Tối thứ Bảy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ngỏ lời với các tham dự viên Thượng Hội Đồng sau khi việc bỏ phiếu cho văn kiện cuối cùng của Thượng Hội Đồng này đã hoàn tất. Dưới đây là bài nói chuyện của ngài:
Thưa các thượng phụ, các Hồng Y và các giám mục, anh chị em thân mến,
Trước nhất, tôi muốn tạ ơn Thiên Chúa, Đấng, qua Chúa Thánh Thần, đã hướng dẫn diễn trình Thượng Hội Đồng của chúng ta trong những năm tháng qua, Đấng mà sự trợ giúp không bao giờ thiếu đối với Giáo Hội.
Lời cám ơn tận đáy lòng tôi xin được ngỏ với Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, tổng thư ký Thượng Hội Đồng, Đức Cha Fabio Fabene, phó tổng thư ký Thượng Hội Đồng, và cùng với các ngài, tổng tường viên, Đức Hồng Y Peter Erdő, và thư ký đặc biệt, Đức Tổng Giám Mục Bruno Forte, các chủ tịch đại biểu, các soạn tác viên, các tham vấn viên và các thông dịch viên, và tất cả những ai đã làm việc không mệt mỏi và hết sức tận tụy cho Giáo Hội: tôi xin hết lòng cám ơn!
Thưa các nghị phụ Thượng Hội Đồng, các Đại Diện Anh Em, các dự thính viên và các thẩm vấn viên, các cha xứ và các gia đình, tôi cũng muốn cám ơn toàn thể quý vị vì sự tham dự tích cực và hữu hiệu của quý vị.
Và tôi xin cám ơn tất cả những người nam nữ không được nêu tên đã đóng góp một cách quảng đại cho công lao của Thượng Hội Đồng này bằng cách âm thầm làm việc phía hậu trường.
Xin quý vị an tâm về lời cầu nguyện của tôi, xin Chúa thưởng công cho tất cả quý vị bằng muôn vàn ơn thánh dồi dào của Người.
Khi theo dõi công lao của Thượng Hội Đồng, tôi tự hỏi mình: đối với Giáo Hội, kết thúc Thượng Hội Đồng dành cho gia đình này có nghĩa gì?
Chắc chắn, Thượng Hội Đồng không phải là việc thanh thỏa mọi vấn đề cần phải giải quyết với gia đình, mà đúng hơn là cố gắng nhìn các vấn đề này dưới ánh sáng Tin Mừng và truyền thống cũng như 2 ngàn năm lịch sử của Giáo Hội, đem lại niềm vui hy vọng mà không rơi vào việc dễ dãi nhắc lại những gì hiển nhiên hay đã từng nói tới.
Chắc chắn Thượng Hội Đồng không phải là chuyện tìm các giái pháp thấu đáo cho mọi khó khăn và bất trắc đang thách thức và đe dọa gia đình, mà đúng hơn, nhìn các khó khăn và bất trắc này trong ánh sáng đức tin, cẩn thận nghiên cứu chúng và đương đầu với chúng một cách không sợ hãi, không vùi đầu ta vào trong cát.
Thượng Hội Đồng là để thúc giục mọi người biết đánh giá tầm quan trọng của định chế gia đình và hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà, đặt căn bản trên tính nên một và tính không thể hủy tiêu của nó, và biết trân quý nó như là căn bản nền tảng của xã hội và nhân sinh.
Thượng Hội Đồng là việc lắng nghe và làm người khác lắng nghe tiếng nói của các gia đình và của các mục tử của Giáo Hội, những người đã tới Rôma này, mang trên vai gánh nặng và hy vọng, những phong phú cùng thách đố của các gia đình khắp thế giới.
Thượng Hội Đồng là để biểu lộ sinh lực của Giáo Hội Công Giáo, một Giáo Hội không sợ khuấy động các lương tâm cùn nhụt hay làm dơ tay mình bằng những cuộc thảo luận sinh động và thành thực về gia đình.
Thượng Hội Đồng là để cố gắng nhìn và giải thích các thực tại, các thực tại của ngày nay, bằng con mắt Thiên Chúa, để đốt lên ngọn lửa đức tin và soi sáng tâm hồn người ta trong thời buổi nản lòng, khủng hoảng xã hội, kinh tế và luân lý, cũng như chủ nghĩa bi quan đang mỗi ngày mỗi gia tăng.
Thượng Hội Đồng là việc làm chứng để mọi người thấy rằng đối với Giáo Hội, Tin Mừng vẫn tiếp tục là nguồn sinh tử mãi mãi mới mẻ, chống lại bất cứ những ai “nhồi sọ” nó thành những viên đá chết dùng để ném vào người khác.
Thượng Hội Đồng cũng là việc vạch trần những trái tim khépt kín thường nấp đàng sau các giáo huấn của Giáo Hội hay các ý ngay lành, để ngồi lên tòa Môsê mà phán xử, đôi khi với lòng tự tôn và phiến diện, những vụ án khó khăn và các gia đình thương tích.
Thượng Hội Đồng là việc làm cho rõ rằng Giáo Hội là Giáo Hội của người nghèo trong tinh thần và của những người có tội đi tìm sự tha thứ, không chỉ của những người công chính và thánh thiện, mà đúng hơn của những người công chính và thánh thiện chỉ vì cảm thấy mình là những kẻ tội lỗi khốn cùng.
Thượng Hội Đồng là việc cố gắng mở ra nhiều chân trời bao quát hơn, vượt lên trên các lý thuyết âm mưu và các quan điểm bị che mắt, để bảo vệ và truyền bá tự do của con cái Thiên Chúa, và để thông truyền vẻ đẹp của Sự Mới Mẻ Kitô Giáo, đôi khi được cẩn vào một ngôn ngữ cổ lỗ hay không tài nào hiểu được.
Trong suốt Thượng Hội Đồng này, nhiều ý kiến khác nhau, vốn được nói ra một cách tự do, và có lúc, chẳng may, không hoàn toàn có ý tốt, chắc chắn đã dẫn tới một cuộc đối thoại phong phú và sinh động; các ý kiến này đưa ra một hình ảnh sống động về một Giáo Hội không chỉ biết “đóng mộc”, nhưng đã múc được từ nguồn suối đức tin của mình những làn nước nuôi sống làm tươi mát các tâm hồn nứt nẻ.
Và, không kể một số vấn đề tín lý đã được Huấn Quyền Giáo Hội xác định rõ ràng, chúng ta cũng đã thấy có những điều xem ra bình thường đối với một giám mục tại một lục địa, nhưng bị coi là xa lạ, thậm chí gây tai tiếng đối với một giám mục tại một lục địa khác; có những điều bị coi là vi phạm một quyền nào đó trong một xã hội, nhưng lại được coi như một qui định hiển nhiên và bất khả vi phạm tại một xã hội khác; có những điều với người này là tự do lương tâm, nhưng với ngườ kia nó đơn giản chỉ là hỗn độn. Các nền văn hóa quả rất đa dạng, và mỗi nguyên tắc tổng quát cần phải được hội nhập văn hóa, nếu nó muốn được tôn trọng và áp dụng. Thượng Hội Đồng năm 1985, để kỷ niệm 20 năm kết thúc Công Đồng Vatican II, có nói tới việc hội nhập văn hóa như là “việc thay đổi thâm hậu các giá trị văn hóa chân chính qua việc tích hợp chúng vào Kitô Giáo, và làm cho các nền văn hóa nhân bản khác nhau bén rễ vào Kitô Giáo”. Hội nhập văn hóa không làm yếu các giá trị đích thực, mà chứng tỏ sức mạnh đích thực và sự chân chính của chúng, vì chúng thích ứng mà không thay đổi; thực vậy, chúng âm thầm và từ từ biến đổi các nền văn hóa khác nhau.
Cũng nhờ sự phong phú trong tính đa dạng của ta, ta đã thấy cùng một thách thức ấy đang ở trước mặt ta: đó là thách thức công bố Tin Mừng cho con người nam nữ thời nay, và bảo vệ gia đình khỏi mọi tấn kích ý thức hệ và cá nhân chủ nghĩa.
Và bằng cách không bao giờ rơi vào nguy cơ duy tương đối hay nhục mạ người khác, ta tìm cách tiếp nhận, một cách trọn vẹn và can đảm, lòng tốt và lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi tính toán phàm nhân của ta và chỉ muốn “mọi người được cứu vớt” (xem 1Tm 2:4). Bằng cách này, ta muốn cảm nghiệm Thượng Hội Đồng này trong bối cảnh Năm Thánh Đặc Biệt về Lòng Thương Xót, năm mà Giáo Hội đang được kêu gọi cử hành.
Anh em thân mến,
Trải nghiệm Thượng Hội Đồng cũng làm ta hiểu rõ hơn điều này: những người đích thực bảo vệ tín lý không phải là những người đề cao chữ nghĩa của nó mà là tinh thần của nó; không đề cao các ý niệm mà đề cao các con người; không đề cao các công thức mà đề cao tính nhưng không của tình yêu và lòng tha thứ của Thiên Chúa. Điều này không hề làm ta sao lãng sự quan trọng của các công thức, lề luật và giới răn Thiên Chúa, mà đúng hơn hiển dương sự cao cả của Thiên Chúa chân thật, Đấng không xử với ta theo công trạng của ta, thậm chí theo việc làm của ta mà hoàn toàn theo sự đại lượng vô bờ vô bến của lòng thương xót của Người (xem Rm 3:21-30; Tv 129; Lc 11:37-54). Trải nghiệm này phải liên hệ tới việc thắng vượt cơn cám dỗ khôn nguôi của người anh cả (xem Lc 15:25-32) và của những công nhân hay ghen tuông (xem Mt 20:1-16). Thực vậy, nó có nghĩa càng phải đề cao các luật lệ và giới răn được làm vì con người chứ không ngược lại (xem Mc 2:27).
Theo nghĩa trên, việc thống hối, các việc làm và các cố gắng cần thiết của con người mang một ý nghĩa sâu xa hơn, không như giá mua ơn cứu rỗi vốn đã được Chúa Kitô trên thập giá giành cho chúng ta miễn phí, mà như một đáp trả với Đấng đã yêu thương ta trước và cứu vớt ta bằng giá máu vô tội của Người, dù chúng ta vẫn đang là những kẻ có tội (xem Rm 5:6).
Nhiệm vụ thứ nhất của Giáo Hội không phải là chuyển giao các kết án hay vạ tuyệt thông, mà là công bố lòng thương xót của Thiên Chúa, mời gọi hoán cải, và dẫn mọi người nam nữ tới ơn cứu rỗi trong Chúa (xem Ga 12:44-50).
Chân Phúc Phaolô VI đã nói điều trên một cách hùng biện như sau: “Như thế, ta có thể tưởng tượng ra rằng mỗi tội lỗi của ta, các cố gắng quay lưng ta lại với Thiên Chúa đều khơi lên trong Người một một ngọn lửa yêu thương mãnh liệt hơn, một ý muốn đem ta trở lại với Người và với kế hoạch cứu rỗi của Người… Thiên Chúa, nơi Chúa Kitô, tự biểu lộ Người là Đấng tốt lành vô cùng… Thiên Chúa là Đấng tốt lành. Không chỉ trong Người mà thôi; Thiên Chúa, ta hãy nói trong nước mắt, còn tốt lành với ta nữa. Người yêu ta, Người đi tìm ta, Người nghĩ đến ta, Người biết ta, Người chạm tới trái tim ta và Người chờ đợi ta. Có thể nói, Người sẽ hân hoan trong ngày ta trở về và nói: ‘Lạy Chúa, xin tha thứ cho con vì lòng tốt của Ngài'. Nhờ thế, sự thống hối của ta trở nên niềm vui của Thiên Chúa”.
Thánh Gioan Phaolô II cũng tuyên bố rằng “Giáo Hội sống một cuộc sống chân thực khi tuyên xưng và công bố lòng thương xót… và khi đem người ta tới gần các nguồn suối của lòng thương xót của Chúa Cứu Thế, một lòng thương xót mà Giáo Hội là người được trao phó và phân phối”.
Đức Bênêđíctô XVI cũng nói: “Lòng thương xót quả lả cái nhân chính của sứ điệp Tin Mừng; nó là chính tên của Thiên Chúa… Ước chi mọi điều Giáo Hội nói và làm đều biểu lộ lòng thương xót mà Thiên Chúa cảm nhận cho nhân loại. Khi phải nhắc nhở một sự thật không được nhìn nhận hay một điều tốt bị phản bội, Giáo Hội luôn làm thế vì được tình yêu đầy thương xót thúc đẩy, để mọi người được sống và sống dồi dào (xem Ga 10:10).
Dưới ánh sáng của tất cả các điều trên và nhờ thời điểm đầy ơn thánh mà Giáo Hội đang cảm nghiệm trong khi thảo luận về gia đình này, chúng ta cảm thấy được phong phú hóa lẫn nhau. Nhiều người trong chúng ta cảm nhận được việc làm của Chúa Thánh Thần, Đấng là người chủ đạo và hướng dẫn thực sự của Thượng Hội Đồng. Đối với tất cả chúng ta, chữ “gia đình” có một âm hưởng mới, đến nỗi chính chữ này đã gợi lên sự phong phú của ơn gọi gia đình và ý nghĩa các lao công của Thượng Hội Đồng.
Thực vậy, đối với Giáo Hội, kết thúc Thượng Hội Đồng có nghĩa trở về với cuộc “hành trình với nhau” thực sự bằng cách đem đến mọi nơi trên thế giới, mọi giáo phận, mọi cộng đồng và mọi hoàn cảnh, ánh sáng Tin Mừng, vòng ôm của Giáo Hội và sự trợ giúp của lòng Chúa thương xót!
Xin cám ơn quý vị.
Vũ Văn An
(Nguồn: VCN)