VATICAN - Đại sứ mãn nhiệm của Israel cạnh Toà Thánh lạc quan về viễn tượng ký kết hiệp định với Toà Thánh trong khi Đức Sứ thần Toà Thánh ở Israel tỏ ra dè dặt hơn.
Trong những ngày vừa qua, Đức TGM Antonio Franco, 75 tuổi, đã mãn nhiệm vụ 7 năm làm Sứ thần Toà Thánh tại Israel kiêm Khâm sứ Toà Thánh tại các lãnh thổ của người Palestine. Cũng vậy, Đại sứ Israel cạnh Toà Thánh, ông Mordechay Lewy, 64 tuổi (1948), cũng mãn nhiệm vụ sau 4 năm rưỡi ở Rôma. Ông gia nhập ngành ngoại giao của Israel từ năm 1975, đã từng phục vụ tại các sứ quán ở Bonn và Berlin ở Đức, Stocholm, Thuỵ Điển, rồi làm Đại sứ tại Thái Lan trong 4 năm, trước khi làm cố vấn cho Toà Thị chính Giêrusalem về các cộng đồng tôn giáo, rồi được bổ làm Đại sứ Israel cạnh Toà Thánh hồi năm 2008.
Nhân dịp mãn nhiệm, hai vị đã dành cho giới báo chí các cuộc phỏng vấn về hiện tình quan hệ giữa Toà Thánh và Israel, những bước thăng trầm trong thời gian qua, và viễn tượng tương lai, đặc biệt là vấn đề ký kết một hiệp định giữa Israel và Toà Thánh về vấn đề thuế khoá và tài chính của Giáo hội Công giáo tại Israel, một cuộc thương thuyết dài dẵng từ 13 năm qua, chiếu theo hiệp định cơ bản đã được ký kết trước đó giữa hai bên.
Hôm 12-6-2012, Uỷ ban làm việc thường trực song phương giữa Toà Thánh và Israel đã nhóm khoá họp toàn thể tại Dinh Tông toà ở Vatican. Phái đoàn Toà Thánh do Đức ông Ettore Balestrero, Thứ trưởng Ngoại giao Toà Thánh, làm trưởng đoàn, và Phái đoàn Israel do Ông Danny Ayalong, Thứ trưởng Ngoại giao, làm trưởng đoàn. Mỗi phái đoàn có khoảng 9, 10 người.
Thông cáo chung kết cho biết, trong bầu không khí suy tư và xây dựng, Uỷ ban đã ghi nhận những tiến bộ đáng kể tiến tới việc ký kết hiệp định về vấn đề thuế khoá và tài chính của Giáo hội Công giáo ở Thánh Địa. Cả hai bên đồng ý về những bước cần thực hiện trong tương lai và ấn định khoá họp toàn thể lần tới sẽ vào ngày 6-12 năm nay tại trụ sở Bộ Ngoại giao Israel.
Viễn tượng ký hiệp định
Trong cuộc phỏng vấn hôm 11-7-2012 dành cho giới báo chí cạnh Toà Thánh, Đại sứ Lewy cho biết hiệp định vừa nói có thể được ký kết trong khoá họp toàn thể ngày 6-12-2012 của Uỷ ban song phương Israel và Toà Thánh. Ông nói: “Tôi rất tin tưởng về việc có thể kết thúc sớm hiệp định này và tôi không phải là người duy nhất nói điều đó, mà cả các nguồn của Vatican nữa. Những tiến bộ đã xảy ra gần đây. Các điểm chưa được giải quyết liên hệ chủ yếu tới các khía cạnh pháp lý chứ không phải là vật chất và cũng không phải là thiết yếu”.
Tuy nhiên, Đức TGM Sứ thần Toà Thánh Antonio Franco tỏ ra dè dặt hơn ông đại sứ. Trong cuộc phỏng vấn bằng điện thoại từ Giêrusalem, ngài cho biết vẫn còn có nhiều điểm còn tồn đọng, và hai bên, Israel và Toà Thánh, chưa đạt tới một quan điểm chung.
Đức TGM nói: “Vì thế, tôi không nghĩ rằng Hiệp định có thể ký trước tháng 12 năm nay. Hơn nữa, chúng tôi đồng ý về nội dung cơ bản của Hiệp định, nhưng một số vấn đề còn chia rẽ giữa hai bên, không kể thời gian cần thiết để dịch từ tiếng Anh sang tiếng Do Thái, việc dịch này chắc chắn cũng phải mất một thời gian. Rồi cũng phải đợi các nhà ngoại giao mới được bổ nhiệm và nhận chức. Về phần tôi, tôi sẽ ở lại Thánh Địa một thời gian nữa để theo dõi hồ sơ này. Các nơi thánh vẫn là một trong những điểm tế nhị nhất, nhất là Nhà Tiệc Ly. Điều chắc chắn là, trái với những gì người ta có thể đọc thấy trên báo chí, Toà Thánh tuyệt đối không từ bỏ việc yêu cầu Israel trả lại Nhà Tiệc Ly, nơi đây là tu viện đầu tiên của dòng Phanxicô ở Giêrusalem”.
Một số nhận định của Đại sứ Mordechay Lewy
Trong cuộc phỏng vấn, Đại sứ Mordechay Lewy cho biết Nhà nước Israel đã quyết định cấp thị thực cho những người có hộ chiếu ngoại giao của Toà Thánh mà không cần có sự kiểm soát hoặc thẩm vấn thêm. Theo Ông, biện pháp như thế đối với Toà Thánh là “một trường hợp duy nhất”, nghĩa là không một ai, nếu không sinh ra trong một nước mà họ mang hộ chiếu, có thể được hưởng sự dễ dàng hành chính như vậy, dù người mang hộ chiếu ngoại giao Toà Thánh đến từ một nước thù địch của Israel như Syrie chẳng hạn.
Đại sứ Lewy cũng trả lời giới báo chí về vấn đề những người thuộc Huynh đoàn Thánh Piô X có thể tái hiệp nhất với Giáo hội Công giáo, ông tỏ ra tin tưởng về lập trường của Toà Thánh về quan hệ với thế giới Do Thái và đồng thời cũng chào mừng việc ĐTC mới đây đã bổ nhiệm Đức TGM Augustine Di Noia, người Mỹ, dòng Đa Minh, làm Phó Chủ tịch Uỷ ban Toà Thánh Ecclesia Dei (Giáo Hội của Thiên Chúa) về các tín hữu Công giáo thủ cựu. Ông Đại sứ nhận xét rằng khi bổ nhiệm, Toà Thánh nhắc đến những mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức Do Thái, và đây là là điều thật đúng đắn.
Theo thông lệ, ĐTC vẫn tiếp các vị đại sứ cạnh Toà Thánh trước khi họ rời nhiệm sở. Đại sứ Mordechay Lewy đã được ĐTC tiếp kiến như vậy khi ông đến từ giã. nhân dịp này, ngài đã hỏi ông về tình hình cuộc thương thuyết trong Uỷ ban làm việc song phương giữa Toà Thánh và Israel.
Ông nói với giới báo chí: “Quan hệ ngoại giao cũng được thực hiện nhất là qua những cử chỉ đầy ý nghĩa. Và cử chỉ ý nghĩa nhất của ĐGH Bênêđictô XVI là giải toả lời cáo buộc người Do Thái đã gây ra cái chết cho Đức Kitô trong lịch sử Đức Giêsu thành Nazareth, bộ sách mà ĐGH đã viết. Ngay sau đó, thủ tướng Bibi Natanyahu đã muốn mừng ĐGH với một cây ôliu, một biểu hiểu quan trọng của tình bạn.
Đại Ssứ Lewy cũng nhắc lại nhiều biến cố thăng trầm trong mối quan hệ giữa Do Thái và Công giáo. Ông nhận xét rằng sự hoà giải lịch sử giữa hai tôn giáo, Công giáo và Do Thái, là một tiến trình dài, đang tiến hành và có những lúc đầy ý nghĩa như cuộc viếng thăm của ĐGH Bênêđictô XVI tại Israel năm 2009, cuộc viếng thăm của ngài tại Hội đường Do Thái ở Rôma năm 2010, ít lâu sau khi Toà Thánh công bố sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của ĐGH Piô XII, những tiến bộ trong lĩnh vực thuế khoá trong cuộc thương thuyết về hiệp định, sự đơn giản hoá thủ tục cấp thị thực ngoại giao cho các nhà ngoại giao của Vatican, nhưng nhất là ĐGH đã tháo bỏ trách nhiệm của người Do Thái về việc đóng đinh Đức Kitô. ĐGH Ratzinger đã chứng tỏ tình bạn đối với người Do Thái”.
Đại sứ Lewy cũng nhắc đến những vấn đề đã gây ra tranh luận hoặc những lúc căng thẳng thực sự giữa hai tôn giáo dưới thời Đức Bênêđictô XVI, nhưng ông nhắc lại các biến cố đó với giọng hoà dịu. Ví dụ về việc tái du nhập trong sách lễ Latinh kinh nguyện ngày Thứ Sáu Tuần Thánh cầu cho người Do Thái tuy có sửa đổi. Đại sứ nói: “Chúng tôi không được can thiệp vào kinh nguyện của Công giáo và Công giáo cũng không được can thiệp vào kinh nguyện của chúng tôi vì trong cả hai đều có những điểm tranh luận. Ngoài ra, tôi không dùng từ bài Do Thái nhiều quá vì đã bị lạm dụng.”
Nhận định của Đức TGM Franco
Về phần Đức TGM Antonio Franco, nhìn lại thời gian 7 năm làm Sứ thần Toà Thánh tại Israel, ngài nói: “Thời kỳ ấy đã có những lúc đau thương, như cuộc hành quân “Chì cứng” của Israel tại miền Gaza hồi mùa đông năm 2009, nhưng cũng có những lúc rất khẩn trương với những biến cố như cuộc viếng thăm của ĐTC Bênêđictô XVI tại Thánh Địa, đó là một cuộc viếng viếng thăm được chuẩn bị với nhiều khó khăn.
Đức Sứ thần Toà Thánh nhắc đến những lúc dễ dàng và những lúc khó khăn trong công việc của ngài về phương diện thực hành và về mặt hành chính, trong việc Nhà nước Israel cấp thị thực nhập cảnh và cư trú cho các nhân viên của Giáo hội Công giáo, có những lúc rất dễ nhưng cũng có lúc khó khăn. Đàng khác, từ 10 năm nay, tức là từ năm 2002, các nhân viên của Giáo Hội Công giáo không còn được bảo hiểm xã hội ở Israel nữa.
Đức TGM nói: “Chúng tôi cũng gặp khó khăn về các trường Công giáo tại Israel, các trường này được Nhà nước Israel trợ giúp, nhưng cũng phải trả rất nhiều thuế và phí tổn, vì thế học phí trở nên quá đắt đỏ đối với các tín hữu Kitô địa phương. Do đó, chúng tôi phải hoạt động để các học sinh có thể kiếm được học bổng.
Một vấn đề khác cũng được đề cập tới trong cuộc phỏng vấn, đó là: trong thời gian qua, Viện Bảo tàng Yad Vashem ở Giêrusalem về cuộc diệt chủng Do Thái đã thay đổi ghi chú về vai trò của ĐGH Piô XII (1939-1958) trong thời Thế chiến II: ghi chú trước đây kịch liệt phê bình ngài vì đã không lên tiếng công khai bênh vực người Do Thái. Nhưng ghi chú vừa được sửa đổi, và có phán đoán tương đối nhẹ nhàng hơn. Dù vậy, việc thay đổi ghi chú này cũng gây ra tranh luận, chẳng hạn Rabbi trưởng của Cộng đoàn Do Thái ở Rôma cho rằng Viện Bảo tang Yad Vashem đã chịu sức ép của Vatican để thay đổi như vậy, một sự thay đổi ghi chú không nên làm.
Về vấn đề này, Đức Sứ thần Toà Thánh nói: “Chúng tôi có một cái nhìn về hoạt động của Toà Thánh trong thời Thế chiến II không phải là cái nhìn được trình bày trên bảng ghi chú trước đây ở Viện Bảo tang Tad Vashem, và quan điểm của Toà Thánh cũng không tương ứng với ghi chú hiện nay tại Viện này, tuy rằng sự thay đổi như thế là một bước tiến đầu tiên dẫn đến một sự đối thoại thanh thản hơn về vấn đề này, và để có một sự hiểu biết bao quát hơn.
Ngay từ khi khánh thành Viện Yad Vashem với bảng ghi chú về vai trò của Đức Piô XII, Toà Sứ thần Toà Thánh đã bày tỏ sự bất đồng ý kiến, nhất là về phương diện lịch sử thời kỳ ấy. Từ sau đó, sự cộng tác được gia tăng. Ít lâu trước cuộc viếng thăm của ĐGH Bênêđictô XV tại Thánh Địa hồi tháng 3-2009, tại Viện Yad Vashem đã diễn ra một khoá hội thảo với sự tham dự của các sử gia, trong đó có nhiều người bênh vực quan điểm của Toà Thánh. Đó là một thời điểm quan trọng. Dần dần, ý thức về sự thay đổi chín muồi, mà không liên hệ tới bất kỳ sức ép nào về phía Toà Thánh.”
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)