MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Đức Phanxicô – Giáo hoàng đầu tiên đặt chân đến dinh tổng thống Mêhicô

Khi thánh Gioan Phaolô II đến Mêhicô vào tháng giêng 1979, ngài được chào đón như là ngài Karol Wojtyla, chứ không phải như giáo hoàng, ở ngay trên một đất nước rất Công giáo nhưng lại có một xã hội thế tục sâu sắc, với các giám mục phải mang trang phục thường. Dù đã có thay đổi nhiều trong các chuyến viếng thăm tiếp theo của Đức Gioan Phaolô, nhưng đến tận lần cuối cùng vào năm 2002, ngài vẫn chưa bao giờ được đón tiếp như nguyên thủ quốc gia. Năm 2012, Đức Bênêđictô XVI đến thăm một miền khác của Mêhicô, bang Guanajuato, mà không đến thủ đô. Còn bây giờ, lần đầu tiên, Đức Phanxicô đi qua ngưỡng cửa của Dinh thự Quốc gia ở Mexico City. Ngài được chào đón bởi tổng thống Enrique Peña Nieto và phu nhân, diễn viên Angélica Rivera, người kết hôn với tổng thống sau khi Giáo hội cho phép tiêu hôn cuộc hôn nhân trước đó của bà. Một quyết định bị nhiều người phản đối.

Hai vị khi gặp riêng và tặng quà cho nhau (Đức Giáo hoàng tặng tổng thống Mêhicô một tranh khảm Đức Mẹ Guadalupe. Các nghệ sỹ của Xưởng tranh khảm Vatican đã có ý tái tạo chính xác màu áo tilma như trên tấm vải cổ treo tại Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Guadalupe ở Mexico City.) Rồi Đức Giáo hoàng và tổng thống bước ra sân trung tâm, nơi hàng ngàn người đang chờ sẵn, là các chức trách chính trị và công chức.

Đức Phanxicô giới thiệu mình là ‘nhà truyền giáo của lòng thương xót và hòa bình, nhưng cũng là một người con mong ước tôn kính mẹ mình, Đức Trinh nữ Diễm Phúc Guadalupe, và đặt mình dưới sự che chở của mẹ.’

Trong bài diễn văn, Đức Giáo hoàng có lời khen tặng người dân Mêhicô, nhắc lại trách nhiệm xây dựng xã hội, bảo vệ con người, và sự cộng tác của Giáo hội cho quốc gia.


‘Vị trí địa lý đặc biệt khiến đất nước này thành điểm quy chiếu của châu Mỹ, và các nền văn hóa bản xứ và du nhập truyền lại đặc tính cho dân tộc này. Sự khôn ngoan lâu đời thể hiện nơi chủ nghĩa đa văn hóa, một dòng lớn trong tự thuật vĩ đại của các bạn.

Và giới trẻ là sự phong phú chính của Mêhicô khi hơn nữa dân số là người trẻ. Điều này tạo khả dĩ cho suy tư và kế hoạch tương lai, cho một ngày mai tươi sáng. Điều này đem lại hi vọng và triển vọng tương lai. Thực tế này chắc chắn dẫn chúng ta nghĩ về các trách nhiệm của mình là xây dựng một Mêhicô như chúng ta mong muốn. Thực tế này chắc chắn dẫn dắt chúng ta nhận ra rằng một tương lai thành toàn hi vọng, được bồi đắp ngay trong hiện tại nhờ những con người nam nữ ngay thẳng, trung thực và có thể làm việc lợi ích chung, ‘công ích’ điều mà người ta thường hay làm ngơ trong thế kỷ XX.

Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng, mỗi khi tìm kiếm con đường đặc quyền đặc lợi cho số ít và gây hại cho lợi ích của tất cả mọi người, thì sớm hay muộn đời sống xã hội sẽ trở nên mảnh đất dung dưỡng cho tham nhũng, buôn thuốc phiện, loại trừ các nền văn hóa khác, bạo lực và buôn người, bắt cóc và giết người, gây đau khổ và làm chậm phát triển.

Có những chứng tá tuyệt vời của các công dân Mêhicô, những người hiểu rằng để thắng vượt các tình trạng nảy sinh do ngoan cố và cá nhân chủ nghĩa, thì cần có sự đồng thuận giữa các thể chế chính trị, xã hội và tài chính, và tất cả mọi người nam nữ dấn thân vì công ích và sự thăng tiến phẩm giá con người.’

Tôi thúc giục anh chị em hãy có những dạng mới của đối thoại, thương lượng, và xây những nhịp cầu có thể đưa chúng ta theo con đường đoàn kết dấn thân. Bắt đầu từ những người nhận mình là Kitô hữu, đây là một dấn thân mà tất cả chúng ta phải làm, để xây dựng một đời sống chính trị thực sự dựa trên nền tảng nhân văn, và một xã hội không còn ai cảm thấy mình là nạn nhân của văn hóa thải loại.

Các lãnh đạo trong đời sống chính trị, văn hóa, và xã hội, phải có trách nhiệm đặc biệt là đem lại cho các công dân cơ hội được đóng góp xứng đáng cho tương lai của chính mình, trong gia đình và trong mọi lĩnh vực tương tác xã hội. Như thế, họ giúp cho các công dân thực sự được tiếp cận với những lợi ích vật chất và tinh thần không thể thiếu, là nhà xứng đáng, lao động có phẩm giá, thực phẩm, công lý đích thực, an ninh hiệu quả, và một môi trường lành mạnh hòa bình.

Đây không phải chỉ là vấn đề cập nhật và cải thiện luật pháp, một điều luôn cần thiết, nhưng còn là một nhu cầu cần có sự đào tạo cấp thiết cho tinh thần trách nhiệm của mỗi một người, với sự tôn trọng đầy đủ với người khác, những người chung phần trách nhiệm trong việc thăng tiến và phát triển quốc gia. Trong nỗ lực này, Chính phủ Mêhicô có thể tin vào sự cộng tác của Giáo hội Công giáo.’

Đức Phanxicô đã được chào đón rất nồng hậu ở Mêhicô. Quốc gia này là một trong những mâu thuẫn lớn nhất. Người dân luôn phải sống trong ‘tình trạng chiến tranh,’ của bạo lực và bắt cóc. Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền, có khoảng 25.000 người mất tích, trong đó có 43 học sinh ở Ayotzinapa, bị bắt cóc hồi 27-9-2014. Giáo hội cũng là nạn nhân của bạo lực. Có rất nhiều linh mục Mêhicô đã tử đạo. Các trường hợp tử đạo kéo dài từ thập niên bách hại 1920, cho đến tận ngày nay. Chỉ trong vòng 10 năm qua, đã có 41 linh mục bị giết. Theo dữ liệu của Trung tâm Đa Truyền thông Công giáo Mêhicô, thì đã có 52 vụ tấn công các tín hữu trong vòng 25 năm qua, hầu hết là tấn công các linh mục (78%), ông từ giữ nhà thờ (10%) chủng sinh (8%) phó tế (2%) và các nhà báo Công giáo (2%). Chưa kể đến vụ giết hại Hồng y Juan Jesus Posadas Ocampo là Tổng giám mục của Guadalajara, bị ám sát tại sân bay giáo phận nhà hồi tháng năm 1993.

Andrea Tornielli (Vatican Insider) | J.B. Thái Hòa chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)