Chiến tranh nhân danh Chúa? Đức Giáo hoàng có chủ hòa không? Không đơn giản như thế…
Trong khuôn khổ của chủ nghĩa khủng bố, Đức Phanxicô tuyên bố nếu cần thì phải bắt người đi tấn công bất chính. Khác với các bài diễn văn của các vị tiền nhiệm của ngài ở thế kỷ 20, bài diễn văn của ngài là một suy tư về chiến tranh và về hòa bình.
“Năm vừa qua, từ đầu năm đến cuối năm là một năm đánh dấu bởi các cuộc chiến tranh và các hành động khủng bố, tạo nên không biết bao nhiêu đau khổ trên nhiều vùng đất thế giới, đến mức mà với tính chất của nó, có thể gọi đây là cuộc chiến tranh thứ ba từng phần”, Đức Phanxicô báo động trong bài diễn văn Ngày Thế giới Hòa bình 1 tháng 1-2016. Một chủ đề thân thiết của ngài, một chủ đề mà mấy tháng nay ngài không ngừng lên tiếng ở Rôma cũng như trong các chuyến đi của mình. Dù vậy, Đức Phanxicô không chỉ có đơn giản một bài diễn văn chủ hòa. Ngày 10 tháng 8-2014, ngài xin Liên Hiệp Quốc “làm mọi cách” để chấm dứt các hành vi bạo lực chống tín hữu kitô và các cộng đoàn thiểu số ở Irak. Cũng năm 2014, ngày 18 tháng 8, trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Nam Hàn về Rôma, ngài tuyên bố một câu mà sau đó đã gây nhiều tiếng vang: “Trong những trường hợp này, khi có cuộc tấn công bất chính, tôi chỉ có thể nói, bắt người tấn công bất chính là chuyện đúng lý. Tôi nhấn mạnh đến động từ “bắt” ở đây. Tôi không nói dội bom, tôi không nói phải gây chiến tranh, tôi nói là phải bắt. Các phương tiện dùng để ngăn chặn, để bắt thì cần phải được cân nhắc.”
Đức Phanxicô có bỏ vị thế của Đức Phaolô VI khi ngài lên tiếng “Không bao giờ được có chiến tranh nữa” không? Sau triều Giáo hoàng Piô XII và sau Công đồng Vatican II, thế giới đã hiểu bom nguyên tử, bom sinh hóa đã giết hại hàng loạt các thành phố, các đời sống con người (Hiến chế về Mục vụ Giáo hội trong Thế giới Ngày nay, Gaudium et spes, số 80), Giáo hội không chấp nhận dùng sức mạnh để tái lập công chính nhưng cổ vũ cho việc xây dựng hòa bình. Không một cuộc chiến tranh nào được cho phép nhân danh quyền bảo vệ chính đáng. Theo đường hướng của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV, được bầu vào năm 1914 thì chiến tranh luôn là chuyện “điên cuồng”, một “tai ương vô ích” hoặc theo như chữ của Đức Gioan-Phaolô II dùng, chiến tranh là cuộc “phiêu lưu không có đường lui”. Dù vậy, điều này lại đi ngược lý thuyết “chiến tranh chính đáng,” với đòi hỏi của các tiêu chuẩn làm vô hiệu hóa khả năng dùng đến vũ lực trong trường hợp các cuộc chiến tranh hiện đại.
Khi tuyên bố nếu cần phải bắt tên tấn công trong trường hợp khủng bố, Đức Giáo hoàng muốn có một sự thay đổi về bản chất chiến tranh. Ngài ở trong truyền thống xưa của Giáo hội đối với “chiến tranh công chính”, dùng đến chiến tranh như biện pháp cuối cùng phải cần đến vũ lực, khi chủ nghĩa chủ hòa tuyệt đối sẽ là phủ nhận công chính và là dấu hiệu của bạo lực ngay trong chính cơ cấu.
Như các vị tiền nhiệm của mình, ngài ưu tiên về mặt ngoại giao và giữ hợp pháp về mặt công chính. Cũng như họ, suy tư của ngài về chiến tranh trước hết là suy tư dựa trên hòa bình, được xây dựng trên chiều kích thiêng liêng và ngôn sứ: “Đi sâu hơn, Thánh Phaolô nói, hòa bình là ơn ban của Chúa vì hòa bình là hoa trái của sự giải hòa với chính mình, ngài tuyên bố ở Sarajevo. Con người trở nên nghệ nhân của hòa bình nếu con người giải hòa với Chúa.”
Trên tiến trình giải hòa này, phần khó nhất là phần Chúa Kitô xin chúng ta yêu kẻ thù của mình. “Khi cuộc sống của bạn bị đe dọa trong xương trong thịt, như chúng tôi thường xuyên bị đe dọa bởi các hành động khủng bố và chiến tranh, thì bạn không phải chỉ sống trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng bạn cảm thấy đe dọa đè nặng trên đầu, cha xứ Émile Shoufani tuyên bố vào cuối năm 2014 khi cha nhận giải Bằng hữu Do Thái-kitô ở Pháp, cha được mệnh danh là ‘cha xứ Nadarét’. Chính lúc đó là lúc bạn phải tin rằng người khác không đe dọa bạn, rằng bạn có thể sống với họ và nói chuyện với họ.” Một tiến trình ở trọng tâm Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Một cuộc chiến tranh công chính
Giáo huấn Giáo hội công giáo có một danh sách các đòi hỏi chính đáng để dùng sức mạnh một cách hợp pháp.
1 Sự thiệt hại gây ra do người tấn công quốc gia hay các cộng đoàn các quốc gia là lâu dài, trầm trọng và cụ thể.
2 Tất cả các phương tiện khác để chấm dứt cuộc tấn công đều tỏ ra không hiệu quả.
3 Có một số các điều kiện nghiêm túc để thành công.
4 Việc dùng vũ khí không kéo theo những thiệt hại và mất ổn định nặng nề hơn sự dữ cần phải loại bỏ.
Marie-Lucile Kubacki (lavie.fr) | Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
(Nguồn: phanxico.vn)