MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Phép lạ Hiroshima – Các tu sĩ dòng Tên sống sót sau vụ ném bom nguyên tử nhờ lần hạt mân côi

Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima
Đã 70 năm trôi qua, kể từ khi lần đầu tiên và duy nhất, vũ khí hạt nhân nổ ở Hiroshima ngày 06-8, và Nagasaki ngày 09-8-1945.

Cuộc tấn công nguyên tử lên thành phố Hiroshima đã giết hại khoảng 80 ngàn người ngay lập tức, ngoài ra cũng chịu trách nhiệm cho khoảng 130 ngàn cái chết khác, hầu hết là dân thường. Cuộc tấn công vào thành phố cảng Nagasaki đã giết hại ngay lập tức khoảng 40 ngàn người, và hủy hoại 1/3 thành phố.

Bốn tu sĩ dòng Tên sống gần tâm nổ của quả bom thả xuống Hiroshima, nhưng họ đã sống sót qua thảm họa, và phóng xạ đã gây nên cái chết của hàng ngàn người suốt nhiều tháng sau đó cũng không có tác hại gì trên họ.

Các linh mục dòng Tên gồm Hugo Lassalle, Hubert Schiffer, Wilhelm Kleinsorge, và Hubert Cieslik, đang ở trong nhà xứ của nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời, một trong số ít những toà nhà đứng vững sau vụ nổ hạt nhân này.

Cha Cieslik viết trong nhật ký rằng họ chỉ bị thương nhẹ do các mảnh kính vỡ, nhưng không chịu bất kỳ tác hại nào từ năng lượng nguyên tử cả.

Bác sĩ chăm sóc cho họ sau đó đã cảnh báo rằng phóng xạ mà họ hứng phải sẽ gây nên các tổn thương nghiêm trọng, bệnh tật và cái chết không xa.

Nhưng chuẩn đoán này không bao giờ ứng nghiệm. Không một biến chứng nào xảy ra, và vào năm 1976, cha Schiffer dự Đại hội Thánh Thể ở Philadelphia, và kể về chuyện đời mình. Cha xác nhận rằng 3 tu sĩ dòng Tên khác vẫn còn sống mà không bị bệnh tật gì. Đã có vài chục bác sĩ, khám đi khám lại hơn 200 lần, nhưng vẫn không dò thấy bất kỳ dấu vết phóng xạ nào trong người các cha dòng Tên này.

Cả 4 cha đều tin chắc rằng họ đã được Chúa và Đức Trinh nữ Maria che chở. ‘Chúng tôi sống thông điệp Fatima và lần hạt mỗi ngày.’

Giám mục Tarcisio Isao Kikuchi của Niigata, hôm 06-8, đã nói rằng Nhật Bản có thể góp phần cho hòa bình, ‘Không phải với các vũ khí mới, nhưng với những hoạt động cao đẹp đã được thực hiện lâu dài trong việc phát triển thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.’

Giám mục Kikichi thêm rằng, ‘đóng góp này cho sự phát triển, vốn đem lại sự tôn trọng trọn vẹn và viên mãn của phẩm giá con người, được cộng đồng quốc tế cảm kích và trân trọng.’ (CNA – Hiroshima, Japan)

J.B. Thái Hòa

(Nguồn: phanxico.vn)