MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Đức Thánh Cha đơn giản hóa thủ tục xin giải hôn phối

VATICAN. Hôm 8-9-2015, hai Tự Sắc mới của ĐTC Phanxicô về việc cải tổ thủ tục cứu xét tuyên bố hôn nhân vô hiệu, đã được công bố trong cuộc họp báo ở Vatican.

Tự sắc dành cho Giáo hội Công Giáo latinh mang tựa đề “Chúa Giêsu là thẩm phán hiền từ” (Mitis Iudex Dominus Iesus) và tự sắc dành cho Giáo Hội Công Giáo Đông phương có tên là “Chúa Giêsu Từ Bi” (Misericors Iesus).

Đức Ông Pio Vito Pinto, Niên trưởng tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma, Chủ tịch Ủy ban đặc nhiệm cải tổ thủ tục xử án hôn phối, đã chủ tọa cuộc họp báo, và trong số 6 vị khác có ĐHY Francesco Coccopalmerio, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật.

Với luật mới, ĐTC đơn giản hóa và mau lẹ hóa thủ tục xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu.

Trong tự sắc, sau khi nhắc đến qui luật tối hậu của giáo luật là phần rỗi các linh hồn, và hoàn toàn tôn trọng nguyên tắc bất khả phân ly của hôn phối, ĐTC nói đến lý do khiến ngài tiến hành việc cải tổ thủ tục cứu xét việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu, nhất là lời thỉnh cầu của đại đa số các GM trong Thượng HĐGM khóa đặc biệt hồi tháng 10 năm 2014. Việc cải tổ này cũng được thúc đẩy do sự kiện nhiều tín hữu, tuy muốn xin tòa án Giáo Hội cứu xét hôn phối của mình, nhưng vì sự xa xôi về thể lý hoặc luân lý, hoặc những lý do khác, không tiến hành được, vì thế đức bác ái và lòng từ bi đói chính Giáo Hội như người Mẹ đến gần con cái cảm thấy bị tách lìa khỏi Giáo Hội.

ĐTC liệt kể một số tiêu chuẩn cơ bản hướng dẫn công cuộc cải tổ.

1. Chỉ cần một phán quyết xác nhận hôn phối vô hiệu và không cần phải hai phán quyết hay hai bản án đồng thuận về sự vô hiệu ấy, thì hai người liên hệ mới được lập một hôn phối khác theo phép đạo. Chỉ cần xác tín luân lý của vị thẩm phán thứ I theo luật là đủ.

2. Vị thẩm phán duy nhất ấy ở dưới trách nhiệm của Đức Giám Mục.

Việc thành lập hoặc bổ nhiệm thẩm phán duy nhất ấy, là giáo sĩ, cho tòa cấp một, thuộc trách nhiệm của Giám mục. Khi thi hành quyền tư pháp của mình, Giám Mục phải đảm bảo làm sao để khỏi có sự tháo thứ.

3. Chính giám mục là thẩm phán. Để thực hành giáo huấn của công đồng chung Vatican 2 trong lãnh vực quan trọng này, điều hiển nhiên là chính GM trong giáo phận của mình, là chủ chăn và là thủ lãnh, và vì thế ngài cũng là thẩm phán cho các tín hữu được ủy thác cho ngài. Vì thế, điều mong ước là trong các giáo phận lớn cũng như giáo phận nhỏ, chính Giám Mục cung cấp một dấu hiệu về sự hoán cải các cơ cấu Giáo Hội, và đừng ủy thác hoàn toàn cho các văn phòng của tòa Giám mục chức năng xét xử trong vấn đề hôn phối. Điều này đặc biệt có giá trị trong các thủ tục xét xử vắn tắt được thiết định để giải quyết những trường hợp hôn phối bất thành tỏ tường.

4. Thủ tục cứu xét vắn tắt. Ngoài việc làm cho thủ tục cứu xét mau lẹ, cần có một hình thức cứu xét vắn tắt, thêm vào việc cứu xét các hồ sơ tài liệu hiện hành, cần áp dụng thủ tục này trong trường hợp sự vô hiệu của hôn phối được hỗ trợ bằng những lý lẽ đặc biệt tỏ tường.

ĐTC viết:

“Tôi cũng biết một phán quyết thu vắn có thể gặp nguy cơ làm thương tổn tính chất bất khả phân ly của hôn phối; chính vì thế tôi đã muốn việc xét xử, cứu xét như thế do chính GM làm thẩm phán. Do chức vụ mục tử hiệp thông với Phêrô là người bảo đảm lớn nhất sự hiệp nhất của Công Giáo trong đức tin và kỷ luật.”

5. Kháng nghị lên tòa án giáo tỉnh.

Nên tái lập việc kháng nghị lên tòa án giáo tỉnh, vì tòa án này, vốn ổn định qua bao thế kỷ, là dấu hiệu nổi bật nói lên công nghị tính trong Giáo Hội.

6. nghĩa vụ của HĐGM

Các HĐGM, phải được thúc đẩy do mối quan tâm tìm đến những tín hữu bị phân tán, hãy mạnh mẽ cảm thấy nghĩa vụ chia sẻ sự hoán cải cơ cấu Giáo Hội như vừa nói, tuyệt đối tôn trọng quyền của các GM trong việc tổ chức việc xét xử trong giáo phận thuộc quyền.

Việc tái lập sự gần gũi giữa vị thẩm phán và các tín hữu sẽ không thành công nếu HĐGM không nhìn thấy nơi mỗi GM một sự khích lệ đồng thời là một trợ lực để thực hiện việc cải tổ thủ tục cứu xét tuyên bố hôn phối vô hiệu.

Cùng với sự gần gũi của thẩm phán, các HĐGM hãy làm sao để đảm bảo sự miễn phí của thủ tục cứu xét, nhưng cần đảm bảo việc trả thù lao xứng đáng cho các viên chức tòa án, để Giáo Hội, tỏ ra là người Mẹ quảng đại đối với các tín hữu trong một lãnh vực có liên hệ mật thiết đối với phần rỗi các linh hồn, biểu lộ tình yêu nhưng không của Chúa Kitô, nhờ đó tất cả chúng ta được cứu độ.

7. Kháng nghị lên Tòa Thánh. Dầu sao cần duy trì việc kháng nghị lên tòa án thường lệ của Tòa Thánh nghĩa là tòa Thượng Thẩm Rota, trong niềm tôn trọng nguyên tắc pháp lý rất cổ kính, để củng cố mối liên lạc giữa Tòa Thánh và các Giáo Hội địa phương, nhưng làm sao để trong việc kháng án hay thượng cầu, loại trừ bất kỳ việc lạm dụng luật pháp nào, để khỏi gây thiệt hại cho phần rỗi các linh hồn.

Luật riêng của tòa Thượng Thẩm Rota sẽ được thích ứng sớm hết sức với các tuy luật của việc cứu xét được cải tổ, trong những giới hạn cần thiết.

Tiếp đến, trong tự sắc, ĐTC đã quyết định sửa đổi nhiều khoản luật thuộc cuốn VII, phần III, Thiên I, và chương I, từ các điều số 1671 đến 1691, kể từ ngày 8 tháng 12 năm nay, 2015. Các khoản này hoàn toàn được thay thế bằng các khoản liệt kê trong Tự Sắc của ĐTC.

G. Trần Đức Anh OP

(Nguồn: Radio Vatican)