SAN CRISTOBAL DE LAS CASAS. Trong thánh lễ cử hành sáng ngày 15-2-2016 tại San Cristobal de las Casac, trước sự tham dự của hàng trăm ngàn thổ dân, ĐTC lên án nạn bóc lột và coi rẻ nền văn hóa của các thổ dân.
Chuyến đi San Cristobal là chuyến đi dài nhất ĐTC thực hiện trong nội địa của Mêhicô. Từ thủ đô Mêhicô, ngài đáp máy bay đến phi trường thành phố Tuxtla Gutiérrez cách đó 750 cây số về hướng đông nam. Rồi từ đây ĐTC lại đáp trực thăng để bay đến San Cristobal de Las Casas, ở hướng đông. Thành phố này có hơn 185.500 dân cư ở vùng thung lũng trên cao độ 2.262 mét, được thành lập năm 1528 và là một trong những thành phố đầu tiên ở Bắc Mỹ thời thuộc địa Tây Ban Nha.
San Cristobal de las Casas thuộc bang Chiapas, nghèo nhất trong số 31 bang ở Mêhicô, với đa số dân là thổ dân bản xứ thuộc các bộ tộc khác nhau. Sau cuộc nổi loạn của phiến quân thổ dân Zapata, chính phủ Mêhicô đã đổ rất nhiều tiền vào bang Chiapas, nhưng cho đến nay 75% dân cư tại bang này vẫn thuộc hàng nghèo nhất nước.
Giáo phận tại đây có 1 triệu 400 ngàn tín hữu Công Giáo với 67 linh mục giáo phận, 41 LM dòng, và 316 phó tế vĩnh viễn là các thổ dân bản xứ. Trước đây, thời Đức Cha Samuel Ruiz làm GM sở tại, phần lớn các cuộc truyền chức tại địa phương là cho các phó tế vĩnh viễn có gia đình, và có ý cổ võ việc truyền chức LM cho những người này, nên hầu như không có cuộc truyền chức LM nào trong nhiều năm trời. Vì thế ba bộ của Tòa Thánh đã can thiệp, với sự chấp thuận của ĐTC Biển Đức 14, yêu cầu Đức Cha Ruiz ngưng truyền chức cho các phó tế vĩnh viễn và hết sức cổ võ ơn gọi linh mục. Năm 2014, ĐTC Phanxicô tái cho phép giáo phận San Cristobal được truyền chức cho các phó tế vĩnh viễn.
Đến nơi vào lúc 9 giờ 40 phút sáng, ĐTC Phanxicô đã đến trung tâm thể thao của thành phố để cử hành thánh lễ lúc 10 giờ 15 cho hơn 100 ngàn tín hữu, trong đó đa số là các thổ dấn đến từ nhiều nơi trong bang Chiapas. Ngoài ra cũng có một phái đoàn thổ dân từ nước Guatemala láng giềng gồm nhiều GM và các thủ lãnh của nhiều bộ tộc thổ dân ở vùng biên giới giữa Guatemala và Mêhicô. Ngoài tiếng Tây Ban Nha trong thánh lễ còn có các ngôn ngữ khác của thổ dân nước tiếng Tseltal, tiếng ch'ol, và tsotsil.
Khi ĐTC đi xe díp tiến qua các lối đi để chào các tín hữu, họ ca hát và hô những khẩu hiệu: “Chào mừng vị Giáo Hoàng hòa bình, chào mừng vị Giáo Hoàng thương xót, công lý, tự do, chào mừng vị Giáo Hoàng đấu tranh”!.
Đền thờ được trang trí theo kiểu Nhà thờ chính tòa San Cristobal theo văn hóa của các thổ dân.
Bài giảng của ĐTC
Trong bài giảng thánh lễ bằng tiếng Tây Ban Nha và được dịch sang thổ ngữ cho các tín hữu, ĐTC đặc biệt nhắc đến khát vọng tự do của các thổ dân, họ vốn bị đàn áp và bóc lột. Ngài nói:
“Qua nhiều hình thái và cách thức khác nhau, người ta muốn làm im bặt và xóa bỏ khát vọng ấy, qua nhiều thể thức, người ta tìm cách gây mê tâm hồn, dưới nhiều cách thức người ta chủ trương làm cho cuộc sống của con cái và người trẻ của chúng ta lâm vào trạng thái tiềm sinh và ngủ yên, với những lời ẩn ý cho rằng không gì có thể thay đổi hoặc những giấc mơ ấy chỉ là những điều không thể thực hiện được. Đứng trước những hình thức ấy, cả thiên nhiên cũng biết lên tiếng.”
ĐTC trích dẫn thông điệp “Laudato sí” của ngài về vấn đề này và nói rằng: “Thiên nhiên, người anh em của chúng ta, phản đối vì tai ương chúng ta gây ra, vì sự lạm dụng vô trách nhiệm, lạm dụng những thiện ích mà Thiên Chúa đã đặt nơi trái đất mày. Chúng ta lớn lên và nghĩ rằng chúng ta là những chủ nhân ông và những người thống trị, được phép cướp bóc trái đất. Bạo lực ở trong tâm hồn con người bị thương tổn vì tội lỗi cũng biển hiện qua những triệu chứng bệnh tật mà chúng ta nhận thấy nơi đất đai, nước, và không khí cũng như trong các sinh vật. Vì thế, trong số những người bị bỏ rơi và ngược đãi nhất, có trái đất của chúng ta bị áp bức và tàn phá, “đang rên xiết và chịu đau đơn như phụ nữ sắp sinh con” (Rm 8,22) (Laudato sì, 2).”
ĐTC nhận xét rằng thách đố môi trường mà chúng ta sống và những căn cội do con người gây ra có liên hệ tới tất cả chúng ta (Xc ibidel 4). “Chúng ta không còn có thể làm bộ như không có gì xảy ra, đứng trước một trong những cuộc khủng hoảng về môi sinh lớn nhất trong lịch sử. Về điểm này, anh chị em (thổ dân) có nhiều điều để dạy chúng tôi. Các dân tộc anh chị em, như các GM Mỹ châu la tinh đã nhìn nhận, biết quan hệ hòa hợp với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên như “nguồn lương thực, căn nhà chung, bàn thờ chia sẻ giữa con người với nhau” (Văn kiện Aparecida 472). Nhưng nhiều khi, các dân tộc của anh chị em đã - nhất loạt và có hệ thống - không được cảm thông và bị loại ra ngoài xã hội. Một số người coi các giá trị của anh chị em là thấp kém hơn các giá trị, văn hóa và truyền thống của họ. Có những người khác bị bệnh hoạn vì quyền lực, tiền bạc và luật lệ thị trường, họ bóc lột, tước đoạt đất đai của anh chị em, hoặc họ thực hiện những công trình gây ô nhiễm. Thật là điều đau buồn dường nào! Một điều thật là tốt đối với chúng ta là xét mình và học cách nói: xin lỗi! Thế giới ngày nay, bị nền văn hóa gạt bỏ bóc lột, đang cần anh chị em! Những người trẻ ngày nay, đang bị cám dỗ muốn loại bỏ mọi phong phú và những đặc tính văn hóa, để theo đuổi một thế giới đồng nhất, họ đang cần làm sao để sự khôn ngoan của tiền nhân họ không bị mất đi. Thế giới ngày nay, bị chủ nghĩa thực tiễn đè nặng, đang cần học lại giá trị của sự nhưng không!”
Cuối thánh lễ, ĐTC đã chào nhiều đại diện của các thổ dân và ngài thông báo quyết định của Bộ Phụng Tự chính thức chấp thuận việc dùng các ngôn ngữ địa phương trong các kinh nguyện phụng vụ, như hai thổ ngữ Tseltal và tsotsil đã được dùng trong thánh lễ ngài cử hành. Dân chúng nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng. Một cuốn kinh thánh được dịch ra thổ ngữ cũng được trình lên ĐTC.
Sau thánh lễ, ĐTC đã về tòa GM để dùng bữa trưa với các đại diện của thổ dân cùng với toàn tùy tùng. Ban chiều ngài viếng thăm nhà thờ chính tòa San Cristobal trước khi đáp máy bay trực thăng về thành phố Tuxla Gutiérrez để gặp gỡ các gia đình tại sân vận động ở địa phương, rồi bay trở về thủ đô.
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)