MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Danh sách 34 Tiến sĩ Giáo Hội

Danh sách 34 Tiến sĩ Giáo Hội 
(theo thứ tự thời gian phong danh hiệu Tiến sĩ)

1. Thánh Ambrôsiô (khoảng 340-397), Giám mục giáo phận Milan, Ý, đối thủ lớn của lạc thuyết Arian, đã viết bài và giảng thuyết rất nhiều [phong Tiến sĩ Giáo hội năm 1298].

2. Thánh Âu Tinh thành Hippo (khoảng 354-430), Giám mục Bắc Phi, tác giả của cuốn “Tự thú” (Confessions), “Thành đô Thiên Chúa” (City of God), và nhiều luận đề, phản bác các phong trào dị giáo, là một trong các nhà thần học có ảnh hưởng nhất của Giáo hội phương Tây, được gọi là “Tiến sĩ Ân sủng” [ 1298].

3. ThánhHiêrônimô (Jerome, khoảng 343-420), dịch Cựu Ước từ tiếng Do Thái qua tiếng Latinh, và duyệt lại bản dịch của cuốn Tân ước để làm thành phiên bản Phổ thông (Vulgate) của Kinh Thánh, được gọi là “Cha đẻ của Khoa học Kinh Thánh” [1298].

4. Thánh Grêgôriô Cả (khoảng 540-604), Giáo hoàng, củng cố ngôi giáo hoàng và làm việc nhiều cho cải cách giáo sĩ và đan tu [1298].

5. Thánh Athanasiô (khoảng 297-373), Giám mục giáo phận Alexandria, đối thủ lớn của lạc thuyết Arian, được gọi là “Cha đẻ của tính Chính Thống” [1298]

6. Thánh Gioan Kim Khẩu (khoảng 347-407), Tổng Giám Mục tổng giáo phận Constantinople, nhà giảng thuyết lừng danh, tác giả của nhiều bài bình giải Kinh thánh và các thư Tân ước, bổn mạng các nhà thuyết giáo [1568].

7. Thánh Basiliô Cả (khoảng 329-379), Giám mục giáo phận Caesarea ở Tiểu Á, phản bác các sai lầm của lạc thuyết Arian, viết nhiều luận đề, bài giảng và luật sống đan tu, được gọi là “Cha đẻ lối sống đan viện của phương Đông” [1568].

8. Thánh Grêgôriô ở Nazianzus (khoảng 330-390), Giám mục giáo phận Constantinople, đối thủ của lạc thuyết Arian, viết các luận đề thần học quan trọng cũng như nhiều thư và bài thơ, được gọi là “Ông Demosthenes của Kitô giáo “, và ở phương Đông, được gọi là “Nhà thần học” [1568] .

9. Thánh Tôma Aquinas (1225-1274), Dòng Đaminh người Ý, viết sách triết học, sách thần học và tín lý Công Giáo một cách có hệ thống, bổn mạng của các trường Công Giáo và giáo dục Công giáo, một trong các nhà thần học có ảnh hưởng nhất ở phương Tây [1568].

10. Thánh Bonaventura (khoảng 1217-1274), dòng Phanxicô, Giám mục giáo phận Albano, Ý, Đức Hồng Y [1588].

11. Thánh Anselmô thành Canterbury (1033-1109), Tổng Giám Mục, được gọi là “Cha đẻ của triết học thần học Kinh viện” [1720].

12. Thánh Isidore thành Seville (khoảng 560-636), Giám mục Tây Ban Nha, nhà bách khoa, và học giả ưu tú cua thời đại Ngài [1722].

13. Thánh Phêrô Kim Ngôn (Chrysologus, khoảng 400-450), Tổng Giám Mục tổng giáo phận Ravenna, Ý, nhà giảng thuyết và là nhà văn, phản bác lạc giáo nhất tính thuyết [1729].

14. Thánh Lêô Cả (khoảng 400-461), Đức Giáo Hoàng, đã viết tác phẩm Kitô học và nhiều tác phẩm khác chống lại các lạc giáo của thời Ngài [1754].

15. Thánh Phêrô Damian (1007-1072), tu sĩ Dòng Biển Đức và Đức Hồng y người Ý, nhà cải cách Giáo Hội và hàng giáo sĩ [1828].

16. Thánh Bênađô ở Clairvaux (khoảng 1090-1153), viện phụ Xitô người Pháp và là nhà cải tổ đời đan tu, được gọi là “Tiến sĩ mật ngọt” [1830].

17. Thánh Hilariô Poitiers (khoảng 315-368), một trong các nhà văn giáo lý Latinh đầu tiên, chống lại lạc thuyết Arian [1851].

18. Thánh Anphongsô thành Liguori (1696-1787), sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, nhà thần học luân lý xuất sắc và là nhà hộ giáo nổi tiếng, thánh bổn mạng của các vị giải tội và nhà luân lý [1871].

19. Thánh Phanxicô thành Sales (1567-1622), Giám mục giáo phận Geneva, nhà văn sách thiêng liêng, thánh bổn mạng của các nhà văn và báo chí Công giáo [1877].

20. Thánh Cyril thành Alexandria (khoảng 376-444), Giám mục, tác giả của nhiều luận đề tín lý chống lạc thuyết Cảnh giáo (Nestorian) [1882].

21. Thánh Cyril thành Giêrusalem (khoảng 315-386), Giám mục, giáo lý viên, đối thủ mạnh mẽ của lạc thuyết Arian [1882].

22. Thánh Gioan thành Damascus (khoảng 675-749), đan sĩ người Syria, nhà văn sách tín lý, được gọi là “Diễn giả chảy vàng” [1890].

23. Thánh Bêđa Khả kính (khoảng 673-735), tu sĩ Dòng Biển Đức ở Anh, được gọi là “Cha đẻ của Lịch sử nước Anh” [1899].

24. Thánh Ephrem người Syria (khoảng 306-373), chống đối Ngộ Đạo thuyết và lạc thuyết Arian với các bài thơ, bài thánh ca, và các bài viết khác của Ngài [1920].

25. Thánh Phêrô Canisius (1521-1597), linh mục dòng Tên người Hà Lan, giáo lý viên, một gương mặt quan trọng trong cuộc Chống-Cải cách ở Đức [1925].

26. Thánh Gioan Thánh Giá (1542-1591), người sáng lập Dòng Cát Minh Đi Chân đất, được gọi là “Tiến sĩ Thần Nghiệm” [1926].

27. Thánh Rôbertô Bellarminô(1542-1621), linh mục dòng Tên người Ý, Tổng giám mục tổng giáo phận Capua, thời Cải Cách, viết nhiều tác phẩm bênh vực tín lý thời Cải cách, và các tác phẩm về Giáo hội học và mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước [1931].

28. Thánh Anbêtô Cả (khoảng 1200-1280), tu sĩ Đaminh người Đức, Giám mục giáo phận Regensburg, thầy dạy của thánh Thomas Aquinas, bổn mạng các nhà khoa học, được gọi là “Tiến sĩ Phổ quát” và “Tiến sĩ chuyên gia” [1932].

29. Thánh Antôn thành Pađua (1195-1231), nhà thần học đầu tiên của dòng Phanxicô, nhà giảng thuyết, được gọi là “Tiến sĩ Phúc Âm” [1946].

30. Thánh Lôrensô thành Brindisi (1559-1619), linh mục Dòng Phanxicô Lúp Vuông (Capuchin), nhà giảng thuyết có ảnh hưởng lớn thời hậu Cải cách [1959].

31. Thánh Têrêsa thành Avila (1515-1582), Nữ tu Dòng Cát Minh Tây Ban Nha, khởi xướng phong trào Dòng Cát Minh Đi Chân đất, nhà văn giỏi về sách thiêng liêng và sách thần nghiệm, vị nữ Tiến sĩ đầu tiên của Giáo hội [1970].

32. Thánh Catarina thành Sienna (khoảng 1347-1380), Dòng Ba Đaminh người Ý, tác giả sách thần nghiệm, cũng tích cực hỗ trợ các cuộc Thập Tự Chinh và chính sách của Đức giáo hoàng [1970].

33. Thánh Têrêsa thành Lisieux (1873-1897), nữ tu Dòng Cát Minh người Pháp, đã viết cuốn tự truyện thiêng liêng mô tả “con đường nhỏ” về sự hoàn thiện thiêng liêng của mình [1997].

34. Thánh Gioan thành Avila (1500-1569), linh mục triều người Tây Ban Nha,là một nhà đại giảng thuyết chống lại cuộc cải cách của Tin Lành tại Tây Ban Nha, là tác giả của nhiều tác phẩm về Kinh Thánh, thần học, tu đức và nhân văn, là bổn mạng hàng giáo sĩ triều Tây Ban Nha, và của các vị tuyên úy quân đội [2011?]