ĐGM Mã Đại Thanh, ngay sau thánh lễ phong chức ngày 7-7-2012 |
EMTY (Vatican City, 10-7-2012, AsiaNews - Bernardo Cervellera) - Vị ngôn sứ và anh hùng, đó là cách nhiều người Công giáo Trung Quốc - và chúng tôi hợp ý với họ - xác định là những bước đầu của vị giám mục phụ tá mới được phong chức của Thượng Hải, Đức cha Mã Đại Thanh (Ma Thaddeus Daqin). Chỉ nội trong ngày, ngày phong chức 7-7, ngài đã từ chối việc đặt tay từ một giám mục bị vạ tuyệt thông, không uống chung chén với giám mục bất hợp thức, công khai từ chức khỏi Hội Công giáo Yêu nước và xem việc này là một trở ngại cho “công việc mục vụ và truyền giáo” của ngài.
Văn phòng Dịch vụ Tôn giáo đã không ưa cái đòn giáng tuyệt hảo như thế và đã quản thúc ngài tại Chủng viện Sheshan, buộc phải "nghỉ ngơi" một thời gian.
Để thực hiện những động thái này, Đức cha Mã chỉ đơn giản tuyên bố sự cam kết của ngài cho tự do tôn giáo khi được làm giám mục, một nguyên tắc được hiến pháp Trung Quốc bảo vệ. Cùng với hiến pháp còn có những quy định cấp tỉnh và quốc gia liên hệ đến cuộc sống của cộng đồng Kitô giáo và các mục tử của họ, nhằm kiểm soát, đe doạ, tâng bốc, hối lộ…, tạo nên mọi trở ngại có thể làm cản trở việc dấn thân truyền giáo.
Qua những động thái này, Đức cha Mã cũng khẳng định rằng việc truyền chức cho một mục tử không phải là một vấn đề chính trị do những người cầm quyền thao túng, nhưng là một hành động tôn giáo mà Đức Giáo hoàng và những hướng dẫn của ngài phải được tôn trọng vì lợi ích của sự thật.
Từ quan điểm này, Đức cha Mã đã thực hiện cùng một lựa chọn mà các cộng đồng không chính thức của Giáo hội và các giám mục (thầm lặng) đã phải đấu tranh để duy trì nhân danh quyền bảo vệ tự do truyền giáo, dù có phải bị bỏ tù, bị giam giữ, bị cô lập và bị loại bỏ.
Nhưng ngài là một anh hùng vì sự thâm nhập vào đời sống chính trị của Giáo Hội tại Trung Quốc đã đạt đến những mức độ nguy hiểm. Sau lá thư của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI gửi người Công giáo Trung Quốc - trong đó Đức Thánh Cha tuyên bố các nguyên tắc làm nền tảng của Hội Yêu Nước (nhằm xây dựng một Giáo Hội độc lập với ToàThánh) “không phù hợp với giáo lý Công giáo” - các lãnh đạo của Hội Yêu Nước đã đưa ra một chiến dịch nhằm bảo vệ sự tồn tại của họ. Đối mặt với các giám mục khẳng định lòng trung thành với Đức Giáo hoàng, họ bắt đầu lựa chọn những giám mục dễ dàng thoả hiệp với Đảng, tham gia vào chính trị, làm đại biểu chính phủ. Trong lễ phong chức những giám mục được Đức Giáo hoàng chấp thuận, họ áp đặt sự tham gia của các giám mục bị vạ tuyệt thông, họ cũng buộc các giám mục hiệp thông với Đức Giáo hoàng tham gia trong những cuộc phong chức bất hợp thức - phong chức những người không có sự chấp thuận của Đức Giáo hoàng. Tất cả những điều này nói rằng sự chính thống hoặc tính hợp pháp không thuộc về Đức Giáo hoàng, nhưng là các chủ tịch và bí thư của Hội Yêu Nước.
Chống lại cái chướng khí mơ hồ và đi nước đôi này, động thái ngôn sứ của Đức cha Mã Đại Thanh đã phát sinh, như “một tia nắng trong bầu trời tăm tối”. Đức cha Mã là giám mục chính thức đầu tiên đã từ chức khỏi Hội Yêu Nước và nhiều người Công giáo Trung Quốc hy vọng rằng những người khác sẽ theo ngài.
Hơn nữa, làm một thành viên của Hội Yêu Nước giờ đây đã trở thành phản tác dụng, vì những lý do tôn giáo. Trước hết là những lý do về ý thức hệ và sau đó là những lý do thần học: một Giáo Hội tách khỏi Đức Giáo hoàng thì không phải là Giáo hội Công giáo, nhưng chỉ giống như một Giáo hội Tin Lành khác - như đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử - để trở thành một giáo phái ngày càng trống vắng đặc tính tinh thần mà tồn tại chỉ nhờ vào thiện chí của quyền lực chính trị.
Thuộc về Hội Yêu Nước cũng là một trở ngại cho công việc mục vụ: các giám mục buộc phải đi đó đây liên tục, tham dự các cuộc họp và chương trình đào tạo, rời xa giáo phận của họ trong nhiều tháng liền, để nghe những lý thuyết trống rỗng và nhàm chán về việc kiểm soát tôn giáo, quyền lực được Hội ưu ái ban cho, buộc phải bày tỏ "lòng biết ơn sâu sắc" đã cho phép họ tồn tại. Cuối cùng, khi được ở trong giáo phận của mình, mọi mối quan hệ của họ, hoặc mối quan hệ cá nhân đều phải được Hội Yêu Nước chứng thực, xác minh, đăng ký, cho phép hoặc từ chối.
Để làm một đại biểu thuộc Hội Yêu Nước cũng trở thành lố bịch với xã hội. Trong khi người dân Trung Quốc đang bị khủng hoảng kinh tế trầm trọng, với việc lạm phát khiến ngày càng khó để kiếm bữa ăn cho từng ngày, thì các bí thư và chủ tịch lại nổi tiếng vì sự hào phóng chi tiêu lấy từ kinh phí của chính phủ và giáo phận, được ở trong những khách sạn sang trọng, với những cơ sở yến tiệc có đến 24 món cho một bữa ăn, hoặc dùng các loại thực phẩm tinh chế và đắt tiền; trong khi đó ở giáo phận, đặc biệt là những người ở khu vực nông thôn, dân chúng đang phải đấu tranh để mua nước sạch hoặc được cung cấp tối thiểu về chăm sóc y tế cho người nghèo.
Một báo cáo thống kê của chính phủ tố cáo rằng tất cả các thành viên Đảng hằng năm chi tiêu khoảng 31,5 tỷ Euro cho các buổi tiệc chiêu đãi, một khoản tiền có thể nuôi sống ít nhất là 100 triệu người cho cả năm. Đối mặt với việc tham nhũng quyền lực chính trị như thế, thì đây cũng là lý do thuận tiện cho các giám mục giữ khoảng cách hầu thực hiện nhiệm vụ của họ là đặt mình về bên Chúa Kitô và người nghèo.
Quyết định của Đức Giám mục Mã là hành động ngôn sứ và làm nên lịch sử. Có thể một số giám mục vẫn gắn bó với Hội Yêu Nước. Đó là nơi mà họ có được những chiếc xe hơi, toà giám mục mới, tiền bạc, danh vọng, được đối xử hậu hĩnh: họ là những giám mục "cơ hội chủ nghĩa" nổi tiếng mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã từng nhắc đến. E rằng những vị này chỉ là “muối đã hết mặn”, họ phục vụ không còn mục đích nào khác hơn là để người ta chà đạp lên nó.
Thật đáng để nhớ rằng ngay cả bây giờ nhiều tín hữu đang gây áp lực lên các giám mục của họ để các ngài chú ý nhiều hơn việc sống sứ vụ Giám mục của mình, chứ không phải là vai trò chính trị của họ. Trong những năm sau thời Mao Trạch Đông, các tín hữu giáo dân buộc nhiều vị giám mục nhát đảm - sau nhiều thập kỷ sống trong mơ hồ - phải liên lạc với Toà Thánh để được hiệp nhất với Giáo hội Công giáo. Thậm chí ngày nay, các tín hữu thể hiện đức tin và tình yêu của họ với Chúa Kitô qua việc sát nhập vào các giáo phận khác trung thành trong sự hiệp thông tinh thần với Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI.
Hùng Nguyễn
(Nguồn: emty.org)