MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 27

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXVII

“Anh em hãy vui luôn trong Chúa!” (Pl 4,4)

Các bạn trẻ thân mến,

Cha vui mừng lại được nói với các con nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXVII. Kỷ niệm về cuộc gặp gỡ của chúng ta tại Madrid vào tháng Tám vừa qua vẫn còn đậm nét trong tâm hồn cha. Đó là thời gian ân sủng đặc biệt mà Chúa chúc lành cho các bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới quy tụ với nhau. Cha tạ ơn Chúa vì tất cả những hoa trái trổ sinh từ biến cố ấy, những hoa trái mà chắc chắn còn thêm nhiều nữa đối với các bạn trẻ và các cộng đoàn của họ trong tương lai. Bây giờ chúng ta hướng đến cuộc gặp gỡ sắp tới ở Rio de Janeiro vào năm 2013 với chủ đề “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ!” (x. Mt 28,19).

Chủ đề của Ngày Giới trẻ Thế giới năm nay trích từ lời khích lệ của thánh Phaolô trong thư ngài gởi cho tín hữu Philipphê: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa!” (Pl 4, 4). Niềm vui chính là tâm điểm của kinh nghiệm Kitô giáo. Vào mỗi Ngày Giới trẻ Thế giới, chúng ta đều cảm nghiệm một niềm vui vô tận, niềm vui hiệp thông, niềm vui được là người Kitô hữu, niềm vui đức tin. Đó là một trong những đặc điểm của các cuộc gặp gỡ này. Chúng ta có thể thấy được sức cuốn hút mạnh mẽ của niềm vui ấy. Trong một thế giới buồn phiền và âu lo, niềm vui là một chứng từ quan trọng cho vẻ đẹp và tính đáng tin của đức tin Kitô giáo.

Ơn gọi của Giáo Hội là mang lại niềm vui cho thế giới, một niềm vui đích thực và lâu dài, niềm vui mà các thiên thần loan báo cho các mục đồng ở Bêlem trong đêm Chúa Giêsu giáng sinh (x. Lc 2,10). Thiên Chúa không chỉ nói, không chỉ thực hiện những dấu lạ kỳ diệu trong lịch sử nhân loại, nhưng Người còn trở nên gần gũi chúng ta đến mức trở thành một người trong chúng ta và sống cuộc sống của chúng ta một cách trọn vẹn. Trong thời buổi khó khăn hiện nay, biết bao bạn trẻ chung quanh các con cần được nghe biết sứ điệp Kitô giáo là một sứ điệp của niềm vui và hy vọng! Cha muốn cùng các con suy tư về niềm vui ấy, làm sao tìm được niềm vui ấy, để các con cảm nghiệm sâu xa hơn và đem lại niềm vui ấy cho những người các con gặp gỡ.

1. Tâm hồn chúng ta được tạo dựng để hưởng niềm vui

Khát vọng niềm vui ẩn chứa nơi tâm hồn con người. Vượt lên những thỏa mãn tức thời và mau qua, tâm hồn chúng ta đang tìm kiếm niềm vui hoàn hảo, trọn vẹn và bền vững, niềm vui mang lại “hương vị” cho cuộc sống. Điều đó đặc biệt đúng đối với các con, bởi vì tuổi trẻ là thời gian không ngừng khám phá cuộc sống, khám phá thế giới, tha nhân và chính mình. Đó là giai đoạn mở ra cho tương lai và những khát vọng lớn lao về hạnh phúc, tình bạn, về sẻ chia và chân lý, khi chúng ta được thúc đẩy bởi những lý tưởng cao cả và hoạch định những kế hoạch lớn lao.

Mỗi ngày có biết bao niềm vui đơn sơ mà Chúa ban cho chúng ta: niềm vui sống, niềm vui chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên, niềm vui hoàn thành tốt đẹp công việc, niềm vui phục vụ người khác, niềm vui của tình yêu chân thành và trong sáng. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy có nhiều lý do khác để chúng ta vui mừng. Có những giây phút hạnh phúc trong đời sống gia đình, trong tình bạn được chia sẻ, khi khám phá các khả năng và những thành công của mình, khi được người khác khen tặng, khi diễn đạt được chính mình và thấy mình được thấu hiểu, và khi cảm nhận mình hữu ích cho người khác. Cũng có niềm phấn khởi khi học được những điều mới, thấy được những chân trời mới mẻ và rộng lớn hơn mở ra nhờ du lịch và gặp gỡ, và nhận thức mình có khả năng để hoạch định tương lai. Đọc một tác phẩm văn chương lớn, chiêm ngưỡng một kiệt tác nghệ thuật, nghe hay chơi một bản nhạc, xem một cuốn phim; tất cả những điều đó có thể đem lại cho chúng ta niềm vui thực sự.

Nhưng mỗi ngày chúng ta cũng gặp một số khó khăn. Chúng ta cũng rất lo lắng về tương lai và tự hỏi liệu niềm vui trọn vẹn và lâu dài mà chúng ta hằng khao khát có phải là ảo tưởng và chạy trốn thực tại không. Nhiều bạn trẻ tự hỏi: niềm vui trọn hảo có thật không? Có nhiều nẻo đường khác nhau để tìm kiếm niềm vui, một số con đường tỏ ra sai lạc, nếu không nói là nguy hiểm. Làm thế nào phân biệt được những gì đem lại niềm vui thực sự và bền vững với những thú vui tức thời và hão huyền? Làm thế nào tìm được niềm vui đích thực trong cuộc sống, niềm vui bền vững và không bỏ rơi chúng ta trong những lúc khó khăn?

2. Thiên Chúa là nguồn mạch niềm vui đích thực

Những gì đem lại cho chúng ta niềm vui đích thực, dù là niềm vui nhỏ bé hằng ngày hay niềm vui lớn lao trong đời, tất cả đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, cả khi điều đó xem ra chưa hiển hiện ngay. Bởi vì Thiên Chúa là sự hiệp thông tình yêu bất diệt, Người là niềm vui vô tận không khép kín trong chính mình nhưng mở ra để ôm lấy những ai Người yêu mến và những ai yêu mến Người. Vì yêu thương Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh Người để tuôn đổ tình yêu của Người trên chúng ta và cho chúng ta được lãnh nhận đầy tràn sự hiện diện và ân sủng của Người. Thiên Chúa muốn chúng ta được chia sẻ niềm vui thiêng liêng và bất diệt của chính Người, và giúp chúng ta thấy rằng giá trị và ý nghĩa sâu xa của đời sống chúng ta là được Người chấp nhận, đón vào và thương yêu. Đang lúc đôi khi chúng ta thấy khó chấp nhận người khác thì Thiên Chúa lại đón nhận chúng ta một cách vô điều kiện, khiến chúng ta có thể nói: “Tôi được yêu, tôi có chỗ trong thế giới và trong lịch sử, tôi được Thiên Chúa yêu thương cách riêng. Nếu Thiên Chúa chấp nhận tôi và yêu thương tôi, và tôi xác tín về điều đó, thì tôi biết rõ và biết chắc rằng hiện hữu của tôi là điều tốt lành”.

Tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta được biểu lộ hoàn toàn nơi Chúa Giêsu Kitô. Nơi Ngài có niềm vui mà chúng ta đang đi tìm. Trong Phúc âm, chúng ta thấy các biến cố đầu đời của Chúa Giêsu in đậm dấu ấn niềm vui ra sao. Khi Tổng lãnh thiên thần Gabriel nói với Đức Trinh nữ Maria rằng Mẹ sẽ trở thành Mẹ của Đấng Cứu Độ, lời đầu tiên của thiên thần là: “Hãy vui lên!” (Lc 1,28). Khi Chúa Giêsu sinh ra, thiên thần Chúa nói với các mục đồng: “Này tôi báo cho anh em một tin vui trọng đại, cũng là tin vui cho toàn dân: hôm nay trong thành David, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em, Người là Đấng Mêsia và là Đức Chúa” (Lc 2,10-11). Khi các đạo sĩ đi tìm hài nhi, “trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng” (Mt 2,10). Nguyên do của những niềm vui ấy là Thiên Chúa ở gần bên chúng ta, Người đã trở nên một người trong chúng ta. Đó là điều mà thánh Phaolô muốn nói khi ngài viết cho các tín hữu Philipphê: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa. Tôi nhắc lại: anh em hãy vui lên! Lòng tốt của anh em phải tỏ ra cho mọi người thấy. Chúa đã gần đến” (Pl 4,4-5). Lý do trước hết khiến chúng ta vui mừng là Chúa ở gần bên chúng ta, Người đón tiếp tôi và yêu thương tôi.

Gặp gỡ Chúa Giêsu bao giờ cũng làm dậy lên trong lòng niềm vui vô tận. Chúng ta thấy điều này trong nhiều câu chuyện của Tin Mừng. Chẳng hạn, chúng ta thấy khi Chúa Giêsu đến thăm Dakêu, một người thu thuế bất lương, một người tội lỗi ai cũng biết, Ngài bảo: “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Thánh Luca thuật lại, ông Dakêu “vui mừng đón tiếp Ngài” (Lc 19,5-6). Đó là niềm vui gặp gỡ Chúa, niềm vui cảm nhận tình yêu Chúa – một tình yêu có sức biến đổi cả cuộc đời chúng ta và mang lại ơn cứu độ. Dakêu đã quyết định thay đổi cuộc sống và tặng phân nửa tài sản của mình cho người nghèo.

Vào giờ Chúa Giêsu chịu tử nạn, tình yêu này biểu lộ tất cả sức mạnh của mình. Vào lúc sau cùng của cuộc sống trên trần gian, khi ngồi đồng bàn với các bạn hữu trong bữa ăn tối, Chúa Giêsu nói với họ: “Như Cha đã yêu mến thầy, thầy cũng yêu mến anh em. Hãy ở lại trong tình yêu của thầy… Thầy nói với anh em những điều này để niềm vui của thầy ở trong anh em, và để niềm vui của anh em được trọn vẹn” (Ga 15,9.11). Chúa Giêsu muốn dẫn đưa các môn đệ của Ngài và từng người chúng ta vào trong niềm vui trọn vẹn, niềm vui mà Ngài chia sẻ với Chúa Cha, để tình Chúa Cha yêu Ngài cũng ở trong chúng ta (x. Ga 17,26). Niềm vui Kitô giáo là mở ra cho tình yêu Thiên Chúa và thuộc về Người.

Tin Mừng thuật lại rằng Maria Mađalêna và các phụ nữ khác đã đến viếng mộ nơi Chúa Giêsu được an táng sau khi chết. Một thiên thần báo tin cho họ biết Chúa Giêsu đã sống lại – một tin thật kinh ngạc. Thánh sử thuật tiếp, họ “sợ hãi nhưng lại rất đỗi vui mừng” rời khỏi mộ chạy đi báo tin vui cho các môn đệ. Chúa Giêsu đã gặp họ trên đường đi và nói: “Chào các con!” (Mt 28,8-9). Đó là niềm vui ơn cứu độ được ban cho họ. Chúa Kitô là Đấng đang sống và Đấng chiến thắng sự dữ, tội lỗi và sự chết. Ngài đang hiện diện với chúng ta như Đấng Phục Sinh và ở lại với chúng ta mãi cho đến tận thế (x. Mt 28, 20). Sự dữ không phải có tiếng nói cuối cùng trên cuộc đời chúng ta, nhưng niềm tin vào Chúa Kitô Đấng Cứu Độ nói với chúng ta rằng tình yêu của Thiên Chúa đã chiến thắng.

Niềm vui sâu xa này là hoa trái của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa, cảm nghiệm và hưởng nếm được sự tốt lành của Người, và gọi Người là “Abba”, Cha ơi (x. Rm 8,15). Niềm vui là dấu chỉ Thiên Chúa đang hiện diện và hành động nơi chúng ta.

3. Gìn giữ niềm vui Kitô trong tâm hồn

Đến đây chúng ta tự hỏi: “Làm thế nào để nhận được và gìn giữ ân huệ niềm vui thiêng liêng sâu xa này?”

Một Thánh vịnh đã nói: “Hãy đặt niềm vui của bạn trong Chúa, Người sẽ cho bạn phỉ chí toại lòng” (Tv 37,4). Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng “Nước Trời giống như một kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu đi, rồi vui mừng bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy” (Mt 13,44). Việc tìm được và giữ lấy niềm vui thiêng liêng là hoa quả của cuộc gặp gỡ Chúa. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta bước theo Ngài, đặt cược cả cuộc đời chúng ta nơi Ngài. Các bạn trẻ thân mến, đừng sợ phải liều mạng mình cho Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Đó là phương cách tìm được bình an nội tâm và hạnh phúc đích thực. Đó là phương cách sống trọn vẹn là con Thiên Chúa, được tạo dựng theo hình ảnh Người và giống như Người.

Tìm kiếm niềm vui trong Chúa: vì niềm vui là hoa trái của đức tin. Đó là ý thức sự hiện diện và tình bạn của Người mỗi ngày: “Chúa đang gần đến” (Pl 4,5). Đó là đặt niềm tin tưởng nơi Chúa, là lớn lên trong sự hiểu biết và tình yêu đối với Người. Chúng ta sắp khai mạc ‘Năm Đức Tin’, năm này sẽ giúp chúng ta và khích lệ chúng ta. Các con thân mến, hãy học cho biết Thiên Chúa hành động trong cuộc sống của các con như thế nào và nhận ra Người đang ẩn mình trong những biến cố hằng ngày. Các con hãy tin rằng Người luôn trung tín với giao ước đã ký kết với các con trong ngày các con chịu phép Rửa. Hãy biết rằng Chúa không bao giờ bỏ rơi các con. Hãy thường xuyên hướng nhìn lên Người. Người đã hiến dâng mạng sống trên thập giá vì yêu thương các con. Việc chiêm ngắm tình yêu vĩ đại này đem lại cho tâm hồn chúng ta niềm hy vọng và niềm vui mà không gì có thể phá hủy. Một kitô hữu không thể buồn sầu, vì đã được gặp Chúa Kitô, Đấng hiến mạng sống mình cho họ.

Tìm kiếm Thiên Chúa và gặp được Người trong cuộc sống chúng ta cũng có nghĩa là đón nhận Lời của Người, Lời làm tâm hồn chúng ta vui mừng. Ngôn sứ Giêrêmia viết: “Gặp được lời Chúa, con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan hỉ, làm vui thoả lòng con” (Gr 15,16). Hãy học biết đọc và suy niệm Kinh Thánh, ở đó các con sẽ tìm được câu trả lời cho những vấn nạn gay go nhất về chân lý. Lời Thiên Chúa vén mở những điều kỳ diệu mà Người đã thực hiện trong lịch sử nhân loại, cho chúng ta được tràn đầy niềm vui và dẫn chúng ta đến ca ngợi và tôn thờ: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa; hãy quỳ xuống trước mặt Chúa là Đấng dựng nên ta” (Tv 95,1.6).

Phụng vụ là nơi Giáo Hội đặc biệt dành riêng để diễn tả niềm vui đón nhận được từ Chúa để chuyển giao cho thế giới. Trong thánh lễ mỗi Chúa nhật, cộng đoàn Kitô hữu cử hành Mầu nhiệm trung tâm của ơn cứu độ là cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Đó là thời điểm quan trọng nhất đối với các môn đệ Chúa, vì hy tế tình yêu của Ngài được thực hiện. Chúa nhật là ngày chúng ta gặp Chúa Kitô Phục sinh, lắng nghe Lời Ngài và được nuôi dưỡng bằng Mình Máu Ngài. Như chúng ta nghe lời của một Thánh vịnh: “Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỉ!” (Tv 118,24). Trong đêm vọng Phục sinh, Giáo Hội hát lên bài ca “Exultet” (Mừng vui lên), một thánh thi diễn tả niềm vui vì Chúa Giêsu Kitô Giêsu đã chiến thắng tội lỗi và sự chết: “Hãy hát lên, hỡi các ca đoàn thiên thần trên trời… Hỡi trái đất, hãy mừng vui trong ánh sáng huy hoàng … Nơi đây hãy vang lên niềm vui, toàn dân Thiên Chúa hãy cất vang bài ca!” Niềm vui Kitô giáo phát sinh từ việc biết mình được một vị Thiên Chúa làm người yêu thương, hiến mạng vì chúng ta, đã chiến thắng sự dữ và sự chết. Niềm vui ấy là sống cuộc sống yêu mến Người. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, một nữ đan sĩ Cát Minh trẻ, đã viết: “Ôi Chúa Giêsu, niềm vui của con là yêu mến Chúa!” (Thơ thánh Têrêsa, bài 45, 21 tháng Giêng 1897).

4. Niềm vui yêu thương

Các con thân mến, niềm vui gắn liền với tình yêu. Đó là quà tặng của Thánh Thần, chúng không tách rời nhau (x. Gl 5, 23). Tình yêu sinh ra niềm vui và niềm vui là một hình thức yêu thương. Chân phước Têrêsa Calcutta đã lặp lại lời Chúa Giêsu “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35) khi nói rằng “Niềm vui là một tấm lưới tình yêu để lưới các linh hồn; Thiên Chúa yêu thương những ai vui vẻ trao ban. Ai trao ban một cách vui vẻ là trao ban nhiều hơn thế”. Vị Tôi Tớ Chúa là Đức Phaolô VI đã viết: “Nơi chính Thiên Chúa, tất cả đều là niềm vui bởi vì tất cả đều là ân ban” (Tông huấn Gaudete in Domino, 09 tháng Năm 1975).

Trong mọi lĩnh vực của cuộc sống các con, các con rằng nên biết rằng yêu thương nghĩa là kiên trì, trung thành với những gì đã cam kết. Trước hết là trong tình bạn. Các bạn của chúng ta mong muốn chúng ta sống chân thành, trung thực và trung tín, vì tình yêu đích thực thì kiên tâm bền chí ngay cả khi gặp khó khăn. Trong công việc, việc học hành và phục vụ cũng vậy. Lòng trung thành và kiên tâm làm điều thiện đem lại niềm vui, cho dù không phải bao giờ niềm vui ấy cũng đến ngay.

Nếu chúng ta muốn cảm nghiệm được niềm vui yêu thương, chúng ta phải sống quảng đại. Chúng ta không được hài lòng với việc cho đi cái tối thiểu. Chúng ta cần dấn thân hết mình trong cuộc sống và quan tâm đặc biệt đến những ai túng thiếu. Thế giới cần những người có khả năng và quảng đại, sẵn sàng phục vụ ích chung. Các con hãy nỗ lực chăm chỉ học tập; phát triển tài năng và dùng tài năng ấy để phục vụ tha nhân ngay từ bây giờ. Chúng con hãy tìm cách giúp cho xã hội công bằng hơn và nhân bản hơn, ở bất cứ nơi nào chúng con sống. Ước gì trọn đời sống các con được tinh thần phục vụ hướng dẫn chứ không phải việc tìm kiếm quyền lực, thành công vật chất và tiền bạc.

Về lòng quảng đại, cha muốn nói đến một niềm vui đặc biệt. Đó là niềm vui chúng ta cảm nghiệm khi đáp lại ơn gọi hiến dâng trọn đời mình cho Chúa. Các bạn trẻ thân mến, đừng sợ khi Chúa Kitô mời gọi chúng con sống đời tu trì, đan tu, truyền giáo hay linh mục. Các con hãy vững tin rằng Ngài sẽ ban tràn đầy niềm vui cho những ai đáp lời Ngài mời gọi từ bỏ mọi sự để ở với Ngài và hiến dâng đời mình để phục vụ tha nhân bằng một con tim không chia sẻ. Cũng thế, Chúa sẽ ban niềm vui lớn lao cho người nam và người nữ hoàn toàn hiến thân cho nhau trong hôn nhân để xây dựng một gia đình và trở thành dấu chỉ tình yêu của Chúa Kitô đối với Giáo Hội.

Cha muốn nói với các con về yếu tố thứ ba sẽ dẫn các con vào trong niềm vui yêu thương. Yếu tố ấy giúp cho tình huynh đệ được tăng trưởng trong đời sống của các con và của cộng đoàn các con. Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa hiệp thông và niềm vui. Không phải ngẫu nhiên mà lời thánh Phaolô khích lệ “Anh em hãy vui luôn trong Chúa” (Pl 4,4) lại được viết ở số nhiều để nói với cả cộng đoàn chứ không phải với các cá nhân. Chỉ khi hiệp thông với nhau trong tình huynh đệ thì chúng ta mới cảm nghiệm được niềm vui này. Trong sách Công vụ Tông đồ, cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên được mô tả như sau: “Họ bẻ bánh tại nhà mình, dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2,46). Cha kêu gọi các con hãy làm hết sức để giúp các cộng đoàn Kitô hữu trở thành nơi đặc biệt chia sẻ, quan tâm chăm sóc lẫn nhau.

5. Niềm vui hoán cải

Các con thân mến, cảm nghiệm niềm vui đích thực cũng có nghĩa là nhận ra những cám dỗ làm chúng ta xa rời niềm vui ấy. Nền văn hóa hiện nay thường thúc đẩy chúng ta tìm kiếm những mục tiêu, những thành công và những thú vui trước mắt. Nó cổ vũ tính hay thay đổi hơn là lòng kiên trì, chịu khó và trung thành với các cam kết. Nó tuyên truyền não trạng tiêu thụ và hứa hẹn hạnh phúc giả tạo. Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng của cải không bảo đảm hạnh phúc. Biết bao người của cải vật chất dư đầy mà cuộc sống ngập tràn thất vọng, buồn chán và trống rỗng. Để có được niềm vui bền vững, chúng ta phải sống trong tình yêu và sự thật, sống trong Thiên Chúa.

Thiên Chúa muốn chúng ta được hạnh phúc. Vì thế, Người đã ban cho chúng ta những chỉ dẫn cụ thể để tiến bước trong đời sống, đó là các điều răn. Khi tuân giữ các điều răn, chúng ta sẽ tìm thấy con đường sự sống và hạnh phúc. Thoạt nhìn, các điều răn ấy giống như bản danh sách những lệnh cấm và là chướng ngại ngăn cản tự do của chúng ta, nhưng nếu chúng ta xem xét kỹ lưỡng hơn, dưới ánh sáng sứ điệp của Chúa Kitô, chúng ta sẽ thấy rằng các điều răn là bộ luật sống thiết yếu và quý giá dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc theo kế hoạch của Thiên Chúa. Trái lại, biết bao lần chúng ta thấy rằng, xây dựng đời sống tách rời khỏi Thiên Chúa và ý Chúa sẽ mang lại thất vọng, buồn chán và cảm giác thất bại. Kinh nghiệm về tội lỗi như là sự từ khước đi theo Chúa và xúc phạm đến tình bằng hữu của Người, sẽ đem lại u sầu cho tâm hồn chúng ta.

Đôi khi con đường của đời sống Kitô hữu chẳng dễ dàng và việc trung thành với tình yêu của Chúa gặp trở ngại; có khi chúng ta còn vấp ngã. Nhưng Thiên Chúa thương xót chẳng bao giờ bỏ rơi chúng ta; Người luôn ban cho chúng ta cơ hội trở về với Người, làm hòa với Người và cảm nghiệm niềm vui của tình yêu tha thứ và đón nhận chúng ta trở về.

Các bạn trẻ thân mến, hãy năng đến với Bí tích Thống hối và Hòa giải! Đó là bí tích của niềm vui tìm lại được. Hãy xin Chúa Thánh Thần ban ánh sáng để chúng ta nhận ra tội lỗi của mình và xin Chúa tha thứ. Hãy thường xuyên lãnh nhận bí tích này cách bình tâm và tin tưởng. Chúa sẽ luôn mở rộng vòng tay đón nhận các con, Người sẽ thanh luyện các con và đưa các con vào trong niềm vui của Người: vì trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hoán cải” (x. Lc 15,7).

6. Niềm vui khi gặp thử thách

Tuy vậy, cuối cùng chúng ta vẫn có thể tự hỏi: liệu có thể thực sự vui sống ngay giữa những thử thách của cuộc đời, nhất là những thử thách đau thương và khó hiểu nhất? Chúng ta tự hỏi phải chăng bước theo Chúa và tin tưởng vào Ngài sẽ luôn mang lại cho chúng ta hạnh phúc?

Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời nơi một số kinh nghiệm của người trẻ như các con, những người đã tìm thấy nơi Chúa Kitô ánh sáng đem lại sức mạnh và hy vọng, ngay cả những khi gặp khó khăn. Chân phước Pier Giorgio Frassati (1901–1925) đã trải qua nhiều thử thách trong cuộc đời ngắn ngủi của ngài, có cả một thử thách về tình cảm khiến ngài bị tổn thương nặng nề. Ngay giữa hoàn cảnh ấy, ngài đã viết cho người em gái: “Em hỏi anh có hạnh phúc không. Làm sao anh không hạnh phúc được? Bao lâu đức tin ban cho anh sức mạnh, anh sẽ còn hạnh phúc! Một người Công giáo không thể không hạnh phúc (…) Mục đích mà chúng ta được tạo dựng bao hàm con đường nhiều chông gai, nhưng không phải là một con đường buồn chán. Đó là con đường vui, cả khi có những đau khổ” (Thư gửi em gái Luciana, Turin, 14 tháng Hai 1925). Khi giới thiệu chân phước Pier Giorgio như là mẫu gương cho người trẻ, chân phước Gioan Phaolô II đã mô tả ngài “là một người trẻ có một niềm vui lan tỏa, niềm vui vượt thắng mọi khó khăn trong đời” (Nói với giới trẻ, Turin, 13 tháng Tư 1980).

Gần chúng ta hơn là Chiara Badano (1971–1990), người được phong chân phước gần đây. Chiara đã cảm nghiệm đau thương có thể biến đổi nhờ tình yêu và hòa nhập vào niềm vui cách huyền nhiệm ra sao. Khi 18 tuổi, Chiara mắc bệnh ung thư rất đau đớn, chị đã cầu nguyện với Chúa Thánh Thần và cầu xin cho các bạn trẻ trong phong trào của chị. Cùng với việc xin ơn chữa lành, chị cũng cầu xin Chúa dùng Thánh Thần của Người soi sáng cho tất cả các bạn trẻ này, ban cho họ sự khôn ngoan và ánh sáng. “Đó thực sự là lúc Thiên Chúa hiện diện. Em đau khổ trong thân xác, nhưng linh hồn em hát ca” (Thư gửi chị Chiara Lubich, Sassello, 20 tháng Mười Hai 1989). Chìa khóa sự bình an và niềm vui của chị là hoàn toàn tín thác vào Chúa và chấp nhận bệnh tật như là thánh ý nhiệm mầu của Chúa vì ích lợi cho chị và cho mọi người. Chị thường nói: “Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa muốn thế, thì con cũng muốn”.

Đó chỉ là hai trong số biết bao chứng tá khác cho thấy rằng người Kitô hữu đích thực không bao giờ tuyệt vọng và buồn chán, ngay cả khi đối mặt với những thử thách gay go. Những chứng tá ấy cho thấy rằng niềm vui Kitô giáo không phải là trốn chạy thực tại, nhưng là một sức mạnh siêu nhiên giúp chúng ta đương đầu với những thử thách của cuộc sống hằng ngày. Chúng ta biết rằng Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh hằng ở với chúng ta và là người bạn luôn trung tín. Khi chia sẻ đau khổ với Ngài, chúng ta cũng chia sẻ vinh quang của Ngài. Với Ngài và trong Ngài, đau khổ biến thành tình yêu. Và chúng ta sẽ gặp niềm vui (x. Cl 1,24).

7. Chứng nhân của niềm vui

Các con thân mến, để kết thúc, cha muốn khuyến khích các con hãy trở thành những nhà thừa sai của niềm vui. Chúng ta không thể hạnh phúc nếu những người khác không hạnh phúc. Niềm vui phải được chia sẻ. Các con hãy đi kể cho các bạn trẻ khác niềm vui tìm được kho tàng quý giá là chính Chúa Giêsu. Chúng ta không được giữ lấy niềm vui đức tin cho riêng mình. Nếu muốn giữ được niềm vui ấy, chúng ta phải cho đi. Thánh Gioan nói: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, bây giờ chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, chúng tôi viết ra điều này để niềm vui của chúng ta được trọn vẹn” (1 Ga 1,3-4).

Kitô giáo đôi khi được mô tả như một lối sống bóp nghẹt tự do và đi ngược lại ước muốn hạnh phúc và niềm vui của chúng ta. Điều đó hoàn toàn không đúng! Kitô hữu là những người thực sự hạnh phúc vì biết rằng mình không cô độc. Họ biết rằng bàn tay Thiên Chúa luôn nâng đỡ họ! Các con là những người trẻ bước theo Chúa Kitô, các con có nhiệm vụ chỉ cho thế giới thấy rằng đức tin mang lại hạnh phúc và niềm vui đích thực, trọn vẹn và bền vững. Nếu có lúc cách sống của người Kitô hữu tỏ ra buồn tẻ và chán ngán, thì các con phải là những người đầu tiên cho thấy khía cạnh vui tươi và hạnh phúc của đức tin. Phúc Âm là “tin vui” nói rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và mỗi chúng ta đều quan trọng đối với Người. Các con hãy cho thế giới thấy rằng thật sự là như thế!

Các con hãy trở thành những chứng nhân nhiệt thành của công cuộc tân Phúc Âm hóa! Hãy đến với những ai đang đau khổ, những ai đang tìm kiếm, và mang lại cho họ niềm vui mà Chúa Giêsu muốn trao ban. Hãy mang niềm vui ấy đến cho gia đình các con, trường học của các con, nơi làm việc của các con và cho bạn bè của các con, ở bất cứ nơi đâu các con sống. Các con sẽ thấy niềm vui ấy lan truyền như thế nào. Các con sẽ nhận được gấp trăm: niềm vui cứu độ cho chính các con, niềm vui được thấy Lòng Thương Xót của Thiên Chúa hoạt động nơi các tâm hồn. Và khi các con đến gặp Chúa vào ngày sau hết, các con sẽ nghe Chúa nói: “Tốt lắm, đầy tớ tốt lành và trung tín của Ta, hãy vào hưởng niềm vui cùng chủ ngươi!” (Mt 25,21).

Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với các con trên hành trình này. Mẹ đã đón nhận Chúa vào lòng và đã loan báo điều ấy bằng một bài ca chúc tụng và vui mừng, bài Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, tâm trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi” (Lc 1,46-47). Mẹ Maria đã hoàn toàn đáp lại tình yêu Chúa khi tận hiến đời Mẹ cho Người trong phục vụ khiêm tốn và trọn vẹn. Mẹ được kêu cầu là “Đức Bà làm cho chúng con vui mừng” vì Mẹ đã ban cho chúng ta Chúa Giêsu. Xin Mẹ dẫn các con đến hưởng niềm vui này, một niềm vui không ai lấy mất được của các con!

Vatican, 15 tháng Ba 2012

Bênêđictô XVI, Giáo hoàng

(Đức Thành dịch theo bản tiếng Anh của Libreria Editrice Vaticana)

(Nguồn: WHĐ)