MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Đức Phanxicô có phải là người duy nhất có thể thay đổi thế giới không?

Khảo luận gia Édouard Tétreau thấy trong giáo huấn xã hội của Giáo hội, một phương thuốc chữa cho sự sụp đổ kinh tế về lâu về dài đang đe dọa xã hội chúng ta ít nhiều.

Còn mạnh hơn Đức Đạt Lai Lạt Ma và ông Nicolas Hulot, nhà bảo vệ môi sinh họp lại, Đức Phanxicô là người duy nhất bây giờ có thể đánh thức lương tâm thế giới và làm cho chúng ta thoát ra khỏi hệ thống kinh tế đang xuống dốc, một hệ thống vứt bỏ những người yếu nhất và làm mất tính nhân bản của con người. Đó là chủ đề mà ông Édouard Tétreau, tham vấn, khảo luận gia, người viết xã luận cho báo Les Échos đưa ra trong quyển sách vừa ra của ông “Vượt qua bức tường tiền bạc” (Au-delà du mur de l’argent, Stock).

La Vie: Khảo luận của ông dựa trên một cảm nhận cấp bách và trên một ghi nhận. Chúng ta đi thẳng đến bức tường và có nguy cơ trong ngắn hạn, bị phá sản tài chánh (krach) còn tệ hơn lần phá sản năm 2008. Cái gì làm cho ông nghĩ một biến cố như vậy là cận kề?

Édouard Tétreau: Đương nhiên tôi không biết là sự phá sản tài chánh này sẽ xảy ra ngày mai, ngày kia, trong vài tháng hay trong hai, ba năm nữa. Nhưng rất nhiều dấu hiệu cho thấy hệ thống kinh tế đang đi tới đường cùng. Trong những dấu hiệu này, dấu hiệu làm tôi để ý đến nhiều nhất là con số càng ngày càng quan trọng của những vụ phá sản chớp nhoáng, những sự sụp đổ này chỉ kéo dài vài phút nhưng làm biến mất hàng tỷ đồng. Dĩ nhiên cơn khủng hoảng tiền thưởng phụ trội của hai năm 2007-2008 là kinh khủng. Nhưng đối với tôi, ngày 6 tháng 5-2010 khi 1000 tỷ đôla bị xóa trên Thị trường Chứng khoán New York trong vài phút thì còn đáng lo ngại hơn. Nguyên do đầu tiên sự cố này là một lệnh đã được lên chương trình bị khởi động một cách tự động. Ngày nay, không có tháng nào mà không có một trong các phá sản này xảy ra ở một tầm mức lớn, như trường hợp thị trường trái phiếu hay thị trường Trung quốc mùa hè vừa qua. Đó là triệu chứng của một hệ thống cực kỳ mong manh. Một dấu hiệu báo trước khác là trường hợp của hãng xe Đức Volkswagen. Chúng ta thấy một hãng có tầm vóc thế giới bị sập ngay lập tức vì người ta khám phá ra hãng này làm ăn gian dối một cách vô liêm sĩ. Vừa làm ô nhiễm không khí thêm, vừa tăng lợi nhuận thêm…

Ông giải thích chế độ tư bản đã thay đổi một cách sâu đậm. Ông mô tả một hệ thống “con cáo tự do trong chuồng gà tự do”. Hình ảnh rất thuyết phục nhưng hơi xưa. Cái gì cho thấy sự khác biệt trong mẫu hình ngày nay?

Tôi không chống chế độ tư bản, tôi chưa đến mức đó. Một phần công việc của tôi là cố vấn cho các nhà lãnh đạo. Đây không phải là một hệ thống mà tôi muốn bứt gãy, nhưng cấp kỳ là phải thay lại cơ động cho đúng chỗ trong tương quan cân đối giữa con người/tiền bạc. Đúng là có một sự chuyển biến đích thực trong chế độ tư bản hiện nay. Hôm qua, chủ nghĩa mác-xít lên án người bóc lột người. Hôm qua, khi bạn chưa cạnh tranh đủ trên thị trường, người ta xếp bạn vào hạng trung bình của hệ thống. Còn hôm nay thì họ mời bạn vào thùng rác. Đó là “văn hóa thải loại”, câu nói đã thành danh tiếng mà Đức Phanxicô đã nói. Sức nặng lớn dần của kỹ thuật số kéo theo sự thay đổi sâu đậm của chủ nghĩa tư bản. Một nền kinh tế như vậy cần 100 lần ít hơn con người để hoạt động. Theo thuật ngữ của tư bản hóa thị trường chứng khoán, các công ty thâu dụng nhiều nhân sự nhất như McDonald’s và Walmart thì đứng sau xa các công ty Google và Airbnb là những công ty chỉ dùng ít nhân lực.

Người ta có thể trả lời cho ông, rằng sự thay thế con người bằng máy móc không phải là một chuyện gì mới. Ở thế kỷ 19 cũng đã có rồi, ngành dệt lụa, ngành in ấn cũng đã từng bị ảnh hưởng…

Có hai chuyện hiện nay đang thay đổi so với các cách mạng kỹ thuật trước đây. Một mặt là tốc độ hủy hoại nhanh chóng của công ăn việc làm, mặt khác là sự thay đổi về nghĩa vụ luận. Đó không phải là các công việc cơ hóa bị thay thế nhưng là các công việc có giá trị cao được thêm vào hay ít nhất các công việc bao gồm tất cả sự phức tạp của đầu óc con người. Lấy ví dụ của công ty Uber. Là người Pháp, tôi hoan hô hết mình. Công ty đã tạo công ăn việc làm ở vùng ngoại ô nhiều hơn là bao nhiêu năm chính trị ở thành phố. Nhưng khi tôi nghe ông giám đốc hãng giải thích chi phí cao nhất là tái xế nên 80% ngân sách là nghiên cứu và phát triển để tìm giải pháp bỏ chi phí này, tôi tự nhủ đây là một vấn đề…

Vưọt ngoài hệ thống kinh tế, đây là sự tiến hóa của toàn xã hội tiến đến một sự thải loại con người mà ông lên án…

Các nhà nghiên cứu Trung quốc khẳng định ngay từ bây giờ có thể xác định chỉ số thông minh một người (QI) ngay từ trong bào thai. Người ta có thể pha chế các tế bào gốc của một em bé sắp sinh. Chuyển biến con người không còn là chuyện khoa học giả tưởng. Đứng trước hai sự kiện vừa kinh tế vừa xã hội trong một tổng thể chung, chúng ta có thể làm gì để chống lại nếu không phải là điều thần thiêng hơn nơi con người, phải biết các giới hạn và các yếu đuối của nó sao?

Theo ông, chỉ có Đức Phanxicô mới có thể làm sụp bức tường tiền bạc, như Đức Gioan-Phaolô II đã góp phần vào việc làm sụp đổ bức tường Bá Linh. Tại sao là ngài và tại sao bây giờ?

Theo tôi, bức tường tiền bạc này là đặc nét vô nhân của một nền kinh tế tài chánh hóa và số hóa. Mà ngày nay, Giáo hội công giáo lại có một Giáo hoàng trở nên một lãnh đạo chính trị có uy tín lớn nhất thế giới, trọng tâm sứ điệp của ngài là ưu tiên lo cho người nghèo, hoàn toàn đi ngược với bức tường tiền bạc này. Tại sao ngài lại mở được một kẻ hở trong lương tâm con người, trong khi người khác thất bại không làm được? Theo suy nghĩ của tôi, ngài có cách duy nhất để vượt lên được các biên giới quốc gia và tôn giáo. Ai cũng có thể hiểu ngài. Đây không phải là nhà lãnh đạo của người công giáo nói với người công giáo. Bằng chứng là bài diễn văn ngài đọc trước Quốc Hội Mỹ vào cuối tháng 9 vừa qua. Ngài không để hình ảnh của Thiên Chúa hay của Chúa Kitô lên hàng đầu nhưng ngài nhắc đến hình ảnh của ông Môsê, một hình ảnh biểu tượng chung của các tôn giáo đơn thần. Ngài nói với tất cả mọi người. Cũng vậy Thông điệp Chúc tụng Chúa vượt khỏi khuôn khổ bình thường của loại bản văn này, loại thường chỉ nhắm đến giáo huấn cho người công giáo. Ngay từ những hàng đầu, ngài đã giải thích bối cảnh: “Dù chúng ta là ai, chúng ta cũng phải làm sao để căn nhà chung của chúng ta được đứng vững.”

Tại sao các nhà lãnh đạo khác như Barack Obama hay Đức Đạt Lai Lạt Ma không đóng được vai thức tỉnh lương tâm này?

Nước Mỹ và nước Trung quốc có kế hoạch chính trị riêng của họ và như thế thì họ không thể đóng vai trò kêu gọi hoàn vũ được. Chung chung, ngày nay không một Quốc gia nào thống trị được tài chánh. Trong khi tranh cử, tổng thống Barack Obama đã khẳng định Thị trường Chứng khoán Wall Street cần sự “kiểm soát của người cha”, nhưng thật ra, thông qua hệ thống tài chánh của các vụ tranh cử chính trị, chính nền tài chánh kiểm soát chính trị. Đây là sự kiện: cả Barack Obama, cả Tập Cận Bình, không một lãnh đạo tôn giáo nào, kể cả Đức Đạt Lai Lạt Ma, ngài gặp vấn đề Tây Tạng với Trung quốc, không một nhà khoa học, trí thức hay văn sĩ nào có một giáo huấn ở tầm vóc hoàn cầu này.

Đức Phanxicô vẫy tay chàoMẫu hình hiện nay Đức Phanxicô đề nghị không khác gì hơn là giáo huấn xã hội của Giáo hội. Toàn bộ các bản văn này, đã được thêm theo dòng thời gian từ bao thế kỷ nay, đưa ra bốn nguyên tắc hành động chính trong xã hội – xứng đáng với con người, với lợi ích chung, với hỗ trợ và với tình đoàn kết – là không có gì mới. Nhưng tại sao bây giờ người ta mới khám phá lại?

Các bản văn đầu tiên của giáo huấn Giáo hội được công bố vào đầu cuộc cách mạng kỹ nghệ và nó đã có một tiếng vang thời đó. Và đây không phải tình cờ nếu nó có một tiếng vang thứ nhì, khi chúng ta đang sống trong một cuộc cách mạng mới, cuộc cách mạng lần này là cách mạng tài chánh và kỹ thuật số. Điều khẩn cấp là phải tìm một tiếng nói có uy tín cho loại con đường thứ ba mà Giáo hội công giáo đề nghị này. Vậy mà xã hội chúng ta lại làm cho luật của kẻ mạnh nhất thắng. Người ta nói đến nhân loại gia tăng. Vậy người ta sẽ làm gì ngày mai, khi những người không có khả năng theo hoặc những người không muốn thích ứng vào khuynh hướng này? Chúng ta bỏ họ vào thùng rác? Với đề nghị ưu tiên lo cho người nghèo của giáo huấn Giáo hội và nguyên tắc tôn trọng nhân phẩm thì đúng là giáo huấn của Giáo hội đã đưa ra một con đường khác.

Khám phá của tôi qua quyển sách này và các cuộc gặp gỡ từ đó, chính là sứ điệp này của công giáo cũng là sứ điệp hoàn vũ. Tất cả các tôn giáo khác đều chia sẻ nhãn quan nhân bản đối với mãnh lực tiền bạc này. Chính vì thế tôi đề nghị khi chúng ta thật sự ở chân tường hoặc khi sự phá sản tài chánh xảy ra, chúng ta có thể họp lại các tôn giáo và các người có thiện tâm kiểu Bretton Woods để đề nghị một gương mẫu khác. Nhưng ngay từ bây giờ là lúc chúng ta chuẩn bị cho sự thay đổi lớn này.

Trong quyển sách ông xuất bản trước chuyến đi Mỹ từ 22 đến 28 tháng 9 của Đức Phanxicô, ông nói rằng người ta chờ rất nhiều ở bài diễn văn của ngài ở Liên Hiệp Quốc. Ông có được thuyết phục không?

Đúng ra là trước Quốc hội chứ không phải trước Liên Hiệp Quốc, Đức Phanxicô đã nhắc lại, đến lúc phải hành động và phải áp dụng “các chiến lược can đảm” để đặt “văn hóa bảo vệ” và “một loại tiếp cận có tính cách hội nhập để chiến đấu với nạn nghèo khó, mang lại nhân phẩm cho những người bị loại trừ, cùng một lúc gìn giữ thiên nhiên”. Dĩ nhiên tôi cũng mong nghe ngài chỉ trích hệ thống tài chánh, ít nhất là ở New York, nhưng tôi nghĩ ngài muốn mình được bao gồm hơn là người lên án. Tuy nhiên kết quả rất đáng kể. Ngài đã tạo được một sinh khí tích cực cho đất nước.

Laurence Desjoyaux (lavie.org) / Marta An Nguyễn chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)