Ngày 04/01/2017, Theo báo National Catholic Register, cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Đồng Các Giám Mục Hoa Kỳ, thì các cuộc đàm phán giữa Tòa Thánh và Trung Quốc nhằm mục đích mang lại sự hiệp nhất giữa hai cộng đồng Công Giáo tại Trung Quốc - một, được nhà nước phê chuẩn; một khác, hoạt động ngoài tầm kiểm soát của chính phủ - đang trên một bước đột phá có tính cách ‘bước ngoặt’ vào năm 2017, dựa vào ý kiến cuả các chuyên gia cuả Giáo Hội, những người có khả năng quan sát ở cự ly cực gần.
Những người này đang đặt nhiều hy vọng vào năm mới.
Mục tiêu hiện nay của Vatican là chưa thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Trung Quốc ngay, nhưng chỉ muốn bình thường hóa quá trình lựa chọn các giám mục, với mục đích là đưa vai trò của giáo hoàng vào một khuôn khổ chính trị như ở Trung Hoa, mà với bản chất của nó, từ chối “sự can thiệp của nước ngoài.”
Đây không phải là một địa hình mới cho Tòa Thánh: Trong tất cả các nước Cộng sản trong cuộc chiến tranh lạnh (Cuba, Tiệp Khắc, Hungary, Ba Lan và Romania), và gần đây hơn Việt Nam, Vatican đã phải thỏa hiệp để bảo vệ thể chế cuả Giáo Hội.
Tình hình hiện nay ở Trung Quốc là cá biệt: Nếu một linh mục biết ngài đang được Chính phủ xem xét để bổ nhiệm làm giám mục, hầu hết họ cũng xin sự chấp thuận từ Vatican, do đó được cả hai chấp thuận. Trong số khoảng 110 giám mục ở Trung Quốc, có 70 là được phê duyệt bởi Roma và Bắc Kinh, một số 30 hoàn toàn được xác nhận bởi Tòa Thánh, và 8 giám mục nhà nước bổ nhiệm đang được xem xét bởi Vatican. Hòa giải giữa Roma và Bắc Kinh đã là một ưu tiên hàng đầu cho Đức Giáo hoàng Phanxicô, tiếp nối những tiến độ đã được thực hiện dưới triều cựu Giáo hoàng Benedict XVI.
Giống như quan sát lá để biết cây, các quan sát viên giải thích sự tiến bộ dựa trên các mẫu và ký hiệu, chứ không dựa vào những thông cáo rõ ràng từ cả hai phía.
Vatican đã không công khai phát hành tên của những người đàm phán thay mặt cho Giáo Hội, ví dụ như tên cuả Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin, nhưng ai cũng biết chắc chắn là Ngài đã có nhiều nỗ lực kể từ khi được Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đặt ngài làm mấu chốt cho việc đàm phán với Trung Quốc vào năm 2005, khi Vatican tái lập liên lạc trực tiếp với chính phủ cộng sản và trong năm 2007, khi Đức Thánh Cha Benedict công bố một bức thư toàn diện về Công Giáo ở Trung Quốc và về việc phong chức Giám Mục.
Trong sáu tháng qua, nhiều bằng chứng đã tích lũy đến một “dòng điện” mạnh mẽ, theo kết luận cuả Cha Jeroom Heyndrickx, giám đốc sáng lập của viện Ferdinand Verbiest Foundation tại Đại học Công Giáo Leuven ở Bỉ, một viện nghiên cứu tập trung vào Trung Quốc. Ngài cũng là một thành viên của Ủy ban Vatican cho Giáo Hội tại Trung Quốc dưới triều giáo hoàng Benedict và là từng là một nhà truyền giáo ớ Trung Quốc kể từ năm 1980.
Trần Mạnh Trác
(Nguồn: VCN)