MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Toàn văn Thông điệp của ĐGH Phanxicô gửi Diễn Đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ)

Gửi giáo sư Klaus Schwab, giám đốc Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Trước hết, tôi cảm ơn ngài đã chân thành mời tôi đến phát biểu tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos-Klosters vào cuối tháng Giêng với chủ đề: ” Giữ vững cách mạng công nghiệp lần thứ tư.” Tôi gửi đến ngài lời chúc tốt lành nhất để cuộc họp lần này sinh nhiều hoa trái. Điều cần tiếp tục khuyến khích là trách nhiệm xã hội và môi trường thông qua cuộc đối thoại mang tính xây dựng nơi chính phủ, doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo dân sự, cũng như các chính khách trong những lĩnh vực chính trị, tài chính và văn hóa .

Buổi sơ khai của cái gọi là “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, một cách tất yếu, kéo theo một cảm nhận đó là sự suy giảm về số lượng công ăn việc làm. Các nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế chỉ ra rằng tỷ lệ thất nghiệp hiện nay ảnh hưởng đến hàng trăm triệu con người. Thể chế tài chính và công nghệ của các nền kinh tế toàn cầu và quốc gia đã tạo ra hố sâu rộng làm biến đổi trong lĩnh vực lao động. Cơ hội việc làm bị giảm xuống đối với những công nhân chân chính và hữu ích. Đồng thời việc suy giảm an sinh xã hội cũng đang gây ra nỗi lo ngại về sự bất bình đẳng và đói nghèo ở nhiều quốc gia khác nhau. Có một nhu cầu thực tế là cần tạo ra mô hình kinh doanh mới, trong khi việc thúc đẩy phát triển công nghệ tiên tiến có khả năng sử dụng chúng để tạo ra sản phẩm xứng đáng cho nhiều người hơn, để duy trì và củng cố quyền xã hội và bảo vệ môi trường. Con người phải hướng chiều phát triển công nghệ và không để cho nó chi phối mình!

Với tất cả quý vị, tôi kêu gọi một lần nữa: “Đừng quên người nghèo!” Đây là thách thức trước tiên khi quý vị là những nhà lãnh đạo trong thế giới kinh doanh. “Những người có điều kiện để tận hưởng một cuộc sống tiện nghi, chứ không hẳn là chỉ quan tâm đến đặc quyền, đặc lợi. Quý vị phải tìm cách giúp đỡ người nghèo hơn mình để họ có điều kiện sống xứng đáng, đặc biệt là thông qua việc phát triển con người, văn hóa, tiềm năng kinh tế và xã hội.” (Diễn văn tại Bangui, 29-11-2015).

Chúng ta không bao giờ cho phép nền văn hóa thịnh vượng mê muội chúng ta, khiến chúng ta “không có khả năng cảm thấu tiếng kêu của người nghèo, không còn có thể khóc trước nỗi đau của người khác hay cảm thấy cần cứu giúp họ, coi như tất cả đều là trách nhiệm của một ai khác chứ không phải của chính chúng ta. (Niềm vui của Tin Mừng, 54).

Khóc cho nỗi đau của người khác không chỉ có nghĩa là chia sẻ nỗi khốn cùng của họ, mà trên tất cả còn nhận ra rằng những hành động của mình cũng là nguyên nhân của bất công và bất bình đẳng. “Chúng ta hãy mở mắt ra để nhận ra tình trạng khốn khổ của thế giới, để thấy những vết thương của anh chị em chúng ta đang bị tước mất nhân phẩm, và ý thức rằng chính chúng ta được mời gọi lắng nghe tiếng họ kêu gào xin được cứu giúp. Ước gì bàn tay chúng ta nắm lấy đôi tay họ và kéo họ đến với chúng ta. Ước chi tiếng nói của họ trở thành tiếng nói của chúng ta, và ước chi chúng ta có thể chung tay phá đổ những rào cản của thái độ dửng dưng lãnh đạm, vẫn thường được dùng để che giấu thói giả hình và tính ích kỷ. (Dung Mạo Lòng Thương Xót, 15).

Một khi nhận ra điều này, nền nhân bản của chúng ta trở nên tròn đầy hơn, vì trách nhiệm đối với anh chị em của chúng ta là một phần then chốt của cộng đồng nhân loại. Đừng ngại mở rộng tâm hồn và trái tim của quý vị cho người nghèo. Bằng cách này, quý vị sẽ được tự do phát triển các tiềm năng kinh tế và kỹ thuật của quý vị, và khám phá hạnh phúc nơi cuộc sống tròn đầy mà chủ nghĩa tiêu thụ không thể cung cấp cho quý vị được.

Đối mặt với những thay đổi sâu sắc và thời đại, các nhà lãnh đạo thế giới bị thách đố để đảm bảo “cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư” sắp tới rằng: kết quả của robot và đổi mới khoa học và công nghệ không dẫn đến việc phá hủy nhân phẩm – thay thế bằng một cỗ máy vô hồn – hoặc chuyển hành tinh của chúng ta vào một khu vườn trống rỗng chỉ vui thú hưởng thụ vài điều mà mình chọn.

Ngược lại, hiện tại đang trao ban một cơ hội tốt để hướng dẫn và chi phối các tiến trình đang diễn ra, và để kiến tạo xã hội hòa nhập dựa trên sự tôn trọng phẩm giá con người, khoan dung, từ bi và thương xót. Tôi kêu gọi quý vị để tâm đến cuộc đối thoại của quý vị là làm thế nào để xây dựng tương lai của hành tinh là “ngôi nhà chung của chúng ta”, và tôi đề nghị quý vị hãy hiệp lực để theo đuổi một sự phát triển bền vững và toàn diện.

Như tôi đã nói và bây giờ muốn nhắc lại, “Hoạt động kinh doanh là một ơn gọi cao quí và nhắm vào việc xây dựng hạnh phúc và làm cho thế giới dành cho mọi người được tốt đẹp hơn, có thể là một cách thức mang lại nhiều hoa trái khi tác động vào vùng miền mà họ xây dựng các dự phóng, nhất là khi họ hiểu rằng, việc tạo công ăn việc làm là một phần tất yếu cho việc phục vụ cho lợi ích cộng đoàn.” (Laudato Si ‘ , 129). Vì vậy, việc kinh doanh phải có trách nhiệm giúp người ta vượt qua khủng hoảng phức tạp của xã hội và môi trường, và để chống lại đói nghèo. Điều này có thể sẽ giúp cải thiện điều kiện sống đỡ bấp bênh của hàng triệu người và khắc phục khoảng cách xã hội vốn là cái phát sinh nhiều bất công và làm thui chột các giá trị cơ bản của xã hội, trong đó có bình đẳng, công bằng và đoàn kết.

Bằng cách này, thông qua các phương tiện ưu tiên của đối thoại, Diễn đàn Kinh tế Thế giới có thể trở thành một bệ phóng cho việc che chở và bảo vệ sự sáng tạo và đạt được một tiến bộ, đó là: “mạnh khỏe hơn, nhân bản hơn, mang tính xã hội nhiều hơn và trọn vẹn hơn.” (Laudato Si ‘, 112) , với việc quan tâm thích đáng đối với những mục tiêu môi trường và sự cần thiết để tối đa hóa những nỗ lực xóa đói giảm nghèo như được ấn định trong Chương trình nghị sự năm 2030 để phát triển bền vững và trong Hiệp định Paris theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Thưa ngài giám đốc, với lời chúc tốt đẹp dành cho sự thành công của các cuộc họp sắp tới tại Davos, tôi khẩn xin muôn ơn lành của Thiên Chúa đến với ngài và tất cả mọi người đang tham gia Diễn đàn, cùng với gia đình của quý vị.

Vatican, 30-12-2015

Giáo Hoàng Phanxicô

Chuyển ngữ: Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.

(Nguồn: dongten.net)