MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Đại hội FABC sắp tới tại Việt Nam sẽ nêu lên các vấn đề quan trọng

Linh mục Bonnie Mendes
Năm nay kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican II (1962-1965). Vatican II rất quan trọng, nhất là đối với Giáo hội tại châu Á.

Sau Công đồng Vatican II, các Giáo hội tại châu Á nhận thức được mình thuộc về châu Á. Trước đó, họ tiếp xúc với các Giáo hội ở phương Tây nhiều hơn. Chẳng hạn, khi Đức cố Hồng y Valerian Gracias của Bombay từ Rôma trở về sau Công đồng Vatican II, ngài nói ngài nhận thấy các giám mục châu Á có nhiều bạn bè ở châu Âu và Bắc Mỹ hơn ở châu Á, vì các ngài đi học ở nước ngoài.

Năm 1970, năm năm sau khi Công đồng Vatican II kết thúc, Đức Thánh cha Phaolô Đệ lục đến thăm Philippines. Hơn 150 giám mục Á châu nhóm họp tại đó đã tận dụng cơ hội này thành lập Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC). Các ngài khẳng định mình là Giáo hội Á châu, và Giáo hội Á châu là Giáo hội của người nghèo.

Kể từ đó, chúng ta chứng kiến các Giáo hội tại châu Á, chủ yếu thông qua các ủy ban công lý và hòa bình quốc gia, đứng ra giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến người nghèo và xã hội.

Chẳng hạn, Giáo hội Ấn Độ mạnh mẽ ủng hộ quyền lợi của tầng lớp dalit (tiện dân trước đây). Giáo hội Nhật Bản kịch liệt phản đối phát triển vũ khí hạt nhân cũng như sử dụng năng lượng hạt nhân. Đối với Giáo hội Pakistan, công lý và hòa bình là các vấn đề mang tính quyết định vì Kitô hữu ở đó cảm thấy nhiều vấn đề bất công là gánh nặng chính.

Trong thời gian đó, ở đây còn nổi lên các môn thần học Thế giới Thứ ba phản ứng lại trước các chế độ ngày càng tàn bạo và hà khắc. Sri Lanka, chẳng hạn, có rất nhiều tự do vào thập niên 1960 nhưng tất cả đã thay đổi. Malaysia còn độc tài hơn.

Một cột mốc lịch sử xảy ra vào năm 1979, khi Văn phòng Phát triển Con người của FABC nhóm họp tại Tokyo. Văn phòng tuyên bố cần có một cơ cấu xử lý những bất công trên toàn châu Á ngoài việc ra thông cáo. Trung tâm Phát triển các dân tộc châu Á được thành lập, đặt trụ sở ở Hồng Kông, đóng vai trò “đường dây nóng” thu thập tài liệu chứng minh các vụ bất công và những việc làm quá đáng xảy ra trên khắp châu Á. Trung tâm này do các giám mục Á châu thành lập nhưng hiện nay đã trở thành tổ chức độc lập.

Trung tâm thu thập thông tin chủ yếu từ các ủy ban công lý và hòa bình quốc gia và gửi thông tin đến mạng lưới các nhà thờ và tổ chức Giáo hội của trung tâm cũng như các cá nhân để hành động. Trung tâm đề xuất các hành động như vận động viết thư, cho địa chỉ và thông tin về các tổ chức chính quyền có liên quan, đại sứ và văn phòng nước ngoài. Điều quan trọng ở đây là có tài liệu chứng minh rõ vấn đề.

Tâm trạng ở châu Á trong 15 năm đầu sau Công đồng Vatican II là tâm trạng mong muốn mãnh liệt và khẩn cấp thực hiện quan điểm và lý tưởng của công đồng, vì nó đại diện tiếng nói của Giáo hội hoàn vũ. Năm 1978 Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II lên ngôi giáo hoàng, ngài có quan điểm hơi khác một tí.

Ngài mạnh mẽ liên đới với những người lao động. Lúc đó, các tiếng nói bảo thủ hơn trong Giáo hội bắt đầu trở nên rất lo lắng và cố đẩy mạnh nghị trình riêng của mình. Hiện nay, chúng ta có những tiếng nói khác nhau trong Giáo hội.

Nhưng động lực trong 15 năm đầu sau Công đồng Vatican II tất nhiên không còn ở đây nữa. Trong hai thập niên qua, các giám mục Á châu năng động ngày càng ít đi, ở Philippines là ví dụ điển hình. Đây là do các giám mục có ít cơ hội hơn.

Sau Công đồng Vatican II, có rất nhiều chương trình đào tạo được tổ chức cho các giám mục Á châu và các lãnh đạo khác trong Giáo hội. Chẳng hạn, từ giữa thập niên 1970 đến giữa thập niên 1980, có bảy BISA (Các Cơ quan xã hội của các giám mục) được tổ chức. BISA thứ 8 được tổ chức 25 năm sau đó vào tháng giêng vừa qua tại Bangkok.

Tình trạng trì trệ này đã khiến một số người như Đức cố Hồng y người Nhật Bản Hamao Fumio nói rằng nên có Công đồng Vatican III để chính các giám mục có thể một lần nữa đưa ra quan điểm mạnh mẽ. Có một động lực nào đó khi tất cả các giám mục nhóm họp với nhau.

Ngày nay, các giám mục phải là những chủ chăn trong một môi trường rất khác biệt. Hãy xem những điều đang xảy ra ở Libya chẳng hạn. Nếu các giám mục tập trung lại, những điều đưa ra bàn thảo sẽ tập trung nhiều vào những việc cần thiết hơn là những việc không quan trọng.

Ví dụ, gần đây có những thay đổi trong phụng vụ bằng tiếng Anh. Khi linh mục đọc “Lord be with you” (Chúa ở cùng anh chị em), chúng ta đáp: “And with your spirit” thay vì đáp “And also with you”. Người Nhật đặc biệt cảm thấy điều này rất khó và yêu cầu sử dụng công thức cũ. Có những thế lực trong Giáo hội ủng hộ những thay đổi nhỏ không quan trọng này trong phụng vụ. Có những vấn đề cơ bản quan trọng của con người hiện không được giải quyết.

Đây là lĩnh vực cần có một động lực mới. Đại hội khoáng đại của FABC sẽ diễn ra tại Việt Nam vào tháng 11 tới là cơ hội để phục hồi động lực chúng ta từng có trong Giáo hội Á châu. Có Đức Hồng y Oswald Gracias của Bombay, tổng thư ký của FABC, sẽ tăng thêm sức mạnh cho đại hội. Mỗi văn phòng FABC cần có sự chuẩn bị thích hợp và đưa ra lập trường cứng rắn và tài liệu chứng minh thuyết phục về các vấn đề của người nghèo. Người ta phải thấy một lập trường cứng rắn phù hợp với Công đồng Vatican II và giáo huấn của Giáo hội.

Có hy vọng đấy. Tôi cảm thấy một điều gì đó năng động hơn sẽ xuất hiện trong FABC. Hiện nay chúng ta có nhiều giám mục mới chưa gặp nhau. Sẽ có một động lực nào đó khi các ngài gặp nhau.

Linh mục Bonnie Mendes từ Bangkok

Linh mục Bonnie Mendes là cựu thư ký điều hành Văn phòng Phát triển con người của FABC và là cựu điều phối viên khu vực của Caritas Á châu. Ngài còn sáng lập Trung tâm Phát triển con người ở Toba Tek Singh, Pakistan và là cựu thư ký điều hành Ủy ban Công lý và hòa bình quốc gia của các giám mục Pakistan.

(Nguồn: ucanews)