ĐHY Antonio Maria Vegliò |
VATICAN - Trong sứ điệp công bố ngày 24-7-2012 cho Ngày Quốc tế Du lịch, sẽ được cử hành vào ngày 27-9-2012, Hội đồng Toà Thánh cho Người Di cư và Lưu động đã khích lệ mọi người thay đổi tâm thức và cách sống, cũng như tôn trọng các nền văn hoá địa phương và bảo vệ môi sinh.
Sứ điệp mang chữ ký của ĐHY Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh đặc trách Mục vụ cho Người Di cư và Lưu động. Ngày Quốc tế Du lịch năm nay có đề tài là “Du lịch và năng lượng có thể chịu đựng được: Các máy đẩy của sự phát triển có thể chịu đựng nổi”. Nó trùng hợp với “Năm Quốc tế Năng lượng có thể chịu đựng nổi 2012”, do Liên Hiệp Quốc phát động nhằm cải thiện việc cung cấp năng lượng đáng tin cậy, với giá cả hợp lý, có giá trị trên bình diện kinh tế, chấp nhân được trên bình diện xã hội và hữu lý trên bình diện môi sinh.
Sứ điệp nhắc tới hiện tượng du lịch ngày càng gia tăng trên thế giới với 1 tỷ người trong năm 2012 và 2 tỷ người trong năm 2030. Cùng với việc tiêu thụ qúa độ các tài nguyên và năng lượng cũng như số lượng rác rưởi khổng lồ, du lịch gây ra các hậu quả rất trầm trọng trên môi sinh. Vì thế, cần phải làm tất cả những gì có thể để thích ứng với các điều kiện thay đổi khí hậu và giảm lượng thán khí thải vào trong không trung. Tuy đã có các tiến bộ, nhưng vẫn còn có rất nhiều việc phải làm. Chính vì thế, Hội đồng Toà Thánh Mục vụ cho Người Di cư và Lưu động muốn góp phần mình vào nỗ lực này vì xác tín rằng Giáo Hội có một trách nhiệm đối với thụ tạo và phải bày tỏ trách nhiệm ấy cả nơi công cộng nữa.
Dĩ nhiên, Giáo Hội không có bổn phận đưa ra các giải pháp kỹ thuật cụ thể, nhưng cho thấy rằng sự phát triển không thể bị giản lược vào các chiều kích kỹ thuật, chính trị hay kinh tế. Giáo Hội muốn đồng hành với sự phát triển này với vài định hướng luân lý đạo đức nhấn mạnh rằng mọi phát triển phải luôn luôn phục vụ con người và phục vụ công ích. Thật thế, trong sứ điệp gửi Hội nghị Quốc tế về Du lịch hồi tháng 4 năm nay 2012 tại Cancun bên Mêhicô, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh tầm quan trọng “soi sáng hiện tượng này với giáo thuyết xã hội của Hội Thánh, bằng cách thăng tiến một nền văn hoá du lịch có luân lý đạo đức và trách nhiệm, giúp đạt tới việc tôn trọng phẩm giá của con người và của các dân tộc, có thể đến với mọi người, công bằng, có thể chịu đựng nổi và tôn trọng môi sinh”.
Để được như thế, trước hết, cần nỗ lực giáo dục thăng tiến việc thay đổi tâm thức, để có các kiểu sống mới và đạt tới nghệ thuật chung sống, biết tôn trọng giao ước giữa con người và thiên nhiên, đặc biệt trong mùa hè. Ngoài ra, cũng cần phải vun trồng luân lý đạo đức trách nhiệm và cẩn trọng, ý thức được hậu quả các hành động của mình.
Đức Thánh Cha cũng nhắc cho biết: “Kiểu con người đối xử với thiên nhiên phản ánh kiểu nó đối xử với chính mình, và ngược lại. Điều này nhắc nhở xã hội ngày nay phải duyệt xét kiểu sống của mình một cách nghiêm chỉnh. Trong nhiều phần của thế giới kiểu sống này nghiêng về chủ thuyết hưởng lạc, tiêu thụ, và thờ ơ trước các tai ương bắt nguồn tứ đó”. Cần phải biết sống thanh đạm hơn, giảm bớt và cải tiến việc sử dụng năng lượng... Bảo vệ môi sinh là một thách đố đối với toàn nhân loại. Tôn trọng thiện ích chung là một bổn phận chung phổ quát. Do đó, cần có sự cộng tác của tất cả mọi cơ cấu và nhân viên liên hệ trong ngành du lịch cũng như các chính quyền và cộng đoàn địa phương.
Sau cùng, du lịch cũng là dịp tốt để rao truyền Tin Mừng và giới thiệu Chúa Kitô với con người ngày nay. (SD 24-7-2012)
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Radio Vatican)