Đức Hồng Y Walter Kasper |
Trong bài “Prelates' differing responses to Amoris Laetitia”, Catholic World News ghi nhận rằng một tuần sau khi Tông Huấn Amoris Laetitia được phát hành, báo chí đăng tải những nhận định rất trái ngược nhau của các nhà lãnh đạo Giáo Hội. Trong khi, Đức Hồng Y Walter Kasper nói rằng Amoris Laetitia “thay đổi mọi thứ”, nhiều Giám Mục khác nhấn mạnh rằng không có bất kỳ sự thay đổi lớn nào trong Tông Huấn mới của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Đức Hồng Y Kasper, người đã khuyến khích các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới chấp thuận cho các cặp vợ chồng ly dị và tái hôn có thể rước lễ với những điều kiện nhất định nào đó, nói với tờ The Tablet rằng tài liệu “không thay đổi bất cứ điều gì liên quan đến giáo lý Giáo Hội Công Giáo hay giáo luật – nhưng thực ra nó thay đổi tất cả mọi thứ.”
Ngài nói: “Điều gần như rõ ràng với tôi, cũng như với nhiều nhà quan sát khác, là trên con đường hòa nhập, thế nào cũng có những tình huống trong đó những người ly dị và tái hôn, có thể được xá giải và được cho rước lễ.”
Nhưng Đức Hồng Y Vincent Nichols của Westminster, trong bài phát biểu tại phiên bế mạc cuộc họp mùa xuân của các giám mục Anh và xứ Wales, nói với các phóng viên rằng cách tiếp cận của Tông Huấn Amoris Laetitia đối với vấn đề người Công Giáo đã ly dị và tái hôn “không phải là mới.” Ngài nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã theo bước của vị tiền nhiệm ngài là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi nói rằng “có cái gì đó không tương hợp về nguyên tắc giữa việc bước vào một cuộc hôn nhân thứ hai” và yêu cầu phải trung tín trong bậc vợ chồng của Giáo Hội. Khi được hỏi liệu có sự khác biệt nào hay không giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và vị tiền nhiệm của ngài, là người đã nói rằng những người Công Giáo ly dị và tái hôn phải kiêng khem quan hệ vợ chồng nếu họ muốn rước Mình Thánh Chúa Đức Hồng Y Nichols nói rằng ngài không “nhìn thấy lý do tại sao cần phải có một sự thay đổi như vậy”.
Đức Hồng Y Thomas Collins của Toronto, người đã tham gia với các Hồng Y khác trong việc phản đối những gì các ngài cho là những nỗ lực để thao túng Thượng Hội Đồng nhằm ủng hộ đề nghị Kasper, nói rằng ngài cảm thấy yên tâm với tài liệu của Đức Giáo Hoàng. Ngài nói, Amoris Laetitia, cho thấy sự hiểu biết rõ ràng của Đức Giáo Hoàng về “sự yếu kém sâu sắc của nền văn hóa dựa trên chủ nghĩa cá nhân và cái tôi.” Thông điệp căn bản của tông huấn này, không phải là những thay đổi về tín lý nhưng là những thay đổi về các phương pháp tiếp cận mục vụ. Ngài nhấn mạnh rằng: “Chúng ta là những người tìm kiếm để đưa về cùng một đàn chiên chứ không phải là xua đuổi người ta đi.”
Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche, người Anh, Tổng Thư ký Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, cho rằng Amoris Laetitia là một trong những “tài liệu hay nhất mà tôi đã từng đọc.” Ngài nói với đài phát thanh Vatican: “Đó là một ánh sáng trong một thế giới tăm tối chẳng hề tin vào gia đình và hôn nhân như Giáo Hội, vì vậy Tông Huấn Amoris Laetitia sẽ có một ý nghĩa to lớn cho dân chúng trên toàn thế giới.. .”
Từ California, Đức Giám Mục Robert Vasa của giáo phận Santa Rosa nói rằng lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng không thay đổi giáo huấn Giáo Hội, và rằng Giáo Hội không thể chấp nhận các hành vi “không phù hợp với luật luân lý.”
Từ Rhode Island, Đức Giám Mục Thomas Tobin của giáo phận Providence than thở rằng tài liệu của Đức Giáo Hoàng quá dài. “Tôi tin chắc rằng chiều dài của một tài liệu Giáo Hội là tỉ lệ nghịch với số lượng người sẽ đọc nó và với tác động sẽ có của nó”. Tuy nhiên, Đức Cha Tobin đã ca ngợi tuyên bố mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng chống lại ý thức hệ giới tính, việc phá thai, và một nền văn hóa trong đó các nghi lễ rình rang của đám cưới được coi trọng hơn lòng trung tín của đôi vợ chồng trong hôn nhân.
Đặng Tự Do
(Nguồn: VCN)