MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Đức Phanxicô: “Một tín hữu không thể nói về nạn nghèo khổ mà sống như một ông hoàng”

Nạn nghèo khổ và “tài sản” của Giáo hội ở trọng tâm cuộc phỏng vấn của Đức Giáo hoàng với một nhật báo đường phố.

“Giáo hoàng của người nghèo” không đùa với nạn nghèo khổ, với sự loại trừ, với sự khinh bỉ của xã hội, một cách đúng mực, ngài nói về vòng xoắc ốc vấn nạn của con người, một vòng xoắn ốc khó thoát được sự trói buộc của tính “tham lam, ích kỷ hoặc dửng dưng”, có dịp là ngài lên án, bất chấp có thể làm cho người nghe chán hoặc bị cho là “ca tụng” nạn nghèo khổ như độc giả thường thấy trên các trang mạng. Ngày 27 tháng 10, nhật báo đường phố Straatnews, một nhật báo của người vô gia cư đã hỏi ngài về “tài sản” của Giáo hội. Ở thời điểm mà một cơn bão mới về tài chánh vừa giáng xuống Vatican sau vụ tiết lộ thông tin mật, cuộc phỏng vấn này, được Radio Vatican đăng lại đã xảy ra đúng lúc để trả lời cho những câu hỏi này.

Đức Phanxicô tiếp các ký giả ở Nhà trọ Thánh Mácta, như các cuộc phỏng vấn với các báo khác như báo Dòng Tên Âu Châu, Châu Mỹ La Tinh vào tháng 8-2013, ngài chân thành với họ: “Mời các bạn ngồi, ngài nói với họ khi bước vào phòng và thấy họ đang đứng chờ, tôi thật vui gặp các bạn hôm nay”. Các ký giả cho biết, người đứng đầu 1.2 tỷ tín hữu công giáo trên thế giới cho thấy ngài là người, vừa “bình thản, khả ái, vừa năng động và chính xác”.

Cuộc phỏng vấn bắt đầu, và giống như mỗi lần có ai hỏi, ngài thường bắt đầu câu chuyện bằng vài mẫu chuyện ngắn về đời sống của mình: khi còn nhỏ ngài thích chơi đá banh ở sân dưới nhà ở Buenos Aires, thích lớn lên đi bán thịt vì theo mẹ đi chợ gặp ông hàng thịt, ngài nói về ông bà của mình, về thời chủng sinh của mình.

Cuộc dấn thân cá nhân đầu tiên

Cuộc tiếp xúc đầu tiên với nạn nghèo khổ là cuộc tiếp xúc ở tại chính nhà mình, với một bà đến nhà mỗi tuần ba lần để giúp mẹ giặt áo quần, ngài có năm anh em. Đó là một bà người Ý, lập gia đình với một người Silice, mẹ của ba đứa con. “Họ rất nghèo nhưng rất tốt!”, ngài nhớ lại và rất xúc động vì chính gia đình của ngài cũng khiêm tốn “chỉ đủ sống đến cuối tháng”. Nhưng cái nghèo của bà giúp việc này thì thật khốn đốn và đã làm cho ngài bị lay động. Ngài so sánh: “Gia đình tôi không thể mua xe hay đi nghỉ hè, nhưng gia đình của bà này, bà thiếu những chuyện căn bản”. Một ngày nọ, khi đã là Tổng Giám mục địa phận Buenos Aires, ngài gặp lại bà, lúc đó bà đã ngoài 90, và ngài đi thăm bà cho đến khi bà chết, bà tặng ngài bức tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ngài vẫn còn giữ bên cạnh mình, theo thời gian nó đã phai màu, ngài cho các ký giả xem. “Mỗi ngày, ngài nói, tôi nghĩ đến bà, bà đã khổ như thế nào với cái nghèo của mình”, và “tôi nghĩ đến tất cả những người đau khổ khác. Tôi mang bức tượng trong lòng và tôi cầu nguyện…”.

Ước muốn cho sự thật của ngài mạnh hơn là nỗi sợ bị chán

Đức Phanxicô vẫn là một người giản dị và bảo vệ cho người nghèo trong từng cử chỉ và lời nói của mình, ngài không sợ làm cho báo chí chán. “Khi một chủ đề không đẹp, khi chủ đề đó khó nói, đến một lúc người ta sẽ nói “đủ rồi, chuyện này khó quá… đúng, tôi cảm thấy chuyện này chán chứ, nhưng tôi không sợ. Tôi phải tiếp tục nói sự thật, nó là như vậy”, ngài trả lời. Bởi vì như vậy, chứ không phải Giáo hội yêu cầu ngài, vì tình đoàn kết trong tinh thần Kitô giáo.

Vì ngài cảm nhận điều này trong chính tâm hồn mình, “là một bổn phận, chứ không phải một điều răn”, ngài đoan chắc với các ký giả Hà Lan, ngài cảm nhận điều này “trong cương vị của một con người”. Và không có gì tốt hơn, ngài lặp lại, rằng “lời chứng cá nhân” và ước muốn nói lên “sự thật” để sự giúp đỡ và tình đoàn kết với các người vô gia cư và người nghèo không bị khai thác dưới khía cạnh chính trị. Nhưng Giáo hội có thể nào còn ảnh hưởng nếu ở ngoài các nhóm chính trị không? Về điểm này, có hai quan điểm phải tránh là: nói về nạn nghèo khổ mà sống như ông hoàng và đồng minh với những chính quyền không minh bạch và trong sáng. Đối với Đức Giáo hoàng, hiểm nguy của nạn tham nhũng không bao giờ ở quá xa, “nơi các chính trị gia cũng như nơi các tu sĩ”.

“Tài sản” của Giáo hội

Theo bước chân của Thánh Phanxicô Axixi, người chọn cái nghèo tận căn, “Giáo hoàng của người nghèo” muốn một “Giáo hội nghèo cho người nghèo”. Thánh Phanxicô đã bán của cải của mình cho đến khi không còn một cái gì, còn ngài, Đức Giáo hoàng, Giám mục địa phận Rôma thì sao? Ngài có bị áp lực phải bán tài sản của Giáo hội không? Câu hỏi được đặt ra. Một câu hỏi dễ, ngài trả lời với các ký giả Hà Lan.

Các của cải này không thuộc về Giáo hội nhưng thuộc về nhân loại. Ngài giải thích, chẳng hạn “ngày mai tôi nói phải bán đấu giá bức tranh Pietà của danh họa Michel Ange, chuyện không thể được, vì bức tranh không thuộc về Giáo hội. Ngược lại, chúng tôi bán các món quà, các vật dụng mọi người tặng riêng tôi. Tiền bán được đi vào quỹ từ thiện của Giám mục Krajewski, người đặc trách công việc từ thiện. Và rồi chúng tôi bán vé số, bán các xe hơi. Tiền bán được là để giúp người nghèo”.

Nhưng danh sách tài sản của Giáo hội thì dài: “Đúng, chúng tôi có một danh sách và người ta có thể nghĩ Giáo hội rất giàu”, Đức Giáo hoàng ghi nhận, “của cải của Giáo hội thì nhiều” nhưng dùng để duy trì các cơ cấu của Giáo hội, bao nhiêu là việc làm ở các nước nghèo: bệnh viện, trường học… Chẳng hạn, vào cuối tháng 10, Đức Giáo hoàng xin gởi qua Congo 50 000 ơrô để xây ba trường học.

Luôn luôn nhắn nhủ giúp người nghèo

Câu hỏi cuối cùng của các ký giả báo Straatnews – “Trọng kính Đức Thánh Cha, chúng ta có thể hình dung có một thế giới không có người nghèo không?” – Đức Giáo hoàng kết luận: “Tôi rất muốn. Chúng ta phải đấu tranh để có một thế giới không có người nghèo. Nhưng tôi là một tín hữu, tôi biết tội luôn ở trong chúng ta. Lòng tham lam của con người vẫn có đó, tính ích kỷ tạo ra cảnh nghèo”. Đức Giáo hoàng kết thúc cuộc phỏng vấn bằng một suy nghĩ đặc biệt cho “các trẻ em nô lệ, nạn nhân của các công việc lao động cưỡng bách, bị lạm dụng tình dục, nạn nhân của việc buôn bán cơ quan nội tạng”, những nạn nhân vô tội mà ngài xin đừng bao giờ ngưng đấu tranh cho họ.

Isabelle Cousturié (aleteia.org) / Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

(Nguồn: phanxic.vn)