Đức Phanxicô là người cương quyết. Khó để làm cho ngài thay đổi ý kiến. Dù vậy Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp và Tổng Tham Mưu quân đội Pháp mong muốn ngài đừng đến Bangui, thủ đô Trung Phi, vào ngày 29 và 30 tháng 11 này. Đang có cuộc thảo luận giữa Vatican và Paris để cố gắng thuyết phục ngài thu ngắn lại chuyến đi hoặc nếu được hủy bỏ chuyến đi này. “Chúng tôi báo cho cơ quan an ninh của Giáo hoàng biết, đây là chuyến đi rất nguy hiểm”, giới thân cận của Bộ trưởng Quốc Phòng Jean-Yves Le Drian cho biết trong lần họp về an ninh Phi Châu ở Dakar ngày thứ ba 10 tháng 11-2015.
Chuyến đi dự trù chỉ cách vài tuần có cuộc bầu cử rất hiểm nguy ở Trung Phi, một đất nước từ hai năm nay có các cuộc xung đột bạo lực giữa binh đoàn Hồi giáo cựu Séléka đang nắm chính quyền và những người chống-Balaka, đa số là Kitô hữu và nỗi sợ gia tăng khi hai bên bị kích thích trong dịp này. Ở Bangui, chính quyền tạm thời của bà Catherine Samba Panza đã gặp khó khăn để ổn định an ninh, bà có được sự trợ giúp của 9 000 binh sĩ mũ xanh của Liên Hiệp Quốc (Minusca) và 900 quân nhân Pháp trong chiến dịch Sangaris. Một cuộc trưng cầu ý kiến sẽ diễn ra vào ngày 13 tháng 12, sau đó sẽ có cuộc bầu cử Tổng thống để bầu lên người nắm chính quyền. Ngoài ra, cuộc viếng thăm của Đức Giáo hoàng sẽ có hàng trăm ngàn tín hữu của các nước lân cận đến, và sẽ làm cho việc giữ an ninh càng khó hơn ở một nước đã tan rã.
Không có sự tiếp viện thêm của nước Pháp
Thông báo rõ ràng: sẽ không có tiếp viện an ninh của nước Pháp thêm cho Đức Giáo hoàng. Lực lượng Sangaris, mà hoạt động chính tập trung ở thủ đô có một nhiệm vụ rõ ràng, nguồn tin thân cận Bộ trưởng Le Drian cho biết: “Đó là bảo vệ phi trường và giúp di tản trong trường hợp có biến cố. Chúng tôi không làm được thêm.” Trong mấy tháng vừa qua, tham mưu trưởng Pháp đã ngỏ ý sẽ giảm lực lượng này từ đây cho đến năm 2016 (vào khoảng 450 người). Nhưng chiến dịch bị ngăn trở. “Chúng tôi ghi nhận từ một tháng nay, tình trạng bạo lực ngày càng tăng”, ông bộ trưởng giải thích. “Các nhóm cực đoan ngại tiến trình bầu cử sẽ được thực hiện và thế lực chính trị của người được bầu làm họ lo ngại”. Bộ trưởng Le Drian cho biết, chiến dịch Sangaris vẫn duy trì số lượng 900 binh sĩ trong thời gian bầu cử. Sau đó chính quyền được bầu ra sẽ quyết định về quân đội của mình.
“Đức Giáo hoàng nói với Chúa, vậy chúng ta có thể nói gì…”
Đức Giáo hoàng cương quyết đi Bangui. Mười ngày trước khi chính thức khai mạc Năm Thánh Lòng thương xót, 8 tháng 12, ngài muốn mở “cánh cửa thánh” ở Nhà thờ Chính tòa Đức Bà. Đây là lần đầu tiên “cửa thánh” ở ngoài Đền thờ Thánh Phêrô La Mã được mở. Ngày 1 tháng 11, Đức Phanxicô tuyên bố, “đây là dấu hiệu bày tỏ sự gần gũi (…) của toàn Giáo hội với quốc gia đau khổ và sóng gió này”. Bước qua “cánh cửa thánh” giúp cho tín hữu thực hiện được tiến trình ăn năn để được tha thứ cho các tội lỗi của mình.
Về phía ban an ninh Pháp, họ có nhiều dự đoán và không che giấu dự đoán cuối là dự đoán họ mong muốn: hoặc Đức Phanxicô đi hai nửa ngày như ngài dự định ở thủ đô Trung Phi, hoặc chỉ giới hạn còn vài giờ, hoặc ngài hủy chuyến đi. “Nhưng các bạn biết đó, Đức Giáo hoàng nói với Chúa, vậy chúng ta có thể nói gì…”, những người chung quanh bộ trưởng Pháp nói. Cho đến bây giờ, theo các thông tin từ Vatican thì Đức Giáo hoàng không thay đổi ý kiến.
Nathalie Guibert, Cécile Chambraud (Le Monde) / Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
(Nguồn: phanxico.vn)