Theo ký giả John Allen Jr., nhìn từ thị trấn Wadowice, nơi sinh quán của ngài, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có thể được coi như biểu thức cuối cùng và vĩ đại nhất của tinh thần Habsburg, nghĩa là một thế giới quan khoan dung, cởi mở và đô hội (cosmopolitan) khoảng khoát nhất, một thế giới quan coi lòng tự hào và hiếu trung quốc gia không như một đe dọa đối với sự gắn bó của đế quốc, trái lại là một trong các suối nguồn của nó.
Tinh thần ấy đã được Đức Gioan Phaolô II biến thành viễn kiến của triều đại ngài và là nguyên tắc hướng dẫn của ý niệm Ngày Giới Trẻ Thế Giới.
Ký giả này thoáng thấy tinh thần ấy ở một biến cố nhỏ xẩy ra trước Ngày Giới Trẻ Thế Giới Krakow 4 ngày, tức thứ Năm vừa qua. Ở công trường chính nhà thờ Đức Bà Hằng Cứu Giúp của Wadowice, nơi vị giáo hoàng tương lai chịu Phép Rửa năm 1920, một ban nhạc nhỏ của Giáo Phận Willemstad ở Curaçao bỗng nhẩy lên chiếc bàn kê sẵn ở giữa công trường, trình diễn một bản “Alleluia” vui nhộn giữa tiếng trống và đàn guitar.
Một nhóm hành hương trẻ người Pháp vui quá cũng nhẩy lên bàn tham gia với ban nhạc rồi kết thành một vòng phương vũ quanh chiếc bàn. Những người Ba Lan gần đó, rồi một cặp mới cưới người Belize và hai nữ tu từ Botswana, với tu phục đầy đủ, cũng quay cuồng nhẩy múa vui nhộn.
Một trong những người lớn tuổi đến từ Willemstad cho biết: “chúng tôi luôn làm thế này tại quê nhà, nhưng thường không được nhiều người từ khắp nơi như thế này tham gia”.
Khung cảnh trên quả nói lên bức tranh Giáo Hội phổ quát, vốn là phần chủ yếu trong trực giác của Đức Gioan Phaolô II khi lần đầu tiên ngài yêu cầu giới trẻ thế giới tụ họp nhau thường xuyên.
Đã đành, ngay từ đầu, Đạo Công Giáo vốn là một niềm tin phổ quát, hoàn cầu, ngỏ lời với “các dân tộc” khắp mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, xét về nhiều phương diện, chính Đức Gioan Phaolô II đã làm cho Giáo Hội trở thành hoàn cầu trên thực tế, bởi việc, trước nhất, trở thành vị giáo hoàng không phải là người Ý trong 500 năm trước đó, thứ hai, dấn thân du hành ngoại quốc: 104 cuộc tông du ra nước ngoài bao trùm ba phần tư của một triệu dặm, hơn ba lần từ mặt đất lên mặt trăng, và thứ ba, thiết lập ra Ngày Giới Trẻ Thế Giới.
Nhờ Đức Gioan Phaolô II, người Công Giáo có xu hướng suy nghĩ một cách hoàn cầu hơn về Giáo Hội, dù vẫn hiểu rằng các trải nghiệm và ưu tiên của các tín hữu ở Chicago và London chẳng hạn không luôn luôn là các trải nghiệm và ưu tiên của người Công Giáo ở Sài Gòn, hay Mumbai, hoặc Riyadh.
Bất cứ ai được nhìn Đức Gioan Phaolô II trong 8 cuộc cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới do ngài chủ tọa, trong đó có Á Căn Đình, Ba Lan, Hoa Kỳ, Phi Luật Tân, Tây Ban Nha, Pháp, Gia Nã Đại và Ý, hẳn phải lưu ý đến niềm hân hoan của ngài khi thấy giới trẻ vẫy cờ của đất nước họ và phóng chiếu niềm hãnh diện vào nền văn hóa của riêng họ cho cả thế giới hay.
Những tâm tình bẩm sinh ấy vang dội trong tâm hồn ngài, vì ngài hãnh diện hơn bất cứ ai về gốc rễ Ba Lan của ngài.
Và người Ba Lan nào cũng biết rõ điều ấy, chính vì vậy, không người Ba Lan nào không yêu thương ngài. John Allen, thậm chí, còn cho rằng họ đồng hóa “Gioan Phaolô” với “Đức Giáo Hoàng”. Bởi thế, khi được hỏi ông nghĩ gì về viễn ảnh 2 triệu người trẻ sẽ đổ về Krakow, người tài xế xe buýt tuyến đường Wadowice – Krakow lắc đầu nói “khủng khiếp” nhưng rất vui khi “Đức Gioan Phaolô” sẽ đến vào tuần tới. Đối với người tài xế này, vị giáo hoàng nào cũng là “Đức Gioan Phaolô”! Giống như người ta coi giấy chùi nào cũng là “Kleenex” hay máy photocopy nào cũng là “Xerox”!
Nhưng, bất kể ngài “Ba Lan” hung hăng kiểu nào và không thể xóa bỏ cỡ nào, Karol Wojtyla vẫn đã tiếp nhận một nền đào tạo Ba Lan hết sức đặc biệt. Ngài lớn lên dưới bóng người cha làm hạ sĩ quan trong quân đội Áo Hung và thành phố Krakow vĩ đại, hết sức tự hào về danh thơm tiếng tốt làm một trong các hòn ngọc của Đế Quốc Hapsburg.
Nhà Hapsburg thống trị một đế quốc chắp vá bao gồm nhiều phần của Âu Châu như Balkans nơi sắc tịch và quốc tịch muôn đời là nguồn gây tranh chấp, nên họ lúc nào cũng cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách coi lòng tự hào và trung hiếu quốc gia không như một đe dọa đối với sự gắn bó đế quốc mà như một trong các nguồn suối của nó, tức ý niệm ai cũng được đồng nhất hóa với dân tộc mình nhưng biết kính trọng dân tộc người khác, việc thừa nhận nhau này sẽ bảo đảm hòa bình.
Do đó, dấu ấn của nền văn hóa Hapsburg có khuynh hướng cổ vũ một con dấu khoan dung, cởi mở và đô hội rộng rãi đóng lên tinh thần những người nó đụng tới, nhất là, như sự thực đã chứng minh, các thành viên chỉ huy của quân đội, hàng ngũ được gọi là tiền phong và chiến tuyến cuối cùng bảo vệ đế quốc.
Đó là thế giới từ đó người thanh niên tên Karol Wojtyla đã xuất thân: ngài tin rằng lòng tận tụy phục vụ quê hương và việc trở thành thành phần của một dự án rộng lớn hơn, có tính phổ quát, không những không chống chọi nhau, mà liên hệ mật thiết với nhau. Và ngài đã đem tinh thần này vào triều giáo hoàng của mình. Theo một nghĩa nào đó, Đức Gioan Phaolô II quả là hoa trái sau cùng và vĩ đại nhất của tinh thần Hapsburg.
Wadowice là một thị trấn nhỏ gồm khoảng 20,000 dân cư, nơi ngôi nhà Đức Gioan Phaolô II sinh ra năm 1920 và là nơi, ngài sống cho tới năm 1938, nay là một viện bảo tàng nho nhỏ nhưng rất tuyệt vời, trưng bầy đủ đồ kỷ niệm thuộc các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống và trong triều giáo hoàng của ngài. Trong số đó, lầu cao nhất có chứa những mẫu đất lấy từ các nước ngài tới viếng thăm, khắp năm châu.
Ngay lúc này, trên một trong các tòa nhà đối diện với công trường, có một biển ngữ lớn ghi hàng chữ “Nơi mọi sự đã bắt đầu…”
Dĩ nhiên, đó là biển ngữ cổ vũ cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới từ 25 tới 31 tháng Bảy này. Điều này đúng, vì chính kinh nghiệm của Đức Gioan Phaolô II khi còn trẻ sống tại thị trấn nhỏ gần Krakow này và thế giới rộng lớn hơn mà nó đại diện đã đặt nền tảng cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới.
Tuy nhiên, điều thực sự bắt đầu ở đây có ý nghĩa hơn nhiều. Chính một quan điểm về thế giới, về văn hóa và về Giáo Hội đã đặt nền cho một Đạo Công Giáo hoàn cầu thực sự sinh động, điều này, dĩ nhiên, làm cho sự kiện “Đức Gioan Phaolô” tới Krakow vào tuần tới cũng là vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử xuất thân từ Châu Mỹ La Tinh, lại càng thêm hoàn hảo.
Vũ Văn An
(Nguồn: VCN)