MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Một số kỷ niệm liên quan tới Công đồng Chung Vatican II

(Phỏng vấn ĐHY Jorge Maria Mejia)

Cách đây 50 năm, Công đồng Chung Vatican II đã khai mở với sự tham dự của 2.540 người, gồm các nghị phụ, các chuyên viên và đại diện của các Giáo hội anh em. Trong số các chuyên viên tham dự Công Đồng cũng có một linh muc trẻ tuổi người Argentina: đó là Linh mục Jorge Maria Mejia, hiện nay là hồng y. ĐHY Mejia đã là người đi tiên phong trong việc đối thoại với các anh em Do Thái và là người hiểu biết nền văn hoá Do Thái sâu rộng. Ngài cũng là bạn thân của Cha Henri de Lubac và bạn học cùng thời với Đức Gioan Phaolô II tại Đại học Giáo hoàng Angelicum.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y về một số các kỷ niệm thời Công Đồng.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, vào thời khai mạc Công Đồng, Đức Hồng Y đã được chỉ định làm chuyên viên của Công Đồng như thế nào?

Đáp : Hồi tháng 11-1963, Công Đồng bắt đầu khoá họp thứ hai. Một hôm, Đức cha Juan Giaquinta đem cho tôi một phong bì của Toà Tổng Giám mục Buenos Aires và cho tôi biết là Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh chỉ định tôi làm chuyên viên của Công Đồng. Tôi rất ngạc nhiên, vì cho tới lức đó tôi đặc trách các việc khác như nguyệt san Công giáo Argentina Criterio. Thú thật, công việc của Công Đồng đòi hỏi nhiều năng lực lắm. Tôi đã là một trong các chuyên viên ít ỏi của châu Mỹ Latinh. Trong chỗ dành riêng cho các chuyên viên, tôi đã gặp nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có Cha Henri de Lubac, mà tôi đã tiếp xúc để viết luận án thần học tại Đại học Giáo hoàng Angelicum; Cha Jorge Arturo Medina Estevez, sau này trở thành Hồng y Tổng trưởng Bộ Phụng tự; và Cha Egidio Viganò, sau này là Tổng quyền Dòng Don Bosco Salesien. Dĩ nhiên là cũng có thần học gia trẻ tuổi người Đức là Joseph Ratzinger nữa.

Trong số các tài liệu Công Đồng đã ảnh hưởng sâu đậm trên cuộc đời linh mục của tôi có tài liệu về Đại kết Unitatis Redintegratio, và tài liệu về các tôn giáo không Kitô Nostra Aetate. Tôi được giao cho nhiệm vụ tiếp xúc với các nghị phụ Argentina và Uruguay, mà tôi đã quen biết trước Công đồng Vatican II. Chúng tôi hội họp thường xuyên với nhau, và từ các cuộc họp đó đã nảy sinh ra các đề nghị và yêu cầu được trình bày trước các nghị phụ.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, đâu là phần đóng góp của các nghị phụ châu Mỹ Latinh cho Công Đồng?

Đáp : Như quý vị có thể tưởng tượng ra, đóng góp đã có thứ tự và trong một nghĩa nào đó nó đa diện. Điều tôi có thể nhấn mạnh là phần đóng góp của Đức Hồng Y tương lai Eduardo Francisco Pironio đối với tài liệu về Tông đồ Giáo dân Apostolicam Actuositatem. Ngài đã nắm vai trò định đoạt trong việc soạn thảo tài liệu này. Ảnh hưởng của vị Giám mục người Argentina này đã rất lớn nhờ kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu xa của ngài đối với Phong trào Công giáo Tiến hành tại Argentina. Nổi bật là việc bảo vệ sự nghèo khó trong Giáo Hội từ phía tất cả các Giám mục Argentina. Người đã mạnh mẽ trình bày đề tài này là vị Giám mục trẻ tuổi của Giáo phận Nueve de Julio, sau này trở thành Hồng y, đó là Đức cha Antonio Quarracino, người Italo Argentina.

Một trong những tranh luận sôi nổi giữa các nghị phụ là việc tái phục hồi chức phó tế vĩnh viễn như trong thời Giáo Hội khai sinh. Ở đây, uy tín mục vụ của Đức Tổng Giám mục Lima Giáo chủ Peru, Đức cha Juan Landaszuri Ricketts, dòng Phanxicô, đã khiến cho phần lớn các nghị phụ chấp nhận tài liệu. Các Giám mục châu Mỹ Latinh cũng đóng góp nhiều cho đề tài Giám mục đoàn.

Hỏi: Đức Hồng Y có nhớ xảy ra vụ đụng độ nào giữa các nghị phụ hay không?

Đáp : Mặc dù Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã cố gắng để đi đến chỗ đồng nhất bỏ phiếu cho các tài liệu, nhưng đã luôn luôn xảy ra các vụ đụng độ liên quan tới các từ hay các định nghĩa nhỏ. Bầu khí trở thành sôi bỏng, chẳng hạn như lần ĐHY Joseph Frings của Tổng Giáo phận Koeln tố cáo Thánh Văn Phòng, tức Bộ Giáo lý Đức tin, là quá bàn giấy, rườm rà và độc quyền liên quan tới các công việc của Công Đồng. Đó là bài phát biểu rất mạnh mẽ chống lại ĐHY Ottaviani. ĐHY Ottaviani đã rất xúc động và đã trả lời, nhưng không được hữu hiệu và hùng hồn bằng vị Hồng y người Đức.

Hỏi: Thế các đụng độ và các tranh luận ấy có ảnh hường gì trên việc soạn thảo các tài liệu quan trọng của Công Đòng không, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Việc xảy ra các đụng độ và các tranh luận giữa các nghị phụ không phải là một bí mật gì. Đặc biệt khi liên quan tới các đề tài tế nhị và định đoạt như đối thoại đại kết hay đối thoại với các tôn giáo không Kitô với tài liệu Nostra Aetate. Người ta nhận ra ngay 2 khuynh hướng bảo thủ và cởi mở: bảo thủ như Đức cha Ernesto Ruffini và cởi mở như Đức cha Agostino Bea. Nhưng Công Đồng đã thực sự bị chia rẽ hay rách nát trong việc soạn thảo tài liệu Dignitatis Humanae. Có những vị mạnh mẽ bênh vực tự do tôn giáo, điển hình như Đức Tổng Giám mục Chicago Albert Gregory Meyer, qua đời khi Công Đồng kết thúc. Tôi không thể quên sự kiên nhẫn vô bờ của Đức Tổng Giám mục Bruges Emiel Joseph De Smedt để có thể đi đến một lược đồ được dàn xếp khiến cho các nghị phụ hay tranh luận nhất là các nghị phụ Tây Ban Nha và Italia cũng phải chấp nhận. Vụ này cũng khiến cho tôi tận mắt chứng kiến và khâm phục tài ngoại giao khéo léo của vị thư ký Công Đồng là Đức cha Pericle Felici, người Ý.

Hỏi: Có người cho rằng văn bản bị các nghị phụ đưa ra nhiều nhận định và lắm lúc bị chỉ trích nhiều nhất là Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Trong khi soạn thảo tài liệu, vài Giám mục Argentina và cả chính tôi nữa, chúng tôi lo lắng vì sự kiện văn bản không chú ý đủ tới sự dữ, tội lỗi và sự hiện diện của ma quỷ trong thế giới. Vài nhận xét của chúng tôi đã được tiếp nhận và đưa vào trong văn bản. Người ta đã nhận ra, nhất là trong giai đoạn sau Công Đồng, sự lạc quan quá đáng mà tài liệu đề nghị với các tín hữu, khi không nhấn mạnh trên các quấy phá của sự dữ và nhiều điều không trong sáng. Điều khiến cho tôi chú ý đó là các phê bình của ghế giới Tin Lành, mà tôi thường xuyên tiếp xúc. Tôi vẫn còn nhớ câu nói của một người bạn Methodist: “Văn bản này có quá nhiều rộng mở và quá nhiều lạc quan. Trong văn bản này thiếu thần học gia Karl Barth”. Cho đến nay đề tài vẫn còn là đối tượng chú ý của nhiều thần học gia.

Hỏi: Trong thời Công Đồng, Đức Hồng Y cũng gặp lại bạn học cũ tại Đại học Giáo hoàng Angelicum là Đức cha Karol Wojtyla. Đức Hồng Y có kỷ niệm nào về ngài?

Đáp: Tôi nhớ ngài đã là vị Giám mục Phụ tá Cracovia và là gương mặt nổi bật trong Công Đồng. Và tôi nhớ các phát biểu của ngài trong uỷ ban thu hẹp họp tại Ariccia để soạn thảo văn bản của tài liệu Gaudium et Spes tương lai đã được tiếp nhận. Tôi đã ghi chép những gì ngài nói. Tôi nhớ ngài là vị Giám mục đầu tiên nói rằng Công Đồng phải chú ý tới giới trẻ của các thế hệ sẽ đến sau. Từ trực giác này, tôi nghĩ rằng ngài đã chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới sau này, khi ngài lên làm Giáo hoàng. Tôi có gặp lại ngài trong một phiên họp khoáng đại của Văn phòng Thư ký Hiệp nhất các tín hữu Kitô, ít lâu sau khi ngài được bầu làm Giáo hoàng. Và ngài chào tôi như sau: “Đây là ông bạn thời đại học của tôi, là người biết thần học của Thánh Toôma nhiều hơn tôi”. Tôi đỏ mặt vì mắc cỡ. Tôi nhớ Đức Gioan Phaolô II tiếp tục gọi tên rửa tội của tôi là Jorge, cả khi ngài đặt tôi làm hồng y. Và tôi nhớ là tình bạn của chúng tôi đã không hề thay đổi, cả khi ngài được bầu làm Giáo hoàng.

Hỏi: Ngày nay, có người chủ trương gạt bỏ Công đồng Chung Vatican II ra một bên. Riêng Đức Hòng Y thì Đức Hồng Y nghĩ sao?

Đáp: Tôi lấy lại bài diễn văn của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nói hồi tháng 12-2005 và kiểu đọc Công Đồng của ngài: Công đồng Chung Vatican II là một viên đá đánh dấu Huấn Quyền chính thức của Giáo Hội và cũng có giá trị như của Công đồng Chung Vatican I, Công đồng Chung Ephexo hay các Công đồng Chung khác do các Giáo hoàng triệu tập. Nó đã là một biến cố thuộc truyền thống của Giáo Hội, và mỗi một văn bản, tuyên ngôn hay hiến chế của nó đều mời gọi chúng ta khám phá ra gương mặt thật của Giáo Hội. Một biến cố vẫn còn có tất cả tầm quan trọng ngôn sứ của nó đối với các tín hữu và thế giới ngày nay. (Avvenire 9-5-2012)

Linh Tiến Khải

(Nguồn: Radio Vatican)