Tết là khoảng thời gian đặc biệt mà người công giáo Việt Nam muốn dành cho Thiên Chúa, cho gia đình và cho tha nhân. Ngoài những phong tục truyền thống của ngày tết như chúc tết, xông đất, mừng tuổi hay mâm cỗ, người Công giáo không quên Thiên Chúa luôn là mùa xuân của mỗi người. Bởi đó, ta thấy những thánh lễ, buổi nguyện cầu thật thiêng liêng đầm ấm của người Công giáo nơi giáo đường, trong gia đình, và trong từng lời chúc.
Đã từ lâu, đêm giao thừa luôn là đêm thánh thiêng của mọi người. Cách riêng, người Công giáo thường tham dự thánh lễ nửa đêm: Lễ giao thừa. Họ tề tựu nơi nhà thờ để cùng nhau cầu nguyện và tạ ơn. Tạ ơn Thiên Chúa đã luôn yêu thương và chăm sóc cho mỗi người trong năm tháng vừa qua; đồng thời ai ai cũng ước nguyện cho mình và gia đình sẵn sàng bước sang năm mới với nhiều hạnh phúc bình an. Sau thánh lễ đêm giao thừa, mỗi gia đình trở về nhà mình để chia sẻ những câu chuyện cuối năm. Họ muốn ngồi lại bên Chúa và cùng nhau hàn huyên tâm sự những gì đã xảy ra trong năm qua, nói lên những ước vọng trong năm mới. Và do đó, đêm cuối năm bao giờ cũng thật ấm cúng dành cho mỗi người khi họ cùng với Thiên Chúa đón thời khắc giao thừa.
Ngày quan trọng nhất của mùa xuân bao giờ cũng là Mùng Một Tết. Bầu không khí trong lành, tiếng chim hót líu lo, và muôn hoa khoe sắc khiến lòng người rộn ràng thêm vui trong ngày đầu năm. Chúc mừng năm mới! Sáng mùng một tết, người công giáo dành thánh lễ đầu năm để chúc tụng Thiên Chúa. Họ ý thức Thiên Chúa luôn làm chủ thời gian, làm chủ cuộc đời mỗi người. Trong thánh lễ sáng nay, mỗi người tạ ơn Chúa thương ban thêm một năm mới an lành; đồng thời ai cũng cầu xin Chúa ban cho bản thân, gia đình và mọi người được mạnh khỏe, hạnh phúc và bình an. Họ ước sao càng thêm tuổi càng thêm nhân đức, và sống làm sao trong năm mới này cho Danh Thiên Chúa được cả sáng hơn.
Ngoài ra, thời gian thánh thiêng nơi giáo đường sáng nay cũng để mọi người hái Lộc Xuân. Đó là những câu lời Chúa hướng dẫn họ sống một năm mới tròn đầy. Trong ngày đầu xuân, người người cùng chúc cho nhau muôn vàn ân phúc, nguyện mong Thiên Chúa luôn là mùa xuân của mỗi người.
Ngày Mồng Hai Tết là thời gian đặc biệt để cháu con báo hiếu với ông bà cha mẹ, với tiền nhân. Trong thánh lễ Mùng Hai này, họ cầu nguyện đặc biệt cho ông bà, cha mẹ và tổ tiên của họ. Là người con hiếu thảo, họ xin Chúa trả công bội hậu cho những đấng bậc đã sinh thành dưỡng dục họ. Con cháu ước mong cha mẹ, ông bà sống lâu bên con cháu, nên những bóng mát cho con cháu nương nhờ. Đặc biệt mỗi người con, người cháu xin Chúa cho mình sống làm sao để xứng đáng với đạo nghĩa gia phong mà tiền nhân đã son sắt giữ gìn. Cũng vậy, ông bà cha mẹ nguyện xin Thiên Chúa ban cho con cháu hồn an xác mạnh, sống tin yêu Thiên Chúa mỗi ngày một hơn.
Nếu những ngày năm mới người người chúc cho nhau làm ăn phát đạt, thì người Công giáo dành cả một thánh lễ Mồng Ba Tết để cầu mùa. Trong thánh lễ này, họ tin Thiên Chúa là đấng làm chủ thiên nhiên, ban cho họ một năm mới với nhiều huê lợi, được mùa. Ai cũng xin Chúa ban ơn trợ giúp để công ăn việc làm trong năm mới được thuận buồm xuôi gió. Công việc ổn định và cuộc sống ấm no hạnh phúc luôn là ước vọng chính đáng của mỗi người. Chắc hẳn Thiên Chúa không quên những ước nguyện đầu năm đầy chân thành của mỗi người. Do đó, ai cũng hy vọng một năm mới với nhiều ơn lành của Chúa, từng dự định của mỗi người sẽ gặp nhiều thuận lợi, vận may.
Thật ý nghĩa và dễ thương biết bao khi người Công giáo chúc cho nhau những điều tốt đẹp đến từ Thiên Chúa. Những ngày xuân tay bắt mặt mừng, họ cầu mong cho người thân, bạn bè nhận được nhiều ơn lành của Thiên Chúa. Trong từng câu chúc, họ tin vào bàn tay quan phòng và yêu thương của Thiên Chúa. Khi đó, niềm vui của ngày xuân luôn lan tỏa đến từng người mà họ có dịp gặp gỡ, chuyện trò.
Ước mong trong những ngày xuân năm nay, ai cũng hướng đến truyền thống xuân tốt lành của dân tộc. Đồng thời, mỗi người xin Thiên Chúa gieo ánh xuân với muôn vàn ơn lành. Để xuân năm nay, ai cũng được Thiên Chúa ở cùng, được vui xuân trọn vẹn và được một năm mới bình an!
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
(Nguồn: dongten.net)