Khi áp dụng cho việc sát hại các hài nhi vô tội tại Bếtlêhem, văn bản của ngôn sứ Giêrêmia nói bà Rachel không muốn được an ủi vì các con bà không còn nữa, đặt để chúng ta trước thảm cảnh giết các con người không được bênh đỡ, trước sự kinh hoàng của quyền bính khinh rẻ và hủy diệt sự sống. Các hài nhi Bếtlehem chết vì Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu Chiên Con vô tội sẽ chết cho tất cả để ban sự sống cho mọi người.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 8000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung đầu tiên trong năm mới tại đại thính đường Phaolo VI sáng thứ tư 4-1-2017.
Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa văn bản kinh thánh trích từ chương 31 sách ngôn sứ Giêremia nói rằng bà Rakhel thương khóc các con mình và không muốn được an ủi vì chúng không còn nữa. Đây là một gương mặt phụ nữ nói với chúng ta về niềm hy vọng được sống trong tiếng khóc. Niềm hy vọng sống trong tiếng khóc. Đó là bà Rakhel, vợ của tổ phụ Giacóp và là mẹ của Giuse và Bengiamin, người đã chết khi cho người con thứ hai là Bengiamin chào đời, như kể trong sách Sáng Thế. Ngôn sứ Giêrêmia quy chiếu bà Rakhel và hướng tới dân Israel đang sống kiếp lưu đầy bên Babilonia, để an ủi họ với các lời đầy cảm động và thi vị như sau: “Người ta nghe có tiếng khóc ở Rama, một tiếng khóc than cay đắng: bà Rakhel thương khóc các con mình và không muốn được an ủi, vì chúng không còn nữa” (Gr 31,15).
Trong các câu này ngôn sứ Giêrêmia giới thiệu người phụ nữ này của dân mình, bà tổ phụ vĩ đại của chi tộc ông, trong một thực tại của đau đớn khóc than, nhưng đồng thời với một viễn tượng của sự sống không được nghĩ tới. ĐTC nói về bà Rakhel như sau:
Bà Rakhel là người, trong trình thuật sách Sáng Thế, đã chấp nhận chết để cho con được sống, giờ đây được ngôn sứ trình bầy như sống tại Rama, là nơi các người Do thái bị đi đầy tụ họp, khóc thương con cái, trong một nghĩa nào đó cũng đã chết khi bị đi đầy; các con cái như chính bà nói “không còn nữa”, đã biến mất luôn mãi.
Và chính vì thế mà bà không muốn được an ủi. Sự từ chối này diễn tả nỗi đớn đau sâu đậm và sự cay đắng trong tiếng khóc của bà. Trước thảm cảnh mất con cái, một bà mẹ không thể chấp nhận các lời nói hay các cử chỉ an ủi luôn luôn không thích hợp, và không bao giờ có thể làm vơi nhẹ nỗi đau đớn của một vết thương không thể và không muốn được khép lại. Một sự đau đớn cân xứng với tình yêu thương.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Mọi bà mẹ đều biết tất cả những điều này. Và ngày nay có biết bao bà mẹ than khóc, và không an tâm khi mất một người con, không thể an ủi truớc cái chết không chấp nhận được. Bà Rakhel mang trong mình nỗi đớn đau của tất cả mọi bà mẹ trên thế giới, thuộc mọi thời đại, và nước mắt của mọi người than khóc các mất mát không sửa chữa được.
Sự khước từ này của bà Rakhel không muốn được an ủi cũng dậy cho chúng ta biết rằng cần phải có biết bao tế nhị trước nỗi khổ đau của người khác. Để nói về niềm hy vọng với ai bị tuyệt vọng, cần phải chia sẻ sự tuyệt vọng của họ; để lau khô nước mắt cho gương mặt của ai khổ đau, cần phải hiệp nhất với tiếng khóc của họ. Chỉ như thế các lời nói của chúng ta mới thực sự có khả năng trao ban một chút hy vọng. Và nếu tôi không thể nói các lời như thế, với tiếng khóc, với sự đớn đau, tốt hơn là với sự thinh lặng; sự vuốt ve, cử chỉ và không lời nói.
Với sự tế nhị và tình yêu thương của Ngài Thiên Chúa trả lời cho tiếng khóc của bà Rakhel với các lời chân thật, chứ không phải giả dối. Văn bản của ngôn sứ Giêrêmia tiếp tục như sau: Trả lời cho tiếng khóc Chúa nói: “Thôi đừng than khóc nữa, hãy lau khô dòng lệ trên đôi mắt, vì công lao của ngươi sẽ được đền bù – sấm ngôn của Chúa – chúng sẽ trở về từ đất quân thù. Có một niềm hy vọng cho dòng dõi ngươi – sấm ngôn của Chúa – các con cái ngươi sẽ trở về trong đất của chúng” (Gr 31,16-17).
Chính nhờ tiếng khóc của bà mẹ mà còn có hy vọng cho con cái sẽ sống trở lại. Người phụ nữ này đã chấp nhận chết, trong lúc sinh con, để cho đứa con có thể sống, với tiếng khóc của bà giờ đây là nguyên lý của cuộc sống mới cho các con cái bị lưu đầy, bị tù, xa quê hương. Chúa trả lời cho nỗi đớn đau và cho tiếng khóc của bà Rakhel với một lời hứa giờ đây có thể là lý do của sự an ủi đích thật: dân chúng sẽ có thể từ nơi lưu đầy trở về, và sống trong đức tin và tự do tương quan của mình với Thiên Chúa. Các giọt nước mắt đã sinh ra niềm hy vọng. Và đây không phải là điều dễ dàng để hiểu, nhưng có thật. Biết bao lần trong cuộc sống chúng ta, các giọt nước mắt gieo vãi hy vọng; chúng là các hạt giống của niềm hy vọng.
ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:
Như chúng ta biết, văn bản này của ngôn sứ Giêrêmia đã được thánh sử Mátthêu áp dụng cho vụ tàn sát các hài nhi vô tội (x. 2,16-18). Đây là một văn bản đặt để chúng ta trước thảm cảnh giết các người không được bênh đỡ, truớc sư kinh hoàng của quyền bính khinh rẻ và hủy bỏ sự sống. Các trẻ em Bếtlêhem đã chết vì Chúa Giêsu. Và tới lượt Ngài Chiên Con vô tội, sẽ chết cho tất cả chúng ta. Con Thiên Chúa đã bước vào trong nỗi đớn đau của loài người. Không đuợc quên điều này. Khi có ai đó nói với tôi và đưa ra cho tôi các câu hỏi khó, chẳng hạn: “Xin cha nói cho con biết tại sao các trẻ em lại đau khổ?”, thật tôi không biết trả lời làm sao. Tôi chỉ nói: “Bạn hãy nhìn Đấng bị đóng đanh; Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Con của Ngài. Người đã đau khổ, và có lẽ bạn sẽ tìm thấy ờ đó một câu trả lời.” Nhưng các câu trả lời từ đây – ĐTC chỉ vào đầu – thì không có đâu. Chỉ khi nhìn vào tình yêu của Thiên Chúa, là Đấng ban Con Ngài, Đấng dâng hiến sự sống Ngài cho chúng ta, mới có thể chỉ cho chúng ta vài con đường của sự ủi an. Vì thế chúng ta nói rằng Con Thiên Chúa đã bước vào trong nỗi khổ đau của loài người: đã chia sẻ nó và đã chấp nhận cái chết. Lời Ngài một cách vĩnh viễn là lời của ủi an, vì nó nảy sinh từ tiếng khóc.
Và trên thập giá chính Ngài, Người Con hấp hối, sẽ trao ban một sự phong phú mới cho Mẹ Ngài, khi tín thác Mẹ cho môn đệ Gioan và khiến cho Mẹ trở thành Mẹ của các tín hữu. Cái chết đã bị thắng, và như thế lời tiên tri của ngôn sú Giêrêmia đạt sự thành toàn. Cũng như nước mắt của bà Rakhel, cả nước mắt của Mẹ Maria cũng đã sinh ra niềm hy vọng và sự sống mới.
ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Ả Rập và Ý.
Chào các tín hữu nói tiếng Pháp ngài cầu mong ánh sáng của lễ Giáng Sinh tiếp tục chiếu soi cuộc sống, cả khi nó có khó khăn và không thiếu các lo âu.
Với các tín hữu đến từ Hoa Ky, Canada và Australia ngài xin Thiên Chúa giữ gìn họ trong suốt năm mới này trong niềm hy vọng của đức tin và ban cho họ niềm vui là con nhỏ của Chúa.
ĐTC chúc các anh chị em nói tiếng Đức và Tây Ban Nha luôn xác tín Chúa ở gần mọi người trong niềm vui và khổ đau và là hy vọng của con người.
Ngài đặc biệt chào một nhóm linh mục giáo phận Angra bên Bồ Đào Nha và xin Đức Mẹ canh thức trên con đường ơn gọi của các vị và giúp các vị là dấu chỉ sự tin tưởng và hy vọng cho tín hữu.
Chào các tín hữu Ba Lan ngài nói ngày mốt là lễ Chúa tỏ mình. Trên đường của các thành phố và nhiều nơi tại Ba Lan có các đoàn kiệu của Ba Vua chào các tham dự viên với lời chào của thánh Phanxicô “An bình và hạnh phúc”. Ngài xin mọi người nhớ rằng Chúa Giêsu đã nhập thể giáng sinh tại Bếtlêhem và đem ơn cứu độ tới cho chúng ta và muốn ở trong tim từng người.
Trong các đoàn hành hương nói tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào nhóm “Hiệp hội gia đình cầu nguyện và sống bác ái” cử hành 45 năm thành lập; các đại diện Trung tâm tông đồ của chân phước Vincenzzo Romano mừng 25 năm hoạt động đào tạo ơn gọi; các tu sĩ khấn tạm dòng Anh em hèn mọn tỉnh dòng thánh Antôn và phong trào giới trẻ huynh đệ Phan Sinh Betania.
Chào các bạn trẻ ĐTC cầu mong họ biết sống mỗi ngày trong năm mới như ơn của Chúa với lòng biết ơn và sự liêm chính. Ngài xin Chúa và Đức Mẹ gần gũi và an ủi các anh chị em đau yếu bệnh tật, và giúp các đôi tân hôn dấn thân thực hiện sự hiệp thông cuộc sống chân thành theo chương trình của Thiên Chúa.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Radio Vatican)