Đức Giáo hoàng phát hành tác phẩm cá nhân đầu tiên của mình. Triển khai thần học lòng thương xót của mình, Đức Giáo hoàng sẽ đi rất xa.
Việc phát hành sách của Đức Giáo hoàng trong Giáo hội công giáo tuần này báo hiệu năm 2016 sẽ là năm rất nhiều việc. Quyển sách phỏng vấn Đức Giáo hoàng với nhà Vatican học người ý, ký giả Andrea Tornielli, “Tên của Chúa là Thương Xót,” sẽ phát hành cùng một lúc trên 84 nước và với sáu ngôn ngữ (Ý, Pháp, Anh, Đức, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha)
Qua quyển sách này, ký giả Tornielli muốn “muốn đặt ánh sáng vào tâm hồn của Đức Phanxicô, vào cái nhìn của ngài”, đây là tác phẩm đầu tiên hoàn toàn cá nhân của giáo hoàng Argentina – trong khi các thông điệp là tác phẩm của tập thể – mục đích của quyển sách là tăng thêm sức mạnh cho Năm Thánh Lòng Thương Xót, nhấn mạnh đến Năm Toàn Xá và kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc Công đồng Vatican II. Trong Sắc lệnh triệu tập Năm Toàn Xá công bố vào tháng 4-2015, và in lại trong quyển sách này, Đức Phanxicô nói chính xác, “Giáo hội cảm nhận có nhu cầu phải giữ sự kiện này sống động” và một trong những sứ điệp thiết yếu là “phải nói về Chúa cho người thời này một cách dễ thông hiểu hơn”.
Với Năm Toàn Xá này, thì không cần phải nắm bí quyết thần thánh nào mới hiểu được Đức Phanxicô, ngài muốn in dấu ấn của mình trên một Giáo hội bị chia rẽ giữa hai khuynh hướng bảo thủ và hiện đại. Trong bài phỏng vấn của nhà Vatican học người Anh David Willey với ký giả Alain Crevier trên báo Thời sự (L’Actualité, số tháng 1-2016), ông Willey cho biết, Đức Giáo hoàng sắp 80 tuổi và ngài biết ngài phải làm gấp. Ông nói, “Ngài biết nếu Giáo hội không thay đổi thái độ – tôi không nói đến thay đổi giáo điều của Giáo hội, nhưng thay đổi thái độ-, thì Giáo hội sẽ đi đến hồi kết thúc.”
Câu trả lời của Đức Phanxicô trước tình trạng này là nhấn mạnh trên lòng thương xót, “sứ điệp quan trọng nhất của Chúa Giêsu”, ngài nói với ký giả Tornielli, người đầu tiên viết tiểu sử của ngài. Khi mở Công đồng Vatican II, Đức Gioan XXIII tuyên bố Giáo hội “mong dùng đến phương thuốc lòng thương xót hơn là dùng đến vũ khí của sự khắc nghiệt”. Hôm nay, Đức Phanxicô không đi qua guồng máy nặng nề của một tân công đồng, ngài muốn Giáo hội nối lại tinh thần “bệnh viện dã chiến”, một công thức ngài dùng thường dùng để nói lên một “Giáo hội sưởi ấm tâm hồn giáo dân bằng sự quan tâm, bằng sự gần gũi của mình”, một Giáo hội mà các sứ vụ viên và giáo dân đi ra khỏi nơi thờ phượng, khỏi giáo xứ để đến “với giáo dân nơi họ sống, nơi họ đau khổ, nơi họ hy vọng”.
Hai lô-gic
Trong quyển sách này, Đức Phanxicô diễn tả phóng khoáng hơn là trong hình thức thông điệp, ngài không ngần ngại chống đối “hai lô-gic về mặt tư tưởng và đức tin”. Ngài giải thích, có lô-gic của các “tiến sĩ Luật” muốn áp dụng luật nghiêm nhặt trên lòng thương xót, họ sợ làm cho người công chính hoảng sợ vì chủ trương khoan hòa. Dù vậy, lô-gic của Chúa lại hướng về người tội lỗi, “đón nhận, ôm hôn, biến sự dữ thành sự thiện, chuộc tội của tôi, giảm lên án thành cứu rỗi,” Đức Phanxicô khẳng định.
Đức Phanxicô nhấn mạnh, lô-gic đầu tiên làm giáo dân xa Giáo hội, và là lô-gic chết người, đó chính là lô-gic của những “ngôi mộ tẩy trắng” dẫn đến chủ nghĩa giáo quyền “đóng cửa lại với các điều ngạc nhiên của Chúa”. Thậm chí ngài còn nói, đôi khi ngài đột nhiên nghĩ “thà có một cú trượt tốt lành cho các nhân vật cứng ngắt, vì như thế họ sẽ biết mình là người có tội và họ sẽ gặp Chúa Giêsu”.
Các người công giáo bảo thủ thì gán cho Đức Phanxicô là ngài đã giải thiêng chức giáo hoàng, họ thấy không có gì làm cho họ an tâm trong những lần tiếp xúc này, khi Đức Giáo hoàng tỏ ra mình dám làm. Vì thế, ngài thú nhận “đã nghĩ xấu về ai đó”, ngài kể câu chuyện một trong những cô cháu của ngài, cô lập gia đình về mặt dân sự với một người trước đó đã có gia đình, người đàn ông sốt sắng này là một người rất tốt; ngài cũng khen lòng can đảm của một cô gái trẻ buộc phải làm điếm, cô đã gặp được tình yêu trong nhà điếm và mong được lập gia đình; và cuối cùng, ngài xác nhận mình rất gắn bó với các tù nhân vì ngài ý thức mình cũng là kẻ có tội.
“Tại sao là họ mà không phải là tôi?, ngài tự hỏi mỗi khi vào nhà tù thăm họ. Đáng lý tôi phải ở đây, tôi đáng bị ở đây. Sự sa ngã của họ cũng là sự sa ngã của tôi, tôi không tốt hơn những người đang đứng trước mặt tôi. Với những người bị sốc khi nghe những câu này, Đức Phanxicô phản ứng lại khi nói mình tìm an ủi nơi Thánh Phêrô: “Thánh Phêrô đã chối Chúa ba lần dù ngài đã được Chúa chọn.”
Các thử thách
Khi triển khai thần học của lòng thương xót, Đức Giáo hoàng sẽ đi rất xa. Ngài giải thích sự xấu hổ khi có ý thức về tội là một ơn, vì nó cho mình “gặp được lòng thương xót của Chúa Giêsu” và “làm cho mình khiêm tốn”. Còn về phần Giáo hội, Giáo hội có sứ mệnh “làm cho giáo dân cảm nhận không có tình huống nào mà không có lối thoát”, giống như câu chuyện người đàn bà ngoại tình và người con hoang đàng trở về trong Phúc Âm.
Nhận biết tội là tội là bổn phận của sự thật và tôn trọng sự công chính của loài người, Đức Phanxicô khẳng định, nhưng lòng thương xót Chúa thì vô cùng cho những ai đến xin và đặt con người có bổn phận phải “giúp những ai bị sa ngã và nâng họ dậy”. Ngoài ra, Đức Giáo hoàng cũng an ủi vì án tử hình đã giảm trên thế giới và đã có tiến bộ trong việc hội nhập lại vào xã hội cho các tù nhân. Ký giả Tornielli nhẹ nhàng hỏi ngài về vấn đề người đồng tính, ngài tránh né nhưng không lên án.
Các thách thức lớn vẫn còn chờ ngài. Trong “12 công việc của Đức Phanxicô” (báo Đời sống số 31 tháng 12-2015), nữ ký giả Marie-Lucile Kubacki nêu ra trong từng chương việc tái tổ chức lại giáo triều đã bị hư nát vì các vụ tai tiếng, việc củng cố lại khuynh hướng môi sinh của Giáo hội, một hồi kết có hậu cho Thượng Hội Đồng Gia đình (người ly dị tái hộn, người đồng tính), sự tái khẳng định Giáo hội phục vụ người nghèo và tiến hành lại việc đối thoại liên tôn. Tất cả những điều này sẽ đi tới nhưng không phải là không có kháng cự.
Biện hộ cho một Giáo hội khiêm tốn, lắng nghe, tươi cười và vững mạnh trong chân lý của lòng thương xót, dĩ nhiên quyển sách này sẽ không thuyết phục được những người không tin, nhưng nó sẽ mang lại cho Giáo hội Công giáo một bộ mặt niềm nở ân cần.
Louis Cornellier (ledevoir.com) / Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
(Nguồn: phanxico.vn)