VATICAN - Trong bài giảng Thánh lễ Làm Phép Dầu sáng Thứ Năm Tuần Thánh 5-4-2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI phê bình lập trường của một nhóm linh mục kêu gọi bất tuân phục gọi là để canh tân Giáo Hội.
Hồi tháng 6-2011, nhóm LM người Áo, dưới dưới lãnh đạo của Lm. Helmut Schueller, nguyên Tổng Đại diện Giáo phận Vienne, đã đề ra điều gọi là “Sáng kiến của các cha sở”, qua đó họ kêu gọi “Bất tuân phục Rôma”, cổ vũ truyền chức LM cho phụ nữ, cho phép những người ly dị và các tín hữu Công giáo không Kitô và những người đã ra khỏi Giáo hội Công giáo được rước lễ. Các buổi phụng vụ Lời Chúa trong đó có phần cho rước lễ phải được coi là “các thánh lễ không có linh mục”.
Theo nhóm này, có 400 LM ủng hộ và tham gia “Sáng kiến của các cha sở” không những tại Áo, nhưng còn tại Đức và nước khác. Họ bất chấp luật không giáo dân giảng trong Thánh lễ, bổ nhiệm giáo dân coi sóc các giáo xứ, bất phân biệt nam nữ, tình trạng gia đình, cho phụ nữ và những người có gia đình làm linh mục.
ĐHY Christoph Schoenborn, TGM Giáo phận Vienne, Chủ tịch HĐGM Áo, cố gắng đối thoại với nhóm linh mục này, nhưng từ khước mọi yêu cầu của họ.
Trong bài giảng thánh lễ làm phép dầu, ĐTC đã nhắc đến nhóm linh mục đó và bác bỏ lập luận của họ. Ngài cổ vũ các linh mục trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô, Đấng đã vâng phục cho đến chết, và xác quyết: “Sự trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô chính là điều kiện phải có và là nền tảng của mọi sự canh tân”.
ĐTC cũng đề cao vai trò của các thánh, như “những bản dịch” lối sống của Chúa Kitô đối với các tín hữu của Người, lối sống mà họ có thể thấy và có thể noi theo. Từ Thánh Phaolô, qua dòng lịch sử, liên tục có “những bản dịch” như thế về đời sống của Chúa Giêsu trong những nhân vật lịch sử sinh động. Sau cùng, ĐTC cổ vũ các linh mục hãy tận dụng Năm Đức Tin để giúp các tín hữu đào sâu giáo lý và sự hiểu biết về Chúa Giêsu, đồng thời ngài nhắn nhủ.
Đồng tế với ĐTC trong Thánh lễ bắt đầu lúc 9:30 sáng tại Đền thờ Thánh Phêrô có 40 hồng y và 60 giám mục thuộc các cơ quan trung ương Toà Thánh và Toà Giám quản Rôma, cùng với 1.600 linh mục, trước sự hiện diện của gần 7.000 tín hữu.
Sau bài giảng của ĐTC, các hồng y, giám mục và linh mục hiện diện đã cử hành nghi thức lặp lại những lời đã hứa khi chịu chức linh mục. Tiếp đến, ngài đã làm phép dầu dự tòng, dầu bệnh nhân và dầu thánh hiến (Crisma). Dưới đây là nguyên văn bài giảng của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến!
Trong Thánh lễ này, chúng ta nghĩ đến lúc mà Đức Giám Mục, qua việc đặt tay và cầu nguyện, dẫn đưa chúng ta vào trong chức linh mục của Chúa Giêsu Kitô, để chúng ta được “thánh hiến trong chân lý” (Ga 17,19), như Chúa Giêsu, trong Kinh nguyện Tư tế, đã cầu xin Chúa Cha cho chúng ta. Chính Ngài là Chân Lý. Ngài đã thánh hiến chúng ta, nghĩa là trao chúng ta vĩnh viễn cho Thiên Chúa, để từ Thiên Chúa và hướng về Ngài, chúng ta có thể phục vụ loài người. Nhưng chúng ta có được thánh hiến cả trong thực tại cuộc sống của chúng ta hay không? Chúng ta có phải là những người đang hoạt động từ Thiên Chúa và hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô hay không? Chúa đang đứng trước chúng ta với câu hỏi này, và chúng ta đứng trước Ngài. “Các con có muốn kết hiệp thân tình với Chúa Giêsu Kitô và trở nên đồng hình dạng với Chúa, từ bỏ chính mình và canh tân những lời hứa, củng cố những cam kết thánh thiêng mà trong ngày chịu chức các con đã vui mừng đón nhận hay không?” Đó là câu hỏi được nêu lên với mỗi người trong anh em và chính tôi sau bài giảng này. Qua đó có hai điều được đặc biệt diễn tả: chúng ta được yêu cầu có một mối liên hệ nội tâm, hay đúng hơn là trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô, và qua đó nhất thiết phải vượt lên trân bản thân chúng ta, từ bỏ những gì chỉ là chúng ta mà thôi, từ bỏ sự tự thể hiện thường rất được biểu dương. Chúng ta được yêu cầu không đòi một cuộc sống riêng cho bản thân, nhưng đặt để cuộc sống ấy cho một người khác sử dụng, đó là Chúa Kitô. Chúng ta đừng hỏi: Điều ấy có lợi gì cho tôi?, trái lại cần phải hỏi: Tôi có thể hiến dâng gì cho Chúa và cho tha nhân? Hoặc cụ thể hơn nữa, sự trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô ấy phải được thực hiện thế nào? Chúa Kitô không thống trị nhưng phục vụ; không chiếm hữu, nhưng cho đi - điều ấy phải được thể hiện thế nào trong tình trạng nhiều khi bi thảm của Giáo Hội ngày nay? Mới đây, một nhóm linh mục tại một nước Âu châu đã công bố lời kêu gọi bất tuân phục, đồng thời đưa ra những thí dụ cụ thể qua đó người ta có thể biểu lộ sự bất tuân phục ấy, một sự bất tuân phục làm ngơ không biết đến những quyết định chung kết của Huấn quyền Hội Thánh - ví dụ trong vấn đề truyền chức cho phụ nữ mà Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố một cách không thể hồi lại rằng Giáo Hội không hề được Chúa cho phép về vấn đề. Phải chăng bất tuân phục là một con đường để canh tân Giáo Hội? Chúng ta có muốn tin các tác giả của lời kêu gọi ấy khi họ quả quyết là họ được thúc đẩy do mối quan tâm đối với Giáo Hội hay không? Chúng ta có tin họ khi họ nói họ xác tín rằng cần phải đương đầu với sự chậm chạp của các cơ chế bằng những phương thế quyết liệt, hầu mở ra những con đường mới - để đưa Giáo Hội lên mức độ cao xứng với ngày nay hay không? Nhưng sự bất tuân phục là một con đường hay không? Trong thái độ bất tuân phục như thế, ta có thể nhận ra điều gì là trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô hay không? Sự đồng hình đồng dạng ấy là một điều kiện tiên quyết phải có để canh tân đích thực, hay chỉ là một sự thúc đẩy tuyệt vọng làm một cái gì đó để biến đổi Giáo Hội theo ước muốn và tư tưởng của chúng ta?
Nhưng chúng ta không nên quá đơn giản hoá vấn đề. Phải chăng Chúa Kitô đã chẳng sửa chữa các truyền thống phàm nhân đe doạ bóp nghẹt lời nói và ý chí của Thiên Chúa sao? Đúng thế, Chúa đã làm điều ấy để tái thức tỉnh sự vâng phục đối với ý muốn đích thực của Thiên Chúa, với Lời Chúa luôn luôn giá trị. Ngài thực sự quan tâm đến sự vâng phục đích thực, chống lại phán đoán độc đoán của con người. Và chúng ta đừng quên rằng: Ngài là Chúa Con, với quyền bính và trách nhiệm đặc biệt biểu lộ ý muốn chân thực của Thiên Chúa, và qua đó mở con đường Lời Chúa hướng về thế giới dân ngoại. Và sau cùng, Ngài đã cụ thể hoá sứ mạng của Ngài qua sự tuân phục và hạ mình cho đến Thập Giá, và qua đó làm cho sứ mạng của Ngài trở nên đáng tin. Không phải ý Con, nhưng là ý Cha: đó là lời biểu lộ Chúa Con, sự khiêm hạ và cùng với thần tính của Ngài, và lời ấy chỉ đường cho chúng ta”.
Một lần nữa, chúng ta hãy hỏi thêm: Phải chăng với những nhận xét như thế, trong thực tế người ta bênh vực thái độ bất động, sự cứng nhắc của truyền thống? Không phải vậy. Ai nhìn lịch sử thời hậu Công đồng đều có thể nhận thấy tính chất sinh động của sự canh tân đích thực, thường có những hình thức bất ngờ trong các phong trào đầy sức sống, và làm cho sức sinh động khôn lường của Hội Thánh, sự hiện diện và hoạt động hiệu năng của Chúa Thánh Linh trở thành một điều hầu như có thể động chạm được. Và nếu chúng ta nhìn những người từ đó đã và đang nảy sinh những dòng sông tươi mát của sự sống, chúng ta cũng thấy rằng để được tái phong phú, chúng ta cần được tràn đầy niềm vui đức tin, tính chất quyết liệt của sự vâng phục, niềm hy vọng sinh động và sức mạnh của tình yêu.
Các bạn thân mến, rõ ràng là sự trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô chính là điều kiện phải có và là nền tảng của mọi sự canh tân. Nhưng có lẽ hình ảnh Chúa Kitô nhiều khi đối với chúng ta quá cao cả và lớn lao, khiến chúng ta không dám lấy Ngài làm mẫu mực. Chúa biết điều đó. Vì thế, Ngài đã dự trù “những bản dịch” để sự cao cả và lớn lao của Ngài trở nên gần gũi và vừa tầm hơn với chúng ta. Chính vì thế, Thánh Phaolô không ngại nói với các cộng đoàn của người rằng: Anh chị em hãy bắt chước tôi, nhưng tôi thuộc về Chúa Kitô. Thánh nhân là một “bản dịch” lối sống của Chúa Kitô đối với các tín hữu của người, lối sống mà họ có thể thấy và có thể noi theo. Từ Thánh Phaolô, qua dòng lịch sử, liên tục có “những bản dịch” như thế về đời sống của Chúa Giêsu trong những nhân vật lịch sử sinh động. Các linh mục chúng ta có thể nghĩ đến một hàng ngũ đông đảo các linh mục thánh thiện, đã đi trước để chỉ đường cho chúng ta: bắt đầu từ Thánh Policarpo thành Smirne và Thánh Ignatio thành Antiokia, qua các vị đại mục tử như Thánh Ambroxio, Augustino và Gregorio Cả, cho đến Thánh Ignatio Loyola, Carlo Borromeo, Gioan Maria Vianney, tới các linh mục tử đạo hồi thế kỷ 20, và sau cùng đến ĐGH Gioan Phaolô II, qua hoạt động và đau khổ, người nêu gương cho chúng ta về sự trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô, như “hồng ân và mầu nhiệm”. Các thánh chỉ cho chúng ta thấy sự canh tân tiến hành như thế nào và chúng ta có thể phục vụ sự canh tân ấy ra sao. Các vị cũng làm cho chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa không xét những số lượng lớn và những thành công bên ngoài, nhưng Ngài mang lại những chiến thắng trong dấu chỉ khiêm hạ của hạt cải bé nhỏ.
Các bạn thân mến, tôi muốn nói sơ qua hai lời chủ yếu của sự canh tân những lời hứa của linh mục, giúp chúng ta suy nghĩ trong giờ này của Giáo Hội và của đời sống bản thân chúng ta. Trước tiên là nhớ đến sự kiện chúng ta là “những người quản lý các mầu nhiệm Thiên Chúa” (1 Cr 4,1) như Thánh Phaolô đã nói, và chúng ta có sứ vụ giảng dạy (munus docendi), vốn là thành phần của việc quản lý các mầu nhiệm Thiên Chúa, trong đó Chúa chỉ cho chúng ta tôn nhan và con tim của Ngài, để ban chính mình cho chúng ta. Trong cuộc gặp gỡ các hồng y nhân dịp công nghị mới đây, nhiều vị Chủ Chăn, do kinh nghiệm của các vị, đã nói về sự dốt nát về giáo lý đang lan tràn trong xã hội thông minh của chúng ta. Những yếu tố cơ bản của đức tin, mà xưa kia mỗi trẻ em đều biết, nay ngày càng được biết đến. Nhưng để có thể sống và yêu mến đức tin của chúng ta, để có thể yêu mến Thiên Chúa và nhờ đó có thể lắng nghe Chúa một cách đúng đắn, chúng ta phải biết Thiên Chúa nói gì với chúng ta; lý trí và con tim của chúng ta phải được Lời Chúa đánh động. “Năm Đức Tin”, kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican II, đối với chúng ta phải là một cơ hội để loan báo sứ điệp đức tin với lòng nhiệt thành mới và niềm vui mới mẻ. Dĩ nhiên chúng ta tìm thấy điều đó một cách cơ bản và trước tiên trong Kinh Thánh mà chúng ta không bao giờ đọc và suy niệm cho đủ. Trong vấn đề này, tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm cần được giúp đỡ để thông truyền đức tin một cách đúng đắn hiện nay, để thực sự đánh động tâm hồn. Trợ lực này chúng ta tìm thấy trước tiên trong lời của Giáo Hội giảng dạy: các văn kiện của Công đồng chung Vatican II và Sách Giáo Lý của Hội thánh Công giáo là những dụng cụ thiết yếu chỉ dẫn cho chúng ta một cách chính thức điều mà Giáo Hội tin từ Lời Chúa. Và dĩ nhiên tất cả kho tàng các văn kiện mà Đức Giáo hoàng Gioan Phalô II cho chúng ta cũng thuộc vào số các tài liệu ấy và chưa được khai thác sâu rộng.
Mỗi việc loan báo của chúng ta phải được đo lường theo lời Chúa Giêsu Kitô: “Đạo lý của tôi không phải là của tôi” (Ga 7,16). Chúng ta không loan báo những lý thuyết và ý kiến riêng, nhưng là đức tin của Giáo Hội mà chúng ta là những người phục vụ. Nhưng dĩ nhiên điều này không có nghĩa là tôi không ủng hộ đạo lý này với trọn con người của tôi và không bén rễ chắc chắn trong đó. Trong bối cảnh này tôi nghĩ đến lời Thánh Augustinô: Điều gì là của tôi cho bằng chính tôi? Điều gì ít là của tôi cho bằng chính tôi? Tôi không thuộc về mình và tôi trở thành chính tôi do sự kiện tôi đi ra ngoài bản thân tội và nhờ sự vượt lên trên chính tôi, tôi được tháp nhập vào Chúa Kitô và trong Thân Thể của Ngài là Giáo Hội. Nếu chúng ta không loan báo chính mình và nếu trong thâm tâm chúng ta trở thành một với Đấng đã kêu gọi chúng ta làm sứ giả của Ngài đến độ chúng ta được đức tin uốn nắn và sống đức tin, thì khi ấy lời giảng của chúng ta đáng tin. Tôi không quảng cáo chính mình, nhưng hiến thân mình. Cha Sở họ Ars không phải là một nhà thông thái, trí thức như chúng ta đã biết. Nhưng với lời rao giảng của Người, Người đánh động tâm hồn dân chúng, vì chính thánh nhân đã được đánh động trong tâm hồn.
Lời nói chủ yếu cuối cùng tôi muốn nhắc đến là lòng nhiệt thành đối với các linh hồn (animarum zelus). Đó là một kiểu nói lỗi thời mà ngày nay hầu như người ta không dùng nữa. Thậm chí, trong một số môi trường, từ “linh hồn” là một từ bị cấm dùng, vì người ta nói từ này diễn tả thuyết nhị nguyên giữa thân xác và linh hồn, phân chia con người một cách sai lầm. Chắc chắn con người là đơn nhất, có một vận mệnh đời đời cùng với xác và hồn. Nhưng điều này không thể có nghĩa là chúng ta không còn một linh hồn nữa, một nguyên lý cấu thành bảo đảm sự thống nhất của con người trong cuộc sống và vượt lên trên cái chết thể lý. Và trong tư cách là linh mục, dĩ nhiên chúng ta lo lắng cho con người toàn diện, cả những nhu cầu thể lý - những người đói, bệnh nhân, những người không gia cư. Nhưng chúng ta không chỉ lo về thân xác, nhưng cả những nhu cầu của linh hồn nữa: những người đang chịu đau khổ vì bị vi phạm quyền, hoặc vì một tình yêu bị phá huỷ; những người ở trong tối tăm đối với chân lý; những người đang đau khổ vì thiếu chân lý và tình thương. Chúng ta lo âu cho phần rỗi của con người trong thân xác và linh hồn. Và trong tư cách là linh mục của Chúa Kitô, chúng ta thi hành điều ấy với lòng nhiệt thành. Cần làm sao để người ta không bao giờ có cảm tưởng: chúng ta chu toàn kỹ lưỡng thời biểu làm việc của chúng ta, nhưng trước sau chúng ta chỉ thuộc về chính mình. Một linh mục không bao giờ thuộc về chính mình. Người ta phải nhận thấy lòng nhiệt thành của chúng ta, qua đó chúng ta làm chứng tá về Tin Mừng của Chúa Kitô một cách đáng tin cậy. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta được tràn đầy niềm vui về sứ điệp của Ngài, để với lòng nhiệt thành vui tươi, chúng ta có thể phụng sự chân lý và tình thương của Ngài. Amen.
G. Trần Đức Anh OP chuyển ý
(Nguồn: Radio Vatican)