MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Các GM Thái Lan: Học thuyết Xã hội của Giáo Hội giúp phát triển cộng đồng ASEAN

EMTY (Bangkok, 5-8-2012, AsiaNews) - Trong một xã hội làm “nô lệ” cho chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa vật chất, điên cuồng tìm kiếm tiền bạc và sự thành công, thì những giá trị của Giáo Hội và việc chú trọng vào con người rất cần thiết cho sự phát triển dân tộc thực sự. Những yếu tố này thật quan trọng và cấp bách, đặc biệt trong quan điểm hướng đi của Thái Lan trong khối ASEAN, với hy vọng đạt được sự tự do thương mại và di chuyển giữa các quốc gia thành viên vào năm 2015. Sự hợp tác chặt chẽ giữa hội đồng giám mục và từng giáo phận là điều cần thiết cho sự thành công của mục tiêu này, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục, nhằm thúc đẩy nhận thức về Cộng đồng ASEAN và hỗ trợ những giá trị không thể thương lượng như: phẩm giá sự sống con người và nhân vị, các quyền và trách nhiệm trong xã hội.

Lộ trình được xác nhận bởi các quốc gia ASEAN - Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Brunei, Lào, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Philippines và Indonesia - sẽ được thực hiện vào năm 2015, cho phép tự do thương mại và di chuyển, với các mục tiêu: loại bỏ các hàng rào thuế quan mới nhất, tiêu chuẩn hoá thủ tục hải quan và tiêu chuẩn chỉ định nguồn gốc và đầu tư, tự do hoá vốn trong khu vực, người lao động được tự do di chuyển, mở các lĩnh vực dịch vụ, tăng cường cơ sở hạ tầng liên vùng.

Trong một thị trường ngày càng khó khăn và tiêu thụ, trong đó mức phân cách giàu nghèo ngày càng cao, thì Học thuyết Xã hội của Giáo Hội trở thành một điểm tham chiếu cho sự thăng tiến cá nhân và sự tiến bộ ở cấp độ toàn cầu. Đã vài lần các giám mục Thái Lan đưa ra các sáng kiến và mở các hội thảo chuyên đề, như trường hợp Hội nghị Caritas địa phương mới đây, được tổ chức từ ngày 19 đến 21-6 tại Trung tâm Camillians ở Bangkok. Sự kiện này có sự hiện diện của Đức Giám mục Philip Banchong Chaiyara, Chủ tịch Uỷ ban Phát triển Nhân sinh của Hội đồng Giám mục Thái Lan, cùng với 13 linh mục, 46 tu sĩ và 72 giáo dân, thảo luận về chủ đề: “Những thách thức của Giáo Hội trong việc Phát triển Nhân sinh, hướng tới việc hình thành Cộng đồng ASEAN”.

Sự bất bình đẳng và bóc lột lao động ngày càng trở nên đặc trưng của xã hội châu Á trong thời hiện đại, giữa các nước có sự cách biệt lớn về kinh tế và vấn đề lao động nhập cư nổi lên mạnh mẽ. Tình trạng này là do nạn buôn người và buôn lậu ma tuý, các đinh nhọn tội phạm, các xâm phạm quyền cá nhân.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngày càng có nhiều cánh đồng bị giật khỏi tay người nông dân, nhằm thúc đẩy việc thâm canh theo khuôn mẫu tư bản chủ nghĩa, để lại những hậu quả tai hại cho môi trường và sản xuất lương thực. Thêm vào những thảm hoạ kinh tế này còn có sự băng hoại về mặt nhân cách và xã hội, dẫn đến việc gia tăng các vụ phá thai, bạo lực, mang thai vị thành niên và lạm dụng trong gia đình.

Vì lý do này, người Công giáo phải làm sống lại các nguyên tắc của Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, vì sự phát triển nhắm đến sự tiến bộ kinh tế cũng như giá trị và phẩm giá của mỗi người. Với việc thể hiện một Giáo Hội ở giữa những người nghèo và người bị thiệt thòi, các tín hữu cùng với sự hỗ trợ của các mục tử cần được khuyến khích nâng cao tầm nhận thức về cộng đồng ASEAN và đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng này.

Hùng Nguyễn

(Nguồn: empty.org)