MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Huynh đoàn Thánh Piô X: Bản Tiên đề Giáo lý chỉ có thể được chấp nhận với 3 điều kiện

WHĐ (27.07.2012) / Vatican Insider – Vừa qua, Tổng Công hội Huynh đoàn Thánh Piô X đã đưa ra câu trả lời theo yêu cầu của Toà Thánh về Bản Tiên đề Giáo lý. Khi chấp thuận và ký nhận Văn kiện này, Huynh đoàn Thánh Piô X sẽ được công nhận về mặt giáo luật và được hiệp thông trọn vẹn với Rôma. Tuy nhiên, con đường phía trước xem ra vẫn còn gian nan và trắc trở. Trong một bức thư đề ngày 18-7 gửi cho các cho các Bề trên miền, Tổng Thư ký của Huynh đoàn - Linh mục Christian Thouvenot - đã đưa ra một bản tóm lược tình hình hiện nay về mối quan hệ giữa Huynh đoàn và Toà Thánh Vatican. Bức thư nói đến các điều kiện tiên quyết (“sine qua non”) mà Huynh đoàn đặt ra cho các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo tại Rôma trước khi họ có thể chấp nhận Bản Tiên đề Giáo lý và được công nhận về phương diện Giáo luật.

Dưới đây là những điều kiện tiên quyết:

1. Được tự do gìn giữ, chia sẻ và giảng dạy giáo thuyết lành mạnh của Huấn quyền bền vững của Giáo hội cũng như chân lý bất biến của truyền thống thánh thiêng; tự do tố cáo và kể cả sửa sai những ai gieo rắc sai lầm hay cổ võ những đổi mới của chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa tự do, của Vatican II cùng hậu quả của công đồng này.

2. Được độc quyền sử dụng Phụng vụ năm 1962. Được giữ lại các cử hành bí tích mà chúng ta hiện đang duy trì (gồm có các bí tích: truyền chức, thêm sức và hôn phối).

3. Được có ít nhất một giám mục.

Ngoài ra, lá thư của Huynh đoàn còn đưa ra những đề nghị cần phải được quan tâm:

1. Được lập toà án sơ thẩm riêng.

2. Các nhà thuộc Huynh đoàn được hưởng quyền miễn trừ, không lệ thuộc các giám mục giáo phận.

3. Thiết lập Uỷ ban Toà Thánh về Truyền thống, trực tiếp thuộc quyền Đức Giáo hoàng. Uỷ ban này có chủ tịch và đa số các thành viên là những người ủng hộ Truyền thống.

Trong 3 điều kiện chính yếu đã nêu trên, rõ ràng điều kiện đầu tiên là tiêu biểu cho tất cả các vấn đề còn lại. Từ khi Tự sắc Summorum Pontificum được công bố, hẳn nhiên là những người theo giám mục Lefèbvres có thể tiếp tục cử hành phụng vụ theo nghi thức cũ và - nếu quan hệ với Toà Thánh được bình thường hoá - một giám mục mới có thể được bổ nhiệm mà không có vấn đề gì.

Cả lá thư này - đã được gửi đi nhưng không có ý định công bố - và thông cáo kết thúc Tổng Công hội, đều đề cập đến các sai lầm của chủ nghĩa hiện đại và của Công đồng Vatican II. Trong Bản Tiên đề mới nhất mà Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng y William Levada, trao cho Bề trên Tổng quyền Huynh đoàn ngày 13-6, Toà Thánh đã yêu cầu Huynh đoàn không chỉ trích thánh lễ mới và công nhận tính hợp thức và hợp pháp của thánh lễ này. Toà Thánh cũng yêu cầu Huynh đoàn chấp nhận Sách Giáo lý mới của Hội thánh Công giáo, và không chỉ nhìn Công đồng Vatican II dưới ánh sáng của Truyền thống trước đây, nhưng cả theo hướng ngược lại.

Ngày 13-6, trong cuộc nói chuyện kéo dài với ĐHY Levada tại Bộ Giáo lý Đức tin, Giám mục Fellay nói với Rôma rằng ngài không thể ký nhận Bản Tiên đề Giáo lý. Huynh đoàn đã thảo luận về điều này trong Tổng Công hội của họ (mà Giám mục Richard Williamson - người phủ nhận nạn diệt chủng Do Thái - bị cấm tham dự) và Giám mục Fellay đã có thể tái thống nhất Huynh đoàn vốn gặp khó khăn trong những tháng gần đây vì những bất đồng nội bộ về thoả thuận với Toà Thánh. Khi đưa ra câu trả lời cho lãnh đạo Công giáo ở Rôma, Huynh đoàn không có ý định đóng lại cánh cửa đối thoại. Nhưng khó mà hình dung được một văn bản đã được các hồng y của Bộ Giáo lý Đức tin bàn thảo và xem xét kỹ lưỡng sau đó còn được Đức Giáo hoàng phê chuẩn, lại bị đem ra tranh luận một lần nữa và phải sửa đổi.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Bộ trưởng mới của Bộ Giáo lý Đức tin, Đức TGM Gerhard Müller nói rằng “Công đồng Vatican II có tính ràng buộc”. “Chúng ta có thể thảo luận về Tuyên ngôn về những mối liên quan với truyền thông, nhưng những phát biểu về người Do Thái, về tự do tôn giáo và nhân quyền có ý nghĩa về phương diện tín lý. Bác bỏ những điều này là gây nguy hại cho đức tin Công giáo”.

Trong bức thư gửi cho các giám mục vào năm 2009 sau vụ Giám mục Williamson, Đức Ratzinger đã viết: “Thẩm quyền giáo huấn của Giáo Hội không thể bị đẩy lùi lại về thời điểm 1962 - Huynh đoàn cần nắm rõ điều này. Nhưng những người theo Giám mục Lefèbvre - những người vốn tự huyễn hoặc mình là người bảo vệ vĩ đại của Công đồng - nên nhớ lại rằng Công đồng Vatican II bao gồm toàn bộ lịch sử giáo lý của Giáo Hội. Bất cứ ai muốn tuân phục Công đồng cũng phải chấp nhận đức tin đã được tuyên xưng qua nhiều thế kỷ và không thể cắt đứt gốc rễ đem lại sức sống cho cây”. Đây là bản chất của công cuộc cải cách theo Công đồng Vatican II đã được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI trình bày ngay sau khi ngài được bầu làm giáo hoàng. Nhưng đề nghị của ngài cho đến nay vẫn bị người ta lờ đi.

(Theo Andrea Tornielli, VaticanInsider, 23-07-2012)

Minh Đức

(Nguồn: WHĐ)