Ngày 11 tháng 6 năm 2017, Vụ Di dân và Tị nạn thuộc Bộ Thăng tiến sự Phát triển Con người toàn diện, vừa được Đức Thánh Cha thành lập đầu năm nay, đã khai mạc hai ngày họp tại trụ sở của Bộ.
Mục đích của hai ngày họp nhằm thực hiện hai công tác tham mưu về di dân: 1. Tập hợp một cái nhìn toàn cảnh về hiện trạng di dân toàn cầu và những ảnh hưởng toàn diện để giúp Đức Thánh Cha Phanxicô định hướng cho sứ vụ của Hội Thánh hoàn vũ trong thời gian tới; 2. Đóng góp ý kiến cho đề xuất “16 điểm hành động” theo đề nghị của Liên Hiệp Quốc. Đây là công tác chuẩn bị cho Hội nghị “Global Compacts 2018” dành cho lãnh đạo các quốc gia do Liên Hiệp Quốc tổ chức vào năm sau.
“16 điểm hành động” xoay quanh những ưu tư mà Đức Thánh Cha đang tâm huyết trong sứ vụ mục tử của mình và trong nhiều dịp sắp đến sẽ đề xuất với các nhà lãnh đạo quốc gia những chương trình xây dựng một thế giới “đón nhận, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập” cho người di dân và tị nạn. Các nội dung làm việc trong hai ngày họp đã thể hiện sự quan tâm của Hội Thánh hoàn vũ đối với những thách đố nhân sinh của thế giới hôm nay. Hội Thánh hôm nay không đóng cửa và co cụm với những cử hành tôn giáo nhưng mở lòng gặp gỡ và đồng hành, đối thoại và đón nhận tất cả mọi người và từng người theo gương Chúa Giêsu. Hội Thánh không phải là một tổ chức chính trị, cho dù Đức Thánh Cha là lãnh đạo quốc gia Vatican, nhưng Hội Thánh cống hiến cho các nhà lãnh đạo chính trị những định hướng xây dựng và bảo vệ con người trong chân lý, công bằng và bác ái mà các cương lĩnh chính trị không thể khơi mở và trình bày. Trong định hướng đó, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã phê duyệt và sẽ chính thức khai mạc chương trình 2 năm của Caritas Quốc tế mang tên “Sharing journey” nhằm cổ võ xây dựng một thế giới của “văn hoá gặp gỡ”, ưu tiên xây dựng nền văn hoá gặp gỡ những người di dân và tị nạn – những người đang bị bỏ rơi và loại trừ bởi quyền lợi kinh tế và ích lợi chính trị của nhiều quốc gia.
Hai ngày họp vừa qua đã quy tụ 34 tham dự viên đại diện cho 21 quốc gia thuộc các Liên Hội đồng Giám mục các châu lục, 2 quan sát viên của Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc, đại diện Quốc vụ khanh Toà Thánh và 14 chuyên viên của Bộ. Các nội dung được trình bày với 4 nhóm ngôn ngữ: Anh Pháp, Tây Ban Nha và Ý. Chương trình họp đã khép lại nhưng mở ra một kế hoạch hoạt động mới cho Vụ Di dân và Tị nạn với mạng lưới nhân sự tham mưu và cộng tác từ khắp nơi. Như đã biết, sau khi sáp nhập 4 cơ quan Hội đồng Toà thánh Công lý và Hoà bình, Hội đồng Toà thánh Cor Unum, Hội đồng Toà thánh phụ trách Mục vụ di dân và người lữ hành, Hội đồng Toà Thánh phụ trách Mục vụ chăm sóc y tế để thành lập Bộ Thăng tiến sự Phát triển Con người toàn diện, Đức Thánh Cha đã trực tiếp điều hành Vụ Di dân và Tị nạn.
Vũ, S.J.
(Nguồn: WHĐ 15.06.2017)