MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Tuổi thơ bị đánh cắp

Ngày 01.06 vừa qua, thế giới đã cử hành ngày quốc tế trẻ em. Nhân dịp này, tổ chức thiện nguyện Save The Children, cứu trẻ em, đã công bố bản chỉ tiêu hoàn vũ đầu tiên về tuổi thơ bị chối bỏ trên khắp trái đất, mang tựa đề Tuổi thơ bị đánh cắp.

Tài liệu phác họa thảm cảnh của nhiều trẻ em ở 172 quốc gia toàn thế giới, theo đó, 263 triệu trẻ em, tức 1/6 tổng số thiếu nhi hoàn vũ, không được cắp sách đi học; 168 triệu em, tức là nhiều hơn tổng số trẻ em đang sống ở Châu Âu, phải lao động trong nhiều lãnh vực nghề nghiệp khác nhau để kiếm sống, trong đó có nhiều môi trường đe dọa trầm trọng sức khỏe các em cả về mặt thể xác cũng như về mặt tinh thần. 6 triệu em phải chịu chết trước khi đầy 5 tuổi mỗi năm vì những chứng bệnh có thể phòng ngừa dễ dàng như sưng phổi, tiêu chảy và sốt rét, trong khi 156 triệu em dưới 5 tuổi bị thiếu dinh dưỡng nặng đến độ đe dọa sức lớn mạnh của các em.

Tài liệu chỉ tiêu của tổ chức Cứu Trẻ em cho biết thêm là khoảng 28 triệu em, tức cứ 1 trên 80 em, phải bỏ nhà cửa trốn chạy đi nơi khác vì chiến tranh loạn lạc hay bị bách hại. Chỉ trong năm 2015, trên toàn thế giới có ít nhất 75 ngàn trẻ thơ hay thiếu niên dưới 20 tuổi bị thảm sát, bình quân là hơn 200 em mỗi ngày. 15 triệu trẻ nữ lập gia đình khi chưa đủ 18 tuổi, thường là với những người chồng lớn hơn nhiều vì bị gia đình ép buộc. Trong số này, 4 triệu em chưa đầy 15 tuổi, với bao nhiêu hệ lụy thê thảm cho tương lai các em.

Cứ mỗi 2 giây đồng hồ, trên thế giới, có một thiếu nữ dưới 19 tuổi sinh con, tức trong một năm có khoảng 17 triệu sản phụ còn là trẻ con. Nước Niger bên Phi Châu đứng đầu trong danh sách trẻ nữ bị tảo hôn này, với 60% tổng số thiếu nữ từ 15 đến 19 tuổi có gia đình. Hiện tượng này gây ra nhiều hậu quả tai hại cho các em, trước hết là các em phải từ bỏ khả thể được giáo dục hầu xây dựng một tương lai vững chắc và tươi đẹp hơn, kế đến các bà vợ bà mẹ còn trong tuổi con nít này phải đối diện với nguy hiểm bị nhiễm các chứng bệnh tình dục, bị bạo hành trong bốn bức tường gia đình hay bị đe dọa tính mạng khi sinh nở. Thai sản là nguyên do thứ 2 gây ra cái chết cho các thiếu nữ tuổi từ 15 đến 19 trên toàn thế giới.

Ngoài ra, nạn nghèo khổ và thiếu học của các bà mẹ cũng ảnh hưởng rất tiêu cực trên tỷ lệ trẻ em chết yểu. Chẳng hạn tại Indonesia, Philippine và Senegal, các em chào đời trong cảnh khó nghèo có khả thể chết sớm hơn các trẻ giàu có hơn gấp 3 lần. Tại Nigeria, các trẻ em có mẹ thiếu học có khả năng chết sớm hơn gấp 3 lần so với con cái của các phụ nữ có học thức bậc trung học cấp 2.

Về mặt giáo dục, Nam Sudan với 67% là quốc gia đứng đầu thế giới về con số trẻ em không được cắp sách đi học; tiếp đến là Eritrea với 63%; Gibuti 60% và Niger 55%. Trái lại, Pháp là quốc gia có ít trẻ em không đi học nhất thế giới, chỉ 0,3%, kế đó là Tây Ban Nha và Anh quốc với 0,7%. Con em các gia đình phải tản cư tỵ nạn có nguy cơ phải bỏ học nhiều hơn là các trẻ em khác. Nạn bạo lực người trẻ cũng là một yếu tố đáng chú ý. Theo tài liệu của tổ chức Cứu trẻ em mới công bố, mỗi ngày trên thế giới có trên 200 trẻ em hay thiếu niên chết thảm vì bạo lực băng đảng, đứng đầu là các nước Nam Mỹ và quần đảo Caraibi. (Tổng hợp: Adn/Ansa/Agi 01.06.2017)

Mai Anh

(Nguồn: Radio Vatican)