MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Giáo hội mang tính cách chính trị

Giáo hội không làm chính trị đảng phái, nhưng đứng về phía con người và vì con người. Giáo hội dấn thân vì trung tín với Tin Mừng mà thôi chứ không phải với một đảng phái nào. Trong sứ điệp ngày 1/8, Đức Đan viện phụ Martin Werlen, nhân danh Hội đồng giám mục Thụy Sĩ, giải thích lý do tại sao Giáo hội cũng mang tính cách chính trị.




GIÁO HỘI MANG TÍNH CÁCH CHÍNH TRỊ

Sứ điệp của Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ nhân ngày Quốc khánh Thụy Sĩ, 1-08-2011

Giáo hội không làm chính trị đảng phái, nhưng đứng về phía con người và vì con người. Giáo hội dấn thân vì trung tín với Tin Mừng mà thôi chứ không phải với một đảng phái nào. Trong sứ điệp ngày 1/8, Đức Đan viện phụ Martin Werlen, nhân danh Hội đồng giám mục Thụy Sĩ, giải thích lý do tại sao Giáo hội cũng mang tính cách chính trị.

Đan viện phụ Martin Werlen OSB
Đi đầu...

Giáo hội hiển nhiên mang tính cách chính trị, thậm chí còn đi đầu... Nhiều người đã quá vội quên điều này. Đại đa số người Thụy Sĩ là những người đã được rửa tội. Họ là thành viên của cộng đồng giáo hội. Là công dân của đất nước này, họ được mời gọi đi bỏ phiếu, họ dấn thân vào chính trị. Nhiều người được rửa tội nắm giữ các trọng trách ở cấp Nhà nước, bằng cách nỗ lực cổ vũ cho công ích, với hiểu biết và lương tâm của mình.

... và ở nhiều cấp độ

Thường xảy ra là các hội đoàn và tổ chức của Giáo hội, cũng như các Ủy ban của Hội đồng giám mục hay chính Hội đồng giám mục, phát biểu về chính trị. Chúng ta được nghe những người lãnh đạo các hội đoàn và ủy ban, cũng như những người dấn thân trong mục vụ hay các thành viên của Hội đồng giám mục công khai bày tỏ quan điểm của họ về một số chủ đề chính trị.

Thế còn chính trị đảng phái? Có và không

Giáo hội với tư cách giáo hội không can thiệp vào trong chính trị đảng phái. Tuy nhiên, mỗi đảng đều dựa trên sự dấn thân của người tín hữu. Mọi đảng phái đều nêu lên những vấn đề hợp pháp và đưa các vấn đề này vào trong cuộc tranh luận chính trị. Người kitô hữu dấn thân vào cuộc tranh luận được mời gọi làm chính trị vì thiện ích của mọi người, với tư cách người tín hữu, độc lập đối với quốc tịch, tôn giáo, giới tính, tuổi tác và sức khỏe.

Đứng về phía

Giáo hội không làm chính trị đảng phái, tuy nhiên Giáo hội có chọn lựa của mình. Mọi người nam cũng như nữ loan báo Tin Mừng đều đứng về phía con người. Mọi con người đều phải được quyền sống thực sự, tìm được sự sống viên mãn (xem Gioan 10,10). Giáo hội đứng về phía những người không có tiếng nói. Giáo hội đứng về phía những người bị chà đạp phẩm giá - khi mới là bào thai, những người khuyết tật, những người ốm đau hay tuổi tác, hay người ngoại quốc. Giáo hội đứng về phía những người, không được xem như một người ngang hàng, mà như những đồ vật. Giáo hội kêu gọi sự liên đới ở đâu có người cần đến người khác trợ giúp. Giáo hội đòi hỏi công lý cho tất cả mọi người như nền tảng của hòa bình, dấn thân để mọi người đều được hưởng công bằng và bảo vệ xã hội, lên tiếng ở đâu có kẻ làm giàu một cách ích kỷ trên người khác. Giáo hội dấn thân vì gia đình, vì sự giáo dục và đào tạo, cổ vũ việc phát triển một thái độ có trách nhiệm đối với tạo thành và các nguồn tài nguyên. Có nhiều thách thức Giáo hội phải lên tiếng trong dư luận xã hội, nếu muốn trung tín với sứ vụ của mình.

Bao hàm con người

Giáo hội không có giải pháp cho tất cả các thứ ấy. Nhưng Giáo hội có thể và muốn góp phần vào việc tìm ra những giải pháp tốt đẹp. Nhờ chiều kích công giáo (= toàn cầu) của mình, Giáo hội có cả một kho tàng kinh nghiệm lớn. Giáo hội có thói quen nhìn ra ngoài các ranh giới. Giáo hội có phận sự trước tiên đưa con người với những đòi hỏi cụ thể của con người vào cuộc tranh luận chính trị. Giáo hội không ngừng nhắc nhở rằng nếu chỉ phát triển kinh tế mà thôi thì không đủ, còn có các khía cạnh khác cần được xem xét. Nó liên quan đến con người toàn diện. Đến từng con người.

Phục vụ sự hội nhập

Giáo hội không phải là một xã hội song song. Giáo hội ở giữa cuộc sống – bên con người. Ơn gọi riêng của Giáo hội là trở thành men –vì sự cứu rỗi của con người, vì sự cứu rỗi của thế giới. Chính bởi vì Giáo hội có mặt trong mọi nền văn hóa, tầng lớp nhân dân, lĩnh vực lao động, đảng phái, thế hệ, nên Giáo hội có một sức mạnh hội nhập đặc biệt. Giáo hội có thể tập hợp xung quanh cùng một bàn những người có quan điểm và thế giới quan khác nhau, để cùng đấu tranh vì những giải pháp công bằng trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau.

Loan báo Tin Mừng

Làm như vậy, Giáo hội hoạt động vì trung tín với Tin Mừng, trong một truyền thống sống động. Giáo hội đã học được không ít điều từ những sai lầm của quá khứ - cả liên quan đến chính trị. Khi dấn thân, Giáo hội phải trả lẽ không phải cho các cuộc đầu phiếu, mà cho Tin Mừng, tự định hướng mình không phải theo tinh thần thế gian mà theo Đức Giêsu Kitô. Ai đặt trọng tâm nơi Đức Giêsu Kitô sẽ đặt mình thực sự trước những thách thức của thời hiện tại và gặp được con người cụ thể. Ai sống hiệp thông với Thiên Chúa không thể thờ ơ với người đồng loại của mình.

Cám ơn

Nhân danh Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ, tôi xin bày tỏ lời cám ơn chân thành và chúc lành cho mọi người: tất cả anh chị em, những người đã được rửa tội và dấn thân vào chính trị nơi đất nước chúng ta; những người tham gia vào các cuộc bỏ phiếu và bầu cử theo sự hiểu biết và lương tâm mình; những người tích cực tìm kiếm những giải pháp tốt đẹp ; những người hằng cầu nguyện cho hiện tại và tương lai của quê hương chúng ta. Cám ơn rất nhiều. Chớ gì Giáo hội tại đất nước chúng ta tiếp tục mang tính chính trị sẵn có – đi đầu và ở các cấp độ khác nhau.

Fribourg/Einsiedeln, tháng Bảy 2011

Viện phụ Martin Werlen OSB,
Thừa ủy nhiệm Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ

(Nguồn: HĐGM Thụy Sĩ)

Giuse Nguyễn chuyển dịch

(Nguồn: Website HĐGM Việt Nam)