Các quyết định của Công đồng Chung Vatican II đã được thực hiện đặc biệt trong việc cải cách Lịch Phụng vụ, và bên cạnh đó là việc duyệt lại sách lễ và sách các bài đọc cũng như Kinh Thần Vụ.
Lịch Phụng vụ có mục đích sắp xếp các cử hành trong năm và trật tự các ngày lễ phát xuất từ nền thần học của Năm Phụng vụ. Theo đó, việc cử hành Mầu nhiệm Phục sinh tạo thành nòng cốt cho việc phụng tự Kitô trong sự phát triển hằng ngày, hằng tuần và hằng năm của nó. Vì thế, Lịch Phụng vụ không khởi hành từ Mùa Vọng là mùa khởi đầu, mà từ Lễ Vượt Qua, Lễ Phục Sinh, và đồng thời từ ngày Chúa Nhật.
Trước hết, Lịch Phụng vụ phải trả lại cho 2 thời điểm này giá trị và ý nghĩa của chúng, trên bình diện điều luật cũng như trên bình diện nội dung. Trên bình diện điều luật, bình thường ngày Chúa Nhật chỉ được nhường chỗ cho các lễ khác của Chúa mà thôi, chứ không nhường chỗ cho lễ nào khác; và trên bình diện nội dung trong sách bài đọc và trong lời chúc tụng của sách lễ cũng như của Kinh Thần Vụ. Vì thế, tầm quan trọng thứ bậc được dành cho các ngày Chúa Nhật của các “mùa mạnh”, nghĩa là Mùa Chay và Mùa Vọng. Đối với một vài Chúa Nhật thì có một sự sắp xếp vì các lý do mục vụ, khiến cho chúng trùng với các lễ có tính cách bình dân như lễ Thánh Gia, Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa. Đối với một số Chúa Nhật khác thì việc thích nghi được đưa vào sau này, do Hội đồng Giám mục Italia đề ra. Chẳng hạn như Lễ Hiển Linh, Lễ Chúa Thăng Thiên, Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Phần cuối cùng của Năm Phụng vụ có sắc thái cánh chung.
Vì thứ tự trong tuần được tổ chức chung quanh Chúa Nhật, nên sự thay đổi hằng năm xoay quanh việc Vọng Phục Sinh đóng khung trong một Tam Nhật, được bao quanh bởi việc chuẩn bị trong Mùa Chay và kéo dài ra với Mùa Phục Sinh.
Mùa Phục Sinh lấy lại thời gian 50 ngày, trong khi Mùa Chay có sắc thái giáo lý rửa tội hơn là chiều kích sám hối. Lịch Phụng vụ cải cách bỏ các thời gian 70 ngày và thời gian khổ nạn, nhưng giữ lại điểm khởi hành của chúng vào Thứ Tư Lễ Tro. Việc thay đổi cũng xảy ra với lễ kính các Thánh, bị huỷ bỏ, vì các ngày Mùa Chay không cho phép việc kính nhớ đơn sơ ấy.
Chu kỳ Giáng sinh nhấn mạnh đề tài cánh chung trong Mùa Vọng đã được phong phú hoá với lễ trọng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và được củng cố bởi Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa.
Liên quan tới việc tôn sùng các thánh, khía cạnh cải cách Lịch Phụng vụ gây tiếng vang nhất đã là việc gạt bỏ các thánh ra khỏi danh sách chính thức. Vì đã quen với việc kính hầu như mỗi ngày một vị thánh, nên nhiều người bị ấn tượng bởi việc thay đổi này. Đôi khi đã xảy ra phản ứng thô tục, hậu quả của một quan niệm lệch lạc về vai trò của các Thánh. Nó làm méo mó các viễn tượng và nhìn sai các ý hướng. Thật ra, trước các nguyên tắc của Hiến chế về Phụng vụ Thánh đòi hỏi được áp dụng, người ta đã có thái độ tương đối hay khoan nhượng.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng các thánh bị loại bỏ ra khỏi Lịch Phụng vụ không phải chỉ là các vị của Lịch Rôma. Đa số các thánh đã luôn luôn ở ngoài không có tên trong lịch, đến độ có thể khẳng đỉnh rằng nguyên tắc truyền thống của phụng vụ địa phương dành cho các vị đã luôn luôn tiếp tục là nguyên tắc thắng thế, trừ một số trường hợp, tương đối ít, các vị được tôn kính một cách đại đồng. Lịch Phụng vụ Tây phương đã không bao giờ muốn là một giai tầng danh dự được ghi danh với tiêu chuẩn thống kê và chủ trương lưu giữ, mặc dù nó có khuynh hướng thái quá không thể cưỡng lại được.
Lịch Phụng vụ của Giáo hội Rôma đã được thành hình từ tài liệu “Depositio martyrum” là danh sách các vị tử đạo và “Cronografo”, tức Thi ký của Filocalo thuộc năm 354, bao gồm 23 tưởng niệm các thánh hay nhóm các thánh, cộng với Lễ Giáng Sinh. Sau đó là dựa trên danh sách Kinh nguyện Thánh Thể gồm tên của 40 vị thánh. Tài liệu “Martiriologio Geronimoniano” thuộc thế kỷ thứ V bao gồm danh sách các vị tử đạo xem ra đã được dùng để mở rộng thêm nữa. Trong các thế kỷ từ thứ VIII tới thứ X, Lịch Phụng vụ lại ghi dấu một bước tiến khác nữa. Sau một thời gian ngừng nghỉ, bằt đầu từ thế kỷ thứ XI, lịch đầy lễ nhớ các thánh, cộng thêm với các thánh thời Trung Cổ. Nhưng danh sách các vị tử đạo thời Trung Cổ ít đáng tin cậy trên bình diện lịch sử. Lý do là vì các thánh, có thật hay giả dụ, quá nhiều khi được coi như là các anh hùng truyền kỳ, được chú ý vì các hành động kỳ diệu, được ca tụng bởi các trình thuật đầy các phép lạ.
Chính vì thế nên năm 1568, Đức Giáo hoàng Pio V đã thanh lọc lần đầu tiên một cách mạnh mẽ danh sách các thánh được tôn kính trong Lịch Phụng vụ. Nhưng vào cuối thế kỷ XVIII, các thánh mới lại được thêm vào trong lịch, tất cả khoảng hơn 50 vị. Vào giữa thế kỷ XVIII việc duyệt lại Lịch Phụng vụ đã được thực hiện 2 lần, vào năm 1912 do Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV; rồi sau đó Đức Giáo hoàng Piô X cho cải tổ một phần. Nhưng cả hai lần việc cải tổ bị dừng lại, vì các Giáo hoàng qua đời. Danh sách các vị tử đạo năm 1922 đã không tiếp nhận ý kiến của các sử gia, đặc biệt là các tu sĩ dòng Tên do Linh mục Jean Bolland hướng dẫn, trong việc lập danh sách các thánh.
Sự sít sao khoa học mà thế kỷ của chúng ta đòi hỏi, trong đó khoa học ngày càng khắt khe hơn, bắt buộc phải duyệt lại và thanh tẩy danh sách các thánh khỏi các truyền kỳ và phải đưa ra ánh sáng cuộc đời của một số vị thánh bị nghi ngờ, với mục đích làm sáng tỏ sự thật.
Lịch Phụng vụ hầu như chỉ diễn tả môi trường Địa Trung Hải, và một cách phụ thuộc môi trường trung Âu châu. Các đại lục mới và các Giáo hội mới thành lập sau này hầu như vắng bóng. Sự thánh thiện như được trình bày trong Lịch Phụng vụ kính các thánh không phản ánh một cách đồng đều các phong phú đặc sủng mà Chúa Thánh Thần dấy lên trong cuộc sống của Giáo Hội dọc dài nhiều thế kỷ.
Các nhóm thánh được trình bày trong đó, ngoài các vị tử đạo ra, không đi xa hơn các giám mục, linh mục, các đấng sáng lập dòng và các tu sĩ nam nữ. Các thánh giáo dân và các người sống ơn gọi đời hôn nhân và sứ mệnh là cha mẹ hầu như hoàn toàn vắng mặt. Chính vì thế nên gương mặt của dân Chúa là Giáo Hội không được toàn vẹn, vì thiếu các vị thánh đại diện cho giáo dân là tầng lớp chiếm đại đa số các thành phần dân Chúa.
Ngoài ra, cần phải tạo ra một cách sắp xếp các thánh không phải theo tiêu chuẩn pháp lý nhưng theo tiêu chuẩn thần học, và cần phải đơn giản hoá việc mừng kính các vị. Có một nguyên tắc khác được truyền thống ưa thích, không phải vì các lý do khảo cổ mà vì các lý do thần học, đó là định ngày mừng kính mỗi khi có thể, vào đúng ngày vị ấy sinh vào cuộc sống phục sinh, sinh vào quê trời “dies natalis”. Nói một cách tích cực, người ta thấy sự cần thiết có một Lịch Phụng vụ các thánh khách quan hơn, có thể phản ánh một quan điểm đại đồng về sự thánh thiện, nghĩa là có tính cách đại diện trong nghĩa lịch sử, địa lý, và thứ loại. Tuy nhiên, chỉ có thể áp dụng một phần các nguyên tắc này cùng với các nguyên tắc của tài liệu về Phụng vụ Thánh của Công đồng Chung Vatican II liên quan tới việc trải rộng ra trong toàn Giáo Hội các “thánh có tầm quan trọng đại dồng thực sự” (s. 111). Chúng trở thành các đường hướng chỉ dẫn, trong thế khó khăn của việc tạo quân bình để đừng rơi vào các lựa chọn tự ý, làm sao để biên soạn một Lịch Phụng vụ phản ánh được thế quân bình và diễn tả được một cách tổng hợp gia tài tinh thần của sự thánh thiện trong Giáo Hội.
Như thế, nỗ lực cải tổ Lịch Phụng vụ năm 1969 là việc nghiên cứu đầu tiên có chương trình quy mô. Trên bình diện hình thái, lịch không gắn liền với các chu kỳ thời gian, cả khi có tôn trọng chúng một cách không tuyệt đối, nhưng gắn liền với các tháng và với các ngày. Các thánh hiện diện với tất cả quyền của các vị, và việc kính nhớ phải được coi như việc cử hành mầu nhiệm của Chúa Kitô, được thực hiện trong các chi thể của Người.
Ngoài các lễ trọng của Chúa ra, chúng ta có các lễ kính Đức Trinh Nữ Maria, các Thiên thần, các Tông đồ, và các Thánh của Tân Ước. Khác với các Giáo hội Đông phương, Giáo hội Rôma không kính các thánh thời Cựu Ước. Theo lời Chú giải lịch sử đính kèm với Lịch Rôma, có tất cả 158 lễ nhớ, trong đó có 63 lễ nhớ bắt buộc, và 95 lễ nhớ tuỳ ý. Sự lựa chọn này đã cho phép làm nhẹ bớt danh sách và tạo thuận tiện cho việc cử hành loại có ý nghĩa hơn, tương đương với các thánh hay nhóm các thánh, ngoại trừ Thánh Lorenzo Phó tế, với bậc lễ kính vì là đồng bổn mạng của thành Rôma. Cũng có ý nghĩa sự kiện 11 vị thánh hay nhóm các thánh được mừng như: Gansgario, Colombano, Gioan Fischer, Thomas More, các Thánh Tử đạo Nagasaki Nhật Bản, các Thánh Tử đạo Uganda và Canada, Thánh Turibio Montenegro, Thánh Martino thành Porres, Thánh Phêrô Chanel, Thánh nữ Maria Goretti, các Thánh tử đạo Rôma.
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Radio Vatican)