MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Đức Thánh Cha bế mạc năm kỷ niệm 800 năm lập dòng Đa Minh

ROMA. Lúc 4 giờ chiều thứ bảy 21-1-2017, ĐTC đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano ở Roma nhân dịp bế mạc năm kỷ niệm 800 năm ĐGH Onorio III phê chuẩn dòng Đa Minh.

Thánh lễ này cũng kết thúc 4 ngày hội nghị quốc tế (17-21/1/2017) tại Đại học Thánh Tômaso Aquino (Angelicum) ở Roma về các khía cạnh trong sứ vụ của dòng Đa Minh. Hơn 600 tu sĩ và giáo dân Đa Minh từ nhiều nước đã tham dự sinh hoạt này.

Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ tạ ơn có 20 hồng y, giám mục và khoảng 100 linh mục, đặc biệt là ĐHY Dominik Duka OP, TGM Praha thuộc Cộng hòa Tiệp, Đức TGM Carlos Azpiros OP, người Argentina, nguyên Bề trên Tổng quyền dòng Đa Minh và Cha đương kim Tổng quyền Bruno Cadoré, O.P. Hiện diện trong thánh đường có khoảng hơn 3 ngàn người, trong đó có đông đảo các tu sĩ nam nữ và giáo dân Đa Minh đến từ các nước. Phần thánh ca do ca đoàn Ba Lan từ Cracovia đảm trách.

Trong bài giảng, ĐTC đã quảng diễn hai bài đọc (2 Tm 4,1-8 và Mt 5,13-19) trong đó thánh Phaolô nhắn nhủ môn đệ Timothê hãy kiên trì rao giảng rao giảng, dù con người chỉ thích tìm kiếm những điều mới mẻ, không chịu nghe chân lý, nhưng chỉ thích những huyền thoại; tiếp đến là lời Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ hãy trở thành muối đất và ánh sáng thế gian, hãy tôn vinh Chúa Cha bằng những công việc lành, và nhờ đó, làm cho những người chứng kiến ngợi khen Chúa Cha trên trời.

Toàn văn bài giảng của ĐTC

“Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta hai cảnh tượng của con người trái ngược nhau: một bên là “hội hóa trang” (carnevale) của sự hiếu kỳ trần tục, và bên kia là sự tôn vinh Chúa Cha qua các công việc lành. Và đời sống chúng ta cũng luôn tiến qua hai cảnh tượng ấy. Thực vậy, những cảnh tượng này ở mọi thời đại đều có, như lời thánh Phaolô nói với Timothê (Xc 2 Tm 4,1-5). Và cả thánh Đa Minh với các anh em đầu tiên của Người, cách đây 800 năm, cũng trải qua hai cảnh tượng ấy.

Thánh Phaolô cảnh giác Timôthê hãy loan báo Tin Mừng giữa một bối cảnh trong đó người ta luôn tìm kiếm những “thầy mới”, “những huyền thoại”, các đạo lý khác, các ý thức hệ.. họ “ngứa tai” (2 Tm 4,3). Đó là “hội hóa trang” theo sự hiếu kỳ trần tục, quyến rũ. Vì thế thánh Phaolô dạy môn đệ Ngài với những động từ mạnh mẽ, như “hãy nhấn mạnh”, “hãy khuyên nhủ”, “khiển trách”, “khuyên bảo” rồi “cảnh thức”, “chịu đựng đau khổ' (vv.2.5)

Thật là hay khi thấy rằng hồi đó, 2 ngàn năm về trước, các tông đồ của Tin Mừng đã đứng trước quang cảnh đó, và ngày nay, cảnh tượng ấy đã phát triển nhiều và được hoàn cầu hóa vì sự thu hút của trào lưu duy tương đối chủ quan. Xu hướng tìm kiếm điều mới mẻ của con người tìm được một môi trường lý tưởng trong xã hội trọng bề ngoài, xã hội tiêu thụ, trong đó nhiều khi người ta “xào lại' những thứ cũ kỹ, nhưng điều quan trọng là làm cho chúng có vẻ tân kỳ, có sức thu hút, hấp dẫn. Cả chân lý cũng bị giả mạo. Chúng ta bước đi trong “xã hội gọi là lỏng”, không có những điểm cố định, không dựa vào căn bản nào, thiếu những điểm tham chiếu vững chắc và bền vững; chúng ta sống trong thứ văn hóa phù du, “dùng rồi vứt bỏ.”

Đứng trước thứ “hội hóa trang” trần tục ấy, có một quang cảnh hoàn toàn đối nghịch lại, như chúng ta thấy qua những lời Chúa Giêsu vừa nghe đọc: “Những việc làm ấy tôn vinh Cha các con ở trên trời” (Mt 5,16). Vậy sự chuyển tiếp từ sự hời hợt của lễ hội giả tạo tiến đến sự tôn vinh diễn ra như thế nào? Thưa nó diễn ra nhờ những công việc lành của những người, khi trở thành môn đệ Chúa Giêsu, họ trở thành “muối” và “ánh sáng.” Chúa Giêsu nói: “Ánh sáng của các con phải chiếu tỏa rạng ngời trước mặt loài người để người ta thấy việc lành của các con mà tôn vinh Cha các con ở trên trời” (Mt 5,16).

Giữa thứ “hội hóa trang” quá khứ và hiện nay, câu trả lời của Chúa Giêsu và của Giáo Hội, sự nâng đỡ vững chắc giữa môi trường “lỏng” chính là những công việc lành chúng ta có thể thực hiện nhờ Chúa Kitô và Thánh Linh của Ngài, và những việc ấy làm nảy sinh trong tâm hồn lời cảm tạ Chúa Cha, lời chúc tụng, hoặc ít là sự ngưỡng mộ và câu hỏi: “tại sao?”, “tại sao người ấy cư xử như thế?”; sự băn khoăn của thế giới đứng trước chứng tá Tin Mừng.

Nhưng để sự đánh động ấy xảy ra được, thì điều cần là muối không bị mất vị và ánh sáng không bị che giấu (Xc Mt 5,13-15). Chúa Giêsu đã nói rất rõ điều đó: nếu muối nhạt thì nó chẳng có ích gì. Khốn cho muối nếu mất vị! Khốn cho một Giáo Hội mất hương vị! Khốn cho một linh mục, một tu sĩ, một hội dòng đánh mất hương vị!

Hôm nay, chúng ta tôn vinh Chúa Cha vì công việc mà thánh Đa Minh, đầy ánh sáng và muối của Chúa Kitô, đã thực hiện trong 800 năm qua; một công trình phục vụ Tin Mừng, được rao giảng bằng lời nói và bằng cuộc sống; một công trình, nhờ ơn của Chúa Thánh Linh, đã làm cho bao nhiêu người nam nữ được trợ giúp để không bị tản mát giữa “thứ hội hóa trang” của sự hiếu kỳ trần tục, trái lại họ cảm thấy hương vị của đạo lý lành mạnh, của Tin Mừng, và đến lượt họ, họ trở thành ánh sáng và muối, thành những người thực hiện những công lành… thành những anh chị em đích thực, tôn vinh Thiên Chúa và họ dạy cách tôn vinh Chúa bằng những công việc lành trong cuộc sống” (SD 21-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP

(Nguồn: Radio Vatican)