Kinh muốn chỉ cho chúng ta chung cuộc điều gì phải là quan trọng đối với một chính trị gia. Tiêu chí tối hậu ông và động cơ cho công việc của mình với tư cách là chính trị gia không phải là thành công và càng không phải là lợi nhuận vật chất. Chính trị phải là một sự dấn thân cho công lý và do đó tạo nên những điều kiện sâu xa cho hòa bình. Dĩ nhiên, một chính trị gia sẽ tìm kiếm thành công mà tự nó mở ra cho ông khả năng của hoạt động chính trị hiệu quả ! Nhưng thành công là phụ tùy đối với tiêu chí công lý, với ý muốn vận dụng pháp quyền và với sự hiểu biết pháp quyền. Sự thành công cũng có thể là một quyến rũ, và như thế nó có thể mở đường cho sự giả mạo pháp quyền, cho việc phá hoại công lý. Một ngày nọ, thánh Augustin đã nói : “Cất bỏ luật pháp – và như thế điều gì phân biệt Nhà Nước với một lũ cướp?” (1). Chúng ta những người Đức, qua kinh nghiệm chúng ta biết rằng những lời này không phải là một ảo ảnh trống rỗng. Chúng ta đã có kinh nghiệm về việc tách rời quyền lực của pháp quyền, đặt quyền lực ngược với pháp luật, chà đạp pháp quyền, đến nỗi Nhà Nước đã trở thành một lũ cướp rất có tổ chức, đã có thể đe dọa toàn thể thế giới và đẩy nó đến bờ vực thẳm. Phục vụ pháp quyền và chống lại sự thống trị của bất công là và vẫn là nhiệm vụ căn bản của chính trị gia. Trong một thời điểm lịch sử mà con người đã thủ đắc một quyền lực cho đến không không thể tưởng tượng được, nhiệm vụ này trở nên đặc biệt cấp bách. Con người có thể phá hủy thế giới. Nó có thể thủ đoạn. Có thể nói, nó có thể tạo ra những người này và loại trừ những người kia vì là những con người. Làm thế nào chúng ta nhận biết những gì là đúng đắn? Làm thế nào chúng ta có thể phân biệt giữa tốt và xấu, giữa pháp quyền đích thực và pháp quyền chỉ bề ngoài? Lời cầu xin của Salômon vẫn là vấn đề quyết định mà chính trị gia và chính trị cảm thấy hôm nay.


Đối với một phần lớn các vấn đề phải điều chỉnh về mặt pháp lý, tiêu chí đa số có thể là đủ. Nhưng rõ ràng trong các vấn đề căn bản của pháp quyền, nơi mà phẩm giá của con người và của nhân loại có liên quan, thì nguyên tắc đa số không đủ được : trong tiến trình hình thành pháp quyền, mỗi người mà có một trách nhiệm phải tìm kiếm các tiêu chí định hướng của mình. Vào thế kỷ thứ ba, đại thần học gia Origène đã biện minh cho sự kháng cự của các kitô hữu đối với một số quy chế pháp lý hiện hành : “Nếu người nào sống nơi những người Scythe có những luật lệ phi tôn giáo, và người ấy bị bó buộc phải sống trong số họ… thì dĩ nhiên người này hẳn sẽ hành động cách rất hợp lý nếu, nhân danh luật của chân lý mà nơi người Scythe đúng là bất hợp pháp, người ấy cũng thành lập, cùng với những người khác có cùng quan điểm, những hiệp hội chống lại quy chế hiện hành…” (2).

Trên cơ sở của xác tín này, các kháng chiến binh đã hành động chống lại chế độ quốc xã và chống lại những chế độ toàn trị khác, như thế phục vụ cho pháp quyền và toàn thể nhân loại. Đối với những người này, rõ ràng hiển nhiên rằng luật pháp hiện hành, trên thực tế, đã là bất công. Nhưng trong những quyết định của một chính trị gia dân chủ, bây giờ vấn đề biết điều gì tương thích với luật của chân lý, những gì thực sự là đúng đắn và có thể trở thành luật lệ thì không rõ ràng như thế. Quy chiếu đến những vấn đề nhân chủng học nền tảng, những gì là điều đúng đắn và có thể trở nên luật pháp hiện hành thì, ngày nay, tự nó hoàn toàn không rõ ràng. Đối với vấn đề biết làm thế nào có thể nhận ra những gì thực sự là đúng đắn và như thế phục vụ cho công lý trong luật pháp, thì đã chưa bao giờ dễ dàng tìm ra câu trả lời và ngày nay, trong sự dồi dào những kiến thức và những khả năng của chúng ta, thì vấn đề này vẫn còn khó khăn hơn.

Làm thế nào nhận biết những gì là đúng đắn? Trong lịch sử, những quy chế pháp lý hầu như đã luôn luôn được gợi hứng cách tôn giáo : trên cơ sở của việc quy chiếu đến thần linh, người ta quyết định những gì là đúng đắn nơi con người. Trái với các tôn giáo lớn khác, Kitô giáo đã không bao giờ áp đặt cho Nhà Nước và xã hội một luật được mạc khải, một quy chế pháp lý phát xuất từ mạc khải. Trái lại, nó dẫn đến bản tính và lý trí như là những nguồn mạch đích thực của pháp luật – nó đã dẫn đến sự hài hòa giữa lý trí khách quan và chủ quan, một sự hài hòa mà tuy nhiên vẫn giả thiết sự kiện là tất cả hai phạm vi đều được xây dựng trên Lý Trí sáng tạo của Thiên Chúa. Như thế, các thần học gia Kitô giáo đã liên kết với một phong trào triết học và pháp lý đã được hình thành từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên. Trong hậu bán thế kỷ thứ hai tiền Kitô giáo, đã có một sự gặp gỡ giữa luật tự nhiên xã hội được khải tiển bởi các triết gia khắc kỷ và các bậc thầy ảnh hưởng luật Rôma (3). Trong cuộc tiếp xúc này đã nảy sinh nền văn hóa pháp lý Tây phương, mà đã và còn đang có tầm quan trọng quyết định đối với nền văn hóa pháp lý của nhân loại. Từ mối liên hệ tiền Kitô giáo giữa luật pháp và triết học xuất phát con đường dẫn đến, xuyên quan thời Trung Cổ Kitô giáo, sự phát triển pháp lý của phong trào Ánh Sáng cho đến Tuyên Ngôn Nhân Quyền và cho đến Lề Luật Nền Tảng của người Đức chúng ta, qua đó dân tộc chúng ta, vào năm 1949, đã nhìn nhận “những quyền bất khả xâm phạm và bất khả tước bỏ của con người như là nền tảng của tất cả cộng đồng nhân loại, của hòa bình và công lý trên thế giới”.

Đối với việc phát triển pháp quyền và sự phát triển của nhân loại, thật quyết định việc các thần học gia Kitô giáo đã có lập trường chống lại luật pháp tôn giáo được đòi hỏi bởi niềm tin vào các thần thánh, và đã đứng về phía triết học, nhìn nhận lý trí và bản tính trong mối tương tác của chúng như là nguồn pháp lý có giá trị cho mọi người. Thánh Phaolô đã thực hiện chọn lựa này khi, trong Thư gởi tín hữu Rôma, ngài khẳng định : “Dân ngoại là những người không có Lề Luật [‘Torah’ của Israël]; nhưng mỗi khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì Lề Luật dạy, thì họ là Luật cho chính mình, … ; họ cho thấy là điều gì Luật đòi hỏi, thì đã được ghi khắc trong lòng họ. Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó.» (2, 14tt). Ở đây xuất hiện hai quan niệm căn bản “tự nhiên” và “lương tâm”, nơi mà “lương tâm” không gì khác hơn là “tâm hồn biết lắng nghe” của Salômon, lý trí được mở ra cho ngôn ngữ của hữu thể. Nếu như thế cho đến thời đại phong trào Ánh Sáng, Tuyên Ngôn Nhân Quyền sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai và cho đến việc hình thành Lề Luật Nền Tảng của chúng ta, vấn đề về các nền tảng của pháp lý xem ra rõ ràng, thì một sự thay đổi thảm thương của hoàn cảnh đã xảy đến trong suốt nửa thế kỷ vừa qua. Ý tưởng về quyền tự nhiên ngày nay được coi như là một học thuyết của riêng công giáo, mà không đáng mất công bàn luận bên ngoài giới công giáo, đến nỗi người ta đã hầu như hỗ thẹn đề cập dù chỉ từ ngữ của nó. Tôi xin vắn tắt chỉ ra tại sao hoàn cảnh này đã được gây nên như thế. Trước tiên, luận đề theo đó có một vực thẳm bất khả vượt qua giữa hữu thể và bổn phận hữu thể, là căn bản. Một bổn phận không thể phát xuất từ sự kiện hữu thể, bởi vì đó là hai lãnh vực hoàn toàn khác nhau. Cơ sở cho quan điểm này là lối quan niệm thực chứng về tự nhiên và lý trí mà ngày nay chung chung hầu như được chấp nhận. Nếu ta xem tự nhiên – với những lời phát biểu của Hans Kelsen – như là “một tập hợp các dữ kiện khách quan, nối kết với nhau như nhân và quả”, thì như thế chẳng có bất kỳ chỉ dẫn nào, mà cách nào đó có đặc tính luân lý, có thể thực sự phát xuất từ đó (4). Một quan niệm thực chứng về tự nhiên, tức hiểu tự nhiên cách thuần túy chức năng, như các khoa học tự nhiên giải thích, không thể tạo nên bất cứ chiếc cầu nào hướng đến “ethos” (phong tục, lối sống) và pháp luật, nhưng một lần nữa chỉ gợi lên những câu trả lời chức năng. Tuy nhiên, chính điều đó cũng có giá trị đối với lý trí trong một cái nhìn thực chứng, mà nơi nhiều người được coi như là cái nhìn khoa học duy nhất. Theo cái nhìn này, những gì không thể chứng thực hay giả mạo thì không thuộc phạm vi của lý trí theo nghĩa chặt. Bởi thế, “ethos” và tôn giáo phải bị gán cho lãnh vực chủ quan và nằm ở bên ngoài lãnh vực của lý trí theo nghĩa chặt của từ. Ở đâu sự thống trị độc quyền của lý trí thực chứng đang thịnh hành – và phần lớn, đó là trường hợp nơi ý thức chung của chúng ta – thì ở đó những nguồn mạch cổ điển hiểu biết “ethos” và pháp luật bị đặt ra ngoài cuộc. Đó là một hoàn cảnh bi thảm liên quan đến hết thảy chúng ta và một cuộc thảo luận công cộng về nó là cần thiết ; một ý định chủ yếu của bài diễn văn này là mời gọi cấp bách điều đó.

Khái niệm thực chứng về “tự nhiên” và “lý trí”, cái nhìn thực chứng về thế giới, trong toàn bộ của nó, là một phần quan trọng của tri thức nhân loại và của khả năng con người, mà chúng ta tuyệt đối không được bỏ đi. Nhưng chính nó trong toàn bộ của nó không phải là một nền văn hóa tương thích và đủ với sự kiện là người trong tất cả tầm sâu rộng của nó. Ở đâu lý trí thực chứng được coi như là nền văn hóa đầy đủ duy nhất, dồn tất cả các thực tại văn hóa khác thành tình trạng kém văn hóa (sous-culture), thì nó giảm thiểu con người, hay thậm chí, đe dọa nhân tính của nó. Tôi nói điều đó nhắm đến Châu Âu, trong đó nhiều giới tìm cách chỉ thừa nhận chủ nghĩa thực chứng như là văn hóa chung và như là nền tảng chung để hình thành pháp quyền, đang khi tất cả các xác tín và các giá trị khác của nền văn hóa chúng ta đều bị giảm thiểu thành tình trạng kém văn hóa. Như thế, Châu Âu tự đặt mình, khi đối mặt với các nền văn hóa khác trên thế giới, trong một điều kiện thiếu văn hóa và đồng thời những trào lưu cực đoan và cấp tiến được khơi lên. Lý trí thực chứng, được trình bày cách độc chiếm và không thể nhận ra điều gì đó ở bên kia những gì là chức năng, giống với những tòa nhà bê-tông cốt thép không có cửa sổ, nơi mà chỉ mình chúng ta tự cho mình khí hậu và ánh sáng và chúng ta không còn muốn đón nhận hai điều này từ thế giới bao la của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta không thể tưởng tượng rằng, trong thế giới tự xây dựng này, chúng ta cũng kín đáo múc lấy ở “nguồn mạch” của Thiên Chúa, mà chúng ta biến đổi thành những gì chúng ta sản xuất. Một lần nữa cần phải mở rộng các cửa sổ, một lần nữa chúng ta phải nhìn tầm sâu rộng của thế giới, trời và đất và học biết sử dụng tất cả điều đó cách đúng đắn.

Những làm thế nào điều đó được thực hiện? Làm thế nào chúng ta tìm được lối vào trong tầm sâu rộng, trong toàn bộ? Làm thế nào lý trí có thể tìm lại sự cao cả của nó mà không trượt vào phi lý? Làm thế nào tự nhiên một lần nữa có thể xuất hiện trong chiều sâu đích thực của nó, trong những đòi hỏi của nó và với những chỉ dẫn của nó? Tôi nhắc lại một tiến trình của lịch sử chính trị gần đây, hy vọng không quá bị hiểu sai cũng không khơi lên quá những cuộc luận chiến một chiều. Tôi xin nói rằng sự xuất hiện của phong trào sinh thái trong nền chính trị Đức từ những năm 70, cho dầu, có lẽ, đã không mở rộng các cửa sổ, tuy nhiên đã và vẫn là một tiếng kêu khát khao không khí trong lành, một tiếng kêu mà không thể không được biết đến cũng không bị gạt sang một bên, bởi vì người ta thoáng thấy quá phi lý. Những người trẻ đã nhận thấy rằng có điều gì đó không ổn trong mối tương quan của chung ta với thiên nhiên ; rằng vật chất không chỉ là một chất liệu cho việc làm của chúng ta, nhưng chính trái đất mang nơi nó phẩm giá của nó và chúng ta phải tuân theo các chỉ dẫn của nó. Rõ ràng, ở đây, tôi không tuyên truyền cho một đảng phái chính trị nhất định nào – không gì lạ lùng đối với tôi hơn điều đó. Trong mối tương quan của chúng ta với thực tại, khi có điều gì đó không ổn, thì khi đó chúng ta hết thảy phải suy nghĩ nghiêm chỉnh về toàn bộ và chúng ta hết thảy được dẫn đến vấn đề về các nền tảng của chính nền văn hóa của chúng ta. Xin cho phép tôi dừng lại một lát nữa trên điểm này. Từ nay, tầm quan trọng của nền sinh thái là không phải bàn cãi. Chúng ta phải lắng nghe ngôn ngữ của thiên nhiên và đáp trả cách thích hợp. Thế nhưng, tôi xin mạnh mẽ đề cập thêm một điểm mà hôm nay cũng như hôm qua bị bỏ qua cách rộng rãi : cũng có một nền sinh thái về con người. Con người cũng có một bản tính mà nó phải tôn trọng và không thể thao túng tùy ý. Con người không phải chỉ là một sự tự do được tự nó tạo nên. Con người không tạo nên chính mình. Nó là tinh thần và ý chí, nhưng nó cũng là bản tính, và ý chí của nó là đúng đắn khi nó lắng nghe bản tính, tôn trọng bản tính và khi nó chấp nhận mình vì những gì nó là, thì nó chấp nhận rằng nó đã không tự tạo nên mình. Chính như thế và chỉ như thế mà sự tự do đích thực của con người được thực hiện.

Chúng ta hãy trở lại hai quan niệm căn bản “tự nhiên” và “lý trí” mà chúng ta xuất phát. Đại lý thuyết gia của chủ nghĩa thực chứng pháp lý, ông Kelsen, vào tuổi 84 – vào năm 1965 – đã từ bỏ thuyết nhị nguyên hữu thể và bổn phận hữu thể. Ông đã nói rằng các chuẩn mực có thể phát xuất chỉ từ ý chí. Do đó, tự nhiên có thể chứa đựng nơi mình những chuẩn mực chỉ với điều kiện là có một ý chí đã đặt nơi nó (tự nhiên) các chuẩn mực này. Mặt khác, điều đó giả thiết trước một Thiên Chúa Tạo Hóa, mà ý muốn của Ngài đã len lỏi vào tự nhiên. “Bàn cãi về chân lý của niềm tin này là một điều hoàn toàn vô ích”, ông ghi nhận về vấn đề này (5). Có thực sự vậy không? – Tôi xin hỏi. Phải chăng đó là thực sự bị tước đi ý nghĩa suy tư để biết liệu lý trí khách quan được biểu lộ trong tự nhiên không giả thiết một Lý Trí sáng tạo, một Thánh Thần Sáng Tạo?

Về điểm này, gia sản văn hóa của Châu Âu có thể đến trợ giúp chúng ta. Trên cơ sở xác tín vào sự hiện hữu của một vị Thiên Chúa sáng tạo đã được phát triển ý tưởng về nhân quyền, ý tưởng sự bình đẳng của hết mọi người trước luật pháp, sự hiểu biết tính bất khả xâm phạm của phẩm giá con người nơi mỗi người và ý thức về trách nhiệm của con người đối với hành vi của mình. Những hiểu biết này của lý trí tạo nên ký ức văn hóa của chúng ta. Không biết nó hay coi nó như chỉ là quá khứ sẽ là một sự cắt xén văn hóa của chúng ta trong toàn bộ của nó và sẽ tước nó khỏi tính toàn vẹn của nó. Nền văn hóa Châu Âu đã nảy sinh từ cuộc gặp gỡ giữa Giêrusalem, Athènes và Rôma – từ cuộc gặp gỡ giữa niềm tin vào Thiên Chúa của Israël, lý trí triết học Hy Lạp và tư tưởng pháp lý của Rôma. Cuộc gặp gỡ ba mặt này hình thành nên căn tính sâu xa của Châu Âu. Trong ý thức về trách nhiệm của con người trước nhan Thiên Chúa và trong sự nhìn nhận phẩm giá bất khả xâm phạm của con người, của mọi người, cuộc gặp gỡ này đã xác định những tiêu chí của pháp quyền, và việc bảo vệ chúng là nhiệm vụ của chúng ta vào thời điểm lịch sử này.

Một lời thỉnh cầu đã được ban cho vị vua trẻ Salômon vào lúc ông lên nắm quyền. Sẽ là gì nếu một lời thỉnh cầu được ban cho chúng ta, những nhà lập pháp hôm nay? Chúng ta sẽ xin gì? Tôi nghĩ rằng ngày nay cũng vậy, xét đến cùng, chúng ta không thể ước ao điều gì khác hơn là một tâm hồn biết lắng nghe – khả năng phân biệt điều thiện khỏi điều dữ và như thế thiết lập nền pháp quyền đích thực, phục vụ công lý và hòa bình. Xin cám ơn sự chú ý của quý vị.

————————————

1. De civitate Dei IV, 4, 1.

2. Contra Celsum GCS Orig. 428 (Koetschau) ; cfr A. Fürst, Monotheismuis und Monarchie. Zum Zusammenhang von Heil und Herrschaft in der Antike. In : Theol. Phil. 81 (2006) 321-338 ; citation p. 336 ; cfr également J. Ratzinger, Die Einheit der Nationen. Eine Vision der Kirchenväter (Sazburg-München 1971) 60.

3 Cf. W. Waldstein, Ins Herz geschrieben. Das Naturrecht als Fundament einer menschlichen Gesellschaft (Augsburg 2010) 11ss; 31-61.

4 Waldstein, op. cit. 15-21.

5 Cfr. W. Waldstein, op. cit. 19.

Tý Linh chuyển ngữ theo bản tiếng Pháp

(Nguồn: Xuân Bích Việt Nam)