ĐHY Raymond L. Burke |
EMTY (Cork, Ireland, CNA) - ĐHY Raymond L. Burke cho rằng việc cử hành đồng tế "quá mức" - việc các linh mục cùng cử hành chung trong Thánh lễ - có thể làm cho vai trò đặc thù của linh mục trong việc cử hành phụng vụ thánh trở nên lu mờ.
“Tôi không nghĩ có sự khuyến khích việc cử hành đồng tế quá mức, vì quy tắc tiêu chuẩn là chính cá nhân mỗi linh mục cử hành hy tế trong Thánh lễ”, vị đứng đầu Toà Tối cao Pháp viện của Vatican nói với CNA hôm 9-7.
“Nếu việc cử hành thánh lễ đồng tế được lặp lại quá thường xuyên, nó có thể phát sinh nơi vị linh mục một cảm giác mình là người tham dự thay vì linh mục thực sự là người cử hành hy tế trong Thánh lễ”.
Một trong những vị giám chức kỳ cựu nhất của Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ nói với CNA ngay sau khi thuyết trình trong một hội nghị quốc tế về phụng vụ diễn ra tại thành phố Cork của Ireland. Sự kiện kéo dài 3 ngày, do Hội Thánh Colman về Phụng vụ Công giáo tổ chức, nhằm khám phá những vấn đề về “Cử hành Bí tích Thánh Thể: Việc Hiến tế và Hiệp lễ”.
Vị cựu Tổng Giám mục của GP. St. Louis lo ngại rằng, trong khi việc cử hành của linh mục là đặc thù, nhưng ngài “xem ra chỉ tham dự trong Thánh lễ giống như cộng đoàn” nếu ngài đồng tế quá thường xuyên. “Đó là sự nguy hiểm mà tôi nhận thấy trong việc đồng tế quá mức”, ngài nói.
Những lời thận trọng của ĐHY Burke trùng với những nhận xét gần đây của ĐHY Antonio Canizares, người đứng đầu Bộ Phụng tự của Vatican. ĐHY Antonio Canizares đã nói với cử toạ tại Đại học Thánh Giá của Rôma hôm 5-3 rằng việc “mở rộng đồng tế cần được xét duyệt, như chúng ta có thể thấy khi đọc các văn bản của Công đồng (Vatican II)”.
ĐHY Canizares giải thích rằng đồng tế “là một nghi thức đặc biệt, trang trọng và mang tính cộng đồng, thông thường được giám mục hoặc vị đại diện của ngài chủ tế” giữa các linh mục của ngài và toàn thể cộng đoàn tham dự. Nhưng “việc đồng tế hằng ngày chỉ giữa các linh mục với nhau - một thực hành mang tính ‘cá nhân’ - … không hình thành nên một phần trong truyền thống phụng vụ Latinh”, ngài nói.
Trong một cuộc phỏng vấn trên phạm vi rộng, ĐHY Burke cũng nêu ra những lý do tại sao một linh mục không nên thêm vào (ad-lib) những lời của riêng cá nhân ngài hoặc các lời cầu nguyện trong Thánh lễ, vì “ngài là người phục vụ nghi thức” chứ “không phải là nhân vật chính - là Chúa Kitô”.
“Vì vậy, thật sai lầm khi các linh mục nghĩ rằng ‘làm thế nào tôi có thể cử hành việc này cách thú vị hơn?’ hoặc ‘làm thế nào tôi có thể làm việc này tốt hơn?’”, ngài nói.
Ngài cũng lưu ý Bộ Giáo luật 1917 - được thay thế bằng Bộ luật mới, ban hành năm 1983 - quy định rõ ràng rằng một linh mục nên "thực hành cách chính xác và chân thực những lời trong sách phụng vụ để đề phòng linh mục đừng thêm vào đó các ý lễ khác hoặc những lời cầu nguyện theo cách nghĩ của riêng mình”.
“Lối suy nghĩ này là cá nhân người đó nghĩ rằng ‘làm cách nào để tôi có thể cải tiến được phụng vụ vốn đã được lưu truyền trong Giáo Hội suốt hàng bao thế kỷ?’ Điều này thật vô lý”, ĐHY Burke nói.
Tương tự như vậy, ĐHY Burke đã trưng dẫn Bộ Giáo luật 1917 quy định rõ ràng rằng một linh mục đang mắc tội trọng không nên cử hành Thánh lễ “nếu trước đó chưa được ơn tha thứ qua Bí tích Hoà Giải”, khi “phải dâng Thánh lễ trong trường hợp cần thiết” mà “không có cha giải tội”, linh mục đó phải “thực hiện một hành động sám hối cách trọn vẹn” và phải xưng tội càng sớm càng tốt.
“Đơn giản là Bộ Giáo luật 1917 đã bị loại bỏ và tôi nghĩ rằng nó nên được áp dụng trở lại, vì ý tưởng xứng đáng được gắn liền một cách ưu việt với linh mục là người dâng hiến tế”, ngài nói.
Vị giám chức 64 tuổi đến từ bang Wisconsin của Hoa Kỳ, hiện lưu trú tại Rôma, nơi ngài đang làm một cộng sự thân cận của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI. Giống như vị đương kim Giáo hoàng, ĐHY Burke cũng cho rằng bất kỳ cải cách nào về phụng vụ thánh “phải được bắt nguồn từ giáo huấn của Công đồng Vatican II” và “được kết nối một cách thích hợp với truyền thống” của Giáo Hội.
Điều đó nhằm tránh hoặc loại bỏ những sáng kiến khác, bao gồm cả việc thường xuyên sử dụng “nghi thức rước lễ” do một giáo dân hoặc một tu sĩ hướng dẫn khi nơi đó không có linh mục dâng lễ ngày Chúa Nhật. “Không tốt cho cộng đoàn khi phải tham dự thường xuyên các nghi thức này vào ngày Chúa Nhật vì làm họ mất đi nhận thức rằng Bí tích Thánh Thể, việc rước Mình Thánh Chúa đến từ việc hiến tế”, ngài giải thích.
Ngài nhớ lại những năm đầu làm giám mục, ngài được một số giáo dân cho biết họ thích tham dự “thánh lễ của phó tế” hoặc “thánh lễ của nữ tu”.
Việc sử dụng quá mức các nghi thức đó - ngài nhận định - cũng có thể làm cản trở ơn gọi linh mục, khi mà sự tách biệt Bí tích Thánh Thể “khỏi ơn gọi và sứ vụ của linh mục vốn chủ yếu là dâng Thánh lễ Hy tế”, có nghĩa là một thanh niên được ơn gọi làm linh mục “không còn nhìn thấy trước mắt mình căn tính ơn gọi mà anh được gọi”. Vì thế, số ơn gọi sẽ “giảm mạnh”.
Vị chánh án của Toà án Tối cao của Giáo Hội cũng tin rằng có một mối tương quan trực tiếp, trong những thập kỷ gần đây, giữa sự “do dự” trong việc áp dụng hình phạt theo giáo luật với “việc lạm dụng và vi phạm luật Giáo Hội” trong lĩnh vực phụng vụ. Những hình phạt như thế - ngài giải thích - “trước hết là liều thuốc” nhằm mục đích “gây sự chú ý của một người về mức độ trầm trọng của những gì người đó đang làm và mời gọi họ ăn năn trở lại”.
“Các hình phạt là cần thiết”, ngài nói. “Nếu đời sống Giáo Hội trong suốt 20 thế kỷ luôn cần thiết phải xử phạt, thì tại sao trong thế kỷ hiện nay của chúng ta lại đột nhiên nghĩ rằng những hình phạt không còn cần thiết nữa? Điều này cũng vô lý nốt”.
Hùng Nguyễn
(Nguồn: emty.org)