MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Bài giảng tại Santa Marta: Gieo rắc bất hòa là căn bệnh trong Giáo Hội

Đức Thánh Cha Phanxicô nói gieo rắc chia rẽ và bất hòa là một căn bệnh trong Giáo Hội và mô tả một người thích đồn thổi như một tên khủng bố chuyên ném bom. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu mùng 04 tháng Chín tại nhà nguyện Santa Marta.

Lấy cảm hứng từ bức thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu thành Côlôxê nơi Thánh Tông Đồ đã từng diễn thuyết về cách thế Chúa Kitô đã được Thiên Chúa sai đến để gieo những hạt giống của hòa bình và hòa giải giữa nhân loại, bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô là một suy tư về sự cần thiết phải kiến tạo hòa bình chứ không phải là những bất hòa trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Hãy tự hỏi lòng mình: Tôi đang gieo rắc hòa bình hay tôi đang gây mất đoàn kết?

Đức Thánh Cha nói nếu không có Chúa Giêsu thì không thể có hòa bình, và hoà giải. Nhiệm vụ của chúng ta là trở thành những người nam nữ của hòa bình và hòa giải giữa mịt mù những tin tức về chiến tranh và thù hận, ngay cả trong gia đình.

Ngài nói:

“Chúng ta cần mạnh mẽ tự hỏi chính mình: Tôi có gieo mầm hòa bình không? Chẳng hạn, khi tôi mở miệng nói, tôi đang kiến tạo hòa bình hay tôi đang gây mất đoàn kết? Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe nói như thế này về một con người nào đó: Anh ấy hay cô ấy có miệng lưỡi rắn độc! Người ta nói thế bởi vì con người ấy luôn làm những gì con rắn đã từng làm với ông Adong và bà Eva, cụ thể là phá hoại hòa bình. Và đây là một sự ác, đây là một căn bệnh trong Giáo Hội của chúng ta: đó là gieo rắc chia rẽ, và hận thù, chứ không kiến tạo hòa bình. Vì vậy, một câu hỏi mà chúng ta nên tự hỏi lòng mình mỗi ngày: ‘Ngày hôm nay đây, tôi gieo rắc hòa bình hay tôi đã gây mất đoàn kết?’ Nhưng có người nói: ‘Thưa cha đôi khi, chúng ta cũng phải lên tiếng chớ, vì anh ta hay cô ta đã làm ra những chuyện này chuyện nọ. ..’ Nhưng anh chị em phải nghĩ xem với một thái độ như thế, anh chị em đang gieo những gì?”

Ai kiến tạo hòa bình thì là thánh nhân, còn kẻ đồn thổi khác chi tên kẻ khủng bố

Đức Giáo Hoàng nói tiếp rằng Kitô hữu được mời gọi để nên giống Chúa Giêsu, là Đấng đã đến giữa chúng ta để mang lại hòa bình và hòa giải.

“Nếu một người trong cuộc sống mình chẳng có công trạng gì, nhưng mang lại hòa bình và hòa giải thì người ấy có thể được phong thánh: người ấy là một vị thánh. Chúng ta cần phải thăng tiến theo chiều hướng đó, chúng ta cần phải hoán cải: không bao giờ thốt lên một lời nào gây chia rẽ, không bao giờ, không bao giờ thốt lên một từ nào mà mang lại những cuộc chiến lớn nhỏ, không bao giờ tung tin đồn. Tôi đang suy nghĩ: những gì là tin đồn? Có người nói ồ có gì đâu – chẳng qua chỉ là những lời nói qua, nói lại chống người này người kia thôi. Chuyện nhỏ thôi mà. Không! Nói xấu cũng giống như chủ nghĩa khủng bố vì người tung tin đồn không khác gì một tên khủng bố chuyên ném bom rồi bỏ chạy, chuyên phá hủy với cái lưỡi của mình, và chẳng hề mang lại hòa bình. Nhưng những kẻ này là xảo quyệt lắm, phải không nào? Chẳng bao giờ những con người ấy là những kẻ đánh bom tự sát, không, không, những kẻ ấy chăm sóc tốt cho bản thân mình lắm.”

Hãy cắn lưỡi của chúng ta để khỏi nói xấu người khác

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết luận bài giảng của mình bằng cách lặp đi lặp lại một gợi ý là các Kitô hữu thà cắn lưỡi mình còn hơn là đắm mình trong những tin đồn độc hại.

“Nếu ngày nào anh chị em cảm thấy bức rứt muốn nói điều gì đó gieo bất hòa và chia rẽ, anh chị em cảm thấy muốn nói xấu người khác. .. thì hãy cắn lưỡi mình! Tôi có thể đảm bảo với anh chị em nếu anh chị em cắn lưỡi mình thay vì gieo bất hòa, thì vài lần đầu tiên những vết thương sẽ làm lưỡi của anh chị em sưng lên vì ma quỉ gây nên điều đó. Công việc của ma quỷ là gieo rắc chia rẽ mà”

“Do đó, lời cầu nguyện cuối cùng của tôi là: ‘Lạy Chúa, Chúa đã thí mạng sống mình vì chúng con, xin ban cho chúng con ân sủng để biết mang lại hòa bình và hòa giải. Lạy Chúa, Chúa đã đổ máu châu báu mình vì chúng con, thành ra có quan trọng gì đâu nếu lưỡi của chúng con bị sưng lên vì chúng con cắn nó để khỏi nói xấu người khác’.”

Đặng Tự Do

(Nguồn: Vietcatholic News)