Người Kitô hướng tầm nhìn vào ‘ngày sau hết’, có nghĩa là không dừng lại ở đây mà nhìn hướng tới “xác loài người ngày sau sống lại”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh điều này trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta.
Đức Thánh Cha phát triển bài giảng dựa trên đoạn thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô. Trong thư, thánh Phaolô nói về “sự cứu chuộc trong ngày sau hết”. Đức Thánh Cha nhắc nhớ về khúc cuối của Kinh Tin Kính mà các tín hữu vẫn đọc: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.”
Thật dễ khi nói về quá khứ, vì quá khứ thì cụ thể. Cũng dễ khi nhìn về quá khứ, vì chúng ta thấy nó. Nhưng khi nhìn tới tương lai, chúng ta nghĩ rằng, “tốt hơn là không nên nghĩ”. Và không dễ chút nào để đi vào thực tại của tương lai.
Thật dễ để nhìn về quá khứ; cũng dễ khi nhìn vào hiện tại; ngay cả nhìn tới tương lai cũng dễ. Bởi lẽ, dù quá khứ, hiện tại, hay tương lai, thì tất cả đều chết. Thế nhưng, nhìn tới “ngày sau hết” thì quả là khó. Đó là điều mà thánh Phaolô nói. Điều ấy là gì và như thế nào? Sự sống lại. Chúa Kitô sống lại. Chúa Kitô đã sống lại và rõ ràng Người không phải là ma. Trong Tin Mừng, thánh Luca tường thuật về sự phục sinh: Chúa Giêsu nói “Hãy chạm vào Thầy… Ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây… Anh em có gì ăn không?”. Chúng ta lại hỏi: “Trời ở đâu?” nếu “tất cả chúng ta sẽ ở đó,” nhưng chúng ta không hiểu được điều mà thánh Phaolô nói về ‘ngày sau hết’.
Đừng quên rằng, ngay từ thế kỷ đầu, thánh Gioan tông đồ đã xác định: “Nếu ai nói Ngôi Lời Thiên Chúa không trở nên người phàm, thì đó là kẻ phản Kitô”. Để hiểu được ‘ngày sau hết’, thì quả là rất khó khăn. Thánh Phaolô nói: “Chúng ta sẽ sống lại, giống như Đức Kitô đã sống lại. Thân xác chúng ta sẽ được biến đổi thành thân xác phục sinh.” Đức tin vào sự sống lại, có căn nguyên sâu xa từ lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa.
Một lần nữa, chúng ta hãy nhớ rằng, sau khi Phục Sinh, Chúa Kitô đã cùng ăn cùng uống với các môn đệ và các ông đã chạm vào Người. Những điều này rất khó hiểu và khó chấp nhận, vì đó là thực tại thuộc về ‘ngày sau hết’. Cần có một mức độ trưởng thành nào đó để có thể hiểu được quá khứ. Cũng thế, cần có một mức độ trưởng thành nào đó để hiểu được hiện tại, để hiểu tương lai. Và cần có một hồng ân lớn lao của Chúa Thánh Thần, chúng ta mới có thể hiểu được ‘ngày sau hết’. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn đức tin.
Tứ Quyết SJ
(Nguồn: Radio Vatican)