Các chủng sinh Việt Nam trong một buổi viếng thăm mục vụ của Hồng y Filoni ở Hà Nội ngày 20 tháng 1 năm 2015 |
Lập trường dân tộc của Giáo hội đối với vấn đề dai dẳng về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có thể tạo thêm tín nhiệm từ chính quyền Hà Nội.
Tinh thần ái quốc của Giáo hội Việt Nam có thể có lợi cho mối quan hệ với chính quyền Cộng sản. Trong một quốc gia mà các tín hữu Công giáo thường phải lên tiếng về sự hạn chế tự do tôn giáo và kêu gọi tôn trọng quyền hợp pháp của mình, thì sự bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc về những vấn đề dai dẳng là tranh giành chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông, với những căng thẳng từ việc tái chiếm và quản trị chúng, đang hợp nhất toàn quốc gia và thể hiện rõ tinh thần yêu nước của các giám mục và tín hữu. Việc này có thể đem lại những hệ quả tích cực và có thể là không ngờ đến.
Tình trạng của Giáo hội Công giáo ở Việt Nam cũng như mối liên hệ giữa chính quyền Việt Nam và Tòa Thánh đã được cải thiện khá nhiều trong những năm gần đây, bất chấp những tranh chấp và căng thẳng vốn vẫn đang tồn tại ở giáo phận Vinh, nơi nhiều tín hữu bị bắt giữ không có lý do. Tiến từng bước nhỏ, các tín hữu bản địa đã có thêm tự do nói chung, và cụ thể là tự do trong các việc mục vụ và đào tạo chủng viện (chính quyền từng áp đặt hạn mức số chủng sinh được nhận). Sự hiện diện của một đại diện Vatican ‘không công hàm’, là tổng giám mục Leopoldo Girelli, người thường đến các vùng quê để thăm các cộng đoàn Công giáo, cũng là một dấu chỉ khác thể hiện sự thông hiểu ngày càng tăng, và được kỳ vọng là sẽ đưa đến mức độ quan hệ ngoại giao chính thức. Một trong những điều mà Giáo hội Việt Nam hi vọng là có thể dự phần vào ngành giáo dục và có được giấy phép để mở trường, học viện, và đại học. Trong những buổi gặp gỡ thường kỳ với các quan chức chính quyền Hà Nội, các đại diện Vatican và các giám mục địa phương đã luôn bảo đảm với chính quyền một điều rằng: ý muốn của Giáo hội là hành động vì lợi ích của người dân Việt Nam và ‘các tín hữu muốn đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương’.
Cách tiếp cận này là trọng tâm trong thông điệp của các giám mục Việt Nam chống lại hành động xâm chiếm ngày càng quá đáng của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo này, vốn là tập hợp của hơn 30 đảo, nằm cách bờ biển Việt Nam lẫn Trung Quốc một khoảng ngang nhau, và cũng đang là tâm điểm tranh chấp gay gắt suốt cả thập kỷ giữa Philippine, Malaysia và Brunei. Năm 1974, quân đội Trung Quốc đã hành quân chiếm quần đảo này, trong một cuộc chiến khiến 70 lính Việt Nam thiệt mạng. Quần đảo này được nhiều phía thèm thuồng, không hẳn là do vị trí địa chiến lược của mình, nhưng là do giá trị kinh tế tiềm tàng dưới mặt nước của nó. Trung Quốc vừa đưa đến đó một thiết bị có khả năng khoan đến tận đáy biển, một hành động bị Việt Nam và Hoa Kỳ xem là khiêu khích. Các quốc gia ASEAN đã bày tỏ ‘quan ngại nghiêm trọng’ về những vùng tranh chấp ở vùng biển Nam Á, và thuyết phục các nước hãy hành động tôn trọng luật quốc tế. Những cuộc biểu tình phản đối diễn ra ở những thành phố lớn của Việt Nam đã khơi lại cảm giác bài Trung Quốc một thời, nhắc cho người dân nhớ lại cái ý muốn đô hộ của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Được thôi thúc bởi một câu của giáo hoàng Benedicto XVI: ‘một người Công giáo tốt cũng là một công dân tốt’, các giám mục đã đưa ra một thông điệp kiên quyết, mời gọi các tín hữu hãy cầu nguyện và sẵn sàng hi sinh thân mình vì quê hương. Giáo hội đang yêu cầu chính quyền ‘có quan điểm vững vàng và kiên quyết đối với người láng giềng phương Bắc của mình’. Thông điệp nhắc lại những nỗ lực thôn tính của Trung Quốc đối với Việt Nam trong quá khứ, và kêu gọi chính quyền, trên hết, phải ‘bảo vệ người dân Việt Nam và sự trọn vẹn lãnh thổ.’ Các giám mục Việt Nam đã công bố ‘Ngày cầu nguyện’ lấy ý từ đêm cầu nguyện của Giáo hoàng Phanxicô cho hòa bình Syria, và thúc giục các tín hữu Công giáo tích cực bảo vệ quốc gia và bảo đảm ơn cứu độ của quê hương.
Trang mạng của các tổ chức và hội dòng Công giáo, chẳng hạn như Dòng Chúa Cứu Thế, và các tổ chức bảo vệ nhân quyền và các hội Phật tử còn đi xa hơn nữa, chỉ trích chính quyền Việt Nam vì thái độ phản ứng ‘hèn nhát’, ‘rụt cổ’ và ‘nhu nhược’. Bài trên trang mạng tin tức của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã thể hiện lo ngại rằng những lời đe dọa của Trung Quốc có thể tăng thêm thành xâm lược quân sự. Do đó, bài viết kêu gọi phản ứng kiên quyết và xem những biểu tình phản đối tràn lan của quần chúng là bằng chứng cho khát khao của người Việt Nam mong muốn một nền dân chủ.
Giáo hội Công giáo đã không ngại ngần cho chính quyền thấy tinh thần ái quốc mạnh mẽ của mình. Trong tình hình nhạy cảm hiện nay, thái độ này có thể xóa tan những hoài nghi trong đầu các lãnh đạo cộng sản. Nếu người Công giáo được chính quyền tín nhiệm hoàn toàn và tiếng tốt của cộng đoàn tín hữu được gắn chặt với quê hương, thì Giáo hội sẽ được bảo đảm tự do trọn vẹn để tiếp tục việc phụng tự, mục vụ, các hoạt động xã hội và giáo dục, mà không còn bị cản trở nữa. Tất cả mọi chướng ngại sẽ biến mất, và cũng sẽ không còn lo ngại rằng giáo hội là một thế lực ‘có thể dễ dàng bị bên ngoài điều khiển’. Đức Ratzinger đã mở đường khi nói rằng: ‘Một tín hữu Công giáo tốt cũng là một công dân tốt.’ Đây có vẻ sẽ là chìa khóa để mở toang cả lòng và trí của một trong những chế độ cộng sản ít ỏi còn lại ở châu Á.
Paolo Affatato (Vatican Insider) | J.B. Thái Hòa chuyển dịch
(Nguồn: phanxico.vn)