MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Khí Công Bát Đoạn Cẩm

Bát Đoạn Cẩm 八段锦 là bài tập ngoại đan khí công giúp đả thông kinh mạch, luyện gân cốt, khai thông khí huyết khắp mọi nơi trong cơ thể giúp cho người tập có được một thân thể cường tráng, tiêu trừ bệnh tật, và một tinh thần minh mẫn sáng suốt. Cũng chính vì giá trị nầy mà 8 thế tập đuợc mệnh danh là Bát Đoạn Cẩm có nghĩa là 8 đoạn gấm.

Có hai truyền thuyết về nguồn gốc của Bát Đoạn Cẩm. Một cho rằng Bát Đoạn Cẩm phát xuất từ chùa Thiếu Lâm do Đạt Ma Tổ Sư sáng tác nên được gọi là Bát Đoạn Cẩm Thiếu Lâm. Và một thuyết khác cho rằng đây là bộ môn khí công do Nhạc Phi sáng tác vào niên đại nhà Tống khoảng năm (1127-1279 CN). Quyển sách đầu tiên viết về Bát Đoạn Cẩm theo tương truyền là của Chung Ly Quyền (Hán Chung Ly). Tuy nhiên, theo nghiên cứu, quyển sách đầu tiên về Bát Đoạn Cẩm xuất hiện khoảng những năm Chính Hoà đời Bắc Tống.

Trải qua bao thế kỷ, Bát Đoạn Cẩm đã được biến đổi khá nhiều theo từng môn phái nhưng nói chung thì hình thức tuy có khác nhưng nội dung luyện tập cốt lõi đều giống nhau.

Từ bài Bát Đoạn Cẩm nguyên gốc, các đại sư khí công của Sở Thể dục thể thao Bắc Kinh nghiên cứu chuyển thể ra bài tập quốc tế đơn giản gồm 8 động tác luyện khí ở gân cân cơ, giúp làm thông các kỳ kinh bát mạch trong cơ thể, gia tăng khí lực, đạt đến sự trường thọ không bệnh tật. Khác với bài Bát Đoạn Cẩm gốc, bài Bát Đoạn Cẩm quốc tế dễ tập, có cách thở đơn giản hơn và đi theo trường phái dưỡng sinh trường thọ. Nó không có tác dụng phụ, dễ truyền bá cho đông đảo quần chúng và đạt hiệu quả cao trong việc bảo vệ sức khỏe. Mỗi động tác đều mang những tác dụng thực tiễn.

Dù tập theo phiên bản nào thì điều thiết yếu mà người tập cần nên nhớ: giá trị quí báu của phép tập là sự thấu hiểu thông suốt những kỹ thuật vận hành khí huyết, luyện gân cốt hơn là chú trọng vào hình thức bề ngoài. Dụng thân tạo hình để luyện pháp chứ không chấp trụ vào hình tướng. Thân pháp được tinh luyện nhẹ nhàng thì khí thông, khí thông thì thần sắc vững mạnh để đạt đến giai đoạn cuối cùng là “Tinh, Khí, Thần” hợp nhất, thân tâm tự tại. Và kế đến cũng không kém phần quan trọng hơn nữa đó là sự cố gắng luyện công hằng ngày. Công phu, công quả, công trình là 3 yếu tố dẫn đến sự thành tựu tốt đẹp trong quá trình luyện tập.

Khi mới tập thì chú trọng về hình, nghĩa là sao cho đúng cách theo chỉ dẫn từ cách gồng chuyển chân tay, co vào, duỗi ra, hít thở, trợn mắt…. Muốn được như thế thì nên treo tấm kiếng để nhìn cho thấy chỗ sai mà sửa đổi. Lúc thuần thục thì chú trọng tới ý, nghĩa là quên đi hơi thở và động tác mà chỉ thấy cái dụng ý của mỗi đoạn.

Sau đây là phiên bản giản hoá của Bát Đoạn Cẩm cho mục đích luyện khí công. Anh em xem video clip minh hoạ và phần chú thích từng đoạn ở phía sau.

Chú ý đến cách thở. Nói chung, giống như nhiều phương pháp luyện khí công khác, hít vào thở ra đều bằng mũi, lưỡi quặt ngược ra sau và chạm vòm miệng trên. Hít thở đều đặn và nhẹ nhàng. Tưởng tượng hít khí xuống đan điền (phình bụng ra) và ép khí từ đan điền ra (ép bụng lại). Có thể có thì nín thở giữa hai thì hít và thì thở cũng như giữa thì thở và thì hít. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, chưa nên nín thở.

Các động tác thực hiện thật nhẹ nhàng và chậm rãi. Mỗi động tác thực hiện 7-49 lần tuỳ theo sức khoẻ và thời gian của mỗi người.

Bát Đoạn Cẩm gồm có 8 đoạn như sau:

1. Lưỡng thủ kình thiên lý tam tiêu 双手托天理三焦
(Hai tay chống trời, điều tam tiêu)

2. Tả hữu khai cung tự xạ điêu 左右开弓似射雕
(Trái phải giương cung, bắn chim điêu)

3. Điều lý tì vị tu đơn cử 调理脾胃须单举
(Điều hoà tỳ vị, một tay đẩy)

4. Ngũ lao thất thương vọng hậu tiều 五劳七伤往后瞧
(Ngũ lao thất thương, liếc nhìn sau)

5. Dao đầu bãi vĩ khử tâm hỏa 摇头摆尾去心火
(Lắc đầu vẫy đuôi, trừ tâm hoả)

6. Bối hậu thất điên bách bệnh tiêu 背后七颠百病消
(Vận chuyển vùng lưng, trăm bệnh tiêu)

7. Toàn quyền nộ mục tăng khí lực 攒拳怒目增气力
(Nắm quyền, trợn mắt, tăng khí lực)

8. Lưỡng thủ phàn túc cố thận yêu. 两手攀足固肾腰
(Hai tay nắm chân, mạnh lưng eo)

Trật tự các đoạn có thể thay đổi tuỳ theo trường phái. Chẳng hạn như trong video clip sau đây, đoạn 6 và đoạn 8 hoán chuyển vị trí cho nhau.


MÔ TẢ CÁC ĐỘNG TÁC

1. Lưỡng thủ kình thiên lý tam tiêu 双手托天理三焦

Tác dụng:
Tam tiêu gồm Thượng tiêu (não, hệ tuần hoàn, hô hấp), Trung tiêu (hệ tiêu hóa), Hạ tiêu (hệ tiết niệu - sinh dục). Luyện thông kinh Tam tiêu có tác dụng giúp ăn ngon, ngủ yên, trí tuệ minh mẫn, cơ thể cường tráng, mọi suy yếu sinh lý - sinh dục được điều chỉnh; trẻ em mau lớn, phát triển khả năng học toán; trí tuệ thanh thản, không lười biếng, linh động hơn.

Động tác:
- 2 tay đưa lên: hít vào, điều khí đến cả vùng Tam tiêu từ huyệt Bách hội ở đỉnh đầu đi xuống gáy và đi lên sau tai, lên đuôi lông mày 2 bên. Phải nhón chân lên.
- 2 tay đưa xuống về 2 bên đùi: thở ra, cong 2 ngón chân cái lên để kích thích các huyệt thuộc kinh Đại tràng và nhóm kinh dương trước cẳng chân.

2. Tả hữu khai cung tự xạ điêu 左右开弓似射雕

Tác dụng:
Làm mạnh 2 cánh tay, cứng cáp đôi chân; thông kinh Đại tràng gồm 20 huyệt từ đầu ngón tay trỏ tới cánh mũi; trị táo bón, tê bại, phong thấp nhức gân, khớp xương; liệt nhẹ nửa người.

Động tác:
- Tay đưa ra bắn cung: hít vào.
- Tay đưa chéo về lại trước ngực: thở ra.

3. Điều lý tì vị tu đơn cử 调理脾胃须单举

Tác dụng:
Dùng luyện khí, lưu thông 2 kinh tỳ, vị (dạ dày và lá lách). Giúp ăn ngon, ngủ được, mau đói, đại tiểu tiện thông suốt.

Động tác:
- Một tay đưa lên đầu, một tay ấn xuống bên hông trái: hít vào.
- 2 tay lật lại đưa về ngang chấn thủy: thở ra.

4. Ngũ lao thất thương vọng hậu tiều 五劳七伤往后瞧

Tác dụng:
Chủ luyện hệ thần kinh, đưa máu đầy đủ lên não.

Động tác:
- Đầu quay qua một bên và 2 bàn tay đưa ra 2 bên đùi: hít vào.
- Đầu trở về vị trí như cũ và 2 tay đưa lên bụng: thở ra.

5. Dao đầu bãi vĩ khử tâm hỏa 摇头摆尾去心火

Tác dụng:
Làm tăng lượng máu lưu thông, mất tính nóng nảy vì thiếu máu.

Động tác:
- Đầu nghiêng qua một bên: hít vào.
- Đầu trở về vị trí cũ ở ngay giữa: thở ra.

6. Bối hậu thất điên bách bệnh tiêu 背后七颠百病消

Tác dụng:
Kích thích quan trọng 2 kinh nhâm và đốc (đường đi giữa trước và sau thân), tăng sinh lực, hồi sức, giúp thân thể cường tráng.

Động tác:
- Nhón chân lên, 2 tay ấn xuống: hít vào.
- Hạ chân xuống, 2 tay đưa lên: thở ra.
- Nhón chân lên cao và chạm mạnh gót chân xuống đất: thở bình thường.

7. Toàn quyền nộ mục tăng khí lực 攒拳怒目增气力

Tác dụng:
Làm tăng khí lực do tay chân và thân eo liên lạc với nhau.

Động tác:
- Tay thủ ở hông: hít vào.
- Tay đấm ra: thở ra; rồi ở tư thế này hít vào và tay kia đấm ra và thở ra.

8. Lưỡng thủ phàn túc cố thận yêu 两手攀足固肾腰

Tác dụng:
Lưu thông mạch nhâm - đốc và thận kinh; giúp gân cốt mềm mại, dẻo dai, tủy sống được săn sóc, tinh thần vui vẻ sảng khoái; bổ thận tráng dương.

Động tác:
- Thân đưa từ dưới lên và ưỡn ra sau: hít vào.
- Thân cúi xuống, vuốt 2 chân: thở ra.

Chú ý cách thở: khi thực hiện động tác thì hít vào, còn khi trở về tư thế cũ thì thở ra. Các động tác và hít thở càng chậm rãi càng nhẹ nhàng càng tốt.

trongkhiem168