Phỏng vấn Linh mục Enrique Figaredo Alvargonzalez, SJ, người Tây Ban Nha, về kinh nghiệm truyền giáo tại Campuchia
Trong thời gian qua, Vương quốc Campuchia được giới truyền thông chú ý, vì đã là nơi tổ chức ASEAN nhóm hội nghị dưới quyền chủ tịch theo lượt của chính quyền Phnom Penh. Báo chí thế giới nhòm ngó Campuchia vì lập trường trung lập của Campuchia đối với vấn đề nóng bỏng tranh chấp Biển Đông. Thật ra, vì Campuchia nhận được viện trợ của Trung Quốc, nên đã không lên tiếng ủng hộ Việt Nam và Philippines chống lại yêu sách hoàn toàn vô lý, trịch thượng của Trung Quốc, lấy thịt đè người, coi toàn Biển Đông là của mình.
Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”, tức là toàn bản đồ địa dư tới các tỉnh của Trung Hoa, được thực hiện dưới thời nhà Thanh, in năm 1904, ghi rõ cực nam của Trung Hoa là đảo Hải Nam. Việc “trơ trẽn nhận vơ” toàn Biển Đông gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thuộc Trung Quốc, chỉ là cách “ỷ mình lớn mạnh cướp của người yếu làm của mình”, hoàn toàn trái nghịch với luật lãnh hải quốc tế.
Tuy nhiên, Campuchia còn được thế giới biết đến vì lịch sử thương đau và cuộc diệt chủng dưới thời Chính quyền Cộng sản Polpot và Khmer Đỏ, khiến cho gần 2 triệu người bị sát hại, trong có có cả các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, các giáo lý viên, và giới trung lưu, trí thức sinh viên học sinh. Nhưng sau những năm đen tối, tủi nhục với nạn diệt chủng kinh hoàng, Campuchia đã từ từ trở thành một quốc gia rộng mở cho nền dân chủ đa đảng.
Campuchia rộng hơn 181.000 cây số vuông, có khoảng 15 triệu dân, 96% theo Phật giáo là quốc giáo, 2% là người Cham theo Hồi giáo và 1% theo Kitô giáo. Năm 1953, Campuchia được độc lập khỏi chế độ bảo hộ của Pháp và do Hoàng thân Sihanouk lãnh đạo. Năm 1967, lực lượng cộng sản Khmer Đỏ theo Mao Trạch Đông dấy động vụ nổi dậy khiến cho Campuchia rơi vào cảnh nội chiến. Năm 1969, Hoàng thân Sihanouk giao quyền cho tướng Lon Nol. Ngày 18-3-1970, tướng Lon Nol đảo chính, khiến cho Hoàng thân Sihanouk phải sống lưu vong bên Matxcơva rồi bên Bắc Kinh. Tướng Lon Nol thành lập Cộng hoà Khmer, được Hoa Kỳ yểm trợ, nhưng sau đó năm 1973 bị Hoa Kỳ phản bội bỏ rơi. Và thế là Polpot và quân Khmer Đỏ, được Trung Quốc yểm trợ, tiến chiếm Phnom Penh ngày 17-4-1975.
Polpot và Khmer Đỏ áp dụng chính sách cộng sản “triệt để và sắt máu” hơn Liên Xô và Trung Quốc. Đêm 17 rạng ngày 18-4-1975, toàn dân thủ đô Phnom Penh bị đẩy vào các trại cải tạo ở vùng quê. Cuộc diệt chủng bắt đầu và trong các tháng ngày sau đó ruộng đồng trên toàn nước Campuchia đầy máu và xác người.
Năm 1978, Việt Nam xua quân xâm lăng Camphuchia và tàn phá ruộng đồng khiến cho chế độ độc tài Polpot và Khmer Đỏ sụp đổ. Việt Nam đặt lên một chính quyền bù nhìn và tái tổ chức Campuchia theo kiểu mẫu cộng sản Lào và Việt Nam. Trong thập niên 1980, người dân Camphuchia thiếu lương thực, thuốc men và bị suy dinh dưỡng nên tử vong rất nhiều.
Năm 1989, Việt Nam rút lui khỏi Campuchia, và năm 1990, Liên Hiệp Quốc gửi lực lượng bảo vệ hoà bình tới. Thủ tướng Hun Sen, do Việt Nam đặt lên, đã cai trị Campuchia từ đó tới nay, sau 3 lần thắng cử. Đối thủ chính của ông là Sam Rainsy lưu vong sang Paris năm 2005. Vua Norodom Sihanpouk trở lại nắm quyền từ năm 1993, nhưng năm 2004 đã thoái vị lần thứ hai và nhường ngôi cho Thái tử Norodom Sihamoni. Năm 2011, các tranh chấp biên giới với Thái Lan liên quan tới đền Preah Vihear khiến cho Campuchia đụng độ với quân đội Thái.
Ngày nay, Campuchia là một quốc gia dân chủ đa đảng đang phải cố gắng rất nhiều trong việc tái thiết và chữa lành các vết thương quá khứ.
Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Linh mục Enrique Figaredo Alvargonzalez, dòng Tên, người Tây Ban Nha, về kinh nghiệm truyền giáo bên Campuchia. Cha Enrique, năm nay 52 tuổi, đã làm việc truyền giáo tại Campuchia từ hơn 25 năm qua.
Hỏi: Thưa Cha Enrique, Cha đã gia nhập Tập viện của Dòng Tên năm 20 tuổi. Thế Cha qua Campuchia khi nào, và tại sao Cha lại chọn làm việc truyền giáo tại Campuchia?
Đáp: Hồi đó tôi đang tìm gặp gỡ Thiên Chúa và tôi đã làm điều này trong Tập viện Dòng Tên và khi tôi học triết học. Tuy nhiên, sau khi học xong ngành kinh tế, tôi đã muốn cho các con số mình học có một gương mặt, và tôi trình bày với Cha Giám tỉnh rằng tôi muốn làm việc thiện nguyện cho người tị nạn và muốn tìm hiểu họ. Chúa Giêsu Kitô khổ đau trong thế giới, và tôi nghĩ rằng các anh chị em tị nạn này sẽ giúp tôi hiểu sống giống Chúa Giêsu Kitô là như thế nào. Tôi sẵn sàng làm mọi việc, và một ngày nọ tôi nhận được một lá thư từ Bangkok của Văn phòng Trợ giúp Người Tị nạn của Dòng Tên. Thư viết: “Chúng tôi chờ thầy ở đây ngày mồng 1 tháng 9”. Lúc đó là tháng 5 tôi còn đang phải chuẩn bị thi, nên rất xúc động.
Hỏi: Hồi đó Campuchia vần còn đang có chiến tranh, có đúng thế không, thưa Cha?
Đáp: Vâng, đúng thế. Tôi đã phải nhìn vào bản đồ để xem Campuchia nằm ở đâu. Các hình đầu tiên của người Campuchia đều cho thấy họ quấn khăn Krama, là chiếc khăn rằn ri, như tôi đang mang bây giờ. Khăn Krama là chiếc khăn đa dụng: để lau mồ hôi, để che nắng mặt trời, để lau mặt hay để làm võng cho con nít ngủ. Nếu chúng tôi phải chọn một biểu tượng cho Campuchia, thì chúng tôi sẽ chọn chiếc khăn Krama. Vì thế, khi tôi quàng khăn Krama, cũng y như là tôi mang nước Campuchia theo tôi, như trong các hình người tị nạn Campuchia đầu tiên mà tôi đã trông thấy. Mọi người đều quàng khăn Krama, và sự kiện này đã đánh động tôi rất nhiều.
Hỏi: Cha đã tới Campuchia năm 1985, thế cảm tưởng đầu tiên của Cha là gì?
Đáp: Trước hết là sự sợ hãi. Tôi sợ đến chết được. Khi tôi đi đến các trại tị nạn, thật là một cuộc phiêu lưu. Phải qua 5 trạm kiểm soát của quân đội, và mỗi một lần như thế thì tình hình lại càng đáng lo lắng hơn. Các binh sĩ mặc đồ đen, không có một nụ cười, và họ hỏi giấy chúng tôi một cách tàn bạo. Khi tôi tới được cổng trại tị nạn, tôi sẽ không bao giờ quên điều đó, lúc hàng rào chắn mở ra, chúng tôi đã bước vào. Trước mắt tôi bất thình lình là các trẻ em ăn mặc rách rưới, đi chân đất, nhưng rất tươi vui. Tôi nhớ có rất nhiều niềm vui, niềm vui và sự sống, sự sống... sự sống tràn đầy, trong khi các em bị nhốt trong một trại tị nạn, có thể nói là như những người tù chiến tranh.
Hỏi: Thưa Cha, vậy thì điều gì xảy ra sau đó?
Đáp: Tôi tới thăm viếng họ và tôi đã được ông Jhaimet là trưởng trại tiếp đón. Tôi nhớ rất rõ: ông đứng với hai cái nạng, vì chỉ còn có một chân, chân kia thì bị thương nặng nên bị cưa, và ông cũng chỉ còn có một mắt. Tôi không biết nói tiếng Campuchia, nhưng có một chú bé làm thông dịch viên cho tôi. Ông ta nói: “Chúng tôi đã nghe nói là Cha tới đây để giúp chúng tôi”, và tôi sợ đến chết được, tôi trả lời: “Phải, phải”. Ông ta trả lời: “Vậy thì xin Cha đừng lo lắng, tôi sẽ nói cho Cha biết chúng tôi cần cái gì”. Ngay lúc đó, tôi cảm thấy một sự bình an mênh mông, để nói rằng ông Jhaimet đã là tiếng Thiên Chúa nói với tôi: “Xin Cha đừng lo lắng, chúng tôi chào mừng Cha đến với chúng tôi, chúng tôi yêu Cha”.
Hỏi: Thưa Cha, trong các trại tị nạn này đa số dân là Phật tử, như trong nước Campuchia, có phải thế không?
Đáp: Vâng, đúng thế, đa số họ theo đạo Phật. Dĩ nhiên, cũng có tín hữu Công giáo nhưng ít lắm. Ngoài ra, chiến tranh cũng là lý do khiến cho tín hữu Công giáo biến mất. Rất nhiều người đã bị giết chết: các linh mục, các giám mục, tất cả mọi người bị tàn sát. Trong các trại tị nạn còn có một số sống sót của Israel, của Kitô giáo, của các gia đình bé nhỏ, thường không có cha. Đa số các phụ nữ goá chồng, và rất thường khi cả người cha gia đình cũng đã biến mất. Các trẻ em là con của những người Công giáo, nhưng không được dạy dỗ gì, và các em rất cần được trợ giúp một cách đặc biệt.
Hỏi: Trong lễ nghi đặt Cha làm Phủ doãn Tông toà, có một phụ nữ sống sót đã lên làm chứng tá và đã nói về Giáo hội Campuchia trong 30 năm qua đã như là một Giáo Hôi của máu vá nước mắt. Bà ấy muốn ám chỉ các bách hại mà quân Kmer Đỏ của Polpot đã gây ra cho Giáo Hội, bởi vì Giáo hội Campuchia là một Giáo Hội tử đạo, có phải thế không, thưa Cha?
Đáp: Vâng, đúng vậy. Giáo hội Campuchia là một Giáo Hội tử đạo. Giáo Hội đã hoàn toàn bị triệt hạ. Như tôi đã nói trên đây, tất cả các vị lãnh đạo Giáo Hội: các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và nhiều giáo lý viên đã bị sát hại. Những người đã không bị giết, thì đã chết vì đói khát và bệnh tật. Và tình hình Giáo Hội rất thể thảm. Ngày nay, chúng tôi đã có các các nơi tưởng niệm các vị tử đạo. Chúng tôi cử hành lễ tưởng niệm các vị vào 2 ngày mồng 7 và 8-5. Tuy nhiên, khi tưởng nhớ các vị tử đạo của mình, chúng tôi cũng lớn lên trong đức tin, bởi vì các vị tử đạo này đã chết với một đức tin sống động. Đức cha Paul Tep Im Sotha, Phủ doãn Tông toà đầu tiên của Battambang mà tôi kế vị, đã cử hành thánh lễ và chúc lành cho tất cả mọi tín hữu 2 ngày trước khi qua đời. Ngài nói với họ: “Các thời gian khó khăn sẽ tới, anh chị em hãy chăm sóc đức tin của mình và hãy săn sóc đức tin của người khác”. Sau khi dâng Thánh lễ, Đức Cha đã lên một chiếc xe và đã bị giết. Đức cha Joseph Chhamar Salas, Giám mục Phnom Penh, đã được chỉ định làm Giám mục 4 ngày trước khi quân Khmer Đỏ tiến vào thủ đô. Ngài đã bị bắt đi lao động như mọi người và Toà Giám mục của ngài đã ở giữa ruộng.
Hỏi: Đó có phải là một loại các trại tập trung hay không, thưa Cha?
Đáp: Đúng thế, và trong các trại tập trung này, Đức Cha đã làm việc như một mục tử và đi thăm các tín hữu Công giáo. Đức Cha đã cầu nguyện và cử hành Thánh lễ, mặc dù có rất nhiều hạn chế. Đức Cha đã lo lắng cho dân chúng như một người nghèo và đã chết vì đói và bệnh tật. Nhưng khi Đức Cha qua đời, các người thân của ngài đã lấy Thánh giá đeo ngực của ngài và dân chúng đã tụ tập nhau lại để cầu nguyện chung quanh cây Thánh giá của Đức cha Salas.
Hỏi: Thưa Cha, hiện nay Giáo hội Campuchia không còn là một Giáo Hội tử đạo nữa, nhưng vẫn là Giáo Hội đau khổ, có đúng thế không?
Đáp: Vâng đúng vậy. Sau khi Polpot qua đời, một chế độ cộng sản ủng hộ Việt Nam đã được thiết lập và cũng đã gây ra rất nhiều đau khổ cho dân chúng. Nó đã không đem lại tự do tôn giáo và dân chúng vẫn tiếp tục bị thử thách và khổ đau vì nghèo đói. Nhưng ký ức về các vị tử đạo trao ban cho chúng tôi một sức mạnh lớn lao, bởi vì chúng tôi đã trông thấy họ hiến thân trong đau khổ, và các tín hữu Công giáo chúng tôi cũng đã đau khổ nhiều, và ngày nay họ là các chứng nhân bằng chính đời sống của họ.
(ZENIT 31-7-2012)
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Radio Vatican)