Phỏng vấn nữ triết gia Laura Boella
Từ 4 năm qua, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính đã đẩy đưa toàn thế giới vào tình trạng sống khó khăn, khiến cho nhiều thương gia tự tử vì nợ nần, và nhiều gia đình phải thắt lưng buộc bụng, chưa hết tháng đã hết tiền. Và người ta bắt đầu nói nhiều đến luân lý đạo đức chính trị và kinh tế. Theo nữ triết gia Laura Boella, Giáo sư Triết học Luân lý tại Đại học Milano bắc Italia, luân lý đạo đức có sức mạnh giúp chiến thắng sợ hãi. Bà Boella mới cho xuất bản cuốn sách tựa đề “Sự can đảm của luân lý đạo đức”. Bìa cuốn sach có hình Thánh Giorgo đánh hạ con rồng, biểu tượng cho Satan và các lực lượng đen tối chống đối Thiên Chúa và đánh phá, hãm hại con người.
Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn một số nhận xét của bà liên quan sức mạnh của luân lý đạo đức trong cuộc sống.
Hỏi: Thưa Giáo sư Boella, tại sao giáo sư lại viết cuốn sách luân lý đạo đức này?
Đáp: Viết về luân lý đạo đức không phải là điều dễ dàng. Tôi đã phải mất 10 năm mới viết xong cuốn sách này. Ngày nay, người ta nói nhiều về luân lý đạo đức trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, cũng như trong lĩnh vực công ăn việc làm. Nhưng chúng đều là các diễn văn trống rỗng, nếu không nói là hàm hồ. Và người ta nhận ra ngay sự xa cách giữa thực tại và các từ vựng, mà chúng ta đã nhận được như gia tài của truyền thống quá khứ như: sự tin tưởng, liêm chính, lòng can đảm, tình yêu thương, sự tha thứ, lòng trung thành. Tôi đã viết cuốn sách này, bởi vì ngoài sự khước từ đối với vài loại diễn văn trống rỗng và giả hình, còn có nhu cầu luân lý đạo đức rất mạnh mẽ nữa.
Hỏi: Thế chứ không phải là người ta không muốn nghe nói tới các điều đó vì họ không thích luân lý đạo đức hay sao?
Đáp: Trong một nghĩa nào đó, hành động một cách luân lý đạo đức trong việc làm ăn, trong doanh thương, trong chính trị có nghĩa là thêm một bổ túc linh hồn cho các sinh hoạt mà chúng ta thường cho rằng chúng phải đáp ứng các luật lệ tiện ích, để làm đẹp chúng với một chút luân lý đạo đức. Thế rồi, còn có loại luân lý đạo đức được coi như chủ trương luân lý hay quy chiếu các giá trị, mà tất cả chúng ta tưởng là mình đã biết, nhưng thật ra chúng chỉ được các thánh nhân và các anh hùng thực thi mà thôi.
Hỏi: Nhưng làm thế nào để cho nhu cầu luân lý được nổi bật lên, thưa giáo sư?
Đáp: Cần phải tháo gỡ sự lầm lẫn nảy sinh từ chấn thương, mà luân lý đạo đức đã phải gánh chịu theo sau các đại hoạ của thế kỷ XX. Các nhà tư tưởng như Vladimir Jankélévitch, Hannah Arendt, Emmauel Lévinas đã đương đầu với thách đố lớn của chủ nghĩa độc tài và nạn diệt chủng Do Thái. Arendt đã đề cập tới “quang cảnh điêu tàn của luân lý đạo đức”, “các tiêu chuẩn luân lý tan thành tro”. Đối với nền luân lý đời, những gì đã xảy ra trong thế kỷ XX là một thảm cảnh định đoạt. Và cuốn sách của tôi khởi đầu từ đó để rút tỉa ra các kết luận trái nghịch với luận thuyết sự tan rã của luân lý đạo đức.
Hỏi: Thưa giáo sư, ngày nay có thể xây dựng một tương quan giữa cuộc sống và luân lý đạo đức như thế nào?
Đáp: Trước hết luân lý đạo đức không được trở thành điều xa lạ với thân xác con người. Chúng ta không còn có thể lý luận như triết gia Kant, cho rằng luật lệ của bổn phận tách rời khỏi các cảm xúc. Ngày nay, luân lý đạo đức phải tìm thấy nguồn gốc nơi các cảm xúc. Nó phải nảy sinh từ cuộc sống, mặc dù không thể bẹp dí trên sự sống, bởi vì luân lý đạo đức bao gồm một sự bẻ gãy, một bước nhảy vọt về phẩm, có thể trở thành luân lý trong lúc chúng ta ngưng các năng động chỉ gắn liền với các nhu cầu vật chất. Chẳng hạn khi đặt vấn nạn liên quan tới sự thiện, sự ác, hay lòng trung thành có nghĩa là bẻ gãy các khuynh hướng tự động, các thói quen và đứng bên ngoài những thứ đó. Và chúng ta có thể làm điều này, khi đơn sơ thực thi nhiệm vụ tưởng tượng của mình.
Hỏi: Giáo sư có ý nói gì qua sự tưởng tượng?
Đáp: Đó là khả năng của trí tuệ cho phép chúng ta đặt để các cảm xúc của chúng ta trong tương quan với nhau. Đó là cơ quan của sự tưởng tượng, của óc sáng tạo và nhiệm vụ nền tảng hoà hợp chúng ta với những gì khác với chúng ta. Và đây là nền tảng nòng cốt của luân lý đạo đức. Tưởng tượng là nền tảng trong sự đồng cảm, vì nó cho phép tôi mở rộng cho những gì mà tôi chưa là, hay cho những gì mà người khác chưa là.
Hỏi: Ví dụ giáo sư viết rằng tưởng tượng là nền tảng của sự tha thứ, tại sao vậy?
Đáp: Bởi vì sự tha thứ nảy sinh từ khả năng tưởng tượng ra cho người khác một tương lai khác với hiện tại của họ. Tưởng tượng ở đây là một năng lực luân lý. Các sức mạnh như sự thiện, sự thật, vẻ đẹp, công lý hiện hữu, vì chúng vượt quá sự đặc biệt của tôi. Chúng có một phẩm chất siêu vượt hơn tôi. Trí tưởng tượng cho phép chúng ta đồng điệu với nhau và với các lúc lý tưởng siêu việt ấy. Đó là sự di động của luân lý đạo đức, qua dụng cụ là trí tưởng tượng.
Hỏi: Giáo sư có thể cho thêm một thí dụ khác không?
Đáp: Nó giống như là mở cửa sổ, và đứng trước cửa sổ mở vậy. Đây là một bài tập tưởng tượng: tôi nghiêng mình ra khỏi cuộc sống riêng tư của tôi, và rộng mở chính mình cho cái gì khác với tôi. Đó là nền tảng của luân lý đạo đức.
Hỏi: Trở lại với việc tha thứ. Chúng ta nghĩ tới lời Chúa Giêsu nói trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Tại sao vậy?
Đáp: Chúa Giêsu xin Thiên Chúa Cha tha thứ cho các kẻ giết Ngài, bởi vì nếu không, họ sẽ bị một tội ác nặng như thế đè bẹp. Chúa trông thấy điều tốt đẹp hơn mà họ có thể có trong tương lai của họ, nhưng giờ đây họ không có. Khi làm như thế là Chúa Giêsu cho họ cơ may chuộc lại tội ác đó. Đây là việc làm cho hiện ra trước điều chúng ta có thể là, và nó khiến cho chúng ta sống trong sự tin tưởng nơi tha nhân. Điều này gọi là luân lý đạo đức của cuộc sống.
Hỏi: Nó là một đánh cá về sự thiện có thể xảy ra, có đúng thế không, thưa giáo sư?
Đáp: Đó là sự tin tưởng, là lòng can đảm. Bởi vì phải có lòng can đảm để nói lên sự thật trong viễn tượng của sự thiện tương lai có thể nảy sinh từ đấy. Đây là di chuyển của luân lý nảy sinh từ sự sống. Đây là sự di chuyển trái nghịch với tất cả những gì bảo chúng ta phải thích ứng với các tư tưởng của người khác. Đây là việc tái mở các trò chơi của cuốc sống trong dấu chỉ của niềm hy vọng.
Hỏi: Nhưng mà thưa giáo sư cánh cửa sổ ấy ngày nay càng được mở ít hơn, tại sao vậy?
Đáp: Bởi vì ngày nay có sự sợ hãi thống trị. Nói như ông Fassbinder: “Sự sợ hãi ăn mất linh hồn”. Vì thế, Thánh Edith Stein đã nói: Cần phải mở lớn đôi con mắt cho đời sống. Đóng kín trong nhà hạn chế chúng ta và giết chết chúng ta, vì thế mở toang cửa sổ là một cử chỉ giải phóng cần thiết.
Hỏi: Chỉ cần bật truyền hình lên là chúng ta thấy mình bị lôi kéo bởi các các thuyết 1.000 năm và các quan điểm bi quan yếm thế đối với tương lai. Giáo sư nghĩ sao?
Đáp: Tôi nghĩ khuynh hướng bi quan thái quá vì cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính là một sai lầm. Nó không luân lý đạo đức. Sự sợ hãi là một thùng chứa lớn và nó dễ bị lèo lái bằng nhiều cách khác nhau. Lập trường của người có luân lý đạo đức là lập trường đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đưa ra với lời mời gọi “đừng sợ hãi!”.
Hỏi: Đức Gioan Phaolô II đã hướng lời kêu gọi tới mọi người nhưng nhất là hướng tới giới trẻ, có đúng thế không, thưa giáo sư?
Đáp: Vâng đúng thế, bời vì người trẻ cần được trợ giúp nhiều hơn để họ hiểu rằng khi cuộc sống được đương đầu với lòng can đảm, thì nó đáng sống hơn.
Hỏi : Làm thế nào để dạy cho con người biết phân biệt trở lại giữa sự thiện và sự ác?
Đáp: Việc đánh mất đi sự phân biệt giữa sự thiện và sự ác bắt nguồn từ chỗ không còn thói quen biết đặt vấn đề về điều mình làm nữa. Ngày nay, tất cả đều có thể hoạt động, nhưng để có thể lớn lên, thì điều định đoạt là phải biết nói trở lại trong cuộc sống thường ngày: điều này tốt, điều kia xấu, điều này được, điều kia không được. Ngày nay, người ta muốn trở thành giống nhau đồng loạt, trở thành dẹp lép trên bình diện chung. Nhưng luân lý đạo đức, trái lại, đòi buộc chúng ta phải dấn thân hàng đầu và lãnh lấy trách nhiệm của mình.
(Avvenire 9-6-2012)
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Radio Vatican)