DAVOS. ĐTC Phanxicô kêu gọi giới doanh nhân và chủ xí nghiệp nghĩ đến người nghèo trong cuộc “cách mạng công nghệ thứ tư”.
Lời kêu gọi được ngài đưa ra trong sứ điệp gửi Diễn Đàn Kinh tế thế giới tiến hành từ hôm 20-1 đến 23-1 tới đây tại Davos bên Thụy Sĩ, với chủ đề “Nắm vững cuộc cách mạng công nghệ thứ tư”. Tham dự diễn đàn có hơn 2.500 nhân vật chính trị và kinh tế thuộc hàng quan trọng nhất đến từ các nước trên thế giới.
ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình đã trao Sứ điệp của ĐTC cho vị sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn này là Giáo Sứ Klaus Schwab.
ĐTC nhấn mạnh tới một khía cạnh tiêu cực của Cuộc cách mạng công nghệ thứ 4, đó là giảm bớt công ăn việc làm do sự gia tăng sử dụng các Robot tối tân và các nguyên do khác. Những nghiên cứu gần đây của Tổ chức Lao động quốc tế cho thấy hiện có hàng trăm triệu người thất nghiệp trên thế giới. “Sự tài chánh hóa và kỹ thuật hóa các nền kinh tế quốc gia và hoàn vũ đã tạo nên những thay đổi sâu rộng trong lãnh vực công việc làm. Giảm bớt những cơ hội tìm được việc làm xứng đáng và nhiều lợi ích, cùng với sự giảm bớt bảo hiểm an sinh xã hội, đang gây lo âu, làm gia tăng sự chênh lệch và nghèo đói ở nhiều quốc gia.”
Trước tình trạng đó, ĐTC kêu gọi đề ra “những kiểu mẫu doanh nghiệp mới, trong khi phát triển những kỹ thuật tân tiến, làm sao để có thể sử dụng các kỹ thuật đó để kiến tạo công việc làm xứng đáng cho mọi người, nâng đỡ và củng cố các quyền lợi xã hội và bảo vệ môi sinh. Con người phải hướng dẫn sự phát triển công nghệ mà không để cho nó thống trị mình!”
ĐTC viết thêm rằng: “Một lần nữa tôi kêu gọi tất cả quí vị: “Đừng quên người nghèo!” Đó là thách đố thứ nhất mà quí vị đang có trước mặt trong tư cách là những người lãnh đạo trong thế giới doanh nghiệp. Ai có những phương tiện để sống một đời sống xưng đáng, thay vì bận tâm lo kiếm những đặc ân, cần phải tìm cách giúp đỡ những người nghèo nhất để họ có được những điều kiện sống tôn trọng phẩm giá con người, đặc biệt là qua sự phát huy tiềm năng của họ về mặt nhân bản, văn hóa, kinh tế và xã hội.” (Diễn văn trước các vị lãnh đạo và ngoại giao đoàn, Bangui, 29-11-2015)
ĐTC cũng cảnh giác rằng: “Chúng ta đừng bao giờ để cho nền văn hóa sung túc làm cho chúng ta không còn nhạy cảm, và không còn khả năng cảm thương trước tiếng kêu đau khổ của tha nhân, đến độ chúng ta không còn khóc nữa trước thảm cảnh của người khác, cũng như không quan tâm săn sóc họ, như thể tất cả những điều ấy không phải là trách nhiệm của chúng ta, không liên hệ tới chúng ta.” (Evangelii gaudium, 54)
Và ĐTC kết luận rằng: “Qua các phương thế đối thoại ưu tiên, Diễn Đàn kinh tế thế giới có thể trở thành một Diễn đàn bảo vệ và gìn giữ thiên nhiên, và để đạt tới một sự tiến bộ lành mạnh hơn, nhân bản hơn, xã hội hơn và có tính chất toàn diện hơn (Laudato sí, 112), với sự để ý cần phải có đối với những mục tiêu môi sinh và gia tăng nỗ lực tối đa để đạt tới mục tiêu xóa bỏ nghèo đói như đã được ấn định trong chương trình hành động từ nay tới năm 2030 về sự phát triển dài hạn và Hiệp định Paris về sự thay đổi khí hậu.” (SD 20-1-2015)
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)