MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Vòng quanh Giáo phận (3)

7h15 Thứ Tư (28.3.2012), nhóm anh em chúng tôi gặp nhau tại Toà Giám Mục. Lần này cũng vắng Cha Đoàn, ba anh em chúng tôi và anh Thuỵ, tài xế. Cũng như lần trước, chúng tôi được anh chị Hồng Lý cho xử dụng chiếc Camry của gia đình.


7h22, chúng tôi trực chỉ Giáo xứ Hoằng Phước, thuộc huyện Đại Lộc, Quảng Nam. 8h19, chúng tôi tới nhà thờ Hoằng Phước. Quang cảnh nhà thờ nhộn nhịp khác thường. Vào nhà xứ mới biết hôm nay Giáo xứ Hoằng Phước tổ chức sám hối mùa Chay. Chúng tôi gặp Cha sở Antôn Nguyễn Tri Pháp và ba cha “hàng xóm” đến giúp giải tội: Cha Phêrô Nguyễn Đệ, Quản xứ La Nang, Cha G.B. Phan Đình Lượng, Quản xứ Phú Hương và Cha Phaolô Ngô Tấn Thu, Quản xứ Hà Tân. Chương trình của các ngài là giải tội ở Hoằng Phước buổi sáng, chiều tại Hà Tân. Thấy đông giáo dân, ba anh em chúng tôi cũng tham gia giải tội, và thay vì đến thăm các giáo xứ La Nang, Phú Hương và Hà Tân, chúng tôi xin kiếu các Ngài, và hẹn gặp quý cha lần khác tại giáo xứ.



Cha sở Hoằng Phước đang xây dựng đài Đức Mẹ Lên Trời trước sân nhà thờ. Tượng Đức Mẹ đã có mấy năm trước do một cha gốc Hoằng Phước đang mục vụ tại Sài Gòn tặng, còn đài Đức Mẹ thì do một nghệ nhân ở giáo xứ An Hải giúp thực hiện, nghe đâu vài hôm nũa là hoàn thành. Ngài cũng đang cho xây dựng nhà vệ sinh công cộng để phục vụ cho Đại Hội Dân Chúa Giáo xứ sắp tới, và cũng để sử dụng cho những sinh hoạt chung của giáo xứ và các dịp hội hè giao lưu với các giáo xứ bạn. Ngài cũng cho biết, Giáo xứ Hoằng Phước đang thiếu phòng giáo lý, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, vì khả năng xứ đạo rất chật hẹp. Chúng tôi động viên ngài: “Thiên Chúa rất quảng đại sẽ lo cho cha thôi, vì Chúa trao việc cho ai thì chắc chắn Người cũng sẽ ban phương tiện mà!”


Cha sở La Nang kể với cha cố Phêrô Vũ Văn Khoá, cựu Quản xứ La Nang, là ngài mới xây thêm tam cấp lên đài Đức Đức Mẹ do Cha Khóa xây dựng trước đây. Bây giờ các em thiếu nhi có thể dễ dàng lên dâng hoa cho Đức Mẹ thường xuyên hơn. Ngài bông đùa: tam cấp xong rồi thì cũng vừa hết tiền, nên lan can chưa có, chắc phải chặt hai cây tre thật dài và cột hai bên làm tay vịn thôi! Mọi người bật cười. Cha sở La Nang “móc túi” các Cha già khéo thật, cách riêng là Cha cựu quản xứ, chắc “cầm lòng không đậu”.

Chúng tôi từ biệt lên đường, trước sự quyến luyến của quý cha. Chúc quý cha một mùa Chay thánh thiện!


Chúng tôi trở về Giáo xứ Ái Nghĩa lúc 10h27. Vào nhà xứ chẳng thấy ai, chỉ có mấy người thợ đang xây gì đó sau đài Thánh Giuse. Họ cho biết Cha Quản xứ Giacôbê Hứa Hùng Quang có ở nhà. Ngài ở trên tầng hai. Chúng tôi lên phòng ngài, vừa lúc ngài đi ra. Ngài mời vào phòng khách chuyện trò. Thầy xứ Tôma Lưu Hoàng Việt đi Đà Nẵng, còn ngài đang bị lở miệng. Ngài cho biết đây là bệnh “kinh niên” của ngài từ khá lâu. Khi đau bên này, khi bên kia, ít lâu thì khỏi, rồi bị lại… có khi bị ảnh hưởng cả lưỡi nữa, nói năng chẳng được dễ dàng, nhưng chỉ mấy hôm thì khỏi. Ngài cho biết đang uống nước nấu nấm linh chi để trị bệnh, không biết có kết quả gì không, ai bảo gì thì nghe nấy. Nếu không đau, hôm nay Ngài cũng đi giải tội với các cha ở Hoằng Phước. Ngài cho biết đang cho xây lại hệ thống vệ sinh, cũ quá, hỏng cả rồi, phải làm gấp để kịp phục vụ cho Đại Hội Dân Chúa sắp tới. Ở đâu cũng thấy nô nức về Đại Hội Dân Chúa. Thật phấn khởi! Chúc cha mau khỏi bệnh để còn lo Tuần Thánh sắp đến gần.


10h48, chúng tôi từ giã Ái Nghĩa, lên Nông Sơn thăm Giáo xứ Trung Phước.

Ai cũng đã đi Trung Phước vài lần rồi, nhưng lần này vẫn bị lạc như thường. Đúng ra phải rẽ trước khi tới thị trấn huyện Quế Sơn, chúng tôi lại đi qua. May mà còn nhớ mang máng là đường quá lạ, nên hỏi thăm mới quay trở lại. Đường đi Trung Phước nay đã khá tốt, khung cảnh đèo Le vẫn đẹp. Nghe ông bà kể sở dĩ gọi là đèo Le, vì ngày xưa, ai đi qua đèo này cũng phải “le lưỡi” mà thở, vì đèo vừa dốc vừa dài. Chúng tôi tới Trung Phước lúc 12h40.


Nhà xứ đóng cửa, cảnh nhà vắng vẻ. Những rổ rá đựng tô chén thì đang phơi đầy ngoài sân. Thử lên tiếng gọi, thì cha sở G.B. Hoàng Đình Ưng, dòng Ngôi Lời ở đâu đó chạy về. Ngài niềm nở mời chúng tôi vào phòng khách. Vào nhà, chúng tôi bày đồ ăn ra vì đã quá trưa rồi. Chúng tôi mời cha sở và thầy sáu Đa-minh Nguyễn Đức Linh ăn cho vui, nhưng các ngài từ chối vì mới ăn xong. Chúng tôi thắc mắc sao chỉ hai anh em ăn với nhau thôi mà dùng chén bát chi nhiều thế, Ngài mới bảo cho biết Chúa Nhật vừa qua, lễ Acies của Legio Mariae thuộc Curia Trà Kiệu được tổ chức tại đây, số lượng lên cả hơn trăm người, nên phải thuê bàn ghế chén bát.


Chia sẻ công việc mục vụ, ngài cho biết đã bắt đầu có thể đi dâng lễ ở giáo họ Xuân Hoà, cách đây 7km. Giáo dân rất phấn khởi, vì mỗi tuần có một thánh lễ, dầu chỉ là ngày thường, nhưng bầu khí đạo đức ấm hẳn lên. Chính ngài cũng cảm thấy rất an ủi, khi đến với những giáo dân ở heo hút nơi đây, và dâng lễ tạm tại tư gia cho họ, mỗi lần cũng được từ 50 đến 60 người tham dự. Nghe ngài chia sẻ, chúng tôi xin ngài đưa lên thăm tận nơi, và thấy rõ sự hy sinh tận tuỵ của một linh mục là thế nào. Xin cầu nguyện nhiều cho cha sở và cộng đoàn Trung Phước. Cũng cầu cho cụ sáu Linh nữa, vì nghe đâu ngài sắp rời Trung Phước về nhà dòng tĩnh tâm chuẩn bị lãnh nhận tác vụ mới. Trên xe trở về, anh em thầm cảm tạ Chúa, và cảm phục tấm lòng và nhiệt tình của những anh em linh mục đang đảm nhận công tác mục vụ ở những vùng trung du của Giáo phận.


Rời Trung Phước, chúng tôi đỗ dốc đèo Le đến Giáo xứ Xuân Thạnh. Cha sở G.B. Hồ Thái Sơn vui vẻ ra đón chúng tôi. Ngài dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng nhà thờ mới đang trong giai đoạn hoàn thiện. Cái gì cũng mới, cũng đẹp. Tác giả nhà thờ Chính Trạch, nhà thờ Tiên Phước, nhà thờ Vĩnh Điện, mà cũng phải tấm tắc khen cha sở Xuân Thạnh tuổi trẻ tài cao. Chỉ tiếc một điều là nhà xứ được xây trước đây, quá gần nhà thờ, làm giảm vẽ mỹ quan toàn cảnh.



Đưa khách vào nhà xứ uống nước nói chuyện. Ngài cho biết công trình tốn khoảng 3,5 tỉ đồng. Đó là nhờ đội ngũ thợ nề, thợ mộc, công phụ là giáo dân trong Giáo xứ, nếu không thì kinh phí phải vượt xa con số đó. Cầu mong cha sở khoẻ luôn, không phải chỉ nhà thờ này, ngài còn phải lo thêm dăm bảy giáo họ khác nữa.


Như tại các giáo xứ khác, cha cố Khoá đại diện nhóm tặng cha sở Xuân Thạnh hộp nho khô để lai rai cho vui. Xin chào cha và thầy xứ Giuse Phạm Nguyên Huy. Hẹn gặp lại nơi đây vào lễ Thánh Giuse Lao Công, ngày khánh thành dự kiến của nhà thờ Xuân Thạnh.

Rời Xuân Thạnh, chúng tôi đến Giáo xứ Hòa Lâm. Gần đây, đọc qua mạng của Giáo phận dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Giáo xứ Hoà Lâm, chúng tôi đã được xem một số hình ảnh, nhưng hôm nay mới được tai nghe mắt thấy. Nhớ ngày ngài về nhận làm cha sở tiên khởi của giáo xứ tân lập này, chỉ vỏn vẹn có ngôi nhà thờ, tuy được xây kiên cố, nhưng thiếu trước hụt sau. Nhà xứ cũng không, cha xứ phải ở tạm nhà giáo dân. Thế mà chỉ sau 5 năm, Hoà Lâm nay đã trở thành một giáo xứ tươm tất. Lúc đầu diện tích nhà thờ chỉ vỏn vẹn bằng diện tích xây dựng, từ giọt mưa mái tôn nhỏ xuống trở vào. Nay khuôn viên đã là 3.000m2, có tường xây bao quanh, bông hoa cây cảnh. Trong đó, từng công trình lần lượt mọc lên: phòng áo, nhà xứ, đường kiệu, nhà truyền thống, nhà giáo lý, đài Đức Mẹ, rồi đài Thánh Giuse. Cung thánh nhà thờ cũng được nâng cấp rất mỹ thuật và tôn nghiêm. Khung cảnh chung thật hài hoà, khéo léo.





Chúng tôi không ngớt lời khen ngợi ngài, còn ngài thì khiêm tốn nói: “Tất cả là hồng ân”. Ơn Chúa ban, ơn giáo dân và ân nhân chung tay góp sức, cả ơn của chính quyền địa phương đã cấp đất đai. Đời linh mục không thiếu niềm vui, nhưng cũng lắm nỗi buồn, rất cần được mọi người nâng đỡ, cảm thông và khích lệ. Những khó khăn không thiếu, nhưng rồi mọi sự Chúa thương cũng qua hết. Mới đó mà cũng đã 10 năm linh mục rồi còn gì. Cầu Chúa cho cha luôn noi gương thánh quan thầy Giuse vững vàng trong đức tin, luôn khiêm tốn, âm thầm, cần cù và thánh thiện.



Chúng tôi đến Vĩnh Điện lúc 17h17. Giáo dân đang đến gẫm đàng thánh giá và chuẩn bị tham dự thánh lễ. Cha sở G.B. Châu Ngọc Minh và thầy xứ Stêphanô Hồ Chí Quan ra tiếp chúng tôi ân cần. Cha sở xem ra còn mệt mỏi sau trận đau bất thần vừa qua. Vốn là thổ địa ở đất này, nên cha cố Phêrô Vũ Văn Khoá được các bà con giáo dân xúm đến chào hỏi. Cha sở đưa chúng tôi đi xem nhà truyền thống, vốn là ngôi nhà xứ cũ cổ kinh, được cha sở dùng phương pháp của thần đèn Cẩm Luỹ di dời qua một bên, không sai một ly, dành đất xây nhà xứ mới. Hội trường mới tráng nền xong. Cuối cùng, chúng tôi vào thăm nhà xứ mới hai tầng rất khang trang. Tầng dưới làm phòng khách rộng rãi. Tầng trên có ba phòng: đầu này của cha sở, đầu kia là phòng thầy xứ, và phòng chính giữa cha sở nói là dành cho cha cố Phêrô Khoá, “kính mời cha về ở với giáo xứ chúng con.” Cha Khoá trả lời: “nguyên việc cha có lòng tốt mời con về đây đã là quý lắm rồi. Cám ơn cha.” Có lẽ không phải chỉ cha sở mà cả giáo dân Giáo xứ Vĩnh Điện cũng muốn mời cha cố Phêrô về để họ phụng dưỡng vị ân nhân của Giáo xứ. Nghe nói ở Sàigòn, giáo xứ Trung Chánh cũng đã mời cha cựu quản xứ về phụng dưỡng cho đến khi ngài qua đời. Thật là quý hoá! Giá mỗi giáo xứ đều có lòng tốt như vậy thì Giáo phận cũng đỡ phải lo nhà hưu cho các cha.





Nhà thờ Vĩnh Điện bắt đầu xướng kinh. Chúng tôi xin cáo biệt cha sở ra về lúc 17h38 và đến Toà Giám Mục hơn 18h.

Tạ ơn Chúa một ngày bình an!

Rất cảm phục các cha trẻ, các ngài luôn vui tươi, hăng say phục vụ trên cánh đồng truyền giáo của Giáo phận. Tuy mỗi người một hoàn cảnh, nhưng Thánh Thần Chúa ban tràn đầy ơn khôn ngoan cho mỗi vị để tất cả đều đem hết khả năng hoạt động cho vinh danh Chúa, mưu ích cho các linh hồn và xây dựng Giáo phận thân yêu.

Xin cầu chúc quý cha mùa Chay thánh thiện.

Hiệp thông trong lời cầu nguyện mỗi ngày.

Nhóm các linh mục hưu

(Nguồn: giaophandanang.org)