MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Vấn đề đố tục giảng thanh và đố thanh giảng tục trong kho tàng câu đố Việt Nam

Đố tục giảng thanh hoặc đố thanh giảng tục là một nét độc đáo trong văn hóa dân gian của dân tộc Việt. Các câu đố loại này phản ảnh quan niệm của dân gian về các mặt ứng xử, đạo đức, tình cảm, triết lý... Đó là một thú chơi, đồng thời là một vũ khí sắc bén để đả phá, chế giễu thói hư tật xấu ở đời. Thạc sĩ Trần Minh Thương có một bài viết phân tích loại hình văn hoá dân gian này:




VẤN ĐỀ ĐỐ TỤC GIẢNG THANH VÀ ĐỐ THANH GIẢNG TỤC 
TRONG KHO TÀNG CÂU ĐỐ VIỆT NAM


Thạc Sĩ Trần Minh Thương

1. Khái niệm về câu đố:

Trước nay, có nhiều khái niệm được đưa ra, trong khuôn khổ bài viết này chỉ xin dẫn ra một số ý kiến như vậy:

Câu đố là tiếng cười của trí tuệ, thông minh linh hoạt . [Nguyễn Văn Trung: Câu đố Việt Nam, Nxb TP. HCM, 1986].

Câu đố là những sáng tác dân gian ngắn gọn miêu tả sự vật bằng lời nói chệch (nói một đằng hiểu một nẻo) [Theo Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Lộc (chủ biên) Văn học 10, T 1 phần văn học Việt Nam (sách chỉnh lý hợp nhất năm 2000). Nxb GD 2001]

Câu đố là một thể loại văn học dân gian mà chức năng chủ yếu là phản ánh đặc điểm các sự vật, hiện tượng bằng phương pháp giấu tên và nghệ thuật chuyển hoá gây nhiễu (chuyển vật nọ thành vật kia) được nhân dân dùng trong sinh hoạt tập thể để thử tài suy đoán, kiểm tra sự hiểu biết, mua vui. [Nhiều tác giả, Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo Dục, 2006]

Như vậy, dù định nghĩa nào thì câu đố cũng có phải đảm bảo ba yêu cầu chính: cấu tạo; chức năng; hình thức và giá trị sử dụng.

Câu đố gồm hai phần: lời đố và vật đố.


2. Thế nào là yếu tố tục:

Theo Việt Nam Tự điển của Lê Văn Đức (cùng nhóm thân hữu soạn), Nhà sách Khai Trí, S.1970, "tục" là thói quen thành lề lối, thành luật, thành lệ: Nước trên trời có khi trong khi đục/ Người ở đời có kẻ tục, người thanh (Ca dao)

Từ điển Hán Việt của Nguyễn Văn Khôn do nhà sách Khai Trí in năm 1960 thì giải thích: tục là thói quen, trần thế. Tóm lại: tục là thói quen, nhưng hiểu rộng ra thì đó là những thói quen "trần thế", "trần tục của con người. Nó nghiêng nhiều về tính bản năng. Đó là những nhu cầu cần thiết được con người gọi là "tứ khoái": ăn, ngủ ...

3. Câu đố tục trong văn học dân gian Việt Nam:

Là câu đố có lời đố mang yếu tố tục, với các từ chỉ bản năng con người, hoặc khơi gợi trí liên tưởng đến những bộ phận trong cơ thể người, nhất là cơ quan sinh dục, ... hoặc trong lời đố chỉ là những yếu tố bình thường, những vật đố là tục, là những bộ phận, chất thải của cơ thể, ...

3.1 Câu đố tục giảng thanh: nghĩa là lời đố có yếu tố, hoặc từ ngữ gợi "tục", còn vật đố là những vật dụng sinh hoạt hàng ngày, là cây cỏ, hoa trái, bánh mứt, ...

a. Lời đố chứa những từ chỉ cơ quan, bộ phận sinh dục, ... của con người.

Từ những từ ngữ còn tương đối "nhẹ nhàng" kiểu các câu đố xuất vật danh sau đây:

Có mái mà không có trống,
Có đái mà không ỉa? Mái nhà

Những từ không được sạch sẽ trong câu đố kia chính là một hiện tượng của tự nhiên, mưa rơi trên mái nhà, từ mái nhà nước mưa chảy xuống, lại được "cố ý" dùng chệch đi với hành động tiểu và đại tiện của con người.

Hoặc lời đố có chứa "chất thải":

Anh kia đội cứt đi đâu,
Tài chi mà lại mọc râu sái hàm. Con tôm
Để đố về một loại củ (xuất đầu):

Bằng trang trái quýt,
Dưới đít có lông. Củ hành

Đến những từ ngữ mà ít sách vở nào viết đầy đủ chữ, để tránh phản cẩm thẩm mỹ, dù lời đố đó chỉ hướng đến đối tượng bình thường (giảng thanh).

Câu đố về các con vật:

Lù lù như mu l ... chị,
Lị sị như đầu b ... tôi,
Ngày thời đi khắp mọi nơi,
Đến đêm lại chiu vào mu l ... chị. Con rùa

Dựa vào hình dạng của "con chuột" – con vật được đố.

Mình bằng quả chuối tiêu,
L ... bằng vỏ trấu, lỗ bằng niêu.

Đố về vật dụng, kho tàng câu đố dân gian cũng có những câu mà lời đố chứa yếu tục tương tự như trên:

L ... già da dính tận xương,
Váy xanh mỏng mảnh lại thương bìu dài. Cối giã gạo

Đố đến cái nia để đựng khi các bà, các chị sàng gạo:

Không chân, không tay mà hay mó l ...

Để đố cái gàu sòng tát nước, ta hãy nghe lời thơ dân gian sau đây:

Bà Ba mà dạng chân ra,
Một ông đứng giữa mà tra c... vào.

Để đố "miếng trầu bây giờ bà ăn", dân gian sử dụng hình ảnh:

L... già ăn với cà kheo,
Lại thêm c... lõ và đèo năm lông.

Đố về một hành động: chuột bị mèo bắt ăn thịt, người đố cũng "cố ý" dùng những yếu tố tục:

Vừa bằng cổ tay đâm ngay vào l...,
Gặp ông quan ôn bỏ l ... bỏ chạy.

Đố về hành động tác đìa (loại ao nằm giữa ruộng và vườn của người miền Tây Nam Bộ) bằng gàu vai của hai người đàn ông, tác giả dân gian khéo mượn hình ảnh sinh thực khí của người phụ nữ và động tác làm tình của phái nam để đố:

Cái l ... có bốn cọng lông,
Hai thằng cha đàn ông nấc cong xương sống.

Hay một hành động của chị thợ may: 

Hai sợi lông l... sợi dài sợi ngắn. Xỏ kim

Hành động của một người kéo vó, với nhiều động tác không khác chi các động tác trai gái "yêu" nhau rồi sinh con đẻ cái:

Canh một thì trải chiếu ra,
Canh hai bóp vú canh ba sờ l...,
Canh tư thì nấc xom xom,
Canh năm cuốn chiếu ẵm con mà về.

Cũng có khi dùng yếu tố tục trong lời đố tục với nghĩa "hỏi cắc cớ", chơi chữ cùng lúc chỉ hai ba đối tượng. Vật đố được hướng đến hình như không được chú trọng bằng "vật" của người nghe đố (!)

Đố em l ... ở chỗ nào,
Đẻ ra ngàn trứng thì bao nhiêu l ... Con cá

Đố về một loại cây, bằng cách sử dụng từ đồng âm để liên tưởng:

Má ơi con muốn chú này,
Hà bá đ... mày để chú ấy tao. Cây chành dành

Rõ ràng những từ viết không nguyên vẹn ngữ âm như trên là những từ "tục". Thế được nó lại được hướng nghĩa đến một đối tượng khác ...đúng như chức năng và cấu tạo của thể loại văn học dân gian: câu đố!

b. Lời đố dùng những từ ngữ miêu tả động tác, âm thanh gợi đến cảnh ái ân, hình thể của con người, ..., những từ về mặt cấu tạo ngữ âm không tục, nhưng nghĩa lại gợi tục.

Miêu tả động tác của người bào cây:

Hai tay anh nắm lấy vai nàng,
Cái chân quỳ xuống nấc hoài không thôi,
Nắc cho đến đổ mồ hôi,
Khi nào mỏi mệt móc hoài nó ra.

Thực ra từ "nấc" ở đây là đã viết trại đi, chính xác thì â kia phải thay bằng ă, và đó là một khẩu ngữ chỉ ... hành động giao hợp nam nữ! Rõ ràng động tác của người thợ bào cây không khác gì động tác ... trên giường! Mượn cái hình ảnh này để đố hình ảnh kia là nét cấu tạo thường thấy trong câu đố dạng này.

Để đố về một hành động "móc cua", người ta cũng cố gợi đến ... chuyện ấy!

Hai bên cỏ mọc xanh rì,
Ai mà đi tới phải quỳ một chân,
Đút vô cửa động thiên thần,
Rút ra cái bóc mày quần cắn tao.
Động tác mở khoá cũng vậy:
Anh ơi có đút thì đút cho sâu,
Đừng lắc qua lắc lại như trâu đi cày.

Dùng ghe xuồng đi lại là chuyện thường ngày trên con rạch, dòng sông ở miệt đồng bằng Cửu Long. Nhưng khi để đố về một hành động "chèo ghe" thì cách liên tưởng sau đây quả là "hấp dẫn":

Em ơi nằm dưới cho yên,
Thân anh mệt nhọc ngả nghiêng cả người.

Đây là hình ảnh để người trả lời có thể hướng đến đối tượng được đố là "cây quạt giấy":

Vuông vuông góc xéo về ba,
Chính giữa lại thiếu một chút da,
Nhấp nhấp vài cái sướng quá ta,
Không nhấp thì nước lại chảy ra.

Để đố cái cối xay lúa ngày trước, hình ảnh sau đây cũng thật dễ khiến liên tưởng đến chuyện nọ, chuyện kia!

Ông nằm dưới trỏ ngỏng lên,
Bà nằm trên rên hừ hừ.

Cũng đố cái cối xay, ta có một câu khác:

Mỗi người một nước một nơi,
Làm thân con gái nằm chơi trên bụng chồng.
Đói no thiếp lòng,
Ăn mặc cho chống thiếp chẳng bận chi,
Thiên hạ lắm kẻ yêu vì,
Giằng đi kéo lại cũng chẳng bận chi đến chàng.

"Chơi" ngoài nghĩa thông thường thì trong khẩu ngữ dân gian còn một nét nghĩa độc đáo khác, ở đây được tác giả dân gian khéo léo sử dụng nghĩa ấy để lồng vào trong văn cảnh đố.

Cái áo tơi đi mưa của người nông dân chân lắm tay bùn khi đã là vật đố, thì lời đố cũng gợi lên nhiều chuyện:

Lồm xồm hai mép những lông,
Ở giữa có lỗ đàn ông chui vào.
Chui vào rồi lại chui ra,
Năm thì mười hoạ đàn bà mới chui.

Hành động mẹ cho con bú, lại được liên tưởng đến hành động trong phòng the của "vợ chồng":

Một người nằm, một người ngồi,
Đút vào sướng lắm em ơi,
Rút ra đánh choách,
Miệng cười toét loe.

Một dị bản khác:

Cục thịt đút vô lỗ thịt,
Một tay sờ đít một tay sờ đầu,
Đút vào một lúc lâu lâu,
Nhột ở múm đầu nước chảy ứa ra,
Da non nút chặt da già,
Kéo cưa đưa đẩy rút ra cùng cười.

Một người hút thuốc lào:

Lỗ trên toét toè loe,
Lỗ dưới toét toè loe,
Anh bịt lỗ dưới anh đè lỗ trên,
Cô mình tức cô mình kêu lên,
Đã vừa mệt nhọc lại thêm mất tiền.

Rõ ràng tác giả dân gian đã vận dụng rất thành công hiện tượng chơi chữ đồng âm dị nghĩa trong tiếng Việt để tạo ra những tình huống liên tưởng "không ngờ" nhằm "bắt bí" người nghe đố.

Xin nêu thêm một số trường hợp lời đố gợi tục thật đa dạng sau đây:

Đố về đồ vật:

Trên bằng da dưới cũng bằng da,
Đút vào thì ấm rút ra lạnh lùng. Đôi vớ.

Mình chuông vuông vắn,
Tay ngắn chân dài,
Trèo qua hai hòn động thiên thai,
Hai tay ôm lấy nàng tiên thục nữ. Cái yếm

Đố về bánh:

Thân em vừa trắng vừa tròn,
Sao anh lại nở lột quần em ra,
Lột quần anh cũng chẳng tha,
Anh lấy miếng thịt anh tra ngay vào. Bánh dày giò

Đố về cây:

Tắt đèn chẳng thấy lối đi,
Chân lần tay vịn ra thì nhà sau,
Rủi ro mũi đụng má đào,
Của cô em vợ lao xao cả nhà. Rau mò om

Đố về con vật:

Yếm nàng nịt,
Áo nàng gài,
Nàng yêu ai,
Nàng quẹo đít. Con ốc

Khom khom như cái bàn tay,
Mồm thì mồm dọc ngậm ngay hạt hồng,
Hai bên có hai hàng lông,
Ở giữa hạt hồng đỏ loét đỏ loe. Con sò huyết

Nhiều khi sử dụng cách "nói lái" quen thuộc trong khẩu ngữ:

Giữa thanh trúc xung quanh luỹ mây,
Tồn li, không phải tồn lì,
Hoá ra tồn lì. Cái nia, cái tràng

3.2 Đố thanh giảng tục: ngược lại lời đố mang những từ ngữ bình thường, trang nhã nhưng vật đố là bộ phận của cơ thể con người, những chất thải do con người tạo ra. Vật đố đó là những từ thường được nói tránh đi, bởi nó không "sạch sẽ" cho lắm!

Miêu tả một hành động đi ngoài, tác giả dân gian lại dùng nhiều từ Hán Việt khéo gợi cho người nghe đến một vị tướng xuất quân, ý đồ "đánh lạc hướng" chính là chỗ đó.

Anh hùng phi ngựa thật nhanh,
Mã đáo công thành mặt vẫn nhăn nheo.

Đối với đời sống người dân quê, cái nhà vệ sinh "ven sông" ngày trước quả không phải là đều ít thấy, ít gặp. Nó được làm bằng cây dùng lá dừa nước che tạm để người cần ngồi vào cũng có cái mà che chỗ cần che. Dựa vào đặc điểm ấy, tác giả nêu câu đố: Nhà rách có khách hoài, đổ hướng đến vật đố là "nhà" mà mọi người hay "đến" đấy! Trước khi đến ..., con người có những lần trung tiện, thế là tiếng kêu chẳng lấy gì làm thơm tho phát ra cũng đi vào lời đố:

Tai nghe súng nổ cái đùng,
Thuyền quyên lánh mặt anh hùng ngả nghiêng.

Vào "nhà rách" nọ để thải chất thải ra từ ngoài, nhìn chất thải của con người, người ta đố rằng:

Ách ửi một hồi rất đỗi lâu,
Lần ra ải khẩu xuống sông sâu,
Chẳng lo gả chó theo lôi óc,
Chỉ sợ bầy tong xúm kéo đầu.

Sinh thực khí đàn ông đã đi vào câu đố dân gian như sau:

Mồm ở đỉnh đầu, hay xỏ hay xiên,
Đêm đẻ con tiên cháu rồng.

Hoặc một câu đố khác:

Không tai không mắt miệng ở trên đầu,
Cổ lại lồm xồm một mớ râu,
Không mũi mà đánh hơi rất nhạy,
Chẳng lộ hầu mà quá lộ hầu.

Và:

Đầu đội mũ đỏ,
Cổ mặc áo rêu,
Hai vai đeo hai hòn đạn.

Hay: Không mắt, không tai, mồm ở đỉnh đầu, chòm râu ở cổ. Đều cùng chung hướng về một vật đố!

Vật đố là sinh thực khí phụ nữ, có lời đố là:

Múi mít hạt hồng,
Lá vông rễ ấu,
Xấu thì thật xấu,
Xem vẫn muốn xem,
Nghe nói thòm thèm,
Bảo ăn thì giận.

Hoặc đố theo dạng chiết tự chữ nghĩa:

Ông Long đầu đội mũ huyền,
Chăn dê mà lại bỏ quên dê rồi.

Long bỏ "g" thêm dấu mũ và thanh huyền vào là lời giải của câu đố này.

Đố đến cả hai bộ vừa nêu, khi cả hai cùng tham gia vào chuyện "ngửa nghiêng loan phượng":

Có khi cứng có khi mềm,
Khi dài khi ngắn không chêm mà vừa.

Theo cụ Như Ý trong bộ "Kinh thi Việt Nam" [dẫn theo Nguyễn Văn Trung, sđd] thì cách giải bằng thơ rằng:

Anh về hỏi khẽ chị đi,
Khi mô nó cứng khi mô nó mềm.
Khi anh yêu chị suốt đời,
Anh nằm ngủ mệt nó mềm thuỗn ra.

Tóm lại, qua những câu đố tục vừa dẫn chứng trên chúng ta thấy rằng:

- Sự liên tưởng bất ngờ thú vị giữa lời đố và vật đố.

- Câu đố vừa mang tính bình dân, vừa chất phác gắn liền với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Nhưng nó lại là nơi thể hiện một trí tuệ tuyệt với của những người "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Nó là một hiện tượng độc đáo của văn học dân gian.

- Nhờ các hiện tượng "chữ nghĩa như vậy đã tạo nên tiếng cười khuây khoả trong cuộc sống quần quật một nắng hai sương của những kiếp người "con trâu đi trước cái cày theo sau" ...

(Nguồn: http://www.binhtrung.net)