12 người tị nạn được Đức Phanxicô đưa về Rôma đã được chọn như thế nào? Đó là câu hỏi mọi người đều đặt ra sau hành vi ngoạn mục của Đức Phanxicô ngày 16 tháng 4, khi ngài đem theo 12 người tị nạn Syria bị kẹt ở đảo Lesbos về trên chuyến bay từ Hy Lạp về Rôma. Tại sao tất cả là người hồi giáo? Bây giờ họ sẽ như thế nào? Để biết thêm, hãng I.MEDIA đã hỏi ông Roberto Zuccolini, phát ngôn viên của Cộng đoàn Sant’Egidio, một trong những nhân vật chính trong việc thương thuyết giữa các chính quyền Hy Lạp, Vatican và Ý.
Một cuộc thương thuyết chớp nhoáng giữa Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, chính quyền Hy Lạp và Ý, cùng với sự cộng tác của Cộng đoàn Sant’Egidio trụ sở ở Rôma, cơ quan chuyên lo việc đón nhận người tị nạn. Ông Roberto Zuccolini giải thích, từ ba đến năm ngày trước chuyến đi của Đức Giáo hoàng, các đại diện của chính quyền Vatican và Hy Lạp đã đến đảo Lesbos để gặp và lọc người tị nạn ở trại lộ thiên Kara Tepe. Ưu tiên dành cho các gia đình, Vatican chọn các người tị nạn đã đến Hy Lạp trước ngày 20 tháng 3, là ngày thỏa hiệp giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Liên hiệp Âu châu có hiệu lực. Kể từ ngày đó, thỏa hiệp bắt buộc các người di dân nào không được quy chế tị nạn hoặc không làm đơn xin tị nạn thì sẽ bị gởi trả về Thổ Nhĩ Kỳ.
Không bốc thăm
“Chỉ có một số ít gia đình đăng ký trước ngày 20 tháng 3, trong số đó có ba gia đình này,” phát ngôn viên của Cộng đoàn Sant’Egidio cho biết. Như vậy chọn lựa gần như bắt buộc. Ông Roberto Zuccolini nhấn mạnh, không có bốc thăm, ngược với tin của một số báo chí Hy Lạp đăng tải. Các tiêu chuẩn chọn lựa ư? Có giấy tờ hợp lệ và ở trong tình trạng đặc biệt bấp bênh. Đó là trường hợp của ba gia đình này, nhà cửa của họ đã bị dội bom, hoặc họ phải trốn khỏi vùng bị lực lượng Nhà nước Hồi giáo Tự xưng kiểm soát.
Mặt khác, Đức Giáo hoàng cũng giải thích, có hai gia đình kitô giáo trong danh sách đầu tiên được lọc, nhưng giấy tờ của họ không hợp lệ. Vả lại đa số người tị nạn đến trại Lesbos đều theo đạo hồi. Tại chỗ cũng có phỏng vấn các gia đình được chọn để đi theo Đức Giáo hoàng, nhưng nhanh chóng.
Các nhà báo bao quanh cô Suhila, người tị nạn Syria, cô mang khăn choàng đầu màu trắng, cùng với Masa con gái cô, khi hai mẹ con đến Cộng đoàn St Egidio ở Roma. |
Dự trù dọn đến Vatican ở
Khi họ đến phi trường Ciampino, Rôma, cơ quan cảnh sát Ý đã làm thủ tục nhận diện lâu dài. Hiện nay, mỗi gia đình có một căn hộ nhỏ trong “Nhà Trú chân” của Cộng đoàn Sant’Egidio, một tòa nhà ở khu phố Trastevere, Rôma, gần trụ sở chính của Cộng đoàn. Cơ quan này đã đón 80 người, trong đó có các gia đình Syria khác đến từ Liban do sự can thiệp nhân đạo của Cộng đoàn Sant’Egidio và các nhà dòng, cùng với sự ủng hộ của nước Ý. Trung tâm này cũng là nơi đón tiếp những người vô gia cư và người lớn tuổi.
Tất cả đều đã làm thủ tục xin tị nạn ở Ý. Trong lúc chờ đợi, họ đi học các lớp tiếng Ý đầu tiên ở một trường hội nhập cho người tị nạn của Cộng đoàn Sant’Egidio đảm trách từ 30 năm nay. Ông Roberto Zuccolini nhắc lại, “Họ là người được Vatican bảo trợ, họ không bắt buộc phải ở lại Trastevere.” Trong vài ngày hay vài tuần tới, họ sẽ dọn đến căn hộ rộng hơn, những căn hộ này thuộc về Vatican như hai gia đình người Syria kitô giáo đã được đến đây từ mùa thu năm ngoái. (, 2016-04-19)
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
(Nguồn: phanxico.vn)