MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Các thừa sai Lòng Thương Xót không thể can thiệp cho những trường hợp giám mục tấn phong bất hợp thức

VATICAN - Các Thừa sai Lòng Thương Xót sẽ không thể can thiệp cho các giám mục bị vạ tuyệt thông bởi việc tấn phong (hoặc nhận tấn phong) mà không có sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng.

Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella - Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa và cũng là điều phối viên Năm Thánh đã khẳng định điều này trong lá thư cá nhân ngài gửi đến từng vị thừa sai.

Bức thư đề ngày 10 tháng 2 năm 2016 có đoạn:

"Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban cho quý cha năng quyền để ân tha những tội lỗi thuộc thẩm quyền Tòa Thánh trong suốt thời gian Năm Thánh này. Theo ý chỉ của Đức Thánh Cha, năng quyền trên phải được hiểu là có giới hạn và chỉ dành cho các tội lỗi sau đây:

- xúc phạm đến Thánh Thể bằng cách đem đi hoặc cất giữ để nhằm mục đích phạm thánh;

- sử dụng bạo lực tấn công Đức Giáo Hoàng;

- người đồng lõa trong một tội lỗi chống lại Điều răn thứ sáu;

- trực tiếp vi phạm ấn tích tòa giải tội.

Tôi đoan chắc rằng các cha sẽ là những người hân hoan công bố về Lòng Thương Xót và hoán cải các tín hữu, thông qua việc cử hành Bí tích Hòa giải."

Chúng ta đã biết, theo Bộ Giáo Luật hiện hành, có 5 tội mà chỉ dành cho Tòa Thánh có quyền ân tha thông qua Tòa Ân Giải Tối Cao (cơ quan lâu đời nhất của Tòa Thánh được thành lập năm 1200 bởi Đức Giáo Hoàng Honorius III) là:

- Tội phạm thánh với Thánh Thể (Điều 1367: Ai ném bỏ bánh thánh, lấy hoặc giữ với mục đích phạm thánh, bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh. Ngoài ra, giáo sĩ còn có thể bị phạt bằng hình phạt khác, kể cả hình phạt khai trừ khỏi hàng giáo sĩ.)

- Tội bạo lực tấn công Đức Thánh Cha (Điều 1370: (1) Người nào hành hung Ðức Thánh Cha sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh. Nếu là giáo sĩ, tùy theo mức nặng của tội phạm, có thể bị phạt thêm một hình phạt khác nữa, kể cả hình phạt khai trừ khỏi hàng giáo sĩ)

- Tội với Điều răn thứ Sáu (Ðiều 977: Sự xá giải cho đồng lõa về tội phạm điều răn thứ sáu thì vô hiệu, đừng kể khi nguy tử. và Điều 1378 (1) Tư tế hành động ngược lại các quy định ở điều 977, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.)

- Tội vi phạm ấn tín tòa giải tội (Ðiều 1388: (1) Cha giải tội nào vi phạm trực tiếp ấn bí tích, phải bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh. Còn ai chỉ vi phạm gián tiếp, sẽ bị phạt tùy theo mức nặng của tội phạm.)

Danh sách này cũng bao gồm các tội truyền chức linh mục cho phụ nữ (theo Nghị định của Bộ Giáo lý Đức tin năm 2007) và vi phạm "lời tuyên thệ giữ bí mật" của các cuộc mật nghị bầu giáo hoàng, theo quyết định của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI.

Ngay sau lá thư này của Hội đồng Giáo hoàng được công bố, một số nhà quan sát bắt đầu suy nghĩ liệu có khả năng ân tha cho các giám mục thuộc nhóm Lefebvrian và các giám mục bất hợp thức ở Trung Quốc thông qua các Thừa Sai Lòng Thương Xót hay không.

Hiện nay, đối với tất cả các tội nhân, kể cả những người phạm các tội nghiêm trọng nhất, đếu có cùng một nguyên tắc áp dụng đó là hình phạt vẫn còn cho đến khi nào mà tội nhân thực lòng ăn năn sám hối thì mới kết thúc.

Như đã nêu trong Tông Huấn "Hòa Giải và Thứ Tha" năm 1984, (tạm dịch) "các hành động cần thiết trong cuộc hòa giải của hối nhân là: một sự ăn năn sám hối, một lời từ bỏ rõ ràng và dứt khoát về tội lỗi, cùng với một cam kết không tái phạm tội đó một lần nữa".

Vấn đề đặt ra cho các nhà thực thi giáo luật là sự khác biệt giữa "tội" - "sin" (mà một Thừa sai Lòng Thương Xót có thể ân tha) và "vạ" - "censure" (hiện thẩm quyền ân tha vẫn chỉ thuộc về Tòa Thánh). Như vậy, ngay cả khi một giám mục bất hợp thức được ân tha, người đó vẫn còn đang phải chịu một "vạ" trước khi có thể tái kết nạp vào hàng mục tử. Cho đến nay, Tòa Thánh vẫn yêu cầu các giám mục tấn phong bất hợp thức ở Trung Quốc viết thư cho Đức Giáo Hoàng, giải thích tình trạng của họ, thừa nhận trách nhiệm cá nhân của họ, nếu có, và xin sự tha thứ.

Sau khi nhận được sự tha thứ từ Roma, các giám mục này phải công khai xin tha thứ trước tín hữu của mình để chữa lành vụ việc. Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh là sẽ ra sao nếu các giám mục đó vẫn tiếp tục tham gia vào Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, với nhiệm vụ là xây dựng một Giáo Hội "độc lập" khỏi Đức Thánh Cha.

Tiền Hô

(Nguồn: VCN)